"Bí ẩn" những bếp lửa "thiêng" trong đời sống người vùng cao

Đinh Tài | 24/11/2020, 10:43

VOVLIVE - Bếp lửa trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số mang giá trị thiêng liêng, được xem như vị thần, gắn liền với tập tục của đồng bào.

Bếp lửa không chỉ là nơi nấu ăn, là nơi sưởi ấm trong những đêm đông lạnh giá mà với đồng bào các dân tộc thiểu số, bếp lửa còn là nơi quần tụ, là nơi sinh hoạt bàn công to việc nhỏ của cả gia đình. Bởi thế, trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số, bếp lửa là một nơi rất linh thiêng và gắn với tập tục của đồng bào.

Bếp thiêng của người Khơ Mú: Tuyệt đối không được nấu đồ ăn tươi sống

Nếu có dịp đến thăm nhà đồng bào Khơ Mú,  sẽ thấy trong nhà sàn của người Khơ Mú thường có hai cái bếp, một bếp để sưởi ấm tiếp khách, còn một bếp để nấu nướng. Hai cái bếp này có những kiêng kị rất riêng, rất chặt chẽ.

Theo quan niệm cổ truyền, đồng bào Khơ Mú luôn tin tưởng vào thần lửa. Vị thần hiện thân cho may mắn, ấm no và hạnh phúc. Dân gian có câu "Thái ăn theo nước, Xá ăn theo lửa" xuất phát từ truyền thống săn bắt, hái lượm từ lâu đời. Trong cuộc sống của đồng bào Khơ Mú, lửa chiếm giữ một vị trí nhất định trong sinh hoạt và văn hóa tâm linh của đồng bào.

green-and-black-friday-sale-poster(2).png
Một góc gian bếp của người Khơ Mú.

Người Khơ Mú ở mỗi vùng lại có những phong tục khác nhau, có nơi chỉ làm hai bếp nhưng cũng có nơi làm ba bếp, một bên có một vị trí, chức năng khác nhau và những điều kiêng kỵ khác nhau.

Nếu lên thăm nhà người Khơ Mú, khách chỉ được ngồi cạnh chiếc bếp phía cửa ra vào chứ không được ngồi ở bếp phía cuối nhà. Đó là nơi có gian thờ tổ tiên của người Khơ Mú. Theo ông Quàng Văn Cá, người Khơ Mú coi bếp phía gian thờ là bếp thiêng: 

Từ khi người ta đi nương, đi rẫy, trong nhà lúc nào cũng có cái bếp này, ngày xưa người ta treo tổ tiên ở đây, thế là bây giờ người ta cứ cúng sát vách như thế.”, ông Quàng Văn Cá cho biết

Quan sát xung quanh bếp thiêng, có thể thấy cái ninh để ở góc bếp,  cái ninh được là báu vật trong gian bếp. Nó không chỉ là linh hồn của bếp mà còn là vật che chở cho con người khỏi tà ma bệnh tật.

Bếp thiêng của người Khơ Mú ở Điện Biên chỉ được dùng để sưởi ấm để bàn công chuyện trong gia đình và là nơi để phụ nữ mới sinh con ngồi sưởi. Tuyệt đối không được nấu đồ ăn tươi sống, nếu nấu đồ ăn thì chỉ được thổi sôi và đun nước uống.

orange-hipster-fashion-facebook-cover-1-.png
Ảnh: VOV5, VOV4

Theo Tiến sỹ Vi Văn An, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, người Khơ Mú ở Nghệ An họ cũng làm ba bếp, một bếp để nấu nướng, một bếp để sưởi ấm và một bếp là bếp thiêng. Tuy nhiên, hiện tại đồng bào chỉ làm hai bếp, những nhà làm thầy lang thì cúng mới làm bếp thiêng.

Người Khơ Mú ở Sơn La cũng làm ba cái bếp, nhưng điểm khác biệt là 1 bếp để nấu nướng hằng ngày, một bếp để sưởi ấm và tiếp khách, còn một bếp chỉ để dành riêng cho phụ nữ thổi xôi. Đây cũng chính là nơi diễn ra điều kiêng kỵ khi phụ nữ trong nhà nấu xôi, khách khứa không được vào bếp. Chỉ có phụ nữ, người già trong nhà được vào.

Người Tày coi bếp lửa là vị thần

Giữa phố huyện đang trên đà phát triển, không khó để nhận ra ngôi nhà được xây dựng bằng đất trình tường của gia đình ông Phan Ngọc Sinh thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô. Đây là ngôi nhà nổi bật nhất trong số 10 ngôi nhà truyền thống của dân tộc Tày, được lưu giữ ở thôn Đồng Thanh và chắc chắn trong căn nhà bằng đất trình tường ấy không thể thiếu trong bếp lửa truyền thống của người Tày.

Theo ông Phan Ngọc Sinh, đối với đồng bào dân tộc vùng cao, ngọn lửa trong căn bếp không chỉ là biểu tượng của sự sống mà còn thể hiện sự chống chọi mãnh liệt của con người với thiên nhiên khắc nghiệt.

Trên đây là vùng núi nên đến mùa rét, trẻ con hay người già phải ngồi suốt ngày quanh bếp lửa. Có thời điểm rất lạnh giá thì vừa ngồi sưởi vừa luộc bánh chưng. Bếp lửa cũng là nơi để các con cháu, anh em họ hàng quây quần bên nhau". 

Bếp truyền thống của người Tày được làm từ những vật liệu đơn giản như gạch, trát bằng đất mịn, không lẫn sỏi và thường có một tầng nên than lúc nào cũng đỏ rực, hơi ấm giữ được lâu. Bếp bao gồm có bếp chính và bếp phụ. Bếp chính thường được trát kín lên đến nồi hoặc chảo rất to để đun cám lợn hoặc nấu rượu.

pink-brushstroke-fashion-influencer-youtube-channel-art.png
Bếp truyền thống người Tày được làm từ những vật liệu đơn giản như gạch, trát bằng đất mịn. Ảnh: VOV5


Bếp phụ nhỏ hơn để nấu cháo, nấu thức ăn. Bếp phụ cũng xây bằng gạch trát đất hoặc thay thế bằng kiềng ba chân. 

Thời các cụ trước cũng làm thế nên đến đời con cháu sau này vẫn tiếp tục duy trì cách làm đó , không có thay đổi gì mới, cứ theo cách cổ truyền của dân tộc Tày mình bây giờ mà tiếp tục duy trì.”, ông La Xìu Quang cho biết thêm.

Bếp lửa với người vùng cao luôn chiếm một vị trí không gian quan trọng. Bếp lửa tuy nhỏ bé nhưng mang trong mình cả một hơi thở cuộc sống, sinh hoạt và nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân vùng cao. Vì thế, bếp lửa cũng có lúc vui lúc buồn. Bởi thế ông luôn răn dạy con cháu trong nhà, phải giữ được nét truyền thống của cha ông.

Tôi là con dâu của gia đình, khi về đây thì được gia đình giữ được nếp văn hóa truyền thống, tôi thấy như thế rất là tốt. Các con cháu phấn đấu noi theo các bậc, các cụ. Những ngày lễ, ngày Tết thì con cháu nội ngoại sum vầy rất đông vui, đầm ấm.”, chị Nông Thị Phương, con dâu ông Quang cho biết

Ngươi Tày ở Bình Liêu tin rằng luôn có một vị thần bếp lửa. Bởi thế, ngay cạnh bếp chính bao giờ cũng đặt một ống tre, coi đây là nơi trú ngụ của vị thần bếp lửa trong nhà. Vị thần này sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt, mang lại may mắn và hạnh phúc cho gia đình.

Do đó, vào ngày mồng 1, ngày Rằm, ngày Tết hay có việc quan trọng liên quan đến gian bếp, họ thường thắp hương cúng thần bếp lửa. Đêm 30 vào sáng mùng một Tết, các gia đình thường cúng thần bếp với lễ vật là thịt, bánh, rượu. Có gia đình cúng thêm cả cá để cầu mong vị thần bếp lửa sẽ giữ ấm ngọn lửa may mắn cho gia đình, dòng tộc.

Ông Đặng Bá Bắc, nguyên Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, Phó Trưởng Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh cho biết, những nét văn hóa đặc sắc của người Tày ở Bình Liêu đang được các cấp chính quyền địa phương vận động người dân gìn giữ nhằm phát huy các giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Tày.

Bình Liêu là một huyện miền núi, biên giới,  với 96 % là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 96 % dân tộc thiểu số thì dân tộc Tày chiếm 65 %. Cái nét đặc biệt của Bình Liêu đó là các dân tộc đều giữ được nét bản sắc văn hóa riêng của mình.

Để khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong việc phát triển kinh tế xã hội cũng như phát triển du lịch thì thời gian vừa qua huyện Bình Liêu đã ban hành Nghị quyết về vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.”, ông Đặng Bá Bắc cho biết


Người Tày cũng có quy định riêng trong việc bố trí vị trí bếp lửa. Theo đó, bếp lửa không cùng hướng bàn thờ tổ tiên mà thường đặt ngang gian bếp. Người Tày coi bếp lửa là vị thần. Chính vì vậy, bếp của người Tày là không gian linh thiêng và thường gắn với nhiều tập tục kiêng kỵ.

green-and-white-quotes-facebook-post-2-.png
Ảnh: Baoquangninh.com.vn

Việc làm bếp lửa cũng thật phải chu toàn, cẩn thận, không để phạm thần linh, gia chủ phải chọn được ngày lành, tháng tốt để làm bếp. Thông thường, các ngày lẻ, tháng chẵn và ngày chẵn tháng lẻ âm lịch, có thể đắp bếp và tu sửa. Tuy nhiên, ngày đẹp nhất chính là ngày 30 Tết, khi thần bếp về trời, báo cáo với Ngọc Hoàng.

Đồng bào Pu Péo rất kiêng kỵ việc đưa cách chảo ra khỏi bếp lò

Nếu như người Tày thường xây bếp bằng gạch, trát vữa thì người Pu Péo ở Hà Giang lại sử dụng đất ụ mối để làm bếp. 

Theo anh Pờ A Thình, người Pu Péo ở Yên Minh, Hà Giang, đồng bào Pu Péo thường làm nhà trình tường giống người Mông. Đồng bào Pu Péo cũng có những điều kiêng kỵ nhất định, Trong căn bếp của mình, mỗi nhà thường làm hai cái bếp, còn nhà Thầy cúng thì có thêm một cái bếp thiêng.

Trong nhà có hai bếp, một bếp kiềng, một bếp lò. bếp chỉ nấu nước thắp hương.”, anh Pờ A Thình cho biết

Còn theo lý giải của Tiến sỹ Vi Văn An, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, người Pu Péo sử dụng 2 bếp với những công việc khác nhau:

Người Pu Péo có bếp lò, bếp kiềng. Bếp lò dùng để nấu nướng những ngày có công việc hệ trọng như cưới xin, tang ma hay đầy tháng. Còn bình thường, người ta để nấu rượu. Cái bếp lò cũng có một cái cột bếp bởi vì người ta hay đặt cái ống đổ rau bằng ba cái hòn đá trùm lên nhau.

Theo giải thích của tiến sỹ Vi Văn An, người Pu Péo sử dụng hai cái bếp linh hoạt theo từng sự kiện và thời điểm

Bây giờ, người mặc dù có 2 bếp nhưng công năng sử dụng cái bếp thường nhiều hơn cái bếp lò, đặc biệt là về mùa hè. Còn mùa đông thì dùng bếp lò. Bởi vì nếu gia đình không có cái gì, nhưng mà người ta cho rằng cái bếp thiêng là vẫn là cái bếp lò, bởi vì nó có cái cột thiêng, nó đi kèm theo rất nhiều cây kiêng cữ.”

Trên cái bếp lò bao giờ cũng đặt một cái chảo lớn và có cột thiêng. Cái chảo này dùng để nấu rượu hoặc nấu cám lợn. Đồng bào Pu Péo rất kiêng kỵ việc đưa cách chảo ra khỏi bếp lò vì quan niệm làm như thế sẽ tổn hại đến thần bếp, mất đi sự linh thiêng. Bởi thế người ta chẳng mấy khi cho ai mượn chảo.

chic-vegetable-dish-facebook-ad-4-.png
Ảnh: VOVWorld

Người ta không bao giờ cho mượn cái chảo đấy. Nếu cho mượn cái chảo thì người ta phải đặt một cái hòn đá vào đấy để cho nó nặng. Bao giờ nó cũng ở lại, nó không bị trôi đi, nhưng mà rất ít khi người ta muốn cho mượn cái chảo, rồi người ta cũng kiêng dùng cây que đập vào đấy.", Tiến sĩ Vi Văn An giải thích thêm.

Nếu như bếp của người Tày dùng gạch để xây thì người Pu Péo lại lựa chọn đất tổ mối. Người Pu Péo cũng thường đắp bếp và mùa đông chứ không là mùa mưa, khi đắp xong cũng không đốt lửa to ngay bởi nếu làm như vậy bếp sẽ bị giòn và dễ nứt vỡ.

Với đồng bào các dân tộc thiểu số, bếp không chỉ là nơi nấu nướng mà còn là một phần tâm linh, là nơi giữ hồn của ngôi nhà. Dù các dân tộc có phong tục, tập quán khác nhau nhưng đều có chung một niềm tin tưởng vào thần bếp, thần lửa để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn./.

Bài liên quan
Khám phá đồi chè Long Cốc - "Vịnh Hạ Long" vùng Đất Tổ
VOVLIVE - Đồi chè Long Cốc chẳng khác gì một tấm thảm xanh và đẹp như một bức tranh thủy mặc.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lương của công chức khi cải cách tiền lương thấp nhất là 5 triệu đồng
Đây là một trong những nội dung được Bộ Nội vụ xin ý kiến của Thủ tướng, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi báo cáo Bộ Chính trị.
Mới nhất