anh-tieu-de-1_ok.jpg

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Người đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng, tính đi trước của văn hóa, coi đây là ngọn lửa soi đường, dẫn lối cho dân tộc đi đến thắng lợi.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”, “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Quan điểm này nhấn mạnh vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

untitled-3.jpg

Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa đăng trên Báo Cứu quốc, số ra ngày 05/01/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, nghệ thuật đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; đồng thời tin tưởng, mong muốn công tác giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ họa sĩ đi đầu xung kích, sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; xứng đáng là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa nghệ thuật.

Với Người, xây dựng nền văn hóa, không chỉ thuần túy quan tâm đến ngành hay lĩnh vực văn hóa riêng biệt mà phải chú trọng đến sự đồng bộ của nhiều yếu tố, từ chính trị, kinh tế, tâm lý, luân lý, xã hội. Bởi "Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị". Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Có thể nói, trong suốt cuộc đời, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Văn hóa được xây dựng và bồi đắp nên trong suốt chiều dài lịch sử, nó làm nên nền tảng tinh thần của một xã hội, giữ vai trò quan trọng vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong rất nhiều bài nói và bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến việc phải giữ gìn và phát huy những truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng dân tộc Việt Nam được hun đúc nên qua hàng ngàn năm lịch sử.

Quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa

Ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hoá của dân tộc; năm 1943, khi nước nhà còn chưa giành được độc lập, Đảng ta đã đề ra "Đề cương văn hoá Việt Nam", trong đó chỉ rõ "Mặt trận văn hoá là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hoá)".

Đề cương văn hóa khẳng định: “Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội”. Đề cương cũng chỉ ra rằng, cách mạng văn hóa có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công (cách mạng văn hóa phải đi sau cách mạng chính trị). Sau khi Đảng công bố bản đề cương này, Hội Văn hóa Cứu quốc ra đời. Như vậy, Đề cương văn hóa Việt Nam là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ. Điều này khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm quan tâm đến công tác văn hóa, văn nghệ.

anh-nho-3_-de-cuong-van-hoa.jpg

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với khẩu hiệu "Văn hoá hoá kháng chiến, kháng chiến hoá văn hoá", "xây dựng đời sống mới", văn hoá Việt Nam đã thực sự trở thành động lực tinh thần để huy động tất cả mọi nguồn lực cho cuộc kháng chiến, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong suốt thời kỳ đấu tranh giải phóng miền Nam thực hiện lời kêu gọi thiết tha, sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã trở thành lẽ sống thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam, là hồn cốt thiêng liêng của văn hoá Việt Nam: "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do!"; "Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một! Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!".

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị rất quan trọng để tập trung xây dựng và phát triển văn hoá trong thời kỳ mới (Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII, Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII năm 1998, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nghị quyết Trung ương khoá XI năm 2014...).

Đại hội VII, VIII, IX, X, XI và nhiều nghị quyết Trung ương đã xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và coi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển. Đây có thể xem là một nhận thức mới, một tầm nhìn mới của Đảng về văn hóa phù hợp với quy luật chung phổ quát của thế giới.

Kế thừa và phát triển những quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, Nghị quyết Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “... Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

tieu-de-2_ok-.jpg

Đại hội XIII của Đảng đã quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong 5 năm (2021-2025); xác định phương hướng, mục tiêu của đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những điểm nhấn rất quan trọng của Đại hội XIII của Đảng là xác định các quan điểm, chủ trương mới, toàn diện và sâu sắc về phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước ta cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc.

vovlive_van-hoa-la-nen-tang-tinh-than_anh-3.jpg

Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội lần thứ XIII, khi tổng kết về quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng và thực tiễn phát triển văn hóa trong nhân dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy.

Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế về văn hóa khởi sắc. Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây hại đến văn hóa, lối sống con người được chú trọng…

dai-hoi-dang-xiii.jpg

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Đảng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận và nêu lên những hạn chế. Cụ thể, văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần.

Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực đối với con người. Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực.

Chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn lớn; đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn nhiều lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa.

Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội.

vovlive_phat-bieu-tbt-npt-van-hoa-con-dan-toc-con_anh-5.jpg

Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và có biểu hiện thương mại hóa; quản lý mạng xã hội còn bất cập. Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Việc giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại có mặt còn hạn chế.

Trong suốt thời gian diễn ra Đại hội XIII, nhiều đại biểu đã phát biểu bày tỏ những tâm tư nguyên vọng và phân tích để làm sáng tỏ thêm những luận điểm về quan điểm, đường lối và thực tiễn về phát triển văn hóa trong thời gian vừa qua, cũng như đề ra những giải pháp định hướng phát triển văn hóa trong giai đoạn tới.

Nếu như trước đây nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa hướng đến mục tiêu giữ gìn, lan tỏa giá trị bản sắc dân tộc, độc đáo, không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng, phát triển văn hóa để chấn hưng sự xuống cấp về đạo đức xã hội; văn hóa được xem là nền tảng tinh thần làm mục tiêu, động lực của sự phát triển.

Thì hiện nay bên cạnh những sứ mệnh, mục tiêu đó, nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Vai trò, chức năng của văn hóa được xem xét nhiều chiều, cạnh, góc độ với mối tương quan với các lĩnh vực chính trị, kinh tế xã hội, phát triển con người. Trong mối quan hệ với kinh tế, văn hóa được xem là nguồn lực nội sinh, là “sức mạnh mềm”- thuật ngữ lần đầu tiên xuất hiện trong văn kiện của Đảng- để thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững.

vovlive_quote-1.jpg

Nghị quyết và các văn kiện Đại hội XIII xác định ba trụ cột quan trọng để phát triển đất nước, đó là: xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là trung tâm và xây dựng văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội.

Chúng ta luôn coi văn hóa như một sức mạnh nội sinh, một điều kiện sống còn, bảo đảm cho công cuộc xây dựng, phát triển bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ các thành tựu cách mạng, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Điều này thể hiện nhận thức mới về vai trò văn hóa trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đại hội XIII đề ra nhiệm vụ, cần tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây là một trong những nội dung mới trong công tác phát triển văn hóa.

Việc nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia hệ giá trị văn hóa dân tộc có ý nghĩa quan trọng bởi trong văn hóa giá trị là sự kết tinh những gì tinh túy nhất, đội hình thành trong lịch sử được thời gian kiểm nghiệm, chứng minh được nhân dân tôn thờ là niềm khát khao vươn tới của mỗi người.

Đại hội XIII cũng đặt ra yêu cầu phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết nhân văn xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của người lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức và đảng viên.

Để văn hóa soi đường cho quốc dân đi

Để văn hóa thực sự đảm đương được sứ mệnh soi đường cho quốc dân và xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng Toàn quốc lần thứ XIII, ngoài việc thể chế hóa Nghị quyết bằng luật pháp, xây dựng hệ tiêu chí quốc gia về văn hóa thì vấn đề giáo dục, tuyên truyền về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc đến với mọi tầng lớp nhân dân, rồi sự gương mẫu thực hiện của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước là những điều có ý nghĩa to lớn trong việc hiện thực hóa nghị quyết.

Theo nhiều chuyên gia và đảng viên, để xây dựng, phát huy nền văn hóa hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc thì trước hết chúng ta phải tập trung xây dựng cho được văn hóa trong Đảng, trong cán bộ, công chức nhà nước. Văn hóa, đạo đức của đảng viên, cán bộ, công chức có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành văn hóa, đạo đức của xã hội.

Mỗi thái độ, lời nói, việc làm của cán bộ, đảng viên khi tiếp xúc, giải quyết các công việc hay nhu cầu của người dân sẽ có tác dụng lôi kéo, khích lệ người dân thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực đạo đức pháp luật.

vovlive_quote-2.jpg

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phan Vân Sơn, Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, văn hóa, đạo đức của đảng viên, cán bộ, công chức là điểm tựa, là bản lề cho việc xây dựng văn hóa, đạo đức gia đình và xã hội. Nếu cán bộ, đảng viên thiếu văn hóa, sa sút về đạo đức thì khó có thể xây dựng được một xã hội văn hóa.

Còn theo ý kiến của bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm, chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh thì cốt lõi của giá trị văn hóa Việt Nam là con người và cốt lõi của con người là nhân cách. Vì thế, để thực hiện hóa Nghị quyết của Đảng về xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn mới thì cần có chiến lược xây dựng con người, xây dựng nhân cách với những chuẩn mực giá trị vừa truyền thống vừa hiện đại, phù hợp với bối cảnh mới, trong đó cần chú ý đến xây dựng văn hóa trong Đảng.

tieu-de-3_ok.jpg

Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Như vậy, chúng ta thấy rằng, cùng với việc làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh thì thực hiện hiệu quả định hướng phát triển văn hóa của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển chung của đất nước. Theo đó, cần nhận thức một cách thống nhất rằng: Còn văn hóa là còn tất cả. Mất văn hóa là mất tất cả.

vovlive_van-hoa-con-thi-dan-toc-con_anh-4(1).jpg

Hội nghị Văn hoá toàn quốc diễn ra vào ngày 24/11 tới đây là sự kiện thu hút sự quan tâm, chú ý của toàn xã hội. Điều đó nói lên tính thời sự, tầm quan trọng của vấn đề xây dựng văn hoá, con người Việt Nam đang đặt ra những vấn đề cấp thiết mà xã hội kỳ vọng.

Trong bối cảnh đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV; Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã có những chia sẻ với VOV Live quan điểm của mình về việc phát huy sức mạnh văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước 

Phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và mọi người dân. Phát triển văn hóa chính là giữ cho được cái gốc, cái còn lại cuối cùng của một quốc gia dân tộc.

Mặt khác, quan tâm, phát triển văn hóa không đơn thuần là các hoạt động văn hóa văn nghệ, là những buổi biểu diễn, những vở kịch, bộ phim hay một ca khúc, mà văn hóa và giá trị văn hóa len lỏi, chứa đựng trong mọi công việc, lĩnh vực của đời sống xã hội, trong hoạt động của mỗi con người, mỗi tập thể, trong giá trị của từng sản phẩm hàng hóa...

Văn hóa và các giá trị văn hóa còn là nhân cách của mỗi con người, còn là cốt lõi để tạo nên thương hiệu quốc gia, hình ảnh đất nước. Mỗi việc làm dù rất nhỏ nhưng nếu mang đến sự hữu ích cho xã hội, cho đất nước, cho nhân loại đều hàm chứa trong đó những giá trị văn hóa của mỗi con người, của một dân tộc. Văn hóa và phát triển văn hóa còn là một ngành kinh tế mũi nhọn và tạo dựng sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhiệm vụ gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã từng được đặt ra và sau mỗi giai đoạn thử thách đó, chúng ta lại có những bài học kinh nghiệm quý báu. Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước xu thế toàn cầu hóa như một cơ hội để phát huy các giá trị truyền thống, đồng thời cũng là thách thức lớn đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc với truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Với đường lối, chính sách phát triển đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào bản lĩnh và thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay.

Thực hiện: Lê Giang - Bùi Ngân - Thùy Linh

Bài liên quan
Báo chí cần chủ động đối mặt khó khăn, thách thức
Các cơ quan báo chí cần tập trung tuyên truyền thật tốt việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2024; khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai tích cực, sáng tạo việc tuyên truyền các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết sách cũng như quyết tâm cao độ để xây dựng nền báo chí “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

(0) Bình luận
Nghe
1x
1.5x
2x
  • vov1
  • VOV GIAO THONG HA NOI
  • VOV GIAO THONG HCM
  • vov2
  • vov3
  • vov4
  • vov5
  • vov6
  • vovtv
  • vtc1
Nổi bật VOVLIVE
Diễn đàn Tương lai ASEAN: Việt Nam vì sự phát triển chung của cả khu vực
Diễn đàn Tương lai ASEAN là diễn đàn dành riêng cho ASEAN, của ASEAN, vì ASEAN và vì người dân của ASEAN. Diễn đàn cũng đồng thời khẳng định vai trò chủ động của Việt Nam, vì sự phát triển chung của cả khu vực.
Mới nhất