Thế giới quản lý đào tạo, sát hạch GPLX thế nào? 

Quang Anh | 12/10/2020, 07:51

Tại Việt Nam, nhiều tháng trở lại đây, dư luận rất quan tâm tới kiến nghị chuyển đổi việc đào tạo, sát hạch và cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Trên thế giới, việc quản lý vấn đề này cũng rất đa dạng, đáng chú ý nhiều nước phân rõ: Hoạt động cấp phép sẽ do cơ quan công an/cảnh sát quản lý còn việc đào tạo có thể mở cho xã hội hoá, do các tổ chức tư nhân, phi chính phủ… thực hiện.

Công nghệ lái xe bằng thiết bị mô phỏng tại Singapore

Nhìn chung, các nước phương Tây như Mỹ, Australia, Anh… đều giao việc tổ chức, quản lý và sát hạch giấy phép lái xe cho các cơ quan dân sự của địa phương.

Như tại Mỹ, Giấy phép lái xe do cơ quan dân sự của bang cấp và được công nhận trên toàn lãnh thổ Mỹ và cả ở Canada. Để thuận tiện, một số tiểu bang chia sẻ chung hệ thống đào tạo, thi sát hạch và cấp phép lái xe.

Tại Australia, cách quản lý cũng tương tự. Ngoài ra, giấy phép lái xe tại Mỹ, Australia hay Anh đều được sử dụng với nhiều chức năng khác như chứng minh thư, thậm chí còn được dùng để mở tài khoản ngân hàng…

Trong khi đó, đa phần các quốc gia ở Châu Á như Trung Quốc, Singapore hay Hàn Quốc, việc giấy phép lái xe sẽ do cơ quan công an/cảnh sát chịu trách nhiệm…

Đáng chú ý, các nước như Trung Quốc và Singapore, Cơ quan công an quản lý việc cấp phép và mở cửa cho các tổ chức dân sự hoặc xã hội hoá trong hoạt động đào tạo.

Quan điểm này thể hiện rõ trong điều 20, khoản 2 của luật An toàn Giao thông Đường bộ Trung Quốc: Việc đào tạo lái xe cơ giới sẽ do các tổ chức phi chính phủ thực hiện. Phòng quản lý giao thông sẽ áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng đối với các trường/lớp đào tạo lái xe. Ngược lại, các cơ sở đào tạo phải nghiêm túc tuân thủ quy định liên quan của nhà nước, tổ chức dạy về luật an toàn đường bộ, các quy định và kỹ năng lái, đảm bảo chất lượng đào tạo. Cơ quan quản lý đào tạo và sát hạch không được phép sở hữu hoặc tham gia vào các trường/lớp đào tạo”

Thực tế, ngành đào tạo thi GPLX tại Trung Quốc phát triển mạnh với những cái tên như công ty Fengshun hay Goxuechue với chuỗi trường đào tạo lái xe trực tuyến và trực tiếp trên 10 tỉnh thành tại Trung Quốc.

Tính đến năm ngoái, Trung Quốc có 19.742 trường đào tạo lái xe, 925.000 người hướng dẫn lái. Một khoá học có giá 8.000 nhân dân tệ (hơn 27 triệu VNĐ). Các trường dạy lái như Fengshun ghi nhận tới 10.000 lái xe mới mỗi năm, các lớp học suốt từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối trong 7 ngày/tuần. Sau dịch bệnh, số lượng người quay trở lại học GPLX nhanh chóng hồi phục, dù từng giảm 20-30% khi dịch Covid-19 hoành hành mạnh.

Singapore cũng vận hành tương tự, việc cấp phép và tổ chức sát hạch sẽ do Cơ quan Cảnh sát Giao thông thuộc Lực lượng Cảnh sát Singapore (SPF) thực hiện. Còn lại, khâu đào tạo do các công ty tổ chức. Hiện tại Singapore có 2 hình thức học lái xe: tại trường; hoặc thuê người hướng dẫn. Người hướng dẫn cần phải đăng ký hướng dẫn lái xe cho học viên với cơ quan chức năng.

Các nước như Trung Quốc và Singapore, Cơ quan công an quản lý việc cấp phép và mở cửa cho các tổ chức dân sự hoặc xã hội hoá trong hoạt động đào tạo

Cập nhật xu hướng công nghệ mới, từ tháng 12 năm ngoái, Singapore bắt buộc học viên phải tập luyện trên thiết bị mô phỏng trước, giúp hiểu rõ và chuẩn bị cho một số tình huống phức tạp, cũng như hình thành thói quen lái xe tốt. Tuy nhiên, chi phí đào tạo tăng ít nhất 60 đô la Singapore.

Cô Liew Mei Hui, đứng đầu phòng tổ chức, hoạch định và nghiên cứu, thuộc Cơ quan cảnh sát giao thông Singapore khẳng định: "Thiết bị mô phỏng lái xe sẽ giúp học viên chuẩn bị tốt trước những tình huống nguy hiểm và rủi ro trên đường thực."

Từng trải nghiệm học lái xe trên thiết bị hiện tại đại này, cô Ang Hwee Min, phóng viên cho biết: “Áp dụng đào tạo công nghệ cao sẽ giúp người học lái có cơ hội được trải nghiệm và biết cách xử lý khi gặp 10 vấn đề thường xuyên gây tai nạn, thay vì để họ ra đường khi không biết thực tế phức tạp như thế nào.”

Có lẽ, cách như Trung Quốc và Singapore đang thực hiện là nhắm đến mục đích đảm bảo sự chặt chẽ về chất lượng, minh bạch và thống nhất về quản lý trong khi vẫn tạo được sự linh hoạt, hiện đại hoá hoạt động đào tạo, tuỳ theo nhu cầu của thị trường.

Liên quan tới kiến nghị chuyển đổi việc đào tạo, sát hạch và cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, mới đây, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, nếu phương án này được chấp thuận thì sau chuyển giao, các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe tiếp tục được xã hội hóa mạnh mẽ, đảm bảo cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch được tự chủ về hoạt động, đáp ứng yêu cầu xã hội, đúng quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ có điều kiện, công khai, công bằng trong đánh giá hiệu quả, chất lượng, tiếp tục đổi mới nội dung đào tạo, sát hạch cho phù hợp điều kiện người lái xe tham gia giao thông an toàn nhưng vẫn đảm bảo triệt để tận dụng nguồn vốn, tiết kiệm, hiệu quả, giảm thấp nhất phát sinh về đầu tư.

Bài liên quan
Nhiệt độ toàn cầu tăng kỷ lục, kinh tế thế giới 'nóng rẫy'
Biến đổi khí hậu làm tăng giá lương thực, lạm phát và những tác động này có thể sẽ khiến kinh tế thế giới đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Bế mạc Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phát biểu bế mạc Phiên họp 32, chiều 23/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 4,5 ngày làm việc, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến với 19 nội dung và cho ý kiến bằng văn bản về 3 báo cáo của Chính phủ.
Mới nhất