Tại vùng cực Bắc lạnh giá, mùa cháy thường chỉ bắt đầu từ tháng 6, khi tuyết đã tan và những cơn bão mùa hè tới. Vì vậy, nhà khoa học Sander Veraverbeke đã rất bối rối khi phát hiện dấu hiệu của nhiều đám cháy trên một số hình ảnh vệ tinh thu được từ Alaska và vùng Tây Bắc của Bắc Cực vào tháng 5/2016.
Ông Veraverbeke, nhà khoa học về Trái đất tại đại học Vrije, Amsterdam, Hà Lan, cho biết vệ tinh đã thu được hình ảnh của các “đám cháy thây ma” - vốn là tàn tích của trận hỏa hoạn lớn từ năm trước. Khi con người tưởng đã xử lý được hỏa hoạn thì chúng vẫn “sống sót” âm thầm dưới lòng đất cả năm trời, chờ đợi qua mùa đông để bùng lên một lần nữa.
Những đám cháy thây ma đã nhiều lần bùng phát trong những thập kỷ qua và có xu hướng diễn ra ngày càng nhiều. Nhóm nghiên cứu của ông Veraverbeke phát hiện ra rằng sự xuất hiện của chúng có mối liên hệ chặt chẽ với biến đổi khí hậu. Việc mùa hè ngày càng nóng và kéo dài với hàng loạt trận cháy lớn làm tăng tỷ lệ sản sinh ra đám cháy thây ma.
Sự gia tăng của các “thây ma” này cho thấy Bắc Cực đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của khí hậu, đồng thời là hồi chuông cảnh báo cho những thiên tai nghiêm trọng hơn trong tương lai.
Ngủ đông trong than bùn
Khoảng hơn 16.187 km2 diện tích Bắc Cực bao phủ bởi than bùn, khu vực này lưu trữ ước tính khoảng 415 tỷ tấn carbon, ngang với tổng số carbon có ở tất cả các loại cây trên Trái đất.
Khi mùa hè tới, ngọn lửa hình thành do sét đánh hoặc con người sẽ cháy trực tiếp trên lớp than bùn trên mặt đất.
“Đây là những loại đất cổ. Than bùn ở Siberia thực sự rất lâu đời”, Jessica McCarty, một nhà khoa học về Bắc Cực tại Đại học Miami, Ohio, cho biết.
Một khi than bùn bốc cháy, chúng có thể cung cấp môi trường cho ngọn lửa cháy âm ỉ dưới đất trong thời gian dài sau khi trận hỏa hoạn trên bề mặt được dập tắt. Lửa được duy trì bởi than bùn có thể cháy trong nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí là tới vài năm. Khi thời điểm thích hợp tới, chúng sẽ một lần nữa bùng lên thành hỏa hoạn lớn, tựa như những thây ma bất tử.
“Than bùn có mọi thứ mà ngọn lửa cần để duy trì chính nó. Lửa có thể cháy khá mạnh, đủ để có duy trì qua mùa đông. Về cơ bản thì chúng sẽ 'ngủ đông' cho đến mùa xuân năm sau, khi tuyết tan đi và tạo cơ hội cho ngọn lửa bùng lên trên mặt đất”, nhà nghiên cứu Rebecca Scholten từ VU Amsterdam, cho biết.
Lửa ở Bắc Cực có gì khác?
Từ năm 2000 đến năm 2010, mỗi năm hỏa hoạn thiêu rụi hơn 50% diện tích Bắc Cực. Trong 10 năm tiếp theo, diện tích cháy hàng năm tiếp tục tăng, đặc biệt là ở Alaska. Qua số liệu, các nhà khoa học nhận thấy tần suất hỏa hoạn ở Bắc Cực hiện nay là cao nhất kể từ khi rừng cây đầu tiên hình thành tại khu vực này cách đây khoảng 3.000 năm, thậm chí có thể cao nhất trong 10.000 năm qua.
Cháy rừng ở vùng cực Bắc sinh ra nhiều carbon hơn những nơi như California hoặc Châu Âu, do lớp đất nền dưới các khu rừng ở vĩ độ cao thường cấu thành từ than bùn lâu đời và giàu carbon. Vào năm 2020, các đám cháy ở Bắc Cực đã giải phóng gần 250 megaton carbon dioxide, bằng khoảng một nửa lượng carbon con người thải ra trong một năm ở Australia và gấp khoảng 2,5 lần so với vụ cháy rừng kỷ lục năm 2020 ở California.
Biến đổi khí hậu
Đám cháy thây ma đã được các chuyên gia biết đến từ lâu. Năm 1941, một trận hỏa hoạn do con người gây ra dọc theo một tuyến đường sắt ở Alaska đã thiêu rụi hầu hết mọi thứ trong bán kính 1.600 km2 quanh đó. Đến tháng 5/1942, đám cháy “sống lại” và thiêu rụi thêm khoảng 1.200 km2.
Nhưng các nhà khoa chưa xác định được liệu những đám cháy thây ma từng xảy ra có được ghi nhận đầy đủ hay không, hay liệu chúng có xảy ra thường xuyên hơn khi khí hậu Bắc Cực ấm lên nhanh chóng không. Họ cho rằng trường hợp thứ hai có khả năng rất cao.
“Chúng ta chắc chắn sẽ chứng kiến chúng (đám cháy thây ma) nhiều hơn nữa, dựa trên những gì tôi thấy trong 30 năm quan sát và tham khảo ý kiến (các chuyên gia khác)”, cô Randi Jandt, một nhà sinh thái học về lửa tại đại học Alaska, Fairbanks, cho biết.
Jandt lấy ví dụ điển hình là trận đại hỏa hoạn thiêu rụi hơn 10.000 km2 ở Alaska vào năm 2019. Các đội cứu hỏa đã phải làm việc suốt ngày đêm để ngăn lửa lan rộng. Nhưng khi họ tưởng thiên tai đã chấm dứt thì ngọn lửa bùng lại vào mùa xuân năm sau, ngay khi tuyết vừa tan.
“Mới đó bạn quan sát thấy khu vực chỉ hoàn toàn là màu trắng của tuyết, nhưng chỉ hai ngày sau, lửa bỗng bùng lên ở chính nơi đó”, ông Mark Parrington, nhà nghiên cứu tại cơ quan Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus, mô tả đám cháy thây ma năm 2020 ỏ Alaska.
Ông Parrington cho biết tần suất xảy ra hỏa hoạn trong vài năm gần đây ở Alaska, Siberia và miền bắc Canada đều tăng mạnh.
“Trước đây, công tác cứu hỏa ở Bắc Cực không được chú ý nhiều vì hiếm khi có hỏa hoạn, nhưng điều đó đang thay đổi nhanh chóng", nhà nghiên cứu Parrington nói.
Một mối lo ngại khác là có bao nhiêu đám cháy thây ma đang vùi dưới lòng đất, chờ đợi để tạo ra một thảm họa mới.
Các nhà khoa học cho biết các đám cháy ngầm ở lớp than bùn dưới lòng đất phát triển rất chậm, chỉ gấp khoảng 100 lần so với tóc mọc, nên có thể loại trừ khả năng các đám cháy từ nhiều năm vẫn đang tích lũy dưới đất. Do vậy, giới nghiên cứu chỉ tìm hiểu những trận hỏa hoạn trong một năm trở lại.
Tuy nhiên, các vụ hỏa hoạn ngày càng nghiêm trọng gia tăng cho thấy biến đổi khí hậu đang khiến tình hình tồi tệ hơn. Mùa hè nóng nực sinh ra những trận hỏa hoạn lớn bùng cháy cho đến cuối mùa, và tàn dư của những chúng đó có nhiều khả năng tồn tại qua mùa đông.
Ở vùng Tây Bắc của Bắc Cực, đám cháy thây ma thường bùng lên sau mỗi sáu mùa hè nóng nhất. Vào hè những năm thời tiết mát mẻ, không có đám cháy thây ma nào vượt qua được mùa đông tiếp theo.
“Có một mối quan hệ rõ ràng giữa đám cháy thây ma với nhiệt độ cao và khu vực xảy ra hỏa hoạn. Mô hình quan hệ đó chỉ có khả năng tăng cường theo hướng xấu hơn trong tương lai, khi biến đổi khí hậu làm gia tăng khả năng hỏa hoạn ở Bắc Cực”, nhà khoa học Scholten nói.
undefinedTrần Trangundefined(Nguồn: nationalgeographic.com)