Rối nước Đồng Ngư: Nét đặc sắc văn hóa của miền Kinh Bắc

Nam Giang - Lan Chính | 28/09/2020, 15:14

VOVLIVE - Nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là nét đẹp văn hóa, phản ánh chân thực đời sống nhân văn, giản dị của người dân vùng đồng bằng Bắc bộ nói chung và người dân Kinh Bắc nói riêng.

guide-to-salmon-photo-collage.png

Làng Đồng Ngư là một ngôi làng cổ nổi tiếng của xứ Kinh Bắc nằm bên bờ sông Dâu cận kề chùa Dâu và thành cổ luy lâu. Làng Đông Ngư còn là quê hương của một loại hình văn hóa dân gian vô cùng độc đáo - nghệ thuật múa rối nước.

Trải qua bao thăng trầm, đến nay nghệ thuật rối nước của làng Đồng Ngư vẫn là một trong 14 phường rối dân gian trong cả nước còn hoạt động với nhiều tiết mục đặc sắc và phong phú. Đó là sự khẳng định về sức sống lâu bền của loại hình nghệ thuật độc đáo và đây cũng là niềm tự hào của các thế hệ nghệ sĩ rối nước Đồng Ngư.

“Cái nghề này cho tôi đam mê và thích thú, cứ xuống ao là dân làng đổ ra xem, mọi người ở các nơi đến xem, lúc đấy tôi thấy vui lắm. Nói chung từ già chí trẻ đều thích, thích ở chỗ là tại sao 1 cây gỗ khi xuống dưới mà ngó ngoáy được, múa được, chia sẻ của những nghệ nhân múa rối nước.

orange-and-navy-blue-modern-sporty-men-s-fitness-quotes-facebook-cover-1-.png
Chia sẻ của một nghệ nhân múa rối nước Đồng Ngư

So với các phường rối khác, rối nước Đồng Ngư có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời với truyền thống và bản sắc độc đáo riêng. Rối nước Đồng Ngư ẩn chứa nhiều nét đẹp văn hóa phản ánh chân thực đời sống nhân văn giản dị của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung và người dân Kinh Bắc nói riêng.

Lịch sử hình thành và phát triển của làng rối nước Đồng Ngư

Theo những cao niên của làng Đồng Ngư, nghề múa rối nước đã có từ rất lâu đời dưới thời nhà Lý - Trần, nhưng nghề này mới thực sự được khôi phục lại vào năm 1958 do một số nghệ nhân tổ chức truyền dạy. Những năm đầu hoạt động của phường rối chủ yếu phục vụ nhân dân trong các dịp lễ hội của làng và các xã trong huyện, với các trò như đốt pháo bật cờ, mời trầu, vào chùa, đánh đu, chăn trâu thổi sáo, úp nơm bắt cá…

Ông Nguyễn Đăng Dung, phường rối nước Đồng Ngư cho biết hiện làng còn lưu giữ được bức tượng phủ sơn nâu, làm bằng gỗ mít cũng chính là tượng tổ trò của làng, người đã có công truyền dạy và phát triển nghệ thuật rối nước Đồng Ngư.

Tôi nghe các cụ kể từ thế kỷ thứ X-XI, vì đất nước loạn lạc chiến tranh, tích trò cũng bị mai một đi. Sau đó đến năm 54, các cụ bô lão khi nhớ những tích trò rối xa xưa các cụ để lại thì các cụ lại xây dựng lên. Sau đó đến những năm 85, 86 thì đất nước phát triển, kinh tế cũng mở mang, các cụ bô lão lại họp làng lại khôi phục các tích trò rối từ ngày xưa cho đến bây giờ". Ông Nguyễn Đăng Dung chia sẻ.

Là lớp người đi sau, ông Nguyễn Thành Lai luôn cảm thấy trân quý những gì mà các thế hệ tiền bối đã dày công gây dựng nên phường rối Đồng Ngư. Đó thực sự là những tinh hoa, là bản sắc độc đáo mà thế hệ của ông cần phải giữ gìn.

Ông Nguyễn Thành Lai hồi tưởng: Thời gian ban đầu khi phường rối Đồng Ngư được khôi phục lại từ những năm 85, khó khăn lắm. Lúc bấy giờ không có gì cả, nhà có điều kiện thì góp cây tre, một khúc gỗ hoặc một đoạn cây. Người biết tạo hình thì biết đẽo, biết đục, biết gọt, giũa, đẽo, sơn, si, xong rồi tạo hình thành một bộ con rối để đi biểu diễn”.

colorful-healthy-food-quote-facebook-cover.png
Hình ảnh các nghệ nhân múa rối nước Đồng Ngư (Ảnh: Sưu tầm)

Trong hồi ức của bà Hoàng Thị My và ông Man Kim Phi mỗi khi hội làng có múa rối nước thì đông vui chẳng khác nào ngày hội dù điều kiện không được như bây giờ nhưng từ người lớn đến trẻ nhỏ đều háo hức chờ đợi.

Ngày xưa chỉ có làm nhà rối thôi, có hai con sư tử trên nóc lều múa, trước thì chỉ có thế thôi, không nhiều quân như bây giờ, không có nhiều thứ như bây giờ. Ngày xưa thì các ông Trưởng phường cứ thổi tù, đánh trống là anh em chúng tôi ra tụ tập biểu diễn cho vui và cho dân, cho các cháu xem".

Nét độc đáo của nghệ thuật rối nước Đồng Ngư

Ngày nay không chỉ bảo tồn và phát triển những trò cổ, những nghệ sĩ rối nước Đồng Ngư còn sáng tạo ra những tích trò mới thu hút người xem và đó là mạch nguồn để múa rối nước Đồng Ngư trường tồn và vang danh mãi.

Với mỗi phường rối, tích trò chính là cái hồn làm nên nét độc đáo, đặc sắc của mỗi vùng. Cũng giống như các phường rối khác, nghệ thuật rối nước Đồng Ngư cũng điều khiển các con rối có những động tác giống như con người, làm ngôn ngữ biểu diễn trên nền nhạc.

Sự độc đáo của rối nước Đồng Ngư không chỉ dừng lại ở các tích trò mà còn cuốn hút người xem bằng những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm mà không làng múa rối nước nào có được.

Với chất liệu chủ yếu là các loại gỗ nhẹ, có thớ mịn và không có mấu như: gỗ xoan, gỗ sung… những con rối của làng Đồng Ngư bấy lâu nay đã thu hút đông đảo những người yêu mến.

Nghệ nhân Dương Văn Giáo chia sẻ: “Phường rối Đồng Ngư đã sáng tạo, chế tác được hơn 200 loại con rối để biểu diễn và làm chủ khoảng 50 tiết mục có nội dung khác nhau.

Muốn tạo hình 1 con rối thì phải nắm được con rối là Tễu hay là gì, đều cần phải có kích thước… Còn quan họ thì chủ yếu là quần áo ăn mặc trang trí cho nó đúng nghề quan họ. Bên cạnh đó, cái nhiệt tình là chủ yếu, nếu không nhiệt tình, kiên trì và bền bỉ thì không thể làm được.

brown-vintage-photo-collage-facebook-post.png

Trong một buổi biểu diễn rối nước Đồng Ngư, sau màn chú Tễu dạo đầu là các tiết mục chăn trâu, thổi sáo, cấy cày, múa rồng, chọi trâu, câu ếch, cày bừa cấy hái, đánh cá úp nơm, hát văn, rước kiệu, đánh đu mời trầu, hát quan họ mang đậm nét văn hóa làng quê Kinh Bắc.

Theo ông Nguyễn Trọng Thính thì đây là điều đặc biệt mà các nghệ sĩ rối nước Đồng Ngư luôn tự hào: Ngoài chèo ra, chúng tôi còn có quan họ, như cảnh mời trầu là nét riêng độc đáo, biết lồng ghép quan họ, chất quê hương tinh túy vào trong rối. Cho nên nó độc đáo hơn các nơi khác là có chèo, có quan họ, có đối thoại với nhau. Trong quá trình tập luyện như thế rất công phu, dàn nhạc với diễn viên rối nước lại phải kết hợp, hoà với nhau là một”.

Điểm độc đáo nữa của rối nước Đồng Ngư chính là các nhân vật rối được điều khiển bằng sào và dây để tạo sự di chuyển và hành động cho con rối. Kỹ thuật máy dây đòi hỏi người biểu diễn phải có tay nghề cao bởi với kỹ thuật này, người điều khiển có thể đưa con rối ra xa sân khấu biểu diễn từ 5m đến 7m mà không ảnh hưởng đến hoạt động của con rối.

Theo ông Nguyễn Đăng Dung, kỹ thuật máy sào giúp cho các con rối chuyển động linh hoạt sống động, và đặc biệt là có hồn: “Những tích trò như là trèo cau, lui người lên như thật hoặc múa tiên, múa rồng tự nhiên phun ra lửa thì khán giả cũng rất thích. Ở nơi khác thì nhìn nó rất phức tạp, chúng tôi đi biểu diễn thì chả có gì là khó cả, với lí do vì là mình đã được các cụ truyền cho, nó cũng đơn giản thôi. Ví dụ như máy sào, máy dây hoặc là máy sào và dây, hai cái cộng tác, thì riêng về rối dây vẫn là khó nhất”.

Múa rối nước thì cần phải có ao, hồ rộng và đương nhiên phải có cả không gian để mọi người cùng ngồi xem. Trước mỗi buổi biểu diễn, các địa điểm đều phải được phường rối nước Đồng Ngư khảo sát chọn lựa cẩn thận.

white-simple-camera-photo-collage.jpg

Theo anh Nguyễn Đình Hiệp, khi sân khấu đã lắp đặt xong thì kể cả thời tiết có ảnh hưởng thế nào, các nghệ sĩ cũng vượt qua để biểu diễn: Đặc thù nghề biểu diễn rối nước của chúng tôi đó là phải xuống nước. Mùa hè thì tất nhiên là không sao nhưng mùa đông có những hôm thời tiết 10, 11 độ thì chúng tôi vì đam mê và nhiệt huyết, nên chúng tôi không ngại gian khó khổ, chúng tôi không ngại gì, chúng tôi chỉ biết rằng chúng tôi đến với nghề và yêu nghề”.

Theo ông Nguyễn Thành Lợi, điều vui mừng nhất của các nghệ sĩ rối nước Đồng Ngư chính là nhận được sự quan tâm và yêu thích của đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Thời gian gần đây, làng Đông Ngư đã trở thành địa chỉ du lịch thú vị để du khách tìm đến khám phá và trải nghiệm những tinh hoa của nghề rối.

Ông Nguyễn Thành Lợi chia sẻ: Trước đây, rối nước chỉ được biểu diễn trong dịp lễ hội, nhất là hội làng vào ngày 15 tháng 4 là ngày xem múa rối, tối xem hát tuồng thì cái đấy là các cụ đã duy trì thường xuyên. Chúng tôi được nhiều đơn vị tìm đến và có nhiều cái mình đã đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Như vậy c chương trình biểu diễn thường xuyên hơnđược nâng theo cấp số cộng, mỗi năm show diễn nhiều hơn, lịch biểu diễn tháng nào cũng có cả.”

Nhiều thế hệ nghệ nhân biểu diễn múa rối nước của làng Đồng Ngư đã gắn bó cả cuộc đời mình cho việc khôi phục, duy trì và đào tạo, hướng dẫn cho thế hệ trẻ những kỹ năng của môn nghệ thuật truyền thống có lịch sử hàng trăm năm này. Với họ việc biểu diễn và truyền nghề cho các thế hệ kế cận không chỉ vì tình yêu với nghệ thuật múa rối của cha ông, mà đó còn là niềm tự hào, là trách nhiệm với cộng đồng với những giá trị độc đáo đặc sắc, chỉ có riêng ở phường rối vùng Kinh Bắc này.

Bài liên quan
Sau vụ bạo hành trên tàu cá, Cà Mau tăng cường quản lý lao động là ngư phủ
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cà Mau cho biết, đang cùng các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc ngư dân bị hành hạ dã man trên tàu cá. Bên cạnh đó, cũng đề nghị các địa phương ven biển tăng cường kiểm tra, tuyên truyền các quy định về lao động và quan hệ lao động.

(0) Bình luận
Nghe
1x
1.5x
2x
  • vov1
  • VOV GIAO THONG HA NOI
  • VOV GIAO THONG HCM
  • vov2
  • vov3
  • vov4
  • vov5
  • vov6
  • vovtv
  • vtc1
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban). Cùng dự có các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa  phương và các tập đoàn về công nghệ thông tin.
Mới nhất