Trong những ngày này, lượng người đổ về Phú Thọ ngày một đông. Đây là dịp để người dân đất Tổ giới thiệu những món đặc sản của quê hương cho du khách gần xa, trong số đó không thể thiếu món canh sắn chua nấu cá.
Chẳng phải là cao lương mỹ vị gì nhưng chính sự khéo léo, cầu kỳ của người chế biến, những nguyên liệu bình dân vẫn đủ sức níu chân khách du lịch, khiến họ ăn một lần mà nhớ mãi màu rau nồng ấm như màu đất trung du, vị rau ngọt bùi tựa tình người đất Tổ.
Để nấu được bát canh ngon, đầu bếp phải có kinh nghiệm trong khâu chọn rau sắn. Rau ăn được là loại sắn trắng lá xanh, còn loại sắn lá tre, màu tía sẽ làm người ăn dễ bị say, nặng hơn là ngộ độc thực phẩm.
Những búp sắn non mập mạp còn nguyên lớp phấn mịn phía chồi là nguyên liệu chuẩn nhất. Hái sắn về phải rửa sạch, vò nát cho ra hết nhựa. Tưởng đâu đây là công đoạn đơn giản nhưng thực ra, người nấu phải vò cho khéo, lá sắn mềm nhưng còn nguyên búp chứ không vụn thành đoạn.
Sau khi làm sạch, sắn được đem đi muối chua. Người Phú Thọ thường rắc một lượng muối vừa phải để rau nhanh lên men, ngoài ra còn giúp sắn để được lâu ngày mà không bị nổi váng. Nêm muối cũng phải hợp lý, nếu không rau bị mặn, khi chế biến sẽ không ngon.
Có nhiều cách chế biến rau sắn muối chua nhưng ngon nhất vẫn là nấu với cá. Món này cũng như nhiều món canh chua ở các địa phương khác, có vị chua nhè nhẹ hòa lẫn với vị ngọt của cá. Điểm khác biệt chính là mùi thơm nồng của rau sắn, không lẫn với bất kỳ loại rau hay gia vị nào khác.
Chỉ hít một hơi cũng đủ cảm nhận được sự khoan khoái, ăn vào lại càng thấy dễ chịu, tựa như bao nhiêu nóng nực, oi ả của những ngày đầu tháng Tư được thổi bay đi hết.
Nếu bạn cũng là một trong những du khách đến Phú Thọ trong dịp lễ này, hãy dành ra một ít thời gian để thưởng thức canh rau sắn muối chua, đảm bảo bạn sẽ không cảm thấy thất vọng với đặc sản của đất Tổ.