Mời các bạn nghe nội dung chi tiết tại đây
Cập nhật thông tin trong nước và quốc tế
# Một phần nhờ gói kích thích kinh tế mới của Mỹ, trong phiên giao dịch chiều nay, giá vàng châu Á giảm đi. Giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.919,76 USD/ounce. Tuy nhiên giá kim loại quý này có khả năng được hỗ trợ trong tương lai.
Còn thị trường vàng trong nước phiên chiều nay, vàng SJC giảm theo thế giới, được niêm yết ở mức 56 - 56,52 triệu đồng/lượng.
#Giám đốc điều hành hãng hàng không Qatar Airways dự báo sẽ sớm có những vụ "sụp đổ" của các hãng hàng không trên khắp thế giới khi làn sóng Covid 19 đợt hai dự kiến còn khốc liệt hơn đợt thứ nhất.
#Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cảnh báo biến đổi khí hậu đang đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
#Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 9 vừa qua cả nước nhập khẩu 12.670 ô tô các loại với tổng kim ngạch đạt 255 triệu USD.Trong đó, Thái Lan và Indonesia tiếp tục là các thị trường nhập khẩu ô tô nguyên chiếc lớn nhất của Việt Nam.
#Nghị định 68 của Chính phủ đặt ra mục tiêu, từ nay đến năm 2025 sẽ cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành. Các chuyên gia cho rằng, đây là đợt sóng thứ 3 của Chính phủ trong đẩy mạnh cải cách thể chế, với cách thức thực hiện bài bản hơn.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kỳ vọng:Thay mặt Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ủng hộ tối đa Nghị quyết này và mong rằng Nghị quyết 68 đi vào hiện thực cuộc sống, nhất là thời kỳ khó khăn vì Covid 19, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.
#Phiên giao dịch 13/10 khép lại với những biến động trái chiều của các chỉ số. Theo đó, VN-Index đóng cửa tăng 0,44% lên 929 điểm; HNX-Index tăng 0,18% lên 136 điểm và ở chiều ngược lại UPCom-Index giảm 0,37% xuống 63 điểm. Sức bật đến từ một số mã lớn như ACB; VCG; đặc biệt, VCS +1,6% lên 76.200 đồng; NVB +2,2% lên 9.400 đồng.
#Về giao dịch khối ngoại, nhà đầu tư vẫn bán ròng trong phiên hôm nay nhưng áp lực đã giảm đáng kể, chỉ còn gần 40 tỷ đồng. Lực bán của khối ngoại tập trung vào MSN, BID, HSG. Ở chiều ngược lại, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng VCB, HPG, CTG…
Cổ phiếu ngân hàng chịu tác động rủi ro từ nợ xấu ngân hàng?
Nếu như đại dịch COVID-19 không xảy ra, mục tiêu hệ thống ngân hàng có thể đưa nợ xấu về dưới 3 % vào cuối năm 2020.
Tuy nhiên, đại dịch xảy ra đã tác động mạnh tới người dân và doanh nghiệp khiến doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong việc trả nợ.
Theo ông Lê Thanh Hòa, chuyên viên phân tích công ty chứng khoán Bảo Việt, nợ xấu được thống kê trong báo cáo tài chính của các ngân hàng chưa phản ánh hết tình trạng nợ xấu thực tế tại ngân hàng:Bởi vì đầu năm thì Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư 01 cho phép các ngân hàng tái cơ cấu các nhóm nợ, các khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Điều này cho phép là ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng mất khả năng thanh toán hoặc bị giảm khả năng thanh toán.
Với tình hình nợ xấu trở nên nghiêm trọng hơn vì Covid 19, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực.
Ông Chu Hà Thanh, giám đốc phân tích công ty chứng khoán BOS nhận định:Hiện nay ngân hàng đang tăng điểm hoàn toàn là do những ưu thế hiện tại của ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, nhìn trong đấy thì đang tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và vì thế khiến cho cổ phiếu ngân hàng năm nay cũng có thể đối mặt với áp lực nợ xấu.
Mặc dù phải đối mặt với rủi ro từ nợ xấu nhưng cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn là một trong những nhóm cổ phiếu có tiềm năng tốt khi đầu tư dài hạn.
Dự báo nền kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng 1,8 % trong năm nay
Trong báo cáo mới được Ngân hàng Phát triển châu Á ADB công bố nhận định dù triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực song những nguy cơ lớn vẫn còn.
ADB dự báo nền kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng 1,8 % trong năm nay. PV VOVGTtrao đổi với ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng ADB:
PV: Việt Nam đang nỗ lực duy trì đà tăng trưởng từ 2 đến 3 %. Ông đánh giá như nào về mục tiêu tăng trưởng này?
Ông Nguyễn Minh Cường: Khi dịch bệnh xẩy ra thì Việt Nam đang ở tốc độ tăng trưởng rất mạnh, tức là từ 7 % liên tục trong 2 năm.
Với tốc độ tăng trưởng mạnh như thế và tiềm năng thế mạnh như thế khi dịch bệnh xảy ra tốc độ tăng trưởng chững lại nhưng với đà tăng trưởng mạnh như thế cho nên mức độ chững lại của Việt Nam là 1,8 hoặc từ 2-3% như mục tiêu của Chính phủ là hoàn toàn có thể thực hiện được.
PV: Đâu là những khuyến nghị của ADB dành cho kinh tế Việt Nam trong trung hạn và dài hạn?
Ông Nguyễn Minh Cường: Trước hết vẫn là thực hiện tiếp tục thực hiện những cam kết về cải cách cũng như nội dung về cải cách và đặc biệt là cải cách về việc doanh nghiệp nhà nước cũng như cải cách về thị trường tài chính thị trường vốn.
Thứ hai nữa là tất nhiên là cơ sở hạ tầng cơ sở hạ tầng rất quan trọng cho đến hiện nay bản thân chi phí Logistic của Việt Nam là liên quan đến cơ sở hạ tầng mà nó khỏi tầm khoảng 20 % của GDP.
Đây là chi phí là tương đối cao so với các nước khác. Thứ ba nữa là tất nhiên là vấn đề về ứng phó biến đổi khí hậu. Bởi vì Việt Nam ở nước nằm trong tác động của biến đổi khí hậu rất mạnh.
Và thứ tư là vấn đề chuyển đổi số về kinh tế Việt Nam cũng như cách ứng xử của người tiêu dùng trong quá trình chuyển đổi số là rất quan trọng.
PV: Xin cảm ơn ông.