Huyền tích về pho tượng hàng trăm người khiêng không được
Trong cuốn "Nước non Bình Định", nhà thơ Quách Tấn viết: "Dưới chân Hòn Mai có một bàu nước ngọt khá rộng và một ngôi chùa cổ. Chùa thờ một tượng Phật bằng đá xanh cao lớn bằng hình người. Phía sau lưng tượng có một hàng chữ bùa.
Tượng này người địa phương tìm thấy ở dưới mé bàu. Truyền rằng xưa kia tượng ở tận ngoài Lao Xanh. Một hôm tự nhiên biến mất. Nhân dân tìm mãi không thấy. Sau nghe người Phương Mai được tượng Phật, bèn tới nhìn thấy quả là tượng Phật của mình, mới đòi lại. Nhưng hàng trăm người xúm khiêng mà giở lên không nổi, đành phải cúng lại cho người Phương Mai".
Sau nhiều lần di chuyển để nhường mặt bằng cho các dự án phát triển du lịch, tới năm 2015 chùa Linh Sơn được xây dựng lại tại thôn Hội Thành, xã Nhơn Hội (TP. Quy Nhơn, Bình Định). (Ảnh: Dũng Nhân).
Thành phố biển Quy Nhơn có 4 xã đảo, gồm 3 bán đảo Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Hải và xã đảo Nhơn Châu đều đã phát hiện dấu tích văn hóa Chăm cổ. Tại Hải Giang - một ốc đảo chỉ rộng khoảng 1,2 km2 thuộc xã Nhơn Hải - có ngôi cổ tự nằm trong dãy núi Phương Mai, người dân thường gọi là chùa Phật Lồi.
Chùa Phật Lồi có tên chữ là Linh Sơn cổ tự, được xây dựng năm 1913, tọa lạc ở làng chài Hải Giang, nay đã dời về thôn Hội Thành (xã Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn).
Tương truyền rằng, xưa kia thôn Hải Giang là vùng đất của người Chăm sinh sống, họ xây dựng những ngôi đền, tháp thờ cúng thần linh. Gần mép biển và trên ngọn núi xung quanh làng Hải Giang có dấu tích của một tường thành cổ được cho là của người Chăm-Pa xây dựng.
Trải qua hàng trăm năm những ngồi đền, tháp này bị đổ sập, các vết tích về tượng thần... cũng bị vùi trong lòng đất. Tại các khu vực như Gò Thịnh, Gò Luôn, Ụ Đầm Bé, Gò Giếng Hời mỗi khi đào đất lên canh tác có rất nhiều gạch Chămpa, bình hũ sành... Những khu vực này mùa mưa thì giữ nước dẫn đến sình lầy, mùa nắng thì khô cằn không thể canh tác được do lớp đất canh tác rất mỏng, phía bên dưới là lớp gạch Chăm-Pa cổ.
Theo tài liệu khảo cổ ở Bình Định, nguồn gốc pho tượng Phật Lồi ở chùa Linh Phong là do ngày trước có một số nông dân trong lúc đang canh tác trên núi Phương Mai đã phát hiện. Sau đó pho tượng được dân làng lập đền thờ và tôn kính như một vị Bồ Tát nên gọi là Phật Lồi. Sau nhiều lần di chuyển, tượng được thờ trong ngôi chùa nằm trong dãy núi Phương Mai, gọi là chùa Linh Sơn.
Người dân Hải Giang quan niệm tượng Phật đào được từ dưới lòng đất thường rất linh thiêng nên trước khi giăng buồm ra khơi đều đến đây để cầu được chuyến đi bội mùa tôm cá, tránh được những nguy hiểm gió bão khơi xa.
Thời gian thăng trầm, có nhiều câu chuyện tâm linh, được người dân trong vùng truyền miệng bao đời về tượng Phật Lồi.
Tượng Phật Lồi mặc áo cà sa vải ngự trì vị trí trang nghiêm trong chùa Linh Sơn (ảnh: Dũng Nhân).
Những cụ già trong làng hay tự hào mà nói rằng: “Đố ai đem được tượng Phật Lồi ra khỏi làng chài nhỏ này”, và câu chuyện về những nhóm người nhăm nhe trộm tượng nhưng bất thành được người dân truyền tai nhau như một minh chứng cho sự linh thiêng của pho tượng này.
Khoảng năm 1980, có một nhóm người từ vùng khác đến đây trộm tượng. Trong đêm, họ xúm vào khiêng tượng đi, nhưng khi vừa đặt tay vào tượng thì những kẻ trộm bị tê cứng tay chân. “Thần hồn nát thần tính”, những người không tê chân tay chạy tán loạn, những người đang tê chân tay cũng sợ đến tỉnh người, tháo chạy khỏi chùa.
Mười chín năm sau, năm 1999 lại xuất hiện vài người lạ đến phối hợp cùng một số người trong làng săn tìm đồ cổ, đồ đồng đen... Một đêm, họ phá khóa gian thờ chính điện, định khiêng tượng Phật Lồi đem đi bán, nhưng mới khiêng tượng được vài mét bỗng dưng không tài nào di chuyển được nữa.
Năm 2000 có một nhóm thanh niên biết không thể di chuyển được Phật nên vác búa đập tượng định bán sắt vụn. Bọn trộm dùng búa đập đứt đầu tượng Phật Lồi thì phát hiện tượng làm bằng đá xanh chứ không phải đồng đen nên bỏ đi. Sáng hôm sau, thấy tượng nằm lăn lóc bên hông chùa nên người dân khiêng vào chánh điện, dùng xi măng gắn đầu tượng lại.
Trong tâm thức của người dân làng chài, do Phật hiển linh, muốn ở lại với dân làng Hải Giang nên không ai có thể dời Phật đi nơi khác. Phật đã gắn bó sâu đậm nghĩa tình với người dân nơi đây nên cương quyết ở lại để phù hộ cho làng, cho những người dân nghèo.
Người dân làng chài Hải Giang chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá nên khi nhà nào làm ăn mất mùa, họ đều lên chùa Linh Sơn để cầu xin Phật cho họ làm đâu được đó. Sự linh thiêng của tượng Phật Lồi đồn khắp nơi, nhiều ngư dân đi biển trong tỉnh Bình Định cũng tìm về đây cúng tế cầu xin.
Giải mã 12 dòng chữ lạ ở tấm bia gắn sau lưng tượng
Nói về 12 dòng chữ ở tấm bia phía sau lưng Phật Lồi, xưa kia, nhiều người cho rằng đây là dòng chữ bùa. Theo "Nước nong Bình Định" của Quách Tấn: "Những năm có bệnh dịch, bệnh tả, thì tượng Phật tự nhiên đổ mồ hôi. Người địa phương lấy son thoa nơi lưng Phật, lấy giấy vàng in những hàng chữ bùa, đem về dán nơi nhà và đốt uống với nước lã. Người có bệnh lành bệnh, người không bệnh tránh khỏi bệnh". Và tục này vẫn giữ cho đến ngày nay, cứ mỗi Tết đến người dân ở đây và bên xã Nhơn Hải với một niềm tin tươi sáng như thế đều qua đây lấy bùa.
Theo Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, tượng Phật Lồi ở Hải Giang là tượng thần Shiva do người Chăm tạc bằng đá sa thạch. (Ảnh: Dũng Nhân).
Được người dân xem là tượng Phật nhưng thực ra, tượng được thờ trong Linh Sơn cổ tự là một pho tượng Chăm.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, đây là pho tượng thờ thần Siva, có niên đại thế kỷ 15, được tạc bằng đá sa thạch. Tượng cao 0,82 m, rộng 0,46 m, được thể hiện dưới dạng thần Siva đang ngồi trong tư thế thiền, tay trái đặt ngửa giữa hai chân, tay phải lần tràng hạt, gương mặt trầm tư. Đây là tượng độc bản, có hình thức khác hẳn với các tượng thần Siva khác từng được phát hiện ở Bình Định.
Thần Siva là một trong 3 vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Theo truyền thuyết, thần Shiva dùng tro tàn còn lại từ 3 pháo đài được cho là bất khả xâm phạm của quỷ để vẽ lên trán của mình như một chiến công sau trận thắng và 3 pháo đài này bị con mắt lửa của thần Shiva thiêu hủy.Từ đó, những tín đồ tôn thờ thần Shiva thường dùng tro thiêng bôi 3 vạch trên trán với niềm tin là con mắt thứ 3 của thần Shiva sẽ tiêu tan mọi ảo giác, mê muội của tâm hồn để hòa đồng với vị thần này.
Đặc biệt, tượng được gắn chặt với tấm bia đá sau lưng, trên bia khắc 12 dòng chữ Chăm cổ từng là bí ẩn trong một thời gian dài. Tượng Phật Lồi tại chùa Linh Sơn là một trong những hiện vật Chăm Pa tiêu biểu tại Bình Định hiện nay.
“Sở dĩ đằng sau pho tượng dính đầy màu đỏ là vì cứ tới ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, bà con, phật tử khắp nơi tụ họp về đây để xin thỉnh bùa. Bà con, chúng phật tử mua bột châu sa, thần sa bôi lên tấm bia sau đó dùng giấy in, ấn vào bức tượng để lưu lại những dòng chữ Chămpa cổ trên bia ký”. – sư thầy Thích Thị Hòa, trụ trì chùa Linh Sơn chia sẻ (ảnh: Dũng Nhân).
12 dòng chữ Champa cổ trên tấm bia sau pho tượng thần Shiva được nhiều người dân đồn đoán là bùa để trừ tà ma, thậm chí có người cho rằng đây là lời chỉ dẫn đến một kho báu của người Chăm cổ xưa
Bảo tàng tổng hợp Bình Định đã dập và gửi những dòng chữ trên bia gửi Bảo tàng Guimet (ở Paris, Pháp) nhờ các chuyên gia dịch.Tháng 5/2011, Viện Viễn Đông bác cổ Pháp đã cử GS ArLo Griffiths, một chuyên gia về ngôn ngữ Ấn Độ cổ, đến tiếp cận văn bia này.
Sau đó, GS Arlo Griffiths đã dịch được văn bia nói trên ra tiếng Anh và PGS.TS Ngô Văn Doanh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, dịch ra tiếng Việt.
Theo như nội dung tấm bia ký khắc sau lưng pho tượng được dịch, thì pho tượng này có niên đại thế kỷ XV. Bia ký mang ký hiệu C.214 (tức bia ký thứ 214 của Champa đã được các nhà khoa học đưa vào danh mục quốc tế).
Sau nhiều năm nghiên cứu, Giáo sư Arlo Griffiths đã đọc được minh văn, biên tập và dịch ra tiếng Anh. Bản dịch ra tiếng Việt và giải thích ý nghĩa do PGS.TS Ngô Văn Doanh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học xã hội Việt Nam cung cấp. Và nội dung minh văn khẳng định, đây là tượng thần Shiva, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo.
Theo bản dịch, nội dung bia ký nói về vị vua Nauk Glaun Vijaya, vị vua này được nhắc tới là đã đánh thắng người Việt (Yvan) và chiếm được vương quốc Brah Kanda. Sau khi giành được nhiều chiến thắng, trở về Champa vào năm Saka - 1343.
Các nhà nghiên cứu cho rằng Nauk Glaun Vijaya chính là người đã kế vị ngôi vua của cha mình là Jaya Simhavarman 4 vào năm 1400 với tên tấn phong là Virabhadravarman. Năm 1432, Nauk Glaun Vijaya đổi vương hiệu là Indravarman 6, sử liệu Việt Nam gọi là Ba Đích Lai.
Thời kỳ trị vì của vua Nauk Glaun Vijaya kéo dài từ năm 1400 -1441. Trong mấy năm đầu, Ba Đích Lai phải dâng đất Chiêm Động và Cổ Lũy (khu vực hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay) cho nhà Hồ. Sau đó, nhân cơ hội nhà Minh xâm chiếm Đại Việt, Ba Đích Lai đã chiếm lại hai vùng đất đã dâng.
Khi đã lấy lại được phần đất phía Bắc và được nhà Minh ủng hộ, vua Chăm-Pa đã trả thù người láng giềng Chân Lạp bằng cuộc tấn công vào nơi mà vị vua AngKor cuối cùng đến định đô (nay là Phnôm Pênh). Cả hai chiến tích trên vào năm 1421 (năm Saka -1343), Nauk Glaun Vijaya đã cho ghi lên bia ký phía sau pho tượng.
Theo Bảo tàng Bình Định, trong nghệ thuật điêu khắc Chăm-Pa, hình tượng thần Shiva thường được thể hiện ở nhiều dạng khác nhau, khi thì được thể hiện dưới dạng tượng nhân dạng (trường hợp tượng vua Pô Rômê ở Ninh Thuận), chính là tượng thần Shiva dưới hình thức vị thần tối cao); khi thì thể hiện dưới dạng Mukhalinga (trường hợp vua Po Klong Garai biến tướng dưới dạng cột lửa hình Linga, biểu tượng của thần Shiva).
Nhưng thần Shiva (Phật lồi) ở chùa Linh Sơn có những biểu hiện rất đặc biệt như chữ “om” trên mũ, chữ số ba ở giữa trán, bộ râu dài nhọn đầu, tay cầm tràng hạt được thể hiện dưới dạng tạc thành pho tượng thờ và phía sau lưng có tấm bia ký.
Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định cho biết: Bảo vật quốc gia tượng Thần Shiva ở chùa Linh Sơn, được đơn vị hướng dẫn nhà chùa, các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương và nhà chùa giữ gìn, chăm nom cẩn thận, lắp các camera an ninh để theo dõi bảo vệ.