Giữ gìn và phát triển thương hiệu lụa tơ tằm Nha Xá 

Thái Sơn | 18/09/2020, 10:44

Nằm ven bờ sông Hồng, làng dệt Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm lụa tơ tằm đẹp, mềm mịn và bền chắc.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Sản phẩm lụa Nha Xá được người tiêu dùng ưa thích
Sản phẩm lụa Nha Xá được người tiêu dùng ưa thích - Ảnh Báo Công thương

Nha Xá là làng lụa đã có hàng trăm năm tuổi. Tương truyền khi xưa, vị tướng nhà Trần là Nhân Huệ Vương, Trần Khánh Dư đi thuyền qua đây, thấy đất tốt dân lại nghèo nên ông đã chỉ cho họ cách trồng dâu, ươm tơ, dệt lụa. Nghe lời dạy, người dân trong làng làm ra rất nhiều tấm lụa đẹp.

Tiếng lành đồn xa, thương lái tìm đến ngày càng nhiều. Có những lúc, trong làng có cả nghề ‘gánh lụa thuê’ ra sông Hồng để đưa lên thuyền chuyển về kinh thành hoặc phân phối đi các nơi. Lụa Nha Xá nổi danh từ đó.

Nghệ nhân Nguyễn Tiến Quảng, Chủ tịch Hiệp Hội Làng Nghề Nha Xá chia sẻ: “Với bề dầy lịch sử hơn 700 năm tuổi, cho đến nay, chúng tôi đã đứng vững trên thị trường với các dòng sản phẩm lụa tơ tằm và các dòng sản phẩm liên quan đến khăn lụa, chăn lụa, khăn đũi cùng tất cả các dòng sản phẩm lụa hoa. Dịch Covid năm nay ảnh hưởng rất lớn, tuy nhiên chúng tôi vẫn cố gắng đứng vững bằng các dòng sản phẩm cao cấp. Trong lĩnh vực thời trang, chúng tôi cũng sản xuất nhiều sản phẩm lụa hoa và lụa cao cấp mang đến nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng trong nước”.

Để có được tấm lụa đẹp, người thợ dệt Nha Xá phải quay tơ sau đó mới đưa qua máy dệt. Tấm lụa mộc dệt xong lại đem ra tẩy chuội, nhuộm màu rồi cán khô. Mỗi công đoạn đều có cách làm riêng, kỳ công, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ phải thật chuyên tâm, tinh tường.

Hiện nay, Nha Xá có gần 400 máy dệt, mỗi tháng làm ra từ 30-40 nghìn m lụa. Sản phẩm được tiêu thụ khắp các thị trường cả trong và ngoài nước.

Nói về đặc trưng của lụa Nha Xá, Nghệ nhân Nguyễn Tiến Quảng cho biết thêm: “Muốn biết được thật chuẩn và đúng của lụa Nha Xá, trước hết trân trọng mời các bạn hãy cùng về thăm làng nghề dệt lụa truyền thống Nha Xá. Thứ nhất, lụa đúng chất liệu 100% tơ tằm. Mà đặc thù của lụa tơ tằm thì sờ trên tay cảm thấy mát, mỏng, nhẹ. Bên cạnh đó, giá trị của lụa còn ở chỗ ấm về mùa Đông và mát về mùa Hè, đó là đặc thù của lụa tơ tằm Nha Xá. Thứ hai là màu sắc sẽ đảm bảo phai ở mức độ thấp nhất. Thứ ba, về giá thành sản xuất thì đây là nơi chỉ có giá thành của người sản xuất chứ không mang tính chất thương mại”.

Sản phẩm lụa thành phẩm của làng lụa Nha Xá
Sản phẩm lụa thành phẩm của làng lụa Nha Xá

Nhờ có nghề dệt lụa truyền thống, cuộc sống của nhiều người dân trong làng trở nên khá giả, có thu nhập ổn định, không ít hộ xây được nhà cửa khang trang. Người dân Nha Xá tự tin khẳng định đang sống tốt với nghề.

Nhiều người dân trong làng mong muốn mở rộng sản xuất và phát triển những mẫu mã sản phẩm mới như: Lụa chống nhăn, lụa mỏng phục vụ hội họa... Đặc biệt, để xây dựng thương hiệu bền vững, Nha Xá còn chú trọng gắn phát triển làng nghề với bảo vệ môi trường.

Nghệ nhân Nguyễn Tiến Quảng chia sẻ về định hướng phát triển sắp tới của làng nghề: “Trong khoảng 5 năm trở lại đây, sản phẩm lụa của chúng tôi đã đi vào trong cộng đồng của người Việt, đó là những sản phẩm lụa thời trang. Để đáp ứng được mọi thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Pháp, đấy là những thị trường xuất khẩu, chúng tôi đã hoàn thiện và khắc phục được tất cả những mặt nào còn hạn chế kể cả từ màu sắc và chất liệu. Bên cạnh đó, hưởng ứng Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chúng tôi luôn định hướng làm sao giá thành hợp lý nhất. Để làm được việc đó, đương nhiên người sản xuất phải điều chỉnh tất cả chất liệu, đúng là sản phẩm lụa tơ tằm, nhưng giá thành làm sao để mọi người có thể mua và sử dụng được”.

Để làng nghề thực sự trở thành thế mạnh, mở ra hướng đi vững chắc trong quá trình phát triển của địa phương, chính quyền xã Mộc Nam cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, mở rộng quy mô sản xuất và chuyển giao khoa học, kỹ thuật.

Việc phát huy thế mạnh làng nghề truyền thống không chỉ góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân mà còn là tiền đề quan trọng để địa phương bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống trong từng sản phẩm lụa Nha Xá.

Bài liên quan
Bảng xếp hạng vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á: Thái Lan vui, Việt Nam buồn
Cập nhật bảng xếp hạng vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á mới nhất, ĐT Thái Lan vui vì rộng cửa đi tiếp, trong khi đó ĐT Việt Nam nguy cơ bị loại.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể để phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, Việt Nam sẽ đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.
Mới nhất