Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí 

Thái Sơn | 10/10/2020, 20:48

Ngày 9/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam tổ chức Hội nghị Tham vấn một số chính sách phát triển cơ khí Việt Nam giai đoạn 2021-2035.

Hội nghị tham vấn chính sách phát triển cơ khí Việt Nam
Hội nghị tham vấn chính sách phát triển cơ khí Việt Nam

Một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại hội nghị là những kiến nghị về chính sách và giải pháp đối với sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí Việt Nam.

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho biết, cơ khí vốn được coi là ngành công nghiệp mũi nhọn quan trọng, là nền tảng và động lực hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển. Sản phẩm cơ khí phục vụ cho tất cả các ngành kinh tế, công nghiệp, dân sinh, quốc phòng… Tuy nhiên, nhiều năm nay, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam vẫn loay hoay tìm hướng để tồn tại và phát triển.

Về việc lựa chọn đâu sẽ là sản phẩm cơ khí trọng điểm, trong bối cảnh Việt Nam đã mở rộng hội nhập quốc tế, ông Đào Phan Long chia sẻ: “Sau 25 năm qua, Việt Nam hầu như không có một sản phẩm cơ khí nào đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, chưa nói đến vượt ra nước ngoài. Hiện nay chúng ta mới chỉ làm những linh kiện, phụ tùng để tham gia chuỗi, hoặc làm một số sản phẩm trong những công đoạn nào đó. Vậy thì sắp tới, cơ khí Việt Nam sẽ chọn cái gì là trọng điểm, đó là vấn đề rất lớn. Chính vì vậy, không thể không nghe tiếng nói của doanh nghiệp”.

Kiến nghị về giải pháp, chính sách đối với sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), cho rằng, cần thay đổi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các đơn vị sản xuất, lắp ráp ô tô.

Nhà nước cần có những quy định khuyến khích doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn cung nội địa. Cụ thể, quy định về tỷ lệ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm nội địa hóa.

Đại diện doanh nghiệp tham gia góp ý, đề xuất về chính sách phát triển ngành cơ khí
Đại diện doanh nghiệp tham gia góp ý, đề xuất về chính sách phát triển ngành cơ khí

“Tôi nghĩ rằng để phát triển công nghiệp phụ tùng và hỗ trợ, trước hết phải có dung lượng đủ lớn để các nhà sản xuất phụ tùng họ đầu tư và họ có sản lượng để tạo giá thành cạnh tranh. Thứ hai là, muốn thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ cho các ngành khác phát triển, chúng ta phải tạo chính sách để những nhà lắp ráp tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp phụ trợ đó. Họ phải sử dụng phụ tùng trong nước. Có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu như họ sử dụng bao nhiêu % phụ tùng trong nước. Ví dụ 40%-50% lấy linh kiện trong nước thì thuế thu nhập doanh nghiệp của họ sẽ được giảm tương ứng với tỷ lệ nội địa hóa”, ông Hồ Mạnh Tuấn nhận định.

Theo ông Hồ Mạnh Tuấn, đối với các nhà sản xuất công nghiệp phụ trợ mới đầu tư, cũng cần có thêm nhiều chính sách khuyến khích như ưu đãi về thuế đất, hạ tầng, vay vốn…

Ngoài ra, một trong những chính sách quan trọng nhất là thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng để hỗ trợ những đơn vị sản xuất cụm chi tiết cấp cho các nhà sản xuất, lắp ráp.

Ông Hồ Mạnh Tuấn nêu quan điểm: “Tôi ví dụ, dung lượng linh kiện cho xe máy, ô tô hiện nay đang nhỏ, vì vậy, đầu tiên các nhà sản xuất phụ tùng chỉ sản xuất trong một cụm chi tiết. Cụ thể, 10 chi tiết họ chỉ sản xuất khoảng 4 chi tiết, còn lại 6 chi tiết họ phải nhập khẩu từ nước ngoài. Sau đó họ lắp ráp với 4 chi tiết sản xuất trong nước thành một cụm hoàn chỉnh rồi cấp cho nhà lắp ráp. Do đó, chúng ta cần tính thuế nhập khẩu của 6 chi tiết này vào thuế ưu đãi”.

Đóng góp ý kiến ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Dương Hiệu, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghiệp và Thương mại Lidovit, cho rằng, hiện đã có nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển ngành cơ khí, công nghiệp phụ trợ nhưng vẫn thiếu thực tiễn và khó áp dụng.

Đơn cử như danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm để hưởng ưu đãi đều ghi là “thiết bị”, nhưng khi áp dụng để chứng nhận, thì mỗi nơi hiểu một kiểu khiến doanh nghiệp không thể xin được chứng nhận sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chủ lực để hưởng ưu đãi.

Ghi nhận các đề xuất từ phía doanh nghiệp và ban ngành chức năng tại hội nghị, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho biết, sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến cho 2 Nghị định sửa đổi nội dung một số điều của Nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ và Dự thảo Nghị định phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn 2021-2035 do Bộ Công thương đang soạn thảo để trình Chính phủ xem xét.

Bài liên quan
Hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho cháu bé 12 tuổi bị xâm hại đến có thai ở Hà Nội
Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tư vấn tâm lý và tiếp tục hỗ trợ cho cháu bé 12 tuổi tại Thanh Trì, Hà Nội bị xâm hại dẫn đến có thai.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: Chiến thắng Điện Biên Phủ là "một dấu mốc bằng vàng chói lọi"
Sáng nay (17/4), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/7/2024).
Mới nhất