Hạnh phúc của những gia đình "tứ đại đồng đường"

Nam Giang | 16/10/2020, 09:59

VOVLIVE - Những mô hình gia đình nhiều thế hệ - “tứ đại đồng đường" đã cho thấy sự hòa thuận, gắn bó cao về tình cảm lẫn tinh thần.

maroon-and-green-greyscale-photo-basketball-championship-uaap_ncaa-facebook-cover-1-.png

Trong xã hội hiện đại, mô hình gia đình hạt nhân được coi là xu hướng phát triển bởi các gia đình trẻ hầu hết đều muốn ra ở riêng, ăn riêng, để phù hợp với điều kiện công việc, cuộc sống, và đặc biệt là tránh đi những mâu thuẫn có thể xảy ra. Vậy nhưng, vẫn không hiếm những gia đình “tứ đại đồng đường”, chung sống đầm ấm, yên vui dưới một mái nhà. Những mô hình gia đình đa thế hệ này đã cho thấy sự hòa thuận, gắn bó cao về tình cảm lẫn tinh thần. 

Lợi ích của những gia đình "tứ đại đồng đường"

Theo phân tích của các chuyên gia, ông bà đến tuổi về hưu khi ở nhà giúp con cháu một số công việc trong gia đình thì sẽ thấy mình là người có ích hơn. Mặt khác, việc ở cạnh con cháu cũng giúp người già yêu đời và an tâm hơn. Còn với những người trẻ, việc sống chung với ông bà sẽ giúp họ phát triển hơn, hoàn thiện hơn, sống tình cảm hơn, biết yêu thương, quan tâm chăm sóc những người lớn tuổi. 

Ở nước ta, từ bao đời nay, sống chung nhiều thế hệ trong một gia đình đã trở thành thói quen, là nếp sống truyền thống thể hiện tôn ti trật tự, có trên có dưới. Cũng vì thế, tình cảm giữa các thành viên bền chặt, mọi người có điều kiện quan tâm đến nhau hằng ngày. Lớp trẻ sống trong môi trường như vậy cũng được thừa hưởng những giá trị truyền thống tốt đẹp. 

Tuy nhiên, để có thể duy trì nề nếp gia phong và hòa khí trong gia đình “tứ đại đồng đường” thì các bậc ông bà, cha mẹ phải luôn phân định phải trái thật công bằng, sống đoàn kết và cư xử đúng mực. Ở mô hình này, điều quan trọng là các thành viên cần phải biết tôn trọng nhau, kiềm chế cái tôi để cùng nhau vun đắp hạnh phúc gia đình. 

Anh Đức Thịnh, Hải Dương chia sẻ rằng anh cảm thấy đời sống tinh thần vô cùng quan trọng đối với người già. Việc con cháu quây quần với ông bà sẽ giúp ông bà không phải lo lắng, suy nghĩ nhiều. 

Cá nhân chị Minh Vân, Bắc Ninh thì nhận thấy việc chung sống trong văn hoá nhiều thế hệ giúp những người trong gia đình luôn luôn biết giữ mình, nề nếp, biết điều và biết điểm dừng.

girl-lying-on-artificial-grass-goodnight-quotes.png

Những điểm hạn chế của việc sống chung với nhiều thế hệ trong gia đình

Nước ta hiện vẫn còn tồn tại rất nhiều gia đình đa thế hệ và điều đó chỉ ra rằng mô hình “tứ đại đồng đường” không hề lạc hậu trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, điểm yếu của mô hình này là đời sống riêng tư của các thành viên chưa được đề cao, mâu thuẫn và xung đột giữa các thành viên rất dễ phát sinh. Một gia đình đa thế hệ dù sống trong một không gian rộng như thế nào đi chăng nữa thì vẫn có thể xảy ra những va chạm. 

Mỗi một cá nhân sẽ có những đòi hỏi riêng và những cá tính rất riêng biệt. Tuy nhiên, trong gia đình truyền thống, tất cả các cá tính sẽ bị “gõ” vào trong khuôn khổ của một gia đình, đòi hỏi tất cả phải tuân thủ những nguyên tắc chung nhất. Điều này có thể va chạm với những cá tính, làm hạn chế tính chất sáng tạo của từng cá nhân trong gia đình. 

Gia đình truyền thống hay gia đình hạt nhân thì đều có những mặt hạn chế và có những điểm lợi thế. Sự lựa chọn gia đình hạt nhân hay là gia đình truyền thống để có thể gắn kết gia đình với nhau còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện gia đình. Có những trường hợp sống được với nhau, gắn kết được với nhau, nhưng cũng có trường hợp mà họ không gắn kết được vì cá tính quá mạnh. Nếu chúng ta cứ cố gượng ép thì tự nhiên gia đình sẽ trở nên khủng hoảng, mâu thuẫn và chia rẽ. 

green-and-pink-stripes-artists-illustrators-influencer-maximalism-facebook-cover.png

Đầm ấm gia đình nhiều thế hệ chung sống

Câu chuyện của gia đình ở xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội là một ví dụ điển hình của một gia đình “tứ đại đồng đường”. Gia đình ông Nguyễn Thạch Từ và bà Nguyễn Thị Cạnh sống cùng nhau dưới một mái nhà đã mấy chục năm. Lấy nhau từ 1950, ông bà hiện đang sống quây quần cùng các con cháu trong một khuôn viên rộng 600 mét vuông. Dù tuổi đã cao nhưng ông bà vẫn rất minh mẫn và vui vẻ, là tấm gương, là chỗ dựa tinh thần cho con cháu trong nhà.

Ông Nguyễn Thạch Từ cho biết, phương châm sống của ông bà chính là luôn sống mẫu mực, công bằng và thương yêu con cháu. Sống với nhau chừng ấy năm nhưng chưa bao giờ ông bà nói nặng với nhau một lời. Theo bà Nguyễn Thị Cạnh, để giữ được hơi ấm của gia đình đông người, đều quan trọng là phải biết giữ sự công bằng giữa các thành viên với nhau. Cha mẹ tuyệt đối không được thiên vị và phải biết cách làm gương cho các con, các cháu. 

Dù tuổi đã cao nhưng bà Cạnh ngày ngày vẫn quét dọn, thu vén, đỡ đần nhà cửa cho con cháu. Buổi sáng, bà đi chợ để gia đình có bữa ăn tươi ngon, đảm bảo sức khỏe còn ông Từ thì chăm sóc vườn cây cảnh trước nhà, rảnh thì đưa đón các cháu đi học. Ông bà coi đó là niềm vui tuổi già.

Bên cạnh gia đình của ông Từ - bà Cạnh, gia đình “tứ đại đồng đường” của ông Nguyễn Văn Giáo, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên cũng rất đặc biệt. Dù có gần 30 thành viên cùng chung sống nhưng tất cả luôn hòa thuận và hạnh phúc. Điều đặc biệt là gia đình ông luôn giữ vững truyền thống ăn chung nổi, tiêu chung tiền từ nhiều năm nay.

Chị Tạ Thị Hoa, con dâu ông Giáo cho biết, ngày mới bước chân về nhà chồng, chị cũng có những bỡ ngỡ và lo lắng. Tuy nhiên, sau một thời gian, chị lại cảm thấy thích thú khi thấy sự đoàn kết, đầm ấm, thân tình giữa các thành viên trong gia đình. "Làm được bao nhiêu thì ông bà lại lo cho con cháu hết. Các em mà có thì mình cũng có, cho nên tiền nong tiêu chung như thế cũng không có vấn đề gì cả".

Anh Nguyễn Văn Thì, con trai ông Giáo chia sẻ, để duy trì nề nếp gia phong và hòa khí gia đình, các thành viên luôn phân định phải trái công bằng, trên kính dưới nhường, quan tâm, tôn trọng nhau, sống đoàn kết và cư xử đúng mực. Mỗi khi ai đó có hành vi, lời nói không đúng thì được nhẹ nhàng dạy bảo, khuyên răn. 

Chị Nguyễn Thị Luyến, cháu ông Giáo tiết lộ, ông bà chính là tấm gương sáng để con cháu noi theo và học tập. Điều quan trọng là mọi người biết sống vì nhau, bỏ qua và khắc phục những bất tiện để có cuộc sống chung đầm ấm. "Có thể đối với những bạn khác, sống trong một gia đình có nhiều thế hệ sẽ có nhiều ràng buộc, khó khăn, khúc mắc. Nhưng mà đối với em, được sống trong một gia đình có nhiều thế hệ và có truyền thống yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau thì em cảm thấy thực sự hãnh diện."

Truyền thống văn hóa gia đình được vun đắp qua nhiều thế hệ sẽ trở thành giá trị bền vững để mỗi gia đình thực sự trở thành một tổ ấm, cùng biết lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ để xóa nhòa khoảng cách thế hệ. Rõ ràng, nhiều thế hệ chung sống với nhau không phải là yếu tố ngăn cản sự vui vẻ, hòa thuận trong gia đình, điều quan trọng là mọi người biết nghĩ cho nhau thì sẽ khắc phục được những bất tiện không đáng có để có một cuộc sống đầm ấm. Một gia đình hạnh phúc chính là môi trường tốt nhất để nuôi dưỡng những thế hệ con cháu phát triển toàn diện. Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền là nền tảng gia đình hạnh phúc./.

Bài liên quan
8 thói quen đơn giản cần có để trở thành cha mẹ tốt
Làm cha mẹ luôn luôn là một công việc đầy thử thách và nhiều phụ huynh có thể khó tránh được việc mắc sai lầm khi làm cha mẹ.

(0) Bình luận
Nghe
1x
1.5x
2x
  • vov1
  • VOV GIAO THONG HA NOI
  • VOV GIAO THONG HCM
  • vov2
  • vov3
  • vov4
  • vov5
  • vov6
  • vovtv
  • vtc1
Nổi bật VOVLIVE
Giá chung cư Hà Nội cao ngất: Nguy cơ xuất hiện 'bong bóng'?
Thời gian gần đây, giá chung cư Hà Nội liên tục tăng mạnh khiến nhiều chuyên gia e ngại nguy cơ "bong bóng" sẽ xảy ra.
Mới nhất