Phát huy vai trò của lực lượng PCCC cơ sở tại các khu, cụm công nghiệp 

Như Ngọc | 02/10/2020, 09:09

Là nơi tập trung vật liệu, hàng hóa hầu hết là các chất dễ cháy; thế nhưng công tác PCCC&CNCH tại không ít cơ sở trong khu cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn tồn tại những vi phạm và bất cập. Đặc biệt, nếu xảy ra cháy, thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Ảnh: GLO

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Tốc độ công nghiệp hóa ngày càng nhanh, đồng nghĩa với việc các dự án, công trình công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó các công trình đặc thù có tính chất nguy hiểm cháy, nổ phức tạp được xây dựng với quy mô lớn, đặt ra nhiều áp lực trong công tác bảo đảm an toàn PCCC.

Điển hình là vụ cháy nhà xưởng tại KCN Hải Yên (TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) hồi tháng 4-2018, làm sập hoàn toàn 8.500m2 nhà xưởng, thiệt hại về tài sản khoảng 350 tỷ đồng. Vụ cháy tại KCN Long Giang (tỉnh Tiền Giang) gây thiệt hại khoảng 223 tỷ đồng, vụ cháy tại KCN Hòa Cầm (Đà Nẵng) buộc lực lượng PCCC huy động gần 30 xe chữa cháy, 200 cán bộ chiến sỹ và liên tục chữa cháy trong nhiều giờ…

Theo Thượng tá Ngô Tiến Long – Phó trưởng công an huyện Mê Linh (Hà Nội), theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 260 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động. Còn riêng tại địa bàn TP Hà Nội, có hàng chục cụm khu công nghiệp, khu chế xuất lớn nhỏ, với tổng diện tích hàng nghìn héc-ta. Những năm gần đây, tình hình cháy, nổ tại các khu công nghiệp diễn biến ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ thiệt hại:

"Các khu công nghiệp được đầu tư bài bản thì diện tích của nhà xưởng rất lớn, các chất cháy trong các nhà xưởng cũng rất nhiều. Chính vì vậy, khi mà xảy ra cháy và đặc biệt là cháy ngoài giờ thường dẫn đến cháy và cháy lớn, khi tổ chức chữa cháy gặp nhiều khó khăn vì không tiếp cận được gốc lửa. Bên cạnh đó, các nhà xưởng phần lớn là của các DN nước ngoài nên khối lượng tài sản là rất lớn, nếu cháy để laị thiệt hại về tài sản rất lớn", Thượng tá Ngô Tiến Longcho biết.

Xuất phát từ những lý do nêu trên, việc áp dụng tối đa các biện pháp, giải pháp an toàn về PCCC ngay từ khâu xây dựng ban đầu, đặc biệt là việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC để thực hiện công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC là hết sức quan trọng để phòng tránh các sự cố cháy, nổ đáng tiếc xảy ra.

Ghi nhận tại một số cụm công nghiệp ở địa bàn huyện Mê Linh (Hà Nội), đa phần các doanh nghiệp sản xuất tại đây có liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… nên có hệ thống PCCC khá đồng bộ, hiện đại.

Giới thiệu về hệ thống PCCC của một cơ sở tại KCN Mê Linh, ông Nguyễn Minh Nam – Trưởng phòng Thiết bị công ty CP Sowa Việt Nam cho biết:"Trước hết, các thiết bị PCCC được trang bị theo quy định của pháp luật và được thẩm định PCCC thường xuyên, chúng tôi cũng có đội kỹ thuật đi kiểm tra hàng tháng, bảo dưỡng định kỳ các thiết bị PCCC và hàng năm chúng tôi cũng diễn tập các phương án PCCC cho CBNV cũng như công tác đảm bảo PCCC cho các đội PCCC cơ sở".

Ảnh: BDO

Mặc dù trong thời gian qua, ban quản lý các khu cụm công nghiệp đã có sự quan tâm, đầu tư các trang thiết bị PCCC, tuy nhiên, nguyên nhân cháy nổ lại xuất phát từ ý thức chủ quan của các chủ doanh nghiệp và công nhân, không thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về an toàn PCCC. Hệ thống điện, khoảng cách giữa các nhà xưởng và công trình không đảm bảo an toàn PCCC.

Để khắc phục những tồn tại này, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tích cực hướng dẫn các DN xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng PCCC cơ sở, tổ chức huấn luyện, trang bị phương tiện đầy đủ cho lực lượng PCCC cơ sở, định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện chữa cháy và nguồn nước chữa cháy, đảm bảo đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại chỗ nếu có tình huống cháy, nổ xảy ra.

Nói về vấn đề này, Thượng tá Ngô Tiến Long khẳng định:"Để đảm bảo an toàn PCCC, các nhà đầu tư, DN trong các KCN, KCX cần phải tuân thủ các quy định pháp luật của VN về thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC, đảm bảo giao thông PCCC. Khi đầu tư phải tính đến quy mô phát triển trong tương lai của DN. Còn về chúng tôi, luôn đảm bảo 1 quý kiểm tra và lập biên bản 1 lần và hàng năm tổ chức tuyên truyền, huấn luyện về PCCC, phối hợp thường xuyên và nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên, nguy cơ cháy nổ luôn rình rập, nên chính mỗi DN hàng ngày phải tự kiểm tra công tác PCCC tại cơ sở".

Có thể thấy, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp của lực lượng chức năng, Ban quản lý các khu công nghiệp phải thường xuyên phối hợp với Cảnh sát PC&CC thực hiện nghiêm các quy chế thẩm duyệt về PCCC, quy hoạch hệ thống cấp nước PCCC; các chủ các cơ sở, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa tới công tác PCCC, có như vậy, thì công tác PCCC tại các khu công nghiệp mới thật sự đạt hiệu quả.

Một số thông tin về công tác PCCC tuần qua

# Theo thống kê của Phòng CS PCCC&CNCH CA TP Hà Nội, trong tuần vừa qua, trên địa bàn Thủ đô xảy ra 7 vụ cháy (trong đó có 1 vụ cháy lớn, 6 vụ cháy nhỏ). Ngoài ra, còn có 11 vụ chập điện trên cột, 16 sự cố, thiệt hại không đáng kể.

# Còn thống kê 8 tháng đầu năm 2020 cho thấy, Hà Nội đã xảy ra 268 vụ cháy, trong đó có 5 vụ cháy lớn, 3 vụ cháy nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 96 vụ cháy trung bình, 151 vụ cháy nhỏ, 11 vụ cháy rừng, và 1 vụ nổ.

# Ngày 23/9 vừa qua, UBND quận Thanh Xuân đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC&CNCH cho khoảng 300 dân quân trên 11 phường thuộc địa bàn. Tại buổi tập huấn, Thượng tá Trần Văn Đồng - Phó Trưởng khoa PCCC, Đại học PCCC đã thông tin tình hình cháy nổ trong nước, trên địa bàn TP và quận Thanh Xuân trong 9 tháng năm 2020.

Đồng thời, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về công tác PCCC; kiến thức cơ bản về thực hiện công tác PCCC; hướng dẫn cách sử dụng các phương tiện PCCC./.


Bài liên quan
Tìm thầy mới cho tuyển Việt Nam: Top 5 HLV 'chữa cháy' được cổ động viên tiến cử
Nếu chọn phương án bổ nhiệm huấn luyện viên tạm quyền, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) có thể cân nhắc đến những gương mặt quen thuộc.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất