Ngày Thế giới nhận thức về trẻ tự kỷ: Hãy mạnh mẽ đương đầu cùng con

An Nhiên | 01/04/2020, 11:22

F5.VOVLIVE.VN- Trong mắt cha mẹ con luôn là tạo vật đẹp nhất, họ khó chấp nhận việc con mình có vấn đề gì đó bất thường. Điều này gây cản trở việc phát hiện và can thiệp sớm, hạn chế quá trình phát triển vốn dĩ đã rất khó khăn đối với trẻ tự kỷ.


Nghe bài viết:Ngày Thế giới nhận thức về trẻ tự kỷ: Hãy mạnh mẽ đương đầu cùng con 

Nguyễn Vũ Hùng Anh ở phố Trung Liệt, Hà Nội năm nay 13 tuổi, gia đình phát hiện em bị tự kỷ lúc 4 tuổi. Khi đó, căn bệnh dai dẳng của đứa trẻ trở thành phép thử nghiệt ngã với hôn nhân. Bố mẹ Hồng Anh ly hôn, em phải về ở cùng với ông bà nội từ lúc đó.

Bà Trương Thị Thanh Tâm, bà nội Hùng Anh thanh minh: “Hồi bé, con nằm đây thì mẹ nó cứ mở cái vô tuyến cho con xem rồi con cứ ngoái lại ăn, cứ xúc hàng bát ô tô một chả hỏi han gì. Có một dịp mẹ nó mới để ngoài này cho ông bà rồi đưa lên Viện Nhi, họ xác định là nó bị tự kỷ, lúc đấy thì bất ngờ”.

Sau lần đi khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương và tìm ra được nguyên nhân, đứa cháu nội duy nhất đã gần 4 tuổi mà vẫn không biết nói, thiếu sự tập trung, ông bà nội càng nôn nóng, sốt ruột, mang cháu đi vái tứ phương. “ Về tín ngưỡng, đường âm đi khắp chùa này, chùa khác chỗ nào cũng đi nhưng chả được gì nên nói chung có nhiều cái khổ. Có những người thấy nó người ta gọi bảo ê! Thằng câm, thằng câm đi đâu đây, tôi nghe thì tôi lại chảy nước mắt”, bà Tâm nghẹn ngào nói.


Hùng Anh được phát hiện chứng tự kỷ năm em 4 tuổi. Ảnh minh họa


Kể từ đó, Hùng Anh luôn trong tầm mắt ông bà vì nếu lơ là một chút, em sẽ chạy đi và sẽ bị lạc. Ông bà kiên nhẫn dạy cháu từng món đồ. Có những việc ông bà phải hướng dẫn tới hàng trăm, hàng nghìn lần rồi Hùng Anh vẫn quên, vẫn làm rơi, vẫn làm vỡ.

Theo nghiên cứu, cứ 100 trẻ thì có một trẻ có dấu hiệu của tự kỷ. Nếu cha mẹ bỏ qua các dấu hiệu thì sẽ có rất nhiều trẻ bỏ lỡ cơ hội hoà nhập cộng đồng.

Ngày 2/4 hằng năm là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ. Năm nay, ngày này lại rơi đúng vào thời điểm dịch covid-19 đang hoành hành. Theo bác sĩ Phạm Bích Hà, Phòng khám Cây thông xanh thuộc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng, bố mẹ nên coi đây là cơ hội vì làm việc ở nhà nhiều hơn, sẽ có nhiều thời gian dành cho con hơn. Trẻ tự kỷ lại đặc biệt cần sự gần gũi, đồng hành của cha mẹ.

Bác sĩ Hà chia sẻ, tự kỷ không phải là bệnh mà là khuyết tật, dù là khuyết tật hay bệnh nó cũng là một vấn đề và làm hạn chế đến sự phát triển của trẻ và ảnh hưởng đến tương lai của các con. Đặc biệt là với những trẻ tự kỷ được phát hiện sớm bao nhiêu thì có hiệu quả càng tốt bấy nhiêu, càng giảm thiểu đến mức độ nặng, nhẹ, trầm trọng bệnh bấy nhiêu. Với những trẻ và mức độ nhẹ mà không phát hiện lại để cho con đến 3-5 tuổi, có trẻ đến 5-6 tuổi mới đưa đến bệnh viện thì coi như đã bỏ lỡ thời điểm vàng để trị bệnh.


BS. Phạm Bích Hà, Phòng khám Cây thông xanh thuộc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng
( người đang đứng nói).

Làm thế nào để mà phát hiện sớm chứng tự kỷ?

Theo bác sĩ Hà, chứng tự kỷ ở trẻ thì thường rơi vào 1 đến 2 tuổi. Hầu hết các bố mẹ đến khám cho con đều bỏ qua thời điểm phát hiện. “Họ nói rằng cháu không nghĩ là con cháu bị tự kỷ. Cháu nghĩ là thằng này nó không thích chơi với người khác, nó chỉ là bướng bỉnh, không thích nghe lời, cái thằng này cái tôi của nó lớn lắm, nó không thích nghe người khác đấy. Các bố mẹ nói với tôi những câu như vậy. Tôi hỏi nó hồi bé có ngoan không? Có hay quấy khóc không? thì bố mẹ nói là con nhà cháu bé ngoan lắm, nó cứ nằm chơi một mình lúc 6-7 tháng tuổi, bọn cháu tha hồ làm việc. Đấy là một dấu hiệu không tốt, nó không đúng với các mốc phát triển nhưng họ không biết” bác sĩ Hà nói.

Cũng theo bác sĩ Hà, đứa trẻ 6-7 tháng tuổi thường không thích ở một mình mà thích có người nói chuyện cùng. Vấn đề ở đây là bố mẹ không biết nên đã bỏ qua rất nhiều dấu hiệu của trẻ. Bác sĩ cho rằng không yêu cầu bố mẹ phải biết là con có bị tự kỷ hay không. Chỉ cần bố mẹ biết được con mình có phát triển đúng mốc phát triển bình thường của mọi đứa trẻ hay không trước đã.


Hầu hết các bố mẹ đều bỏ qua thới điểm phát hiện chứng tự kỷ của con.Ảnh minh họa


“2 tháng, 4 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 3 tuổi, 4 tuổi…Tất cả các mốc đều có những dấu hiệu khác nhau. Mỗi mốc này có ngôn ngữ như thế nào, cảm xúc tương tác như thế nào, vận động thế nào, nhận thức là như thế nào cho mỗi lứa tuổi đều có. Vì vậy nếu như mìnhbiết được con mình bây giờ đến cái mốc này mà vận động nó không làm được? Hay là không có tương tác, không nói nói, không nghe thì biết ngay con mình có vấn đề và nếu thấy con mình có vấn đề thì lập tức đưa con đi khám bệnh”,bác sĩ Hà nhấn mạnh.

Trẻ khiếm khuyết chỗ nào thì giúp trẻ chỉnh sửa chỗ đấy

Cha mẹ thì thường có xu hướng không tin vào những khiếm khuyết của con mình. Theo bác sĩ Hà tâm lý đó cũng rất bình thường. Vì không ai muốn chấp nhận con mình bị bệnh, nhưng bà cho rằng chúng ta phải tỉnh táo để đương đầu với nó. Những dấu hiệu sơ đẳng nhất về trẻ bị tự kỷ là con bạn không thích chơi với người khác.Trẻ chỉ thích chơi một mình. Trẻ không nhìn vào mắt người khác khi nói chuyện, mắt cũng không tương tác.

Những đứa trẻ cùng bị tự kỷ nhưng biểu hiện thường rất khác nhau, cho nên không có một phương pháp hay một phác đồ điều trị chung nào. Nhưng người ta có nguyên tắc chung, đó là trẻ khiếm khuyết chỗ nào thì giúp trẻ chỉnh sửa chỗ đấy.

“Ví dụ như nó không biết tương tác thì giúp nó tương tác. Nó nói không nhìn mặt mình thì mình cũng phải giúp nó nhìn mặt mình, đưa đồ chơi, dụng cụ cho nó ngang mắt để cho nó dần dần thay đổi. Trẻ mà nó lo lắng, sợ hãi quá thì giúp cho nó an tâm. Có thể bằng cách cho nghe nhạc nếu nó thích nghe nhạc, có đứa thích ngồi vẽ tranh. Tôi gặp rất nhiều các bà mẹ có con bị tự kỷ và bây giờ các cháu đã thay đổi rất tốt. Tôi phải kính nể những bà mẹ đó. Tất cả các bà mẹ đó đang làm những điều mà không có gì khác gì ngoài tình thương yêu con và quan tâm đến con, tìm hiểu bệnh con thật kỹ và chăm nom hàng ngày”,bác sĩ Hà nói.


Hãy tranh thủ thời gian rảnh để vui chơi và thấu hiểu con. Ảnh minh họa


Bác sĩ Hà cũng cho biết, hầu hết các bà mẹ đến chỗ khám bệnh đều nói là không có thời gian để chơi với con trong cái. Ngày 2/4 hằng năm là ngày thế giới nhận thức về người tự kỷ. Năm nay, ngày này lại rơi vào thời điểm dịch covid-19. Bà cho rằng, thời điểm như thế này, bố mẹ nên tận dụng cơ hội này và để dành nhiều thời gian chơi với con, cố gắng hiểu con hơn. Những đứa trẻ tự kỷ đó là những đứa trẻ bình thường, chúng cần có sự thương yêu, cần có sự tin cậy và trong thời gian này có khi tạo được mối quan hệ tốt hơn, cởi mở hơn, bày tỏ tốt hơn, hãy tìm thấy điểm khác biệt để dạy con, coi đây là một cơ hội tốt./.

 

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lương của công chức khi cải cách tiền lương thấp nhất là 5 triệu đồng
Đây là một trong những nội dung được Bộ Nội vụ xin ý kiến của Thủ tướng, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi báo cáo Bộ Chính trị.
Mới nhất