Làm thế nào để tránh mâu thuẫn phát sinh từ việc vợ chồng khắc khẩu?

Nam Giang - Minh Thắng | 03/11/2020, 15:35

Trong hôn nhân, việc vợ chồng khắc khẩu sẽ dẫn đến những mâu thuẫn mà nếu không biết cách dung hòa thì nó sẽ trở thành kẻ phá hoại hạnh phúc gia đình.

Trên thực tế, việc nhiều cặp vợ chồng khắc khẩu là chuyện khó tránh khỏi, tuy nhiên rất khó để lý giải nguyên nhân khiến họ không thể nói chuyện được với nhau một cách ân cần và tử tế. Đặc biệt, có khá nhiều cặp vợ chồng cãi vã cả ngày và thậm chí đánh nhau chỉ vì những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống.

screen-shot-2020-10-27-at-22.39.10.png

Những biểu hiện của việc đổ vỡ trong hôn nhân

Có hai biểu hiện thường thấy nhất thể hiện sự trục trặc trong hôn nhân khiến những cặp vợ chồng dễ ly hôn, đầu tiên là việc các cặp vợ chồng khắc khẩu với nhau cả ngày và thứ hai là việc vợ chồng cả đời không cãi vã, xung khắc. 

Chúng ta có thể thấy rất rõ sự nguy hiểm của việc vợ chồng cãi nhau suốt ngày, những cặp vợ chồng này thường hành xử và đối thoại không đúng mực, họ dùng những lời lẽ làm tổn thương đến đối phương, khiến cuộc sống hôn nhân bắt đầu đổ vỡ.

Bên cạnh đó, những cặp vợ chồng không chia sẻ, trao đổi hay thậm chí không cãi nhau cũng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rạn nứt. Đó có thể là họ đã tích tụ những ấm ức, khó chịu ở trong lòng nhiều đến mức không thể nói bằng lời, hay thậm chí chính sự kiêu hãnh cũng khiến cho những cặp vợ chồng này không mở lời.

Những lí do khiến vợ chồng khắc khẩu

Có nhiều lý do dẫn đến sự khắc khẩu giữa vợ chồng, phổ biến nhất là nằm ở việc khác nhau trong lối sống, sở thích và đặc biệt là quan điểm sống. Nếu ngay từ đầu chúng ta chọn một người có sở thích, lối sống đối lập, thì chúng ta phải chấp nhận sẽ xảy ra một số mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân sau này. 

Yêu và cưới luôn là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Có những điều khi yêu sẽ không được bộc lộ ra. Ví dụ, người chồng từ lúc yêu nhau đã là một người rượu chè bê tha nhưng anh ta luôn ở trong tình trạng tỉnh táo khi gặp vợ mình. Người vợ lúc đó nghĩ rằng mình có thể chịu đựng được, đơn giản vì cô không hình dung được cuộc sống sau này khi phải ở chung với một người nát rượu. 

Hay như trường hợp người phụ nữ gọn gàng đến mức cái cốc phải để chỗ này cái khăn phải để chỗ kia, cả ngày người ta chỉ lau chùi quét dọn mà gặp một người đàn ông nghĩ rằng cái việc mà bừa bộn là việc rất là nhỏ thì họ sẽ cảm thấy đối phương quá quắt, khó chịu, bé xé ra to. Cuối cùng, khi hai người đã suy nghĩ và hành động theo hai chiều hướng khác biệt thì việc vợ chồng khắc khẩu là điều không thể tránh khỏi. 

Bà Minh Phượng, Bắc Ninh trải lòng về những khó khăn của cuộc sống gia đình, “Chính gia đình nhà tôi là một gia đình như vậy. Chỉ cần câu trước câu sau là đã bắt đầu nổi khùng với nhau rồi, mà chả bao giờ đồng ý với nhau về một vấn đề gì cả... Đừng chỉ nói các cặp vợ chồng trẻ mà chúng tôi bây giờ “hai thứ tóc” trên đầu rồi mà khắc khẩu”.

Bà Phương Ngọc, Hải Dương nghĩ rằng vợ chồng khắc khẩu là chuyện rất bình thường và gia đình nào cũng có.

Ông Thế Anh, Hà Nội chia sẻ về quan điểm của mình, “Vợ chồng khắc khẩu đôi khi nó xuất phát từ cái tôi quá lớn. Ví dụ như hai người cùng sống với nhau, nhưng không ai tôn trọng ai… sẽ dẫn đến chuyện xung đột với nhau về quan điểm và nhận thức, ở đây chính là vấn đề thiếu sự thấu cảm. Đôi khi người chồng, người vợ không lắng nghe đối phương mà chỉ cho rằng mình đúng, dẫn đến những tranh luận không có hồi kết”.

Tranh luận đôi khi là gia vị nêm nếm cho gia đình vui vẻ hơn, thế nhưng, nếu nêm nếm quá tay thì sẽ dẫn tới những hậu quả không đáng có. 

Khi đã yêu là chúng ta phải yêu cả mặt xấu và mặt tốt của người kia, và đừng bao giờ bắt người kia thay đổi theo ý mình. Có những điều có thể du di như sở thích hoặc thói quen, nhưng riêng giá trị sống, quan điểm sống là thứ mà chúng ta nên chọn lựa ngay từ đầu để đỡ dẫn đến khắc khẩu. 

Những hệ luỵ từ việc vợ chồng khắc khẩu

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy việc kiềm chế bản thân khi mà cuộc đấu khẩu diễn ra rất căng thẳng là điều rất khó. Chúng ta thường dùng những lời lẽ làm tổn thương đến đối phương như “anh chẳng biết gì hết” hay “cô chả biết gì cả”. Điều này đối với người ngoài có vẻ như vô hại nhưng người trong cuộc lại cảm thấy bị xúc phạm. Khi cãi nhau, người ta thường mạt sát, hạ thấp giá trị của nhau, điều đó dễ khiến con người tích tụ cáu giận và dẫn đến quyết định bốc đồng. 

Có những người có tính hiếu thắng rất cao. Nếu như gặp phải đối tác nhường nhịn và cái tôi không cao thì mọi chuyện đều có thể giải quyết. Nếu như hai người bản tính trời sinh đã hiếu thắng thì việc nhường nhịn nhau là điều không thể. Hiển nhiên, lý thuyết và thực hành là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Nhiều người cho rằng việc cãi nhau sẽ làm cho vợ chồng hiểu nhau hơn và điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên thực tế lại chứng minh điều ngược lại. Nhiều cặp vợ chồng cãi nhau quá “hăng” đã dẫn đến những hệ lụy đáng buồn, cụ thể như câu chuyện của chị Hoàng Liên (26 tuổi) hiện đang là nhân viên kế toán và anh Phan Hùng (30 tuổi) hiện đang là kỹ sư xây dựng. 

Anh chị Hùng - Liên đã lấy nhau được hai năm nhưng cả hai vốn thường xuyên khắc khẩu. Anh chị có kiểu sống khác nhau nên nhiều lúc hai người không chịu được nhau. Ví dụ, Liên chê chồng đã không biết gì còn hay thích nói còn Hùng thì chê vợ biết toàn “tin vịt” mà cũng đi buôn. Thế là cứ cái gì anh nói chị cũng bảo anh nói khoác, cái gì chị kể anh cũng vặn vẹo lại chị. Trong một lần bạn bè gặp nhau nói chuyện, khi anh Hùng đang luyên thuyên về việc ô tô này, ô tô kia có gì khác nhau, tính năng thế nào, anh đã thử đi loại xe nào thì chị Liên lại bảo: “Anh ấy bốc phét, đã bao giờ biết đi xe” khiến anh Hùng quê độ ngồi im bặt. Cứ như thế, không biết từ khi nào, cả hai bắt đầu “mày-tao” với nhau, cấp độ cứ tăng dần cho đến khi chị Liên không chịu nổi nữa, dẫn đến việc viết đơn ly dị chấp nhận ly hôn. 

Trong đời sống vợ chồng không tránh khỏi những lúc xảy ra cãi vã, xích mích. Tuy nhiên, nếu chúng ta dửng dưng và không tìm cách giải quyết thấu đáo thì có thể để lại những hậu quả đáng tiếc như câu chuyện phía trên. Người vợ nên tránh những lời nói khó nghe, có tính hạ bệ chồng. Đàn ông bị hạ bệ trong lúc cãi nhau khiến họ cảm thấy bị xúc phạm, làm cho người đàn ông tự ái và mặc cảm. Ngược lại, trong những tình huống “nước sôi lửa bỏng”, người chồng cần phải thay đổi nhận thức, dừng cuộc đối đầu lại. Người vợ lúc đó sẽ vừa cảm thấy biết ơn, vừa cảm thấy có lỗi với chồng. 

Tranh cãi trong đời sống vợ chồng giống như gia vị của cuộc sống hôn nhân. Nó cũng thú vị và sau mỗi lần làm lành, chúng ta yêu nhau nhiều hơn, tuy nhiên tranh cãi phải luôn có điểm dừng, còn nếu quá đà thì thực sự giống như là một nồi cơm đang nấu, quá nhiều lửa sẽ khiến cơm bị khê. 

Những giải pháp để khắc phục việc khắc khẩu giữa vợ chồng

Bà Ngọc Lan, Tuyên Quang chia sẻ về gia đình mình rằng gia đình bà thường không giận nhau được lâu vì vợ chồng hiểu tính nết nhau và thường nhường nhịn nhau.

Trong gia đình ông khi vợ chồng “nóng” lên sẽ đấu khẩu với nhau, nhưng nếu mỗi người lùi lại một chút thì sẽ êm ấm như lúc ban đầu.
Cần một người tiến một người lùi, một người hơn một người kém chứ hai vợ chồng không cần phải hơn thua nhau.

Ông Lê Việt, Hà Nam chia sẻ thêm một bí quyết nữa để tránh khỏi việc tranh cãi đi quá xa là nên im lặng, đợi đến lúc hai bên cùng lấy lại được bình tĩnh, ngồi nói chuyện với nhau và cùng phân tích kỹ sự việc. 

Có thể thấy, trong cuộc sống gia đình hay ở bất cứ đâu, khi chúng ta thật sự yêu nhau thì chúng ta sẽ tìm ra cách để tiến đến gần nhau hơn./.

Theo VOV
Copy Link
Bài liên quan
4 cách hàn gắn hôn nhân đang trong giai đoạn rạn nứt
Trong câu chuyện hôn nhân gia đình, chắc hẳn các cặp đôi sẽ gặp không ít lần rơi vào trạng thái rạn nứt. Vậy làm như thế nào để chấm dứt tình trạng này.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất