Cho tới hiện tại, khó ai có thể thống kê được có tất cả bao nhiêu loại xôi ở Việt Nam. Chỉ biết rằng, ở mỗi vùng miền, người dân lại sáng tạo ra một loại xôi khác nhau mang hương vị đặc trưng của nơi đó.
Tựu chung lại, xôi có thể chia làm 2 loại: mặn và ngọt.
Xôi mặn Việt Nam đa dạng trong cách chọn lựa những nguyên liệu ăn cùng. Nếu như một số tỉnh miền Bắc chuộng xôi xéo (ăn cùng với ruốc), xôi chim (thịt chim bồ câu, chim cuốc hoặc chim sẻ) thì ở Huế, người ta lại thích ăn xôi thịt hon, là món ăn kèm với thịt ba chỉ ninh nhừ đậm vị.
Riêng ở Nha Trang có món xôi cá cơm lạ miệng, đậm đà hương vị biển cả. Đến Kon Tum thì không thể bỏ qua món xôi măng đầy đủ các vị chua, mặn, cay, béo, bùi. Người Sài Gòn thì đa dạng topping hơn, từ chả lụa thái mỏng, pate, trứng cút, lạp xưởng, chà bông gà heo, mỡ hành,...
Mới liệt kê “sương sương” mà đã cảm thấy nước miếng túa ra vì món nào cũng quá hấp dẫn. Đấy còn chưa kể những phiên bản xôi mặn khác như xôi gà, xôi khâu nhục, xôi khúc, xôi bát bửu đa sắc...
Xôi ngọt thậm chí còn đa dạng hơn, từ những món khá đơn giản như xôi đậu xanh, xôi gấc, xôi lạc,... cho đến những món cầu kỳ, phức tạp như xôi bắp nhão, xôi vò, xôi ngũ sắc, xôi nếp than nước dừa, xôi mít, xôi cadé, xôi sầu riêng,... Vị dẻo của những hạt gạo nếp tròn mẩy kết hợp với vị ngọt ngào của các nguyên liệu ăn kèm, chao ôi sao mà say đắm lòng người.
Xôi là món ăn ngon, no lâu lại tiện lợi. Vì thế, xôi hầu như xuất hiện trong mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ những bữa ăn sáng bình dị đến những dịp lễ Tết đặt trên bàn thờ tổ tiên. Món ăn này gắn bó sâu sắc với tinh thần người Việt Nam, được mọi thế hệ, mọi tầng lớp yêu quý.