Sau khi tốt nghiệp cử nhân Báo chí - Đại học Sư phạm Đà Nẵng (2017), Phạm Thị Hải Dương (quê Phú Yên) vào TP.HCM tìm việc làm. Từ khi ra trường đến năm 2019, Hải Dương phụ trách biên tập các ấn phẩm du lịch – văn hóa ở công ty tư nhân và làm truyền thông tại một ngôi trường quốc tế.
Ý tưởng đến từ lần dọn dẹp nhà cửa
Trong thời gian làm việc văn phòng, Dương tranh thủ tham gia lớp học thiết kế thời trang. Tuy lĩnh vực mà cô gái 26 tuổi này học là thiết kế và may đầm dạ hội, váy cưới… nhưng lại vô tình giúp Dương có những hình dung ban đầu về chất liệu, bố cục, chi tiết tới cách dùng máy may, cắt may nói chung.
Cuối năm 2019, trong lần một lần dọn dẹp nhà cửa cuối năm, Dương phát hiện bản thân có quá nhiều quần jean được trang trí họa tiết rất đẹp nhưng lại bị lỗi mốt, không còn phù hợp với xu hướng nữa.
Ý định ban đầu là Dương sẽ tặng số quần này tại những điểm quyên góp quần áo cũ trên địa bàn TP. HCM. Tuy nhiên cô ấy lại giữ lại số quần jean lỗi mốt đó nhưng vẫn chưa biết sẽ phải làm gì với chúng.
“Đầu năm 2020, tôi bắt đầu tìm hiểu về tái chế và phát hiện jeans cũ có thể làm được rất nhiều thứ hay ho như lót ly tách, lót ghế, thảm chân… Trong đó, tôi đặc biệt quan tâm tới việc tái chế jean thành các sản phẩm túi xách, ba lô. Bởi bản thân tôi nghĩ rằng nhu cầu về thời trang của mỗi người là không có điểm dừng”, Dương chia sẻ.
Nghĩ là làm
Với vốn kinh nghiệm về may mặc ít ỏi của mình, Dương đã tranh thủ dành thời gian lên mạng tìm kiếm các thông tin về may túi xách, balo như thế nào, cách thiết kế, trang trí các họa tiết làm sao để sản phẩm làm ra không đơn điệu mà lại tôn vẻ đẹp thời trang, cá tính.
Sau đó, Dương quyết định nghỉ hẳn việc văn phòng, dành toàn thời gian cho công việc sáng tạo và thực hiện các mẫu túi, ba lô jeans tái chế. Cá nhân Dương khi xắn tay vào việc này cũng đã suy xét kỹ về yếu tố thị trường: “Tôi nhận thấy trên thị trường có rất nhiều người yêu thích các sản phẩm tái chế mà nguồn cung về nguyên liệu jean cũ dồi dào. Hơn nữa địa hạt này đang có rất ít các cá nhân, đơn vị làm với quy mô lớn”.
Lúc mới bắt đầu làm, Dương nhận đặt hàng từ khách. Sau khi người đặt lựa chọn mẫu và màu vải thì Dương tiến hành cắt may. Cô gái 9X này đứng ra xây dựng trang bán hàng trên facebook, qua các hội nhóm, các trang thương mại điện tử. “Cũng có nhiều nơi muốn tôi bán sỉ cho họ nhưng tôi không đủ hàng để cung ứng. Vì hiện tại chỉ mỗi tôi tự làm mọi việc chứ chưa tìm được người hỗ trợ”, Hải Dương chia sẻ.
Để tạo ra một chiếc balo từ quần jean, Dương phải mất vài giờ đồng hồ, có những mẫu khó có thể là cả tuần mới hoàn thiện. Bởi có quá nhiều công đoạn và các tiểu tiết cần sự khéo léo cao độ. Từ nghiên cứu kích thước, lên mẫu, tháo chỉ quần jeans, giặt sạch, phơi khô, cắt vải jeans, vải lót theo rập, ủi mếch cho tới may lót, bọc viền, tra khóa đến lúc hoàn thiện.
Trong toàn bộ quy trình, với cô gái này trang trí chi tiết là khó nhất. Bởi có những chiếc quần bò trơn, nếu chỉ may thô thì sẽ không hấp dẫn khách hàng nên phải kết hợp đính nút, chạy ren... để sản phẩm trở nên “mềm mại” và hấp dẫn hơn.
Với những sản phẩm balo, túi xách làm ra sẽ được bán với mức giá 260.000 – 505.000 đồng/sản phẩm. Theo Dương, lợi nhuận thu lại cũng tạm đủ để cô có thể duy trì cuộc sống cũng như xoay vòng vốn mua thêm các nguyên phụ liệu khác.
Chia sẻ về dự định sắp tới, Dương cho biết: “Tôi sẽ tổ chức các lớp dạy trực tiếp và online thiết kế ba lô và túi tái chế cho những người yêu thích lĩnh vực này. Đồng thời sau khi tình hình dịch Covid – 19 lắng xuống, tôi sẽ mở rộng sản xuất, tiến hành thuê nhân công, ra được nhiều thành phẩm hơn”.
Mang thông điệp bảo vệ môi trường
Cũng bởi vì sản phẩm được tạo ra từ những chiếc quần Jean cũ, sẽ khó tránh khỏi những lo ngại về chất lượng. Vì thế để đảm bảo chất lượng cũng như tính thẩm mỹ Dương chỉ sử dụng các mẫu vải jean tương đối còn mới, không bị mòn, mục rách, các chi tiết như túi, lai quần phải còn nguyên. Nguyên liệu phải được làm sạch, xử lý ra màu, đảm bảo người dùng không gặp bất kỳ vấn đề gì khi sử dụng.
Hiện tại Dương sử dụng 3 nguồn quần jean để làm balo, túi xách gồm quần của cá nhân khách hàng gửi đến may, quần mua ở các cơ sở bán quần jean cũ và quần jean do những người phụ trách tủ quần áo từ thiện ở các vùng xa gửi lại.
Hải Dương chia sẻ: “Ở những điểm tiếp nhận quần áo từ thiện, có những trang phục thời trang, không phù hợp để gửi tới các bản làng xa xôi sẽ bắt buộc phải đốt đi để giải phóng không gian chứa quần áo nơi khác gửi về. Việc này ảnh hưởng lớn đến môi sinh, gây lãng phí nghiêm trọng. Vì thế tôi đứng ra nhận một số những nguyên phụ liệu phù hợp cho việc thiết kế. Ngoài ra, cũng có những cửa hàng tồn dư quần jean với kích thước, màu sắc không còn ưa chuộng với người Việt nữa. Bản thân tôi nghĩ rằng nếu đứng ra thu mua số quần jean này sẽ có ích cho rất nhiều bên”.
Đằng sau mỗi sản phẩm balo, túi xách đa dạng sắc màu, phong cách, cô gái trẻ Phạm Thị Hải Dương mong muốn gửi gắm tới mọi người thông điệp cùng chung tay bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất./.