Một số kỹ năng thoát nạn khi cháy chung cư, nhà cao tầng 

Như Ngọc | 07/10/2020, 18:14

Thời gian qua, công tác PCCC ở các chung cư và nhà cao tầng trên địa bàn thành phố mặc dù đang rất được quan tâm, nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều nhiều bất cập. Vì vậy, mỗi cá nhân nên trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn PCCC để tự cứu mình cũng như những người xung quanh nếu không may xảy ra hỏa hoạn.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Theo thống kê trong năm 2019, tại nhiều thành phố lớn trên khắp cả nước, xảy ra nhiều vụ cháy, đặc biệt là những vụ cháy trong nhà cao tầng, để lại hậu quả nghiêm trọng.

Từ những vụ việc đáng tiếc này, nhiều người đặt câu hỏi: cư dân sống ở các căn hộ cao tầng cần phải trang bị những gì phòng trường hợp cháy xảy ra, khi cháy họ phải làm gì và không được làm gì. Một số người dân sông tại các chung cư ở Hà Nội cho biết:

"Ngoài các biện pháp tự thoát nạn thì cũng có nhiều thiết bị thoát nạn; nhưng thực tế là có người biết và có người chưa biết nên việc tự trang bị kiến thức thoát nạn là rất quan trọng".

"Tôi cũng rất là lo với những vụ cháy xảy ra gần đây. Cả nhà thi đi vắng từ sáng đến chiều mới về nên cũng lo nếu có cháy thì ai thông báo cho mình và mình phải làm như thế nào?"

Theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn – Phó trưởng Công an Quận Cầu Giấy (Hà Nội), khi phát hiện có cháy, việc đầu tiên bạn phải bình tĩnh để xử lý và nhanh chóng tìm giải pháp “dập lửa, thoát hiểm” bằng bình bột, bình khí CO2, cát, chăn, nước... để dập tắt đám cháy. Trong trường hợp đám cháy quá lớn không thể dập tắt, phải nhanh chóng nghĩ đến phương án thoát hiểm.

Đồng thời, trong các vụ hỏa hoạn, đa phần nạn nhân tử vong vì nghẹt thở do khói nhiều hơn là bỏng hay chết cháy. Do đó nguyên tắc đầu tiên là quan sát thật kỹ, tìm mọi cách di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt và tri hô để mọi người ứng cứu.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn cũng gợi ý sử dụng một thiết bị rất đơn giản trong gia đình có thể giúp chống khói hiệu quả:"Qua một số vụ cháy liên quan đến nhà cao tầng, xin khuyên các bạn có thể sử dụng băng dính dán hàng để ở nơi dễ thấy, dễ lấy như một phương tiện PCCC. Khi có cháy, có thể dùng băng dính chống khói bằng cách bịt các khe hở ở cửa chính. Với lượng ôxi còn lại ở trong phòng có thể sử dụng trên dưới 1 tiếng trong lúc chờ lực lượng chức năng đến ứng cứu".

Cũng theo lời khuyên của các chiến sỹ Cảnh sát PCCC, trong cơn hỏa hoạn, tuyệt đối không sử dụng thang máy làm lối thoát nạn. Vì khi xảy ra hỏa hoạn có thể nguồn điện bị ngắt, bạn sẽ bạn kẹt trong đó. Lưu ý hãy sử dụng cầu thang bộ hay theo lối đèn có chữ “EXIT” – lối ra để thoát nạn.

Đồng thời trên đường đi, hãy báo cho hàng xóm hoặc những người khác ở các phòng lân cận biết đang có cháy xảy ra và nhanh chóng báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số 114.

Với trường hợp đám cháy không xuất hiện ở phòng, tầng của mình. Việc đầu tiên các bạn cần phải làm là xác định vị trí của ngọn lửa và nguồn khói. Trong trường hợp luồng khói từ trên cao, hoặc ngay trong tầng của bạn, hãy nhanh chóng di chuyển ra cửa thoát hiểm và chạy thoát xuống các tầng dưới.

Nếu khói xuất phát từ tầng dưới, bạn hãy tìm cách di chuyển ngược lên trên tầng thượng, vì di chuyển trong môi trường dày đặc khói quá lâu sẽ khiến bạn gục ngã trước khi thoát. Nhiều tòa nhà luôn khóa cửa ở tầng thượng thì không nên di chuyển lên trên bởi nếu lối thang bộ bị nhiễm khói, đây là nơi tập trung khói bay lên.

Đưa ra những lời khuyên với cư dân khi có cháy tại chung cư và nhà cao tầng, Thượng tá Trịnh Hữu Thực – Phó trưởng Công an Q. Hà Đông (Hà Nội) cho biết, trong trường hợp nếu không may xảy ra cháy tại các nhà cao tầng, chúng ta nên thật bình tĩnh xử trí theo các bước như sau:"Bạn nên nhanh chóng thoát ra chỗ thoáng như ban công, sân thượng; dùng các thiết bị chuyên dụng để thoát hiểm; tuyệt đối không nhảy từ cửa sổ, ban công trên cao xuống. Trường hợp không thể thoát xuống tầng dưới nên thắt quần áo, chăn màn lại thành những dây dài để thoát thân qua cửa sổ. Trong trường hợp không thể thoát ra ngoài, đứng ở ban công dùng mũ, quần áo, còi, hô hoán... để vẫy, báo động cho lực lượng cứu hộ".

Những vụ hỏa hoạn đặc biệt là ở chung cư, nhà cao tầng thường để lại những hậu quả lớn về người và tài sản. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu được trang bị đầy đủ các kỹ năng PCCC và thoát hiểm, thoát nạn.

Do đó người dân sống tại các chung cư cao tầng cần phải nâng cao hơn nữa trong việc trang bị phương tiện PCCC tại nhà và quan trọng hơn là trang bị những kỹ năng thoát hiểm khi chẳng may bị "bà hỏa" ghé thăm.

Một số thông tin về công tác PCCC tuần qua

# Theo thống kê của Phòng CS PCCC&CNCH CA TP Hà Nội, trong tuần vừa qua, trên địa bàn Thủ đô xảy ra 8 vụ cháy (trong đó có 1 vụ cháy lớn, 3 vụ cháy trung bình, 4 vụ cháy nhỏ). Ngoài ra còn có 8 vụ chập điện trên cột và 10 sự cố.

# Sáng 1/10 vừa qua, Công an Quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã tổ chức Lễ phát động “Ngày toàn dân PCCC 4/10/2020”; Sơ kết thí điểm “Khu dân cư an toàn về PCCC” và Hội thị chữa cháy, cứu người, cứu tài sản cho lực lượng dân phòng, Công an phường năm 2020.

# Còn tại Q. Hai Bà Trưng, sáng 3/10, Đội PCCC&CNCH Công an Quận đã tổ chức diễn tập phương án tại Tòa nhà T11 KĐT Times City. Tình huống giả định là đám cháy xuất phát từ một chiếc xe ô tô đỗ tại hầm tòa nhà.

Nhận được tin báo cháy, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Quận Hai Bà Trưng nhanh chóng điều động lực lượng, phương tiện kịp thời đến phối hợp cùng lực lượng PCCC cơ sở tổ chức chữa cháy và tìm kiếm CNCH, kết thúc thành công buổi diễn tập./.

Bài liên quan
Chủ tịch Quốc hội: Không ai cấm xây nhà cao tầng trong nội đô
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chiều cao công trình liên quan an ninh, an toàn bay chứ không ai cấm xây dựng nhà cao tầng trong nội.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất