Thông xe kỹ thuật dự án xây dựng tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi 

Theo TTXVN | 16/10/2020, 10:33

Chiều ngày 15/10, tại điểm nút cuối xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, Bộ Giao thông vận tải tổ chức thông xe kỹ thuật Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã về dự và phát lệnh thông xe kỹ thuật.

Chú thích ảnh Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ.

Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có tổng mức đầu tư điều chỉnh là 6.355 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Hàn Quốc (200 triệu USD, tương đương 4.549 tỷ đồng) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (1.806 tỷ đồng). Toàn tuyến dài hơn 51 km, điểm đầu dự án kết nối với đường dẫn cầu Vàm Cống, huyện Vĩnh Thạnh (thành phố Cần Thơ) và điểm cuối kết nối với dự án tuyến tránh Rạch Giá, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành (Kiên Giang).

Dự án được xây dựng với quy mô tương đương đường cấp III đồng bằng, có 4 làn xe, rộng 17 m, có dải phân cách cứng; tiêu chuẩn hình học phù hợp với quy mô đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Được khởi công từ tháng 1/2016, sau hơn 4 năm thi công, đến nay toàn tuyến Dự án xây dựng đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, các hạng mục công trình đã hoàn thành đạt trên 90% công trình và sẽ hoàn thành toàn tuyến vào cuối tháng 12/2020.

Ông Đỗ Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phát biểu tại buổi lễ.
Ông Đỗ Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phát biểu tại buổi lễ.

Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ được quản lý khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Theo đó, cấm các phương tiện mô tô hai bánh, xe gắn máy và xe thô sơ lưu thông trên tuyến đường mới này. Các phương tiện lưu thông trên tuyến quốc lộ 80 vẫn lưu thông bình thường.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, dự án hoàn thành sẽ kết nối các trung trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời mở ra một tuyến mới kết nối trung tâm Tp. Hô Chí Minh đến các tỉnh Tây Nam bộ góp phân vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển kinh tế - văn hóa- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giải quyết ùn tắc giao thông, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân của các tỉnh Tây Nam bộ và của đất nước.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển đất nước với những điều kiện tự nhiên và tiềm năng vô cùng thuận lợi; là vựa lúa lớn nhất của cả nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng như của thế giới. Để vùng đồng bằng sông Cửu Long phát huy hết tiềm năng, lợi thế, phát triển bền vững, thịnh vượng, hệ thống cơ sở hạ tầng cần phải được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng tốt với những tác động tiêu cực biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Đánh giá được những yếu tố quan trọng đó, trong những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm và quyết liệt chỉ đạo và có rất nhiều chính sách để thúc đẩy, phát triển tiềm năng, thế mạnh của vùng. Đặc biệt, việc đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông rất được chú trọng, rất nhiều công trình lớn quan trọng đã được đầu tư đưa vào khai thác, như cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, cầu Vàm Cống, Cao Lãnh; đường hành lang ven biến phía Nam, tuyến cao tốc Sai Gòn - Trung Lương…

Để công trình được hoàn thành đảm bảo an toàn, chất lượng và thông xe đưa vào sử dụng vào cuối năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo thực hiện, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật để dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi hoàn thành đảm bảo an toàn, chất lượng, đúng tiến độ; đồng thời, yêu cầu các bộ ngành liên quan của Trung ương, UBND tinh Kien Giang, UBND thanh phố Cần Thơ cùng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong qúa trình thực hiện. Đặc biệt, hai địa phương phải hết sức chủ động hỗ trợ giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật còn lại.

Thông xe kỹ thuật tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.
Thông xe kỹ thuật tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - Đỗ Thanh Bình cho biết, Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là tuyến đường bộ cao tốc, có mức đầu tư quy mô lớn đầu tiên đi qua địa bàn tỉnh Kiên Giang; là tuyến huyết mạch quan trọng, có ý nghĩa trong vùng kinh tế trọng điểm phía Tây Nam của Tổ quốc; cùng với quốc lộ 80 kết nối trung tâm tỉnh Kiên Giang với các tỉnh lân cận trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, trực tiếp là kết nối với tỉnh An Giang, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ. Đồng thời, khi tuyến đường được đưa vào khai thác sẽ tạo thành trục vận tải trọng yếu, liên kết các trung tâm kinh tế quan trọng, rút ngắn khoảng cách, giảm thời gian di chuyển từ tỉnh Kiên Giang đi Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực.

Dự án sau khi hoàn thành toàn tuyến sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ 1 giờ 30 phút còn khoảng 50 phút, tạo điều kiện thuận lợi phát huy thế mạnh du lịch trọng điểm của vùng, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội từ các doanh nghiệp trong tương lai gần. Bên cạnh đó, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi còn kết nối trực tiếp với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (Đồng Tháp) và tuyến cao tốc N2 (Đức Hòa - Long An đến Mỹ An) để tạo thành tuyến liền mạch dài hơn 150 km xuyên suốt các tỉnh miền Tây.

Cùng với các dự án trong khu vực, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ từng bước hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tăng cường củng cố an ninh quốc phòng khu vực, đồng thời làm tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối liền Campuchia và Thái Lan./.

Bài liên quan
Những lỗi người đi xe máy vi phạm chỉ bị nhắc nhở, thay vì phạt tiền từ ngày 1/5
VOVLIVE - Với một số lỗi vi phạm nhất định, người điều khiển xe máy có thể chỉ bị lực lượng chức năng nhắc nhở cảnh cáo, thay vì phạt hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Indonesia thưởng thức phở, ngắm cảnh Hồ Gươm
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia cùng các thành viên Bộ Ngoại giao hai nước đã ăn sáng với phở, uống cà phê và đi bộ ngắm Hồ Gươm.
Mới nhất