Nhà máy thông minh: Bước chuyển mình cần thiết của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thời 4.0 

Huy Văn | 13/10/2020, 10:15

Đặt trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, giải pháp nhà máy thông minh được xem như chìa khóa mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất Việt “chen chân” vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại nhiều đột phá về công nghệ, kĩ thuật. Ảnh minh họa

Nghị quyết 115 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ mới công bố chỉ rõ mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh đó, khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Đặt trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, giải pháp nhà máy thông minh được xem như chìa khóa mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất Việt “chen chân” vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhà máy thông minh được hiểu một cách đơn giản nhất là áp dụng các công nghệ vào nhà máy, để nâng cao hiệu suất sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành cho một đơn vị sản phẩm và thích ứng nhanh với việc thay đổi môi trường kinh doanh. Còn theo Deloitt Insight, Nhà máy thông minh là sự tiến hóa vượt bậc từ một hệ thống sản xuất tự động hóa truyền thống sang một hệ thống sản xuất được kết nối và tùy biến linh hoạt. Hệ thống này sở hữu khả năng kết nối và xử lý dữ liệu thời gian thực liên tục từ mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh để có thể tự học và thích nghi theo nhu cầu mới của thị trường.

Điểm đặc biệt trong giải pháp này là nó được tích hợp nền tảng công nghệ IIoT (Internet vạn vật trong công nghiệp) để theo dõi chính xác mọi hoạt động của máy móc thiết bị ở xưởng sản xuất trong thời gian thực.

Điều này giúp các nhà điều hành doanh nghiệp kịp thời phát hiện, xử lý sự cố một cách nhanh chóng, giảm thiểu tối đa tổn thất do gián đoạn hoạt động.

Lợi ích mà một nhà máy thông minh đem lại cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là vô cùng lớn.

Ông Nguyễn Xuân Hách, Giám đốc điều hànhCông ty Cổ phần Giải pháp ERP – ITG, nhà cung cấp phần mềm quản trị doanh nghiệp chia sẻ:“Nói về mô hình giải pháp nhà máy thông minh nói chung, về cơ bản giúp cho doanh nghiệp vận hành một cách linh hoạt và hiệu quả ở tất cả các khâu, các tầng trong doanh nghiệp.

Thứ nhất là việc kiểm soát chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ, đồng thời từ đó trước hết là kiểm soát tốt sau đó thì sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ. Mục tiêu thứ hai là nâng cao hiệu suất lao động của doanh nghiệp, đảm bảo được tiến độ giao hàng theo các đơn hàng của khách hàng. Và mục tiêu thứ ba là mục tiêu về cắt giảm chi phí khi triển khai đồng bộ và hiệu quả giải pháp này thì doanh nghiệp sẽ cắt giảm chi phí tốt, đồng thời thì giảm được rất nhiều những tổn thất trong sản xuất, tránh được những vấn đề bất thường xảy ra.

3 mục tiêu đó là quan trọng nhất, cốt lõi nhất đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phụ trợ.”

Để đón đầu làn sóng chuyển dịch sản xuất, việc nâng cấp, tự động hóa quy trình, dây chuyền sản xuất là điều cấp bách với doanh nghiệp Việt. Ảnh: ITG

Những năm gần đây, ngành CNHT đã nhận được sự quan tâm lớn từ phía Chính phủ, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vừa ký các hiệp định thương mại quốc tế như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU EVFTA, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP; kèm theo đó là làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Để đón “làn sóng” này, doanh nghiệp sản xuất phải nỗ lực nâng cấp mình, mạnh dạn chuyển đổi số để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.

Chuyển đổi số là cả một quá trình “chuyển mình” đầy thử thách và cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng, bởi những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp một khi thành công là vô cùng to lớn.

Các doanh nghiệp sẽ cần trang bị cho mình khả năng ứng phó linh hoạt để đáp ứng kỳ vọng ngày càng tăng của người tiêu dùng về thời gian giao hàng nhanh hơn, thêm nhiều tùy chọn để tùy chỉnh sản phẩm, minh bạch hơn và chi phí thấp hơn.

Do đó, việc triển khai nhà máy thông minh là một giải pháp “đắt giá”, đáng để các doanh nghiệp tìm hiểu, thử nghiệm và áp dụng.

Ông Đinh Văn Thành, Tổng giám đốc Tập đoàn Polyco chuyên về tư vấn, thiết kế, chế tạo và lắp đặt các nhà máy trong lĩnh vực rượu bia nước giải khát chia sẻ:“Khi các doanh nghiệp chấp nhận chuyển đổi số bằng công nghệ thì việc cạnh tranh sẽ có ưu thế bởi chủ doanh nghiệp hiểu các con số của mình một cách chi tiết trước khi đưa ra những quyết định kinh doanh. Ví dụ như là về giá hay là về chiến lược phát triển nhân sự.”

Bài liên quan
Các hầm chui liệu có đang đặt... nhầm hướng?
Sau một thời gian các dự án hầm chui với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông tại Thủ đô được đưa vào sử dụng thì tới nay, vào giờ cao điểm, tại những khu vực này vẫn đông đúc thậm chí ùn tắc kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất