• image

    Những mẩu chuyện về phong cách Hồ Chí Minh

    Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có nội dung phong phú, thể hiện trong toàn bộ di sản và cuộc đời hoạt động của Người; là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và Nhân dân ta. Trong đó, nội dung về phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ. Để giúp quý thính giả hiểu sâu sắc hơn về phong cách Hồ Chí Minh, VOV Live xin trân trọng giới thiệu tuyển tập "Những mẩu chuyện về phong cách Hồ Chí Minh". Mỗi câu chuyện sẽ mang đến cho chúng ta những bài học thiết thực, bổ ích và cũng vô cùng sâu sắc về phong cách Hồ Chí Minh, trên các khía cạnh: phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt.
Chương mới nhất
  • 20/07/2021
    Thưa quý thính giả! Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, mà còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản cao quý, đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cao đẹp, suốt đời hy sinh phấn đấu quên mình cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Khi nói về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng – một học trò xuất sắc, một cộng sự thân thiết, gần gũi của Người đã viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu” Có thể nói, giản dị - lão thực – hiền minh là những đặc tính nổi bật trong đạo đức, lối sống và phong cách Hồ Chí Minh, sự giản dị một cách tự nhiên vốn có của một bậc vĩ nhân, hiền triết. Trong điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định: "Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”. Vì vậy, Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là cách làm thiết thực để tiếp nối và phát triển sự nghiệp cách mạng mà Người để lại cho muôn đời sau. Để giúp quý thính giả hiểu sâu sắc hơn về phong cách Hồ Chí Minh, VOV Live xin trân trọng giới thiệu những mẩu chuyện về phong cách Hồ Chí Minh, thể hiện qua giọng đọc của NSƯT Việt Hùng và PTV Hải Yến. Chúng tôi hy vọng, thông qua những mẩu chuyện kể rất đời thường về Bác, mỗi người chúng ta sẽ rút ra cho mình những bài học bổ ích và quý báu. Cũng như Nhà báo Ô-xtrây-li-a Uyn-phrết Bớc-sét viết: “Người ta không thể trở thành Hồ Chí Minh, nhưng ở Cụ Hồ, mỗi người có thể học một số điều làm cho mình trở thành tốt hơn”.
    Xem thêm Thu gọn
  • 22/07/2021
    Đại tá Hoàng Hữu Kháng – nguyên là Cục trưởng Cục Cảnh vệ Bộ Công an, người trực tiếp bảo vệ Bác Hồ từ năm 1945 đến năm 1951. Ông là một trong 8 người vinh dự được Bác Hồ đặt tên như một khẩu hiệu vang vọng một thời: Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi. Là người có may mắn sống và làm việc, gần gũi với Bác Hồ, đại tá Hoàng Hữu Kháng được Bác động viên, góp ý, chỉ bảo cụ thể, nhất là trong công tác bảo vệ. Mỗi lần Bác góp ý là một bài học để ông trưởng thành và lấy bài học đó bồi dưỡng đào tạo cho lớp lớp Cảnh vệ sau này. Trong câu chuyện “Những ngày dời cơ quan cùng Bác”, ông đã chia sẻ “Những ngày gần Bác bao giờ tôi cũng thấy Người như thế, dù lúc thuận lợi hay khi tình hình diễn biến phức tạp, khó khăn, căng thẳng, phong thái của Người cũng vẫn điềm tĩnh, kiên quyết, lạc quan, tự tin. Giống như người cầm lái, dù tối trời, biển lặng hay lúc sóng to, gió lớn vẫn vững tay chèo lái”
    Xem thêm Thu gọn
  • 24/07/2021
    Là lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm chăm lo đến sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói chung, trong đó có cán bộ người dân tộc thiểu số. Người cho rằng xây dựng đội ngũ cán bộ tại chỗ là tốt nhất, nếu không đủ cán bộ thì trên phải điều về và phải kết hợp chặt chẽ hai loại cán bộ này với nhau để bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác, nội bộ phải đoàn kết, thống nhất. Thông qua những bài viết, bài nói chuyện và những cuộc gặp gỡ hàng ngày với cán bộ và nhân dân, tư tưởng của Người về công tác cán bộ đã được chuyển tải một cách dung dị và dễ hiểu. Sau đây, xin mời quý thính giả cùng lắng nghe câu chuyện “Bác dạy phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ”. Câu chuyện được ghi chép lại theo lời kể của ông Ybi Alêo – khi đó là Phó chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - trong chuyến đi thăm miền Bắc và lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Bác lấy ví dụ về việc nuôi gà để qua đó, nhắc nhở về công tác đào tạo cán bộ tại chỗ, vừa chiến đấu vừa xây dựng đội ngũ chiến đấu “lấy phương châm tự lực cánh sinh là chính”.
    Xem thêm Thu gọn
  • 27/07/2021
    Đặc sắc trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là đối với người lãnh đạo nói phải đi đôi với làm, nghĩa là mắt thấy, tai nghe, miệng nói và phải hành động thực tế. Vì vậy, dù bận trăm ngàn công việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian quý báu của mình về với quần chúng nhân dân địa phương. Đó là những chuyến đi thực tế thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong mẩu chuyện “Chuyến đi tạo mặt trận của Bác”, nhà báo Hồng Khanh – Nguyên Ủy viên Hội đồng Biên tập Báo Nhân Dân đã kể lại câu chuyện về chuyến đi của Bác trong thời điểm những năm 1946-1946. “Chuyến đi bí mật, khẩn trương, đến với dân, với cơ sở một cách bất ngờ đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời chuẩn bị tạo ra mặt trận mới về phía nam Hà Nội và càng thấy Người luôn nhìn xa trông rộng”.
    Xem thêm Thu gọn
  • 29/07/2021
    Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài” và “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân”. Vì thế,cán bộ, đảng viên phải là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân, người công bộc tận tụy (dốc lòng phục vụ, tận tụy phục vụ: phục vụ Tổ quốc) chứ không phải là “quan cách mạng” và “vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng”. Tác giả Hà Văn Tính trong câu chuyện “Mãi mãi nhớ lời Bác dạy, không làm quan cách mạng” đã kể lại kỷ niệm về một lần gặp Bác và được nghe những lời khuyên giản dị, chân thành và sâu sắc của Bác “Chúng ta không làm quan cách mạng được đâu. Muốn dân ủng hộ, phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu”
    Xem thêm Thu gọn
  • 31/07/2021
    Đặc trưng cơ bản trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh, đó là: Đối với nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em thì tự nhiên, bình dị, cởi mở, chân tình, vừa chủ động linh hoạt lại vừa ân cần, tế nhị, bình dị, tự nhiên đến mức hồn nhiên, làm cho bất cứ ai được gặp Người đều thấy không khí chan hòa, ấm cúng, thoải mái, không cảm thấy sự cách biệt giữa lãnh tụ và quần chúng. Người luôn luôn thể hiện thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng, khoan dung, khiêm nhường, độ lượng với con người. Chính vì vậy mà có sức cuốn hút, cảm hóa, cảm phục và thôi thúc mọi người hướng tới chân, thiện, mỹ trong cuộc sống cũng như trong công tác. Trong hồi ức “Có Bác trong tim”, ông Đàm Quang Trung - nguyên Thượng tướng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã kể lại những câu chuyện về những năm tháng ở gần Bác tại chiến khu Tân Trào. Thông qua đó, cho thấy cách cư xử tinh tế của Bác với đồng bào địa phương cũng như tài phán đoán nhanh nhạy, cách xử sự tài tình, kiên quyết của Bác đối với kẻ thù.
    Xem thêm Thu gọn
  • 03/08/2021
    Trong số những di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc Việt Nam, có một di sản đặc biệt quý giá, đó là đạo đức Hồ Chí Minh. Tấm gương đạo đức của Người được thể hiện trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày - đó là đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị và thanh bạch. Một tờ báo Pháp khi nhận xét về nếp sống giản dị của Bác Hồ, đã viết: “Sự ăn ở giản dị đến cực độ, như một nhà ẩn sĩ, đó là đức tính rõ rệt nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tuần lễ ông nhịn ăn một bữa, không phải là để hạ mình cho khổ sở, mà là để nêu một tấm gương dè sẻn gạo cho đồng bào, làm giảm bớt nạn đói trong nước. Hết thảy mọi người chung quanh đều bắt chước hành động đó của ông”. Trong hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại, sau cách mạng tháng Tám năm 1945, về Hà Nội ở Bắc Bộ Phủ, trong cương vị Chủ tịch nước, cuộc sống của Bác vẫn giản dị, thanh đạm như những ngày hoạt động bí mật ở chiến khu. “Mọi việc Bác nêu ra đều thiết thực, ngắn gọn, cụ thể” “Các việc Bác nêu lên để yêu cầu đồng bào thực hiện đều là những điều Bác đã làm bền bỉ trong suốt cuộc đời. Nếu là những điều bây giờ mới đề ra thì bác gương mẫu làm trước”.
    Xem thêm Thu gọn
  • 05/08/2021
    Những năm tháng hoạt động cách mạng ở Pac Bó – Cao Bằng, Bác đã sống với nhân dân, cùng “cháo bẹ, rau măng", chia sẻ với người dân mọi khó khăn, gian khổ, vui buồn. Ngày ấy, lúc thì người dân gọi Bác là Già Thu, khi lại gọi là Ông Ké. Ông Ké theo tiếng địa phương, chỉ người già, là cái tên mà bà con nơi đây gọi Bác với sự tôn kính nhưng lại hàm chứa sự gần gũi, mộc mạc, giản dị của Người. Ông Ké, Già Thu trong bộ quần áo nâu của người dân tộc Nùng hoà mình vào với cuộc sống của đồng bào các dân tộc và cảnh vật nơi đây một cách tự nhiên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng viết: Từ trang phục đến lời nói, việc làm. Lúc thổi cơm, ngồi câu cá, khi tắm suối, ngủ rừng... Bác hoà hợp với tất cả mọi người. Không thấy một nét gì khác lạ, cách biệt, ở một người vốn là đại diện của quốc tế cộng sản, từng dự Đại hội Tua, từng tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới... Cách mạng tháng Tám thành công. Các Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà dự phiên họp đầu tiên của Chính phủ tại Bắc Bộ Phủ (Dinh Thống sứ Bắc Kỳ cũ), dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong hồi ký của mình, ông Vũ Đình Hòe, khi ấy là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đã kể lại những ấn tượng sâu sắc của mình khi được gặp “Ông Ké Cao Bằng” – cụ Hồ Chí Minh trong phiên họp đầu tiên ấy. Xin mời quý thính giả cùng lắng nghe câu chuyện “Ông Ké Cao Bằng” qua sự thể hiện của phát thanh viên Hải Yến.
    Xem thêm Thu gọn
  • 05/08/2021
    Đặc trưng nổi bật trong phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh là sự mộc mạc, ngắn gọn, trong sáng, giản dị, khúc chiết, dễ nghe và dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng người đọc, người nghe cụ thể. Người luôn đặt câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Rồi mới đến: Viết cái gì? Nhờ đó, các bài nói, bài viết của Người có sức thuyết phục, sức cảm hóa sâu sắc. Đọc báo hàng ngày, Người thường xuyên nhắc nhở các nhà báo về cách diễn đạt, lối hành văn, và sử dụng từ ngữ trong các bài viết. Sinh động, gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh, sự ví von, so sánh cụ thể. Diễn đạt ngắn gọn, cô động, hàm súc, trong sáng, có lượng thông tin cao. Trong “Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam” ngày 8.9.1962, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp” Những di sản quý báu của Người, trong đó có tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh sáng mãi trong lòng những người cầm bút, sáng mãi trong sự nghiệp báo chí Cách mạng Việt Nam. Ngay bây giờ, hãy cùng lắng nghe câu chuyện “Các nhà báo phải có trách nhiệm đừng để tiếng mẹ đẻ của ta mai một đi”. Câu chuyện là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng, thấm thía và vô cùng sâu sắc của Bác đối với các nhà báo trong việc giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt.
    Xem thêm Thu gọn
  • 07/08/2021
    Phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh được thể hiện qua các bài nói và viết của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau như báo chí, kịch, thơ văn….mà Người coi đó là công cụ đắc lực để tuyên truyền, giác ngộ, vận động quần chúng, củng cố niềm tin cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong những dòng hồi ký viết về Bác Hồ, nhà cách mạng Vũ Anh (bí danh Trịnh Đông Hải), Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa I đã kể lại kỷ niệm về những ngày gần Bác. Bác tham gia viết bài đều đặn cho báo Đ.T. Bài nào của Bác cũng hết sức ngắn gọn, cô đúc nhưng rất dễ hiểu, dễ nhớ. Bác cũng thường nhắc nhở “Phải viết thật ngắn, càng ngắn càng tốt, nhưng phải sáng sủa, rõ ràng, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thuộc. Không được nói văn hoa, bóng bảy, tránh diễn đạt lan man, dài dòng”. Những lời Bác dạy thật sâu sắc, thấm thía. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút...” Ngay bây giờ, xin mời quý thính giả hãy cùng lắng nghe câu chuyện “Những ngày gần Bác”, thể hiện qua giọng đọc của NSƯT Việt Hùng.
    Xem thêm Thu gọn
  • 07/08/2021
    Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh thể hiện sự chân thành, bình dị, tự nhiên. Đó không phải là một “nghệ thuật xã giao” hay “xảo thuật xử thế” để mua chuộc lòng người, mà là sự trung thực của tâm hồn, đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh. Một nét nhân cách nổi bật trong giao tiếp, ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự khiêm tốn, chân thành, sự thân thiện, thực lòng với mọi người, không một chút gợn nào cho sự sùng bái cá nhân. Đó là điều mà từ giới trí thức, chính khách phương Tây đến nhân dân các nước đều rất hâm mộ, tạo nên sự gần gũi khi gặp gỡ Người. Năm 1946, khi những phần tử phản động trong Quốc dân Đảng hoạt động ráo riết ở Hà Nội nhằm kết hợp với lực lượng thực dân đế quốc lật đổ chế độ cộng hòa còn non trẻ của Việt Nam, chúng suốt ngày gây sự với cán bộ của ta. Đại sứ Bùi Lâm, khi đó là thành viên trong Ban Bảo vệ của Trung ương Đảng và Chính phủ ta, đã xin phép Bác đánh cho bọn chúng một trận để chúng bỏ thói ngông cuồng. Thông qua câu chuyện về chén trà, Bác đã đưa ra một bài học sâu sắc về cách ứng xử, đối phó với “thù trong giặc ngoài” trong lúc thế và lực của ta còn non yếu. Cuộc nói chuyện giữa Bác với ông Bùi Lâm đã diễn ra như thế nào? Ngay bây giờ, xin mời quý vị hãy cùng lắng nghe câu chuyện “Tình hữu nghị trong sáng tựa pha lê” qua sự thể hiện của phát thanh viên Hải Yến.
    Xem thêm Thu gọn
  • 10/08/2021
    Có một nhà văn nước ngoài đã nói: "Hồ Chí Minh là con người của chủ nghĩa nhân đạo đầy đủ nhất". Hay như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: "Trong cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như trong đời sống hằng ngày, Hồ Chủ tịch đối xử với mọi người luôn có lý, có tình. Bác Hồ luôn dành muôn vàn yêu thương đối với đồng chí, đồng bào. Trong tình yêu đó, có chỗ cho mọi người, không quên sót một ai..." Thương yêu con người là một trong những đức tính vô cùng cao quý của Bác Hồ. Tình yêu thương lớn lao ấy được thể hiện qua từng lời nói, việc làm trong cuộc đời của Người. Mở đầu câu chuyện “Không ai yêu thương mình như Bác”, nhà thơ, nguyên thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng – ông Việt Phương - đã viết “Bác sống như thế nào với những người ở gần Bác, những anh em phục vụ, nấu cơm, lái xe, bảo vệ Bác? Khi Bác mất rồi, anh em họp lại, bao nhiêu người chỉ có một ý, một lời về Bác: Không có ai thương yêu mình như Bác. Không có ai đối xử với mình rộng lượng, bao dung và đầy tình nghĩa như Bác. Không có ai dạy bảo ân cần, chính xác, theo dõi sát sự sửa chữa các thiếu sót của mình như Bác. Không ai tôn trọng nhân cách con người mình như Bác” Sau đây, xin mời quý vị tiếp tục lắng nghe câu chuyện “Không ai yêu thương mình như Bác” qua sự thể hiện của NSƯT Việt Hùng.
    Xem thêm Thu gọn
  • 12/08/2021
    Ngay sau khi tuyên bố nước nhà được độc lập, một trong những nhiệm vụ cấp bách mà Người chỉ ra là “diệt giặc dốt” và Người đã phát động phong trào Bình dân học vụ. Mọi bước đi của phong trào Bình dân học vụ đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, theo dõi, chỉ đạo và động viên. Người tới thăm rất nhiều lớp bình dân học vụ, mỗi một thành tích lớn nhỏ của bình dân học vụ đều được Người gửi thư khen ngợi. Người thường xuyên gửi thư động viên anh chị em giáo viên bình dân học vụ. Những năm 1956-1958, phong trào bình dân học vụ gặp phải khó khăn do hậu quả của sai lầm cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Bộ Giáo dục khẩn cấp triệu tập hội nghị cán bộ lãnh đạo các tỉnh, thành về họp để bàn biện pháp khắc phục khó khăn. Sau ba ngày làm việc việc, hội nghị vẫn gặp khó khăn. Đồng chí Hà Huy Giáp, lúc đó là Bí thư Đảng Đoàn kiêm Thứ trưởng Bộ Giáo dục đã lên báo cáo với Bác và mời Bác đến động viên hội nghị. Những lời động viên kịp thời cũng như sự quan tâm lo lắng của Bác đối với việc hoàn thành kế hoạch thanh toán nạn mù chữ đúng kỳ hạn đã làm cho hội nghị vô cùng cảm động. Ngay bây giờ, qua giọng đọc của phát thanh viên Hải Yến, hãy cùng chúng tôi trở lại với không khí của hội nghị khi ấy, để hiểu thêm về phong cách ứng xử và sự quan tâm của Bác với giáo dục nước nhà. Câu chuyện có tiêu đề “Nhớ lại những lần được gặp và nhận thư Bác” được ghi lại theo hồi ức của nguyên Giám đốc Nha bình dân Học vụ - ông Vương Kiêm Toàn.
    Xem thêm Thu gọn
  • 14/08/2021
    Nét chung trong phong cách sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất mực giản dị, thanh cao, đạm bạc trong đời sống vật chất nhưng lại vô cùng phong phú về những giá trị đạo đức – tinh thần; chứa chan tình yêu thương con người, yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp…với những rung động, nhạy cảm của một tâm hồn nghệ sĩ. Cả trong lời nói và việc làm, Hồ Chí Minh luôn luôn tự mình thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Và đây là một trong những điều đã làm nên tình thương mến của chúng ta đối với Người, làm nên sức hấp dẫn, lôi cuốn, thu hút, thuyết phục của Người đối với bạn bè quốc tế, đến mức thu phục cả nhân tâm ngay ở phía đối phương. Giản dị kết tinh từ tất cả sự phong phú, sâu sắc, trải nghiệm cuộc sống. Cuộc sống giản dị, nơi ở bình dị của Bác đã được đại tá Hoàng Hữu Kháng kể lại một cách chân thực qua câu chuyện “Bác Hồ sống mãi trong tôi”. Xin mời quý vị hãy cùng lắng nghe.
    Xem thêm Thu gọn
  • 12/08/2021
    Năm 1958, sau bốn năm sống và làm việc tại ngôi nhà của người phục vụ điện cho Phủ toàn quyền Đông Dương, Bác chính thức chuyển về ở và làm việc tại nhà sàn. Nhà sàn là nơi ở lâu nhất và cũng là những năm tháng cuối đời của Bác, gắn với nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Đây vừa là di sản kiến trúc, vừa là di sản văn hóa, chứa đựng giá trị tinh thần lớn lao. Hình ảnh nhà sàn không những phản chiếu về cuộc đời thanh bạch và giản dị của Người mà còn thể hiện được tư tưởng, đạo đức và những phẩm chất cách mạng của một con người hết lòng vì sự nghiệp cách mạng dân tộc, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì tình hữu nghị, hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Xung quanh câu chuyện về nơi ở của Bác Hồ, nhà thơ Việt Phương, nguyên thư ký của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đã giúp chúng ta hiểu hơn về lối sống giản dị, hài hòa với thiên nhiên của Bác. Đúng như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết "Nhà sàn đơn sơ của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại thì cái nhà nho nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao".
    Xem thêm Thu gọn
  • 13/08/2021
    Tiếp tục những mẩu chuyện về đời sống hàng ngày của Bác Hồ qua hồi ức của nhà thơ Việt Phương. Trong đời sống hàng ngày, Người thích lối ăn đạm bạc, mang tính truyền thống quê hương. Về mặc, quần áo và cách mặc của Bác Hồ cũng vô cùng giản dị, gần gũi và thân quen như mọi người xung quanh mà vẫn lịch sự, tao nhã. Trong sinh hoạt đời thường, việc gì có thể làm, Người đều tự làm lấy, không muốn phiền người khác. Bác đã giữ đúng điều đó như một nguyên tắc sống suốt đời.
    Xem thêm Thu gọn
  • 14/08/2021
    Mỗi người dân Việt Nam đã từng nghe, ngắm nhìn đôi dép cao su của Bác Hồ. Đôi dép cao su giản dị “đôi hài vạn dặm” từng theo Bác suốt cả cuộc đời, theo sát cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ông Đàm Cần, nguyên phó phòng Tư vệ biển Hải Phòng kể lại lần mình được trực tiếp sửa đôi dép cao su của Bác Hồ với niềm tự hào và cảm xúc thật sâu sắc. Ngay bây giờ, xin mời quý vị hãy cùng lắng nghe câu chuyện “Chuyện người sửa đôi dép Bác Hồ” qua sự thể hiện của phát thanh viên Hải Yến.
    Xem thêm Thu gọn