Tranh cãi nảy lửa ở Trung Quốc về vụ chồng phải trả tiền nội trợ cho vợ sau ly dị

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: SCMP | 01/04/2021, 15:00

VOVLIVE - Một tòa án xử ly dị ở Trung Quốc vừa ra phán quyết yêu cầu người chồng trong vụ ly hôn này phải thanh toán cho vợ toàn bộ công sức chị này bỏ ra để làm việc nội trợ trong suốt 5 năm hôn nhân giữa 2 người.

Đây là phán quyết đầu tiên như vậy được ban ra sau khi Trung Quốc đưa vào áp dụng luật hôn nhân mới.

Phán quyết pháp lý này đã gây ra tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc về việc định giá tiền cho công việc vốn không được trả công – chủ yếu do phụ nữ làm. Chủ đề này đã có tới 400 triệu lượt xem tính đến ngày 23/2 vừa qua trên mạng Weibo (mạng xã hội khá giống với Twitter).

Theo biên bản của tòa án, người phụ nữ họ Vương gặp chồng mình họ Trần vào năm 2010. Hai người kết hôn vào năm 2015 nhưng bắt đầu ly thân vào năm 2018, còn con trai của họ thì sống với mẹ mình.

Năm 2020, Trần nộp đơn ly dị tại Tòa án quận Phòng Sơn ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Vợ anh ta ban đầu lưỡng lự trong việc ký vào đơn ly hôn nhưng rồi sau đó yêu cầu phân chia tài sản và đền bù tài chính cho cô vì Trần không tham gia công việc nội trợ và chăm sóc con. Vương cũng tố Trần tằng tịu với người phụ nữ khác.

Khi chấp nhận cho cặp đôi này ly dị, tòa đã cho phép Vương được chăm sóc con trai của họ và phán quyết rằng Trần sẽ phải chu cấp cho Vương 2.000 nhân dân tệ (tương đương 300 USD mỗi tháng và đền bù cho vợ cũ bằng một khoảng tiền 50.000 tệ (tươntg đương 7.700 USD) tương ứng với công việc nội trợ mà cô đã làm trong 5 năm.

Một người dùng internet bình luận: “Việc đền bù bằng tiền là đúng, nhưng số lượng 50.000 tệ là quá ít. Nếu ra ngoài và làm việc trong nửa năm thì còn kiếm được nhiều hơn thế”.

Một công dân mạng khác thì lại viết như sau: “Sao lại đem so sánh với việc trông nom nhà cửa? Quý cô này bản thân cũng được hưởng thành quả từ công việc nội trợ của mình mà”.

Zhong Wen, một luật sư chuyên về ly hôn ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, cho biết, phán quyết trên là dựa vào luật hôn nhân mới của Trung Quốc, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2021.

Ông này nói tiếp: “Có một điều khoản yêu cầu bên làm nhiều hơn trong việc nuôi con, chăm sóc người già, và hỗ trợ vợ/chồng thì có quyền được đòi hỏi đền bù trong quá trình ly dị... Hai bên nên tự dàn xếp với nhau; nếu đàm phán thất bại, tòa sẽ ra phán quyền”.

Zhong cho hay, ông tin rằng phán quyết trên của tòa là có lợi xét từ góc độ xã hội và pháp lý vì nó ghi nhận giá trị của công việc nội trợ. Ông nêu thêm rằng “trong hôn nhân, những ai làm việc nội trợ bị hạ giá trị, với tác động rõ nhất là kỹ năng sinh tồn và kỹ năng nghề nghiệp của họ có thể bị suy giảm”.

Vị luật sư này cũng cho rằng mức đền bù trong vụ phân xử nói trên là quá thấp.

Luật sư cho biết thêm, ở Anh, khi phân chia tài sản trong vụ xử ly dị, tòa án tính đến các đóng góp từ hai bên đối với gia đình, bao gồm việc nội trợ và chăm sóc gia đình, và điều đó nhiều hơn chỉ đơn thuần “đền bù tài chính” cho một bên.

Vụ ly hôn nói trên ở Trung Quốc đã thêm lửa vào một cuộc tranh cãi rộng lớn hơn ở nước này về vai trò của các bà nội trợ trong bối cảnh phong trào nữ quyền gia tăng ở đất nước này. Theo các cuộc điều tra do cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc tiến hành, phụ nữ vẫn thực hiện khối lượng công việc nội trợ, chăm sóc gia đình ở mức độ cao gấp 2,5 lần đàn ông.

Một người sử dụng internet viết trên mạng Weibo: “Trường hợp này cảnh bảo chúng ta đừng bao giờ làm người nội trợ. Bạn sẽ bi tụt hậu so với xã hội, không có con đường sự nghiệp, và công việc của bạn bị cho là vô nghĩa bởi vì không được định giá bằng tiền. Và tệ nhất, bạn sẽ phải phụ thuộc vào chồng”.

Hồi tháng 10/2020, Zhagn Guinei – nhà sáng lập và hiệu trưởng của trường trung học nữ công lập đầu tiên tại Trung Quốc, đã làm dấy lên cuộc tranh luận về lựa chọn của phụ nữ làm nội trợ khi bà này chỉ trích những phụ nữ như vậy là thiếu độc lập và ỷ lại vào chồng. Bà nói rằng bà không ủng hộ học sinh của mình làm nội trợ.

Zhang đã được truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi như một nhà giáo dục nổi tiếng vì đã đóng góp cho việc thay đổi kế sinh nhai của người phụ nữ tại một trong những vùng nghèo nhất Trung Quốc.

Trường Trung học Nữ sinh ở hạt Huaping tại tỉnh Vân Nam được thành lập vào năm 2008, mở đường cho 1.800 nữ sinh từ các gia đình nghèo khó xây dựng sự nghiệp bằng việc chuẩn bị cho các em bước vào giảng đường đại học./.

Bài liên quan
Ai Cập chuẩn bị lễ diễu hành đưa các xác ướp tới bảo tàng mới
VOVLIVE - Ai Cập sẽ tổ chức lễ diễu hành của các xác ướp hoàng gia từ Bảo tàng Ai Cập ở trung tâm thủ đô Cairo đến Bảo tàng Văn minh Quốc gia Ai Cập ở Fustat ngoại ô Cairo vào ngày 3/4 (giờ địa phương).

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Siết chặt vòng vây
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với cách đánh lấn, ta đã từng bước siết chặt vòng vây, đưa chiến hào vào sâu trong cứ điểm địch rồi bất ngờ đột phá tiêu diệt địch.
Mới nhất