EVFTA tạo nhiều cơ hội cho cá ngừ đi Châu Âu 

Như Ngọc - Phương Thảo | 17/10/2020, 05:47

2 tháng trở lại đây, doanh số từ các sản phẩm cá ngừ sang EU của một số doanh nghiệp cá đạt hơn 16 triệu USD, tăng gấp rưỡi so với các tháng trước đó. Có được sự tăng trưởng này phải kể đến hiệu lực của Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, làm thế nào để tăng cường tính minh bạch của sản phẩm, giúp cá ngừ rộng cửa sang châu Âu.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Thông tin trong nước và quốc tế

Người dân xếp hàng đệ đơn thất nghiệp tại Arkansas (Mỹ) trong tháng 4. Ảnh: Reuters.
Người dân xếp hàng đệ đơn thất nghiệp tại Arkansas (Mỹ). Ảnh: Reuters.

# Bộ Lao động Mỹ ngày 15/10 cho biết số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại nước này trong tuần qua đã tăng đột biến, lên 898.000 người, đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tuần 15/8.

# Ở chiều hướng tích cực hơn, thị trường ô tô châu Âu đã lần đầu tiên trong năm nay đạt mức tăng trưởng hồi tháng 9 vừa qua, nhờ đà phục hồi tại Đức và Italy.

# Trong phiên hôm nay, giá vàng thế giới tăng 2 USD/ounce so với phiên trước, hiện giao dịch quanh mức 1.908 USD/ounce, xấp xỉ 53,49 triệu đồng/lượng theo quy đổi theo tỷ giá USD trong nước. Giá vàng SJC lại không có biến động đáng kể, hiện doanh nghiệp này đang giao dịch quanh mức 55,90-56,25 triệu đồng/lượng.

# Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam - CHLB Đức. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nhận định: "Thông qua hội nghị này, các bên sẽ cùng trao đổi cởi mở tìm hiểu rõ hơn nhu cầu năng lực của nhau, tiến tới có các hợp đồng hợp tác, tăng cường giao thương giữa Việt Nam và CHLB Đức không chỉ bằng phương thức truyền thống mà còn trực tuyến sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam Cộng hòa Liên bang Đức và góp phần bồi đắp mối quan hệ đã có sự phát triển bền bỉ và sự hợp tác chặt chẽ".

Hiện Thương mại hai nước đã trở nên sôi động hơn nhờ sự năng động của các doanh nghiệp hai nước nhằm tận dụng những cơ hội kinh doanh và đầu tư từ Hiệp định EVFTA.

# Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2020, quy mô về nguồn vốn tín dụng bất động sản đạt 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ của nền kinh tế, không kể cho vay xây dựng.

Còn đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam dự báo, thị trường bất động sản đang đối mặt với nhiều áp lực và khuyến cáo người mua phải xác định đầu tư dài hạn, không nên mua để tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn để tránh rủi ro.

Ảnh minh họa

Thông tin chứng khoán

# Phiên giao dịch cuối tuần khép lại với sắc xanh hiện diện trên cả 3 chỉ số. Theo đó, VN-Index đóng cửa tăng 0,06% lên 943 điểm; HNX-Index tăng 0,12% lên 139 điểm và UPCom-Index tăng 0,59% lên 63 điểm.

Ở nhóm VN30, các mã có mức tăng vượt trội vẫn là CTG, FPT và PNJ.

# Về giao dịch khối ngoại, nhà đầu tưtiếp tục bán ròng 425 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán của khối ngoại tập trung vào các Bluechips như MSN, CTG, VPB.

# Bất ngờ lớn sẽ đến với chứng khoán Việt Nam trong tháng 11, theo nhận định của quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VinaCapital VOF), khi cho rằng dòng vốn từ các quỹ theo dõi chỉ số cận biên sẽ đổ mạnh vào Việt Nam giúp thị trường thêm phần sôi động.

Sơ chế cá ngừ. (Nguồn: TTXVN)
Sơ chế cá ngừ. Ảnh: TTXVN

EVFTA tạo nhiều cơ hội cho cá ngừ đi Châu Âu

2 tháng trở lại đây, doanh số từ các sản phẩm cá ngừ sang EU của một số doanh nghiệp cá đạt hơn 16 triệu đô la Mỹ, tăng gấp rưỡi so với các tháng trước đó. Có được sự tăng trưởng này phải kể đến hiệu lực của Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, làm thế nào để tăng cường tính minh bạch của sản phẩm, giúp cá ngừ rộng cửa sang châu Âu.

Theo ông Nguyễn Văn Dư, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Vương, trụ sở tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa cho biết, lợi ích có được từ hiệp định mới là điều không phải bàn cãi, song để được hưởng chính sách thì không phải dễ:"Tìm nguyên liệu để đáp ứng đầy đủ thị trường Châu Âu đó rất khó khăn. Làm sao thu mua được hết ngư dân trong nước để có nguồn đó, kiểm soát thật chặt chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của họ không phải là ngày một ngày hai làm được".

Hiện nay, EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam và chiếm khoảng 1/5 tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, phía EU yêu cầu khắt khe đối với việc khai thác thủy sản phải có nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, không được đánh bắt bất hợp pháp.

Để thực thi EVFTA, Hiệp hội cá ngừ Việt Nam đang xây dựng 2 chuỗi giá trị cho cá ngừ vàng và sọc dưa để giải quyết 3 mắt xích quan trọng: ngư dân, nhà máy chế biến và khách hàng.

Theo ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội cá ngừ Việt Nam, trước mắt, Hiệp hội đang triển khai thí điểm truy xuất nguồn gốc điện tử ở Bình Thuận để giúp minh bạch hóa các sản phẩm cá ngừ: "Truy xuất nguồn gốc điện tử, bằng thiết bị trên tàu, đưa vào bờ, qua cảng thì doanh nghiệp sẽ nắm được nguồn gốc thuận lợi hơn. Nhưng phải có lộ trình chứ hiện nay phần lớn phải truy xuất bằng giấy, một nhà mua hàng người ta thấy độ tin cậy không được cao".

Ngoài ra, theo GS-TS Bùi Đức Thọ, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, cần tăng cường nhiều chính sách thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực như nới lỏng các điều kiện tín dụng, miễn và giảm lãi vay, miễn giảm thuế, phí:"Nghiên cứu cho thấy rằng, chính sách của chúng ta chưa thực sự phù hợp, cần phải được điều chỉnh thì mới thực hiện và đi vào cuộc sống được. Chẳng hạn nới lỏng các điều kiện tín dụng, miễn và giảm lãi vay, miễn giảm thuế, phí".

Có như vậy, Việt Nam mới có thể khai thác thủy sản bền vững và được các thị trường có yêu cầu khắt khe đón nhận.

Bài liên quan
WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng 5,5% năm 2024 và lên 6,0% năm 2025
Ngân hàng Thế giới (WB) hôm nay (23/4) đã công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, từ đó đưa nhận định, kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban). Cùng dự có các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa  phương và các tập đoàn về công nghệ thông tin.
Mới nhất