Đổi tên đường, không chỉ là thay biển 

Trọng Điển - Minh Thùy - Trúc Thủy | 11/10/2020, 08:46

Việc trả lại đúng tên đường này được cho là cần thiết, thế nhưng thành phố phải tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình chuyển đổi cho người dân, để mang lại hiệu quả đồng bộ.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Đường Đinh Tiên Hoàng dài 947 m từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh) được đề xuất đổi tên thành đường Lê Văn Duyệt. Ảnh:
Đường Đinh Tiên Hoàng dài 947 m từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh) được đề xuất đổi tên thành đường Lê Văn Duyệt. Ảnh: Lao động

Theo Sở Văn hóa và Thể Thao TP.HCM, đề xuất đặt – đổi tên đường gồm bốn nhóm không chính xác. Nhóm thứ nhất, nhân vật trên bảng tên đường bị sai so với quyết định của UBND.

Nhóm thứ hai, các nhân vật lịch sử do quyết định đặt sai họ tên.

Nhóm thứ ba, các nhân vật lịch sử được đặt tên không chính xác.

Nhóm thứ tư, sai do các nhân vật lịch sử được gọi theo phương ngữ và lệ kỵ húy.

Việc điều chỉnh này được nhiều người dân cho rằng là cần thiết.

"Cái đó là phải đổi. Đổi là đúng. Tại vì tên đường là gắn liền với tên nhân vật lịch sử mà nhân vật lịch sử là gắn liền với công trạng của họ. Công trạng họ như vậy mà đặt tên sai là không ổn. Không ổn là không phải thế hệ này mà thế hệ sau nữa - con cháu của mình không hiểu rõ".

"Nếu sai sót thì đặt lại cho đúng. Mình đã muốn đặt tên để biểu dương các vị anh hùng dân tộc. Đã dùng tên thì dùng cho đúng, không thì dùng số".

"Hệ lụy giấy tờ là chuyện bình thường, chuyện đươngnhiên nhưng không có cần lo; cái đó nhà nước đã nghiên cứu kỹ rồi".

Đồng quan điểm, đổi tên đường theo đúng quy định và tên nhận vật lịch sử là đúng; nhằm thể hiện sự tôn trọng lịch sử, tạo nền tảng giáo dục cho thế hệ sau này.

Thế nhưng, đối với những hộ dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đề xuất vẫn tỏ ra lo lắng. Bởi hệ lụy kéo theo đó là sự xáo trộn, mất thời gian, công sức, thậm chí nảy sinh “tiêu cực” khi phải đổi hàng loạt các giấy tờ tùy thân, hộ khẩu, biển hiệu kinh doanh, quảng cáo…

Một người dân sống trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức – một trong những tuyến đường sẽ được đổi thành đường Kha Vạng Cân cho biết:

"Tất cả giấy tờ pháp lý mà bây giờ mình đổi thì đương nhiên phải thay lại hết; gây khó cho người dân. Nhà nước xem xét lại, quá sai trầm trọng thì đổi, còn không quá trầm trọng thì thôi".

Tên đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3 (tên đúng Ngô Thì Nhậm), được Hội Khoa học lịch sử TP HCM đề xuất giữ nguyên. Ảnh: Mạnh Tùng.
Tên đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3 (tên đúng Ngô Thì Nhậm), được Hội Khoa học lịch sử TP HCM đề xuất giữ nguyên. Ảnh:Vnexpress.

Trước sự lo ngại chính đáng của người dân, ông Trần Thế Thuận-Giám đốc Sở Văn hoávà Thể thaoTPHCMcũng thừa nhận, việc đặt tên đường được tiến hành qua nhiều thời kỳ theo các tiêu chí khác nhau.

Phần khác do yếu tố lịch sử, cách phát âm không chuẩn, nhầm lẫn trong quá trình đặt tên. Việc điều chỉnh tên đường sẽ ảnh hưởng phần nào đến đời sống của người dân.

Thế nên, trước khi đề xuất UBND thành phố, Sở đã hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học. Trong bốn nhóm đề xuất thì ba nhóm đầu có tên đường không chính xác sẽ được điều chỉnh.

"Có 3 nhóm thì theo đề xuất của Sở phải sửa lại cho đúng. Vì tên của một danh nhân, một nhân vật lịch sử mình phải trân trọng. Sai thì sửa. Tất nhiên cũng sẽ ảnh hưởng một phần nào đến đời sống của các hộ dân trên tuyến đường đó. Nhưng nghĩ rằng người dân sẽ hết sức đồng thuận và tha thứ cho một số sai lầm của một số người đã làm chưa đúng.

Riêngnhóm thứ 4 do cách gọi nói tránh đi - gọi là kỵ húy, Sở giữ quan điểm là vẫn giữ như hiện nay. Và quan điểm của Sở cũng được sự đồng thuận của các nhà khoa học, các nhà đọc giả cũng như hội đồng thẩm định - đặt - đổi tên đường thành phố".

Đồng tình với phương án của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Gia Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa - Du lịch cho rằng, theo quá trình phát triển của lịch sử, việc điều chỉnh chính xác lại tên đường là việc đương nhiên, không chỉ ở Việt Nam mà các nước cũng đã thực hiện.

Điều quan trọng, việc thực hiện cần được rà soát chuẩn xác và khoa học, nhất là hạn chế thấp nhất những xáo trộn trong đời sống và sinh hoạt của người dân.

"Chúng ta biết rằng, tên đường gắn với những giá trị lịch sử nhất định, đặc biệt là tên đường gắn với những con người cụ thể.

Quá trình nhận thức về lịch sử, rồi các yếu tố tất nhiên, tự nhiên và hoàn cảnh xã hội tạo ra những nhìn nhận không phải là chuẩn ngay từ đầu. Vì vậy việc đổi tên đường là tất yếu.

Chỉ là vấn đề, các nhà khoa học, các nhà sử học, nhà văn hóa, đổi tên đường như vậy thì làm sao cho chuẩn, cho đúng để tránh đổi đi đổi lại, không làm xáo trộn giấy tờ.

Đổi như thế nào cho phù hợp, cần sự ủng hộ của người dân vì một sự phát triển chung, sự hoàn thiện của giá trị lịch sử và văn hóa của thành phố".

Để người dân đồng tình, ủng hộ nhất quán, luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội luật gia TP.HCM cho rằng, cần lưu ý đến nhiều vấn đề về thủ tục hành chính liên quan:

"Tôi thấy rằng việc đặt đổi tên đường, làm sao chúng ta phải cái cách thủ tục hành chính - tức là tạo thuận lợi cho người dân chuyển đổi giấy tờ vế mặt thủ tục hành chính thì nó phải song song với việc cải cách hành chính cho người dân một cách nhanh nhất mới tạo sự đồng bộ. Nhà nước cũng phải tạo điều kiện và không thu phí giấy tờ, giúp đỡ người dân tránh những phiền hà".

Đề án đặt - đổi tên đường đã được thành phố ấp ủ từ lâu. Tuy nhiên, việc thay đổi này không thể vội vàng mà phải được triển khai từng bước.

Ngoài tính chính xác, yếu tố lịch sử, thành phố cũng cần quan tâm đến tính thực tiễn, yếu tố tác động đến đời sống khi áp dụng, cũng như phải phù hợp với những nét đặc trưng văn hóa của người Sài Gòn nói riêng.

Đường Trương Quốc Dung, đoạn giao với đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, có tên đúng phải là Trương Quốc Dụng. Ảnh: Mạnh Tùng.
Đường Trương Quốc Dung, đoạn giao với đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, có tên đúng phải là Trương Quốc Dụng. Ảnh: Vnexpress

Đề án "Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TPHCM" đã được Thành phố hoàn thành vào năm 2016. Tuy nhiên, do vướng phải nhiều khó khăn, đến nay đề án mới được đưa vào thực tiễn.

Việc trả lại đúng tên đường này được cho là cần thiết, thế nhưng thành phố phải tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình chuyển đổi cho người dân, để mang lại hiệu quả đồng bộ.

Đây cũng là nội dung bài bình luận với tiêu đề“TP. HCM đổi tên đường: Không chỉ là thay biển”.

TP.HCM chuẩn bị tiến hành sửa đổi, đặt lại tên 38 tuyến đường không chính xác trong suốt thời gian qua là thể hiện sự cầu thị, lắng nghe.

Điều này không chỉ là việc làm khoa học, trả lại tên gọi chính xác cho các nhân vật lịch sử được tôn vinh khi lấy tên đặt cho con đường đó mà còn góp phần làm cho tên đường của thành phố bớt lộn xộn, phục vụ tốt yêu cầu của sự phát triển.

Do việc đặt tên đường trải dài qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, có thời kỳ cách đây cả trăm năm nên việc đặt tên đường không theo một quy chuẩn nào, khiến cùng tên một nhân vật nhưng được đặt cho nhiều nơi, nhiều chỗ cũng là điều dễ hiểu.

Đó là chưa kể, một tuyến đường thẳng,không dài nhưng đặt tới hai tên khác nhau khiến người đi đường không khỏi lạ lẫm, bỡ ngỡ.

Là trung tâm kinh tế cả nước, nhu cầu giao thương của khách trong và ngoài nước đến TP Hồ Chí Minh mỗi ngày một tăng, việc đặt tên đường mang tính văn hóa, khoa học, có chiều sâu là rất cần thiết.

Không chỉ giúp du khách dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tìm mà còn tạo ra các dấu ấn rất riêng đối với từng con đường, góc phố của thành phố với mỗi khách phương xa.

Với người dân thành phố, con đường không đơn thuần là để đi lại mà còn gắn bó với những ký ức về lịch sử bản thân,gia đình và hàng xóm,láng giềng; là niềm tự hào về nơi mình sinh sống.

Việc đặt tên các nhân vật có công cho tên đường còn mang đậm tính nhân văn, thực hiện đạo lý” uống nước nhớ nguồn”, “ ăn quả nhớ người trồng cây”.

Nhiều năm qua, nhận rõ các bất cập, hạn chế này, từ năm 2016, TP.HCM có hẳn đề án công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TP - Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020.

Tuy nhiên vì nhiều lý do nên phải trì hoãn đến nay. So với yêu cầu là rất chậm, gây không ít phiền toái trong sinh hoạt của nhân dân.

Thực tế hiện nay, TP Hồ Chí Minh có hơn 1.800 đường mang tên tạm và hàng trăm tên đường không có ý nghĩa, trùng tên cần phải chỉnh sửa.

Vấn đề đổi, đặt tên đường theo Nghị định của Chính phủ, đối với đô thị đặc biệt như thành phố Hồ Chí Minh trước khi được Hội đồng Nhân dân TP ra nghị quyết thông qua phải lấy ý kiến của Bộ Văn Hóa thể thao và Du lịch. Đây là những quy định thể hiện sự chặt chẽ, nghiêm cẩn trong quy trình đặt đổi tên đường.

Vấn đề lúc này là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị chức năng của thành phố với vai trò tham mưu, giúp việc của mình, cần sớm cụ thể hóa các yêu cầu này để triển khai việc sửa, đổi đặt tên đường một cách căn cơ, bài bản.

Trong đó đặc biệt tránh gây xáo trộn không cần thiết khi đặt đổi tiên đường; nhất là phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi chuyển đổi tên đường, tên phố trên hộ khẩu, chứng minh nhân dân và các giấy tờ liên quan khác; tránh tuyệt đối việc phiền hà, sách nhiễu.

Một yêu cầu nữa là phải đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân hiểu và chia sẻ.

Việc sửa, đổi đặt tên đường ở TP.HCM, Hà Nội nói riêng và các đô thị khác trong cả nước nói chung khi xuất hiện các bất cập, hạn chế là cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu của thời kỳ hội nhập, mở cửa giao lưu, nhất là số hóa quản lý tuyến đường, con phố.

Tuy nhiên, sự thận trọng, cầu thị là yêu cầu bắt buộc để tạo sự đồng thuận; bởi đổi tên đường không chỉ đơn thuần là đổi tên trên tấm biển như đà từng xảy ra./.

Theo vovgiaothong.vn
Copy Link
Bài liên quan
Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam
Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể để phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, Việt Nam sẽ đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.
Mới nhất