Ùn tắc liên miên trên tuyến tránh, ngóng tiến độ sửa cầu Thăng Long 

Kiều Tuyết - Hoàng Hà | 12/10/2020, 05:37

Dự án sửa chữa cầu Thăng Long (Hà Nội) được khởi công từ giữa tháng 8, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Từ thời điểm đóng cầu, nhiều tuyến tránh lân cận luôn trong tình trạng quá tải và ùn tắc triền miên. Trong khi đó, đợt dịch COVID-19 vừa qua đã ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ...

Thi công hàn đinh neo trên mặt thép
Thi công hàn đinh neo trên mặt thép

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Vậy, dự án “đại tu” cầu Thăng Long liệu có thể về đích đúng hẹn? Những biện pháp nào đang được triển khai để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình?

"Chúng tôi thi công đinh neo trên mặt cầu là công nghệ mới trên cầu Thăng Long. Công nghệ này chúng tôi được hướng dẫn và đào tạo chuyên môn của dòng máy hàn mới và được kiểm tra tay nghề kỹ".

"Mặc dù thời tiết có phần không ủng hộ nhưng anh em chúng tôi cố gắng chia làm 2 ca …hoàn thành công việc đúng tiến độ để thông cầu sớm nhất có thể".

"Khi nào cần tăng ca để kịp sàn thì tôi sẵn sàng, anh em làm được thì mình cũng làm được thôi mà".

Tiếng cười giòn giã của nữ công nhân cơ khí đã xua tan bao mệt mỏi trên công trường sửa chữa cầu Thăng Long. Chị cũng như bao người thợ khác ngày đêm cần mẫn làm việc, quyết tâm đảm bảo tiến độ.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN khẳng định, Dự án sửa chữa Cầu Thăng Long hoàn toàn do đội ngũ chuyên gia, kĩ sư và người lao động VN làm chủ, từ khâu thiết kế, ứng dụng công nghệ cho đến công tác thi công.

Do công nghệ lần này hoàn toàn mới, nên công tác chuẩn bị được thực hiện kỹ càng trước đó hơn 1 năm, đặc biệt là việc nghiên cứu, thí nghiệm bê tông siêu tính năng (UHPC) và công nghệ hàn đinh neo trên mặt thép. Đến nay, quy trình này đã được hoàn thiện, các kĩ sư, người lao động VN hoàn toàn làm chủ được công nghệ và rút ngắn thời gian thi công.

"Để đảm bảo tiến độ tăng số máy hàn và công nhân…công tác vận hành bảo dưỡng chúng tôi yêu cầu làm triệt để, nghiêm túc, tránh máy móc bị hư hỏng trong quá trình thi công. Về vật liệu tập kết đủ trước 30/10 nên không bị vướng về nguyên vật liệu".

PGS.TS Ngô Văn Minh, Trường Đại học GTVT (thành viên nhóm nghiên cứu và tư vấn thiết kế dự án) cho biết, giải pháp sửa chữa cầu Thăng Long lần này bao gồm: Cào bóc và làm sạch lớp phủ mặt cầu cũ, hàn các đinh neo trên bản mặt thép, bổ sung lưới cốt thép, rồi rải lớp bê tông UHPC với lượng sợi thép gia cường cần thiết. Qua đó tạo ra kết cấu liên hợp giữa bê tông UHPC với sàn thép hiện hữu, tạo thành mặt cầu liên hợp siêu nhẹ.

"Mặt cầu thép ở cầu Thăng Long khi Liên Xô thiết kế là mặt cầu rất tốt nhưng độ võng, tức là độ cứng chưa cao so với tải trọng khai thác. Chúng tôi cải thiện mặt cầu thành mặt cầu liên hợp, phía dưới vẫn là mặt cầu thép, phía trên được gia cường thêm một lớp bê tông siêu tính năng để tạo thành một kết cấu liên hợp có độ cứng lớn hơn. Qua thí nghiệm và triển khai thực tế tại cầu Thăng Long cho thấy độ cứng của mặt cầu được cải thiện tăng 3 lần so với trước".

Cũng theo PGS.TS Minh, để áp dụng công nghệ này vào sửa chữa cầu Thăng Long, nhóm nghiên cứu đã đi khảo sát tại các nước Châu Âu như: Bỉ, Hà Lan và một số nước đã ứng dụng thành công như: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc...để tìm hiểu và học hỏi, sau đó tiến hành thực nghiệm tại Trường ĐH GTVT. Điểm nổi bật của bê tông siêu tính năng là tạo ra khả năng chịu nén và chịu kéo tốt hơn cho mặt cầu.

Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ khẳng định, công nghệ sửa chữa lần này sẽ khắc phục hoàn toàn hư hỏng trước đây.

"Công nghệ hàn Plasma để hàn những đinh neo thép lên trên mặt thép, với thời gian hàn đinh D13 dài 5cm chỉ trong 0,4 giây, không tạo ra nhiệt trên mặt cầu. Bê tông siêu tính năng có cường độ thiết kế vượt từ 2-3 lần bê tông đang sử dụng".

Là nhà thầu chính trong sản xuất, thi công bê tông UHPC, ông Nguyễn Ngọc Đình, TGĐ Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Thành Hưng Tuyên Quang cho biết, đến nay công tác đổ bê tông UHPC đã thực hiện được 6 phân đoạn/36 phân đoạn của dự án. Kết quả thử tải tại 3 phân đoạn ban đầu cho thấy khả năng chịu nén vượt và chịu kéo của bê tông UHPC vượt so với thiết kế khoảng 20%.

"Công tác sản xuất hết sức nhịp nhàng, từ khâu sản xuất bột UHPC với tiêu chuẩn chất lượng đã được hợp chuẩn hợp quy, sau đó trộn bê tông trên mặt cầu và đưa ra máy rải vào từng ô sản xuất. Để đảm bảo tiến độ, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu khác, bàn giao mặt bằng đến đâu thi công cuốn chiếu đến đó, chúng tôi hoàn thiện ván khuôn và rải bê tông UHPC ngay lập tức".

Ông Đình cũng cho biết thêm, quy trình đổ bê tông UHPC được thực hiện khá nghiêm ngặt, sau khi bê tông đổ xong sẽ được hấp ẩm hơi nước ở nhiệt độ 80 độ C trong vòng 72h liên tục, đảm bảo sau 5 ngày bê tông đạt cường độ 100%. Dự kiến mỗi phân đoạn sẽ thi công trong vòng 2 ngày, công tác đổ bê tông sẽ hoàn thành vào giữa tháng 12 tới.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Tuấn, Trưởng tư vấn giám sát công trình, với đội ngũ 5 chuyên gia và 16 cán bộ hiện trường sẽ kiểm soát tất cả các khâu, các mũi thi công trên công trường.

"Bố trí tư vấn giám sát bám sát các mũi thi công...Các mũi đều có tư vấn hiện trường kiểm tra, hướng dẫn nhà thầu thực hiện đúng theo quy trình công nghệ đã được phê duyệt".

Để đảm bảo tiến độ dự án, hiện nay Liên danh các nhà thầu đang phối hợp khá nhịp nhàng thi công theo hình thức cuốn chiếu. Dự kiến đầu tháng 11 tới sẽ thảm bề mặt cầu, các hạng mục còn lại sẽ hoàn thành trước 31/12.

Công tác đổ bê tông UHPC
Công tác đổ bê tông UHPC

Với công nghệ lõi từ Châu Âu, sau lần “đại tu” này, mặt cầu Thăng Long được các cơ quan chức năng khẳng định sẽ có tuổi thọ trên 10 năm, khắc phục được tất cả những hư hỏng trước đây. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của VOVGT, vấn đề kiểm soát chất lượng cần được đặt lên hàng đầu sau những hư hỏng từ 2 lần sửa trước đó.

Theo các chuyên gia, công nghệ bê tông siêu tính năng được nghiên cứu đầu tiên ở châu Âu và được áp dụng thành công đầu tiên ở Hà Lan gần 20 năm trước, bằng cách cải biến sàn cầu thép bản trực hướng thành kết cấu sàn cầu liên hợp với bản bê tông siêu tính năng, giúp tăng khả năng chịu nén và chịu kéo cho mặt cầu. Công nghệ này hiện đang được sử dụng phổ biến tại nhiều nước Châu Âu và một số quốc gia như: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Ở nước ta, đơn vị tiên phong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ này là Viện Khoa học công nghệ Xây dựng, bên cạnh đó còn có các trường đại học như: ĐH Xây dựng, ĐH GTVT và một số đơn vị khác.

Đặc biệt, để tiếp cận và đưa công nghệ này áp dụng cho cầu Thăng Long, từ đầu năm 2018, Trường ĐH GTVT đã thành lập nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học của trường và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có GS. Nguyễn Viết Tuệ. Và từ năm 2019 công nghệ bê tông siêu tính năng đã được áp dụng thành công tại 3 công trình cầu thuộc dự án LRAMP.

Trong khi đó, công nghệ hàn đinh neo trên mặt thép cũng được sử dụng phổ biến trên thế giới trong lĩnh vực kết cấu cầu thép liên hợp. Với thời gian hàn tốc độ nhanh, không tạo ra nhiệt trên mặt cầu nên không gây biến tính vật liệu thép. Công nghệ này cũng đã được nghiên cứu thực nghiệm tại trường Đại học GTVT.

Đã hoàn thành đổ bê tông UHPC  6 phân đoạn (trong tổng số 36 phân đoạn của dự án)
Đã hoàn thành đổ bê tông UHPC 6 phân đoạn (trong tổng số 36 phân đoạn của dự án)

Sau hơn 35 năm đưa vào khai thác, cầu Thăng Long đã trải qua 2 lần đại tu và nhiều lần sửa chữa nhỏ. Tuy nhiên, mặt cầu nhanh chóng hư hỏng trở lại sau mỗi sửa chữa, ảnh hưởng trực tiếp đến ATGT.

Ở lần đại tu lần thứ ba này, cầu Thăng Long được bóc sạch lớp bê tông hiện hữu để phủ lại bề mặt bằng công mới. Đơn vị chức năng khẳng định sẽ tăng cường độ cứng cho mặt cầu từ 2-3 lần và kéo dài tuổi thọ của cầu.

Mặc dù đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới, nhưng đối với VN thì đây vẫn là công nghệ mới. Trước khi áp dụng vào lần đại tu này Bộ GTVT đã có những nghiên cứu và thực nghiệm kỹ càng. Tuy nhiên, quá trình thi công thực tế cần được theo dõi và kiểm soát chặt chẽ.

Trong đó, chủ đầu tư cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý, giám sát quy trình thi công của các nhà thầu, từ nguyên liệu đầu vào, tới việc hàn đinh neo và đổ bê tông; nhà thầu không vì lo “chạy” theo tiến độ mà “ngó lơ” chất lượng.

Bên cạnh đó sự phối hợp giữa chủ đầu tư và các nhà thầu cần được thắt chặt hơn nữa, nhằm cán đích tiến độ và đảm bảo “tuổi thọ” công trình như cam kết đã đưa ra trước đó của các cơ quan, đơn vị chức năng.

Bởi, sự hư hỏng nhanh chóng sau 2 lần đại tu trước đó không chỉ gây tốn kém, lãng phí, mất an toàn giao thông, gây gánh nặng hao phí vận tải, mà còn khiến dư luận giảm sút niềm tin. Và lần này, nhất thiết không thể để “quá tam ba bận”!

Bài liên quan
MC Thảo Vân gặp tai nạn giao thông
MC Thảo Vân cho biết lần đầu tiên trong hơn 20 năm cầm lái, cô gặp tai nạn giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất