• image

    Vấn đề Quốc tế

    Những vấn đề thời sự quốc tế mới nhất, “nóng” nhất sẽ được phản ánh, bình luận, phân tích trong chương trình “Vấn đề Quốc tế”.
Chương mới nhất
  • 02/12/2022
    Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg vừa cho biết, liên minh này sẽ mở rộng hiện diện trên khắp Đông Âu, từ biển Đen đến khu vực Baltic. Động thái này của NATO nhằm gửi thông điệp rõ ràng tới Nga, trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự ở Ukraine đã kéo dài hơn 9 tháng. Bất chấp các báo cáo rằng phần lớn các quốc gia NATO đang cạn kiệt kho vũ khí và đạn dược, Mỹ và các đối tác đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Những động thái cứng rắn này của các nước thành viên NATO đang đẩy thế đối đầu Nga - phương Tây sang giai đoạn quyết liệt hơn.
    Xem thêm Thu gọn
  • 01/12/2022
    Tổng thống Pháp đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ trong nỗ lực đưa quan hệ song phương “trở lại đúng hướng”. Quan hệ giữa Mỹ và Pháp đã rơi vào khủng hoảng sâu sắc khi năm ngoái, Mỹ thành lập liên minh an ninh AUKUS với Anh và Australia mà không tham vấn các đồng minh Châu Âu, dẫn tới việc Australia hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD với Pháp. Ngoài ra, hai bên còn không ít vấn đề bất đồng liên quan tới các lĩnh vực thương mại và năng lượng. Vậy tầm quan trọng của chuyến công du này được nhìn nhận ra sao?
    Xem thêm Thu gọn
  • 30/11/2022
    Lần đầu tiên, Canada công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chiến lược có vai trò quan trọng với tương lai phát triển của quốc gia này. Chiến lược dựa trên 5 trụ cột chính gồm: thúc đẩy hòa bình và an ninh bằng việc cử một tàu quân sự đến khu vực; thúc đẩy đầu tư, thương mại; tăng cường hỗ trợ quốc tế về nữ quyền để giải quyết những thách thức liên quan đến phát triển trong khu vực; tài trợ phát triển hạ tầng bền vững; tăng cường hiện diện ngoại giao. Việc Canada công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương phù hợp với xu thế điều chỉnh chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia với khu vực này thời gian gần đây. Điều mà dư luận quan tâm là Canada sẽ có những bước đi như thế nào về hiện thực hóa mục tiêu tăng cường sự hiện diện của Canada tại khu vực, từ đó mang lại lợi ích cho Canada cũng như cho các đối tác.
    Xem thêm Thu gọn
  • 29/11/2022
    Do có quá nhiều mâu thuẫn và tranh cãi, cuối cùng, cuộc họp các Bộ trưởng năng lượng Liên minh Châu Âu (EU) vào tuần trước vẫn “dậm chân tại chỗ”, khi không thể nhất trí được về mức trần giá khí đốt nhằm giảm thiểu cuộc khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu. Bất chấp trước đó, một mức giá trần đã được đề xuất ở mức 275 Euro/MWh. Nhiều nước dù ủng hộ việc áp giá trần khí đốt nhưng cũng cho rằng, đây là một mức giá trần quá cao, “không thực tế, có cũng như không” và đi kèm quá nhiều điều kiện.
    Xem thêm Thu gọn
  • 26/11/2022
    Trong lúc chiến sự ở Ukraine được nhận định có thể kéo dài, nhiều quốc gia khu vực Trung và Đông Âu dường như đang hướng tới triển khai việc nâng cấp năng lực quân sự, nhất là sau vụ một tên lửa rơi xuống Ba Lan hồi tuần trước khiến 2 người thiệt mạng. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tăng cường phòng không ở Đông Âu kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2. Hồi tháng 10, các quốc gia thành viên NATO do Đức dẫn đầu khởi động sáng kiến cùng mua sắm các hệ thống phòng không, trong đó có cả hệ thống tên lửa Patriot. Những bước đi này cho thấy, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã tạo ra sự thay đổi lớn ở Châu Âu. Là lục địa mà nhiều quốc gia vốn cắt giảm chi tiêu quân sự sau chiến tranh Lạnh, các chính phủ Châu Âu lại đang tìm cách tái quân sự hóa.
    Xem thêm Thu gọn
  • 25/11/2022
    Sau nhiều tháng căng thẳng và tranh cãi về câu chuyện áp giá trần lên khí đốt và dầu của Nga nhằm phản ứng với chiến dịch quân sự đặc biệt mà nước này phát động tại Ukraine, mới đây, Liên minh Châu Âu (EU) cuối cùng cũng đã đưa ra được một đề xuất cụ thể. Theo đó, khối này vừa đề xuất áp giá trần khí đốt ở mức 275 euro (tương đương 283 đô-la Mỹ) mỗi MWh. Phía EU khẳng định đây là một công cụ mạnh đồng thời là giải pháp cuối cùng để ngăn chặn tình trạng giá khí đốt tăng cao, kiểm soát nhu cầu hướng tới đảm bảo cung cấp đủ khí đốt cho Châu Âu. Liệu đề xuất này có khả thi và liệu các nước EU có đạt được đồng thuận trong cuộc họp các Bộ trưởng Năng lượng diễn ra ngày 24/11 hay không?
    Xem thêm Thu gọn
  • 24/11/2022
    Trong hai ngày 22 - 23/11, đại diện 3 nước Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ nhóm họp tại thành phố Astana của Kazakhstan để thảo luận về vấn đề hòa bình của Syria. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai các đợt không kích tại khu vực biên giới phía Bắc Syria nhằm vào lực lượng Người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là “khủng bố”, đồng thời cảnh báo có thể triển khai tiếp chiến dịch trên bộ. Định dạng Astana là cơ chế do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria sau cuộc xung đột kéo dài tại quốc gia này. Nhưng sau 18 vòng họp, vấn đề thống nhất lãnh thổ Syria, đặc biệt là bất ổn tại khu vực biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đi đến hồi kết. Trong khi đó, nước được cho là có tiếng nói trọng lượng nhất trong định dạng Astana là Nga lại đang vướng vào cuộc xung đột kéo dài với Ukraine. Chính điều này làm nảy sinh những ý kiến cho rằng định dạng Astana đang thiếu những động lực mới.
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/11/2022
    Tiếp nối chuỗi hoạt động ngoại giao của giới chức Mỹ tại khu vực Đông Nam Á, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Haris đang có chuyến thăm Philippines. Đây là chuyến đi thứ hai của bà Harris đến Châu Á trong 3 tháng và diễn ra chỉ sau chuyến đi kéo dài một tuần của Tổng thống Joe Biden tới khu vực này. Cả hai chuyến đi đều được thực hiện nhằm củng cố khả năng phòng thủ và liên minh của Mỹ. Sau 5 năm rơi vào tình trạng “lạnh nhạt”, quan hệ Mỹ - Philippines đang có dấu hiệu nồng ấm trở lại. Với chính quyền mới ở Philippines, việc nước này quay lại “quỹ đạo” đồng minh với Mỹ ra sao đang là vấn đề được dư luận quan tâm.
    Xem thêm Thu gọn
  • 22/11/2022
    Sau 2 ngày làm việc kéo dài, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập đã đạt được Thỏa thuận mang tính “lịch sử” về việc thành lập một quỹ đền bù cho những nước nghèo chịu tác động nghiêm trọng của tình trạng thời tiết cực đoan. Đây được coi là một bước tiến sau nhiều năm đem lại “sự công bằng” cho những đối tượng bị tổn thương do thiệt hại về môi trường. Mặc dù vậy, đây mới chỉ là thỏa thuận mang tính ban đầu, những nội dung cụ thể như nguồn tài trợ, quy chế hoạt động của Quỹ sẽ được các bên tiếp tục thảo luận tại Hội nghị COP28 vào năm 2023 thông qua một “Ủy ban chuyển tiếp”. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc thành lập Quỹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các nước nhỏ kém phát triển.
    Xem thêm Thu gọn
  • 19/11/2022
    Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra trong 2 ngày 18/11-19/11 tại Thái Lan. Trong bối cảnh toàn cầu đang đối diện với những xung đột và khủng hoảng chưa từng có như căng thẳng Nga - phương Tây liên quan đến Ukraine, bất ổn gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, lạm phát, mất an ninh lương thực, biến đổi khí hậu…, sự kiện đang được kỳ vọng sẽ mang đến những làn gió mới để các nền kinh tế có thể phục hồi và phát triển ổn định giai đoạn hậu Covid-19. Là kỳ APEC đầu tiên được tổ chức trực tiếp trở lại kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cuối năm 2019, chủ nhà Thái Lan đã lựa chọn chủ đề “Mở - Kết nối - Cân bằng” với nhiều nội dung trọng tâm nhằm thể hiện vai trò dẫn dắt của nước Chủ tịch, cũng như đóng góp những xung lực mới cho phát triển khu vực và toàn cầu.
    Xem thêm Thu gọn
  • 18/11/2022
    Dù còn hai năm nữa mới tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tuy nhiên, viễn cảnh về cuộc đua gay cấn đã được hình dung ngay từ lúc này, khi cựu tổng thống Donald Trump chính thức tuyên bố tái tranh cử tổng thống năm 2024, sau khi nộp hồ sơ cho Ủy ban Bầu cử Liên bang. Ông Donald Trump là một tỷ phú, doanh nhân nổi tiếng, là thành viên Đảng Cộng hòa và từng giữ cương vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ trong một nhiệm kỳ kéo dài từ tháng 1/2017 đến tháng 1/2021. Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Donald Trump nổi tiếng với khẩu hiệu tranh cử “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và theo đuổi quan điểm chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Sự trở lại chính trường của cựu Tổng thống Donald Trump được cho sẽ khiến các cuộc đua bầu cử Mỹ thời gian tới thêm gay cấn.
    Xem thêm Thu gọn
  • 16/11/2022
    Ngày 15/11, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Indonesia. Được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng nhất của năm, Hội nghị diễn ra trong hai ngày và sẽ tập trung thảo luận các vấn đề ưu tiên là an ninh lương thực và năng lượng, cấu trúc y tế toàn cầu và chuyển đổi kỹ thuật số. Có thể thấy, những vấn đề mà nước Chủ tịch G20 Indonesia đưa vào chương trình nghị sự đều cấp thiết và gai góc, trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới đang có nhiều biến động. Vì vậy, dư luận thế giới đang rất chờ đợi Indonesia sẽ phát huy vai trò của nước Chủ tịch G20 trong năm nay như thế nào để có thể dung hòa quan điểm, lợi ích rất khác biệt của các quốc gia trong G20, để Hội nghị thượng đỉnh lần này có thể đạt được những kết quả thiết thực.
    Xem thêm Thu gọn
  • 15/11/2022
    Ngày 14/11, tại Bali, Indonesia, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), sẽ diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ. Dự kiến, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về những nỗ lực duy trì và làm sâu sắc hơn nữa "các đường dây liên lạc”, cũng như “cách thức quản lý cạnh tranh” và “hợp tác với nhau khi lợi ích song trùng, đặc biệt là liên quan đến những thách thức xuyên quốc gia”. Trước đó, phát biểu với báo giới, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông hy vọng sẽ tìm thấy một cơ hội thỏa hiệp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để góp phần hạ nhiệt một số căng thẳng khu vực. Liệu cuộc gặp có tạo được cơ hội để tháo gỡ bất đồng?
    Xem thêm Thu gọn
  • 12/11/2022
    Ngày 11/11, 2 Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 chính thức khai mạc tại Phnôm Pênh, Campuchia. Cùng với đó là hàng loạt các hội nghị cấp cao liên quan với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính... Đây là loạt hội nghị quan trọng cuối cùng trong năm Chủ tịch ASEAN 2022 của Campuchia với sự tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN và các đối tác đối thoại. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự sự kiện này. Hội nghị cấp cao lần này đánh dấu sự nối lại đối thoại trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo sau hơn 2 năm bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. Với chủ đề "ASEAN cùng hành động ứng phó các thách thức", nhiều vấn đề trọng tâm sẽ được thảo luận như hợp tác phục hồi kinh tế khu vực, phối hợp tìm kiếm các giải pháp cho các điểm nóng của khu vực cho đến vấn đề nâng cấp quan hệ đối tác giữa ASEAN với các đối tác nước lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ...
    Xem thêm Thu gọn
  • 10/11/2022
    Đến thời điểm này, các đơn vị bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ đã gần như hoàn tất quá trình bầu cử. Dù không phải cuộc bầu cử để tìm ra người lãnh đạo đất nước song cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ có ý nghĩa quan trọng khi quyết định đảng Dân chủ hay Cộng hòa sẽ nắm giữ thế đa số trong quốc hội, từ đó ảnh hưởng đến chính trường Mỹ trong 2 năm tiếp theo. Trong lịch sử chính trường Mỹ, Đảng của đương kim tổng thống thường sẽ gặp bất lợi và mất ghế tại lưỡng viện Quốc hội trong các cuộc bầu cử giữa kỳ. Đối với Tổng thống Joe Biden, lá phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử này cũng được xem như một “bài sát hạch” đối với 2 năm cầm quyền vừa qua của ông.
    Xem thêm Thu gọn
  • 09/11/2022
    Ngày 8/11, Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Moskva, trọng tâm là tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai bên. Đây là cuộc gặp lần thứ 4 giữa hai Ngoại trưởng kể từ tháng 2, thời điểm Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cho thấy mối quan hệ song phương được hai bên chú trọng như thế nào trong bối cảnh hiện nay. Ấn Độ vẫn nằm trong nhóm nước thể hiện quan điểm trung lập với cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời vẫn duy trì quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ với Nga. Mới đây, Nga còn vượt qua hai đối thủ nặng ký của nhóm OPEC là Iraq và Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Ấn Độ.
    Xem thêm Thu gọn
  • 08/11/2022
    Hội nghị cấp cao lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã chính thức khai mạc tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập. Diễn ra từ ngày 6/11 - 18/11, Hội nghị COP27 có sự tham dự của khoảng 35.000 đại biểu, trong đó có 2.000 diễn giả quốc tế thảo luận khoảng 300 chủ đề khác nhau, nhằm đẩy nhanh việc hiện thực hóa các cam kết nhằm giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính. COP27 diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã và đang gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, khiến giá dầu tăng tới 60%, giá khí đốt tăng tới gần 400% ở Châu Âu. Dường như, trước những lộ trình và mục tiêu đã được xác định sẵn, COP27 được cho là sẽ đối diện với nhiều thách thức.
    Xem thêm Thu gọn
  • 05/11/2022
    Đúng như dự đoán trước đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa thông báo quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, nâng biên độ lãi suất cho vay cơ bản của FED lên khoảng 3,75 đến 4%. Đây là mức cao kỷ lục tính từ năm 2008. Kiểm soát lạm phát đã trở thành mục tiêu chính sách hàng đầu của Mỹ trong giai đoạn hiện nay và lộ trình của FED cho thấy tốc độ tăng lãi suất sẽ không sớm dừng lại. Vậy mức độ tăng sẽ đến đâu và tác động của việc tăng lãi suất này đến nền kinh tế toàn cầu ra sao?
    Xem thêm Thu gọn
  • 04/11/2022
    Lãnh đạo cấp cao của Đức liên tiếp có các chuyến thăm tới khu vực Đông Bắc Á. Trong khi Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đang có chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc thì Thủ tướng Đức Olaf Scholz bắt đầu có chuyến công du Trung Quốc. Ngoài các nội dung về tăng cường hợp tác song phương, dự kiến các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo Đức và các nước Đông Bắc Á sẽ tập trung vào sự hợp tác hướng tới việc hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chính phủ Đức tính toán điều gì khi đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực này trong bối cảnh hiện nay?
    Xem thêm Thu gọn
  • 03/11/2022
    Ngày 01/11, cử tri tại Israel đã đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội với hy vọng phá vỡ thế bế tắc chính trị trong nhiều năm qua. Đây là cuộc bầu cử lần thứ 5 của Quốc hội Israel trong vòng chưa đầy 4 năm. Đáng chú ý, cuộc bầu cử không chỉ nhằm tìm ra 120 đại biểu đại diện cho người dân Israel để quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước, mà còn quyết định ai sẽ là Thủ tướng điều hành chính phủ trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng bế tắc chính trị sẽ chưa sớm được khai thông sau cuộc bầu cử lần này.
    Xem thêm Thu gọn
  • 02/11/2022
    Theo kết quả kiểm phiếu chính thức trong cuộc đua vào ghế Tổng thống Brazil, cựu Tổng thống nước này, ông Lula da Silva đã giành được 50,8% phiếu bầu, vượt qua Tổng thống đương nhiệm Bolsonaro với số phiếu tương ứng là 49,2%. Với kết quả này, ông Lula da Silva sẽ nhậm chức vào ngày 01/01 năm tới. Ông Lula da Silva là gương mặt quen thuộc trên chính trường Brazil khi ông đã nắm giữ cương vị Tổng thống trong hai nhiệm kỳ từ năm 2003 - 2010, giai đoạn mà ông được người dân tín nhiệm bởi những thành tựu kinh tế ấn tượng. Nhưng lần trở lại này sau hơn 10 năm, ông Lula da Silva phải đối diện với tình hình rất khác, khi Brazil vừa trải qua 4 năm đầy biến động dưới thời của chính quyền cánh hữu cũng như tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội do dịch Covid-19 gây ra.
    Xem thêm Thu gọn
  • 01/11/2022
    Nga vừa tuyên bố ngừng thực hiện thỏa thuận ngũ cốc giữa nước này với Ukraine. Thỏa thuận này đạt được hồi tháng 7 năm nay với sự trung gian của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải phóng xuất khẩu nông sản qua Biển Đen từ Nga và Ukraine, vốn bị ngưng trệ do cuộc xung đột giữa 2 bên. Vì sao Nga dừng thực thi thỏa thuận ngũ cốc và điều này sẽ dẫn tới những hệ lụy như thế nào?
    Xem thêm Thu gọn
  • 29/10/2022
    Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vừa lên tiếng nhận trách nhiệm đã thực hiện cuộc tấn công nhằm vào một đền thờ Hồi giáo ở Iran ngày 26/10 khiến ít nhất 15 người thiệt mạng. Sau 4 năm kể từ ngày Mỹ tuyên bố chiến thắng trước IS, việc tổ chức khủng bố này nhận trách nhiệm thực hiện một vụ tấn công gây thương vong lớn đang khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ IS có thể quay trở lại sau một thời gian củng cố lực lượng. Trên thực tế, trước khi IS nhận trách nhiệm về vụ tấn công tại Iran, Liên hợp quốc từng có báo cáo về việc IS đang từng bước mở rộng hoạt động tại hơn 20 quốc gia Châu Phi, từ đó hình thành cứ điểm mới của một “Nhà nước Hồi giáo” trong tương lai mà IS đang hướng tới. Điều quan trọng mà Liên hợp quốc chỉ ra là các quốc gia dường như chưa quan tâm đầy đủ trong việc ứng phó với IS ngay từ khi tổ chức khủng bố này manh nha trở lại, trong khi các chuyên gia cảnh báo “mọi sự tự mãn luôn là thiếu khôn ngoan”.
    Xem thêm Thu gọn
  • 28/10/2022
    Theo giới quan sát Châu Âu, kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine, đang có những dấu hiệu cho thấy Liên minh Châu Âu (EU) hướng sự quan tâm đặc biệt đến khu vực Trung Á. Theo đó, giới chức hàng đầu EU thời gian qua liên tục có các cuộc tiếp xúc, hội đàm và hiện cũng đang có chuyến công du đến các nước trong khu vực như Kazakhstan hay Uzbekistan. Vốn được coi là “sân sau” của Nga và đối tác hàng đầu trong Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc. Khu vực Trung Á đang ngày càng khẳng định vị thế địa chiến lược, đặc biệt khi cuộc khủng hoảng Ukraine đang tác động mạnh mẽ, làm thay đổi cục diện các mối quan hệ địa chính trị trên toàn cầu. Vì thế, cũng không khó hiểu khi Châu Âu đang nỗ lực “xích lại gần hơn” với khu vực này.
    Xem thêm Thu gọn
  • 26/10/2022
    Như vậy là chỉ chưa đầy 2 tháng, nước Anh đã có thủ tướng thứ 3. Cựu Bộ trưởng tài chính Rishi Sunak đã nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng Bảo thủ để trở thành tân Thủ tướng Anh, thay thế bà Liz Truss đã quyết định từ chức hôm 20-10 do những sai lầm trong chương trình kinh tế gây xáo trộn thị trường tài chính. Ông Rishi Sunak, 42 tuổi là cựu Bộ trưởng Tài chính Anh và từng là đối thủ chính của bà Liz Truss trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ hồi tháng 8 vừa qua. Là chính trị gia có quan điểm kinh tế và chính trị khác biệt so với 2 người tiền nhiệm là Liz Truss và ông Boris Johnson, ông Rishi Sunak sẽ giành những ưu tiên gì trong chương trình nghị sự để đưa nước Anh thoát khỏi những bất ổn về kinh tế và chính trị hiện nay?
    Xem thêm Thu gọn
  • 25/10/2022
    Chính trường Mỹ đang nóng lên khi chỉ còn hai tuần nữa là tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay. Ngoài cuộc đua vào lưỡng viện Quốc hội khóa 118, cuộc bầu cử còn bầu lại hàng loạt vị trí thống đốc tiểu bang và chính quyền địa phương. Trong tuần này, cử tri tại một số bang ở Mỹ có thể được bỏ phiếu sớm. Dù tên của Tổng thống Joe Biden không có trên bất kỳ lá phiếu nào, song cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được coi như một cuộc trưng cầu ý dân toàn liên bang đối với kết quả điều hành chính phủ của ông Biden nói riêng, đảng Dân chủ nói chung trong gần 2 năm qua. Kết quả bầu cử cũng sẽ phát đi tín hiệu về đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ trong ít nhất 2 năm tới. Vậy cử tri Mỹ chờ đợi gì ở cuộc đua gay cấn này và những kịch bản nào có thể xảy ra trên chính trường Mỹ?
    Xem thêm Thu gọn
  • 22/10/2022
    Sau nhiều ngày căng thẳng trên chính trường với nhiều áp lực, Thủ tướng Anh Liz Truss đã tuyên bố từ chức chỉ sau 45 ngày đảm nhiệm chức vụ, trở thành vị Thủ tướng tại vị trong thời gian ngắn nhất trong lịch sử vương quốc Anh. Bà thừa nhận không thể thực hiện những lời hứa khi tranh cử lãnh đạo Đảng Bảo thủ và đã đánh mất sự tín nhiệm của Đảng dành cho bà. Chỉ trong 6 tuần, các chính sách kinh tế của bà Liz Truss đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính khiến Ngân hàng Trung ương Anh phải lập tức can thiệp. Bên cạnh đó, nhiều kế hoạch trong chính sách này cũng đã bị đảo ngược. Chính trường Anh trong những ngày tới sẽ ra sao? Những ứng cử viên nào có thể được lựa chọn?
    Xem thêm Thu gọn
  • 21/10/2022
    Vừa trở về sau chuyến thăm Saudi Arabia, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết, Saudi Arabia bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (gọi tắt là BRICS) gồm 5 nước: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Đây được cho là nằm trong lộ trình mở rộng liên minh kinh tế vốn thành lập từ năm 2009. Tuy nhiên, là đồng minh thân thiết của Mỹ, Saudi Arabia muốn gửi thông điệp gì khi ngỏ ý tham gia một cơ chế vốn là “sân chơi” của Nga và Trung Quốc? Động thái này liệu có khiến mối quan hệ Mỹ - Saudi Arabia rơi vào khủng hoảng, sau khi nước này và nhóm OPEC+ mới đây bất chấp lời kêu gọi của Mỹ đã cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu.
    Xem thêm Thu gọn
  • 20/10/2022
    Liên minh Châu Âu (EU) vừa áp đặt lệnh trừng phạt mới với 11 cá nhân và 4 thực thể Iran. Đáng chú ý trong số những thực thể thuộc diện trừng phạt có Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và đơn vị an ninh mạng. Trước đó, Mỹ, Anh và Canada cũng đã áp đặt trừng phạt với các cá nhân và thực thể tại Iran. Trong khi đó, phía Iran cho rằng, đây là hành động “thiếu tính xây dựng và phi lý” của EU và nước này sẽ có phản ứng “ngay lập tức” đối với những quyết định và hành động của EU. Vậy những động thái cứng rắn của phương Tây đối với Iran thời gian qua, có ảnh hưởng ra sao tới cục diện đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận Iran mà dư luận đang mong chờ?
    Xem thêm Thu gọn
  • 18/10/2022
    Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai mạc với sự tham dự của gần 2.300 đại biểu đại diện cho hơn 96 triệu đảng viên. Đây là sự kiện rất quan trọng nhằm xác định nhiệm vụ chiến lược của Trung Quốc trong 5 năm tới và xa hơn nữa, hướng tới mục tiêu “xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại và phục hưng dân tộc”. Giới phân tích cho rằng, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ nhắc lại triết lý quản lý lấy người dân làm trung tâm và sự cần thiết phải kiên định với chủ nghĩa xã hội đặc sắc của Trung Quốc, đồng thời nêu bật sự cần thiết phải phối hợp giữa hai yếu tố phát triển và an ninh trong bối cảnh mới, cải cách và mở cửa Trung Quốc trước những rủi ro và thách thức từ bên ngoài. Đại hội Đảng cộng sảnTrung Quốc cũng có thể chứng kiến sự thay đổi về giới lãnh đạo chủ chốt trong cơ cấu quyền lực của Trung Quốc với việc bổ nhiệm những nhân vật có tác động đến chính sách kinh tế, ngoại giao, an ninh và xã hội trong ít nhất 5 năm tiếp theo.
    Xem thêm Thu gọn
  • 15/10/2022
    Mỹ mới công bố Chiến lược an ninh quốc gia mới, tài liệu được cho là cung cấp cái nhìn sâu sắc nhất về thế giới quan của chính quyền Tổng thống Joe Biden cho đến nay. Bản chiến lược 48 trang này xác định một loạt thách thức mà nước Mỹ phải đối mặt cũng như hướng giải quyết các thách thức đó. Thông thường chiến lược an ninh quốc gia Mỹ là sự kết hợp của sự định hướng, báo hiệu ý định cho các đồng minh và đối thủ về chính sách của Mỹ. Một trong những nội dung nổi bật của Chiến lược an ninh vừa công bố nêu rõ rằng, Mỹ sẽ cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc, đối thủ duy nhất có ý định và khả năng tái định hình trật tự quốc tế, đồng thời kiềm chế Nga.
    Xem thêm Thu gọn
  • 14/10/2022
    Trong tuyên bố mới nhất, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ tiếp tục phát huy vai trò trung gian hòa giải trong xung đột Nga - Ukraine tại cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin, dự kiến diễn ra ngày 13/10 tại A-xta-na, Kazakhstan. Tổng thống Tayyip Erdogan là nhà lãnh đạo duy nhất hiện nay có thể đưa ông Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky ngồi vào bàn đàm phán. Không phải đến bây giờ, Thổ Nhĩ Kỳ mới thúc đẩy vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine. Thực tế, Ankara cùng Liên hợp quốc đã kết nối thành công giúp Nga và Ukraine đạt thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine qua biển Đen, góp phần giải quyết mối đe dọa an ninh lương thực toàn cầu. Với mối quan hệ tốt và cách tiếp cận khéo léo, liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp tục phát huy vai trò trung gian hòa giải, hướng tới “mục tiêu lớn hòa bình” khi tình hình thực địa vẫn chưa hạ nhiệt?
    Xem thêm Thu gọn
  • 13/10/2022
    Khu vực biên giới Ukraine - Belarus những ngày qua chứng kiến nhiều hoạt động quân sự làm gia tăng căng thẳng. Phía Belarus cáo buộc Ukraine lên kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công trên lãnh thổ của nước này khi hầu hết các cây cầu biên giới đã bị phá huỷ, các tuyến đường sắt và đường ô tô bị cài mìn hoàn toàn. Mặc dù Đại sứ Ukraine tại Belarus đã bị triệu tập đến Bộ Ngoại giao Belarus nhận công hàm phản đối chính thức, nhưng phía Ukraine cho biết, họ kiên quyết bác bỏ cáo buộc, đồng thời cho rằng, đây có thể là một phần trong kế hoạch của Nga nhằm khiêu khích và đổ lỗi cho Ukraine. Vậy đâu là nguyên nhân khiến khu vực biên giới giữa Ukraine và Belarus lại gia tăng căng thẳng như vậy? Những diễn biến này tác động ra sao tới xung đột Nga - Ukraine đang ngày càng phức tạp?
    Xem thêm Thu gọn
  • 12/10/2022
    Các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ vừa có cuộc gặp với phái đoàn Taliban tại thủ đô Doha của Qatar. Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa hai bên sau hơn 2 tháng xảy ra vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ, tiêu diệt thủ lĩnh Al-Qaeda trên lãnh thổ Afghanistan. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), còn dẫn đầu phái đoàn Taliban là người đứng đầu Cơ quan tình báo. Sự xuất hiện của các quan chức tình báo cấp cao của cả hai bên cho thấy mức độ quan trọng của vấn đề chống khủng bố - mối quan tâm chung nhưng lại có nhiều bất đồng giữa Mỹ và Taliban kể từ khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
    Xem thêm Thu gọn
  • 11/10/2022
    Những ngày vừa qua, Mỹ, Canada và Liên minh Châu Âu liên tục có các động thái tăng cường trừng phạt nhằm vào Iran, nhằm phản ứng việc Iran trấn áp biểu tình, sau cái chết “gây tranh cãi” của một cô gái Iran 22 tuổi bị cảnh sát đạo Hồi giam giữ vì lý do trang phục không đúng chuẩn mực. Các động thái này sẽ khiến mối quan hệ giữa Iran và phương Tây bị đẩy căng tới mức nào và ảnh hưởng ra sao tới việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015?
    Xem thêm Thu gọn
  • 08/10/2022
    Trong bối cảnh quan hệ với Australia đang căng thẳng kể từ sau khi ký thỏa thuận an ninh với Trung Quốc, Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare vừa có cuộc hội đàm với Thủ tướng Australia Anthony Albanese. Cuộc gặp này nằm trong chuyến thăm đầy bất ngờ của Thủ tướng Manasseh tới Australia. Sau những động thái làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Australia thời gian gần đây của chính quyền Solomon liên quan đến thoả thuận an ninh giữa Solomon với Trung Quốc, cũng như việc chính quyền Solomon công khai chỉ trích Australia can thiệp vào công việc nội bộ, lòng tin giữa hai nước đã bị sụt giảm nghiêm trọng. Việc hai nhà lãnh đạo gặp nhau trong bối cảnh như vậy đang gửi đi tín hiệu lạc quan về khả năng quan hệ giữa hai nước có thể sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
    Xem thêm Thu gọn
  • 07/10/2022
    Ngày 6/10, Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của Cộng đồng Chính trị Châu Âu sẽ diễn ra tại Praha, Cộng hòa Séc. Cộng đồng Chính trị Châu Âu được thành lập từ ý tưởng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 5 với 27 quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) và 17 quốc gia láng giềng, trong đó có những cái tên đang “xếp hàng” để được gia nhập EU như Bắc Macedonia, Moldova… Cộng đồng Chính trị Châu Âu được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng cho đối thoại và hợp tác chính trị về các vấn đề chiến lược, về lợi ích chung của Châu Âu, nơi EU có thể thể hiện vai trò và trách nhiệm lớn hơn trong khu vực lân cận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dấu hỏi về sự hình thành của Cộng đồng Chính trị Châu Âu: cơ chế hoạt động của khuôn khổ hợp tác này sẽ như thế này, liệu Cộng đồng Chính trị Châu Âu có ảnh hưởng đến tiến trình gia nhập EU của các quốc gia láng giềng.
    Xem thêm Thu gọn
  • 06/10/2022
    Ngày 5/10, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (gọi tắt là OPEC+) triệu tập cuộc họp trực tiếp đầu tiên tại Viên (Áo), kể từ khi các biện pháp hạn chế về Covid-19 được áp đặt hồi năm 2020. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh ngày càng nhiều thông tin cho rằng, OPEC+ sẽ cắt giảm mạnh sản lượng dầu do lo ngại tình trạng suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Dự kiến, OPEC+ sẽ xem xét cắt giảm sản lượng dầu ở mức hơn 1 triệu thùng/ngày - mức cắt giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Ngay khi thông tin mới chỉ là đồn đoán, giá dầu thô đã tăng hơn 3% tại thị trường Châu Á. Vậy yếu tố nào sẽ tác động đến quyết định của OPEC+ lần này và sẽ ảnh hưởng ra sao đến thị trường toàn cầu?
    Xem thêm Thu gọn
  • 05/10/2022
    Ukraine đã chính thức nộp đơn gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ngay sau khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 khu vực miền Đông Ukraine vào Nga. Lá đơn của Ukraine có thể coi là sự phản ứng mạnh mẽ, kiên quyết với Matxcova, đồng thời đánh dấu một bước tiến quan trọng của Ukraine trong nỗ lực “Tây tiến”. Gia nhập NATO vốn là nguyện vọng của Ukraine và được ghi trong Hiến pháp nước này kể từ năm 2019. Tuy nhiên, nỗ lực đó từ lâu đã trở thành nguồn gốc của mọi căng thẳng với Nga - quốc gia vốn coi sự mở rộng về phía đông của NATO là một trong những mối đe dọa an ninh lớn nhất. Liệu Ukraine quyết định xin gia nhập NATO có đúng thời điểm? Quyết định này tác động ra sao đến diễn biến mối quan hệ Nga - Ukraine?
    Xem thêm Thu gọn
  • 04/10/2022
    Khu vực bán đảo Triều Tiên đang chứng kiến sự gia tăng căng thẳng nghiêm trọng khi các bên liên quan có những động thái đáp trả cứng rắn. Trong khi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tổ chức các cuộc tập trận chung chống tàu ngầm thì phía Triều Tiên liên tiếp tiến hành hàng loạt vụ thử vũ khí với 4 vụ phóng thử tên lửa trong một tuần qua. Triển vọng các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vốn dĩ khó đoán định, nay lại càng đối mặt nhiều chông gai khi các bên thử thách giới hạn của nhau. Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu sớm kết thúc, dư luận lo ngại sự gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có thể tác động bất lợi đến cục diện hòa bình và sự ổn định chiến lược trên phạm vi toàn cầu.
    Xem thêm Thu gọn
  • 30/09/2022
    Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương vừa diễn ra trong 2 ngày tại thủ đô Washington. Sự kiện là nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường quan hệ với các nước Thái Bình Dương và được nhiều nhà quan sát coi là phản ứng trước sự can dự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực này. Trong thập niên qua, Mỹ viện trợ 1,5 tỉ đô la cho các quốc đảo Thái Bình Dương, trong khi mức đầu tư của Trung Quốc vào khu vực này đã tăng từ 900 triệu USD hồi năm 2013 lên 4,5 tỉ USD năm 2018. Tại hội nghị lần này, những cam kết của Mỹ có gì đáng chú ý? Các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ làm gì để cân bằng ảnh hưởng từ các nước lớn?
    Xem thêm Thu gọn
  • 30/09/2022
    Ba Lan, Đan Mạch và Na Uy vừa khánh thành đường ống dẫn khí đốt Baltic Pipe để vận chuyển khí đốt từ Na Uy qua Đan Mạch, qua biển Baltic đến Ba Lan. Với công suất lên tới 10 tỷ mét khối/năm, đường ống này là trọng tâm trong chiến lược của Ba Lan nhằm đa dạng hóa nguồn cung khí đốt. Theo kế hoạch ban đầu, đường ống này sẽ được khánh thành vào tháng 1/2023. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị khu vực đã thúc đẩy các bên đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và đưa đường ống Baltic Pipe vào khai thác sớm hơn dự kiến.
    Xem thêm Thu gọn
  • 29/09/2022
    Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương khai mạc ngày 28/9, tại thủ đô Washington, Mỹ. Thông báo của Nhà Trắng nhấn mạnh, Hội nghị thượng đỉnh là minh chứng cho mối quan hệ đối tác bền vững và sâu sắc giữa Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương cũng như mục tiêu của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hội nghị này được xem là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm tăng cường quan hệ với khu vực giữa lúc tầm ảnh hưởng của Trung Quốc không ngừng gia tăng. Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh các đảo quốc Thái Bình Dương diễn ra tháng 7 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Haris đã công bố khoản ngân sách mới trị giá 600 triệu USD nhằm hỗ trợ khu vực này cùng kế hoạch mở các đại sứ quán Mỹ tại Tonga và Kiribati. Những động thái này của chính quyền Tổng thống Mỹ cho thấy rõ sự tăng cường can dự của Mỹ với các đảo quốc Thái Bình Dương.
    Xem thêm Thu gọn
  • 28/09/2022
    Vấn đề cải tổ Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc thường được nêu ra mỗi khi thế giới đối mặt với một cuộc khủng hoảng nào đó. Lần này cũng không phải ngoại lệ khi cuộc khủng hoảng Ukraine được cho là cuộc xung đột làm thay đổi cục diện thế giới mạnh mẽ nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh. Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục có nhiều diễn biến mới phức tạp, liệu “cú hích Ukraine” có thể thúc đẩy tiến trình cải tổ Liên Hợp quốc vốn “giậm chân tại chỗ” gần 2 thập kỷ qua hay không?
    Xem thêm Thu gọn
  • 27/09/2022
    Hơn 2 tháng, kể từ khi chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi tuyên bố từ chức, theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ rạng sáng ngày 26/9 (theo giờ Việt Nam), Liên minh Trung hữu với đảng “Anh em Italia” làm nòng cốt đã giành thắng lợi với tỷ lệ phiếu bầu từ 41% - 45%. Thắng lợi này đã được dự báo trước khi Liên minh Trung hữu Italia liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử. Vì sao Liên minh Trung hữu giành thắng lợi? Mối quan hệ giữa Châu Âu và chính phủ mới của Italia sẽ ra sao sau chiến thắng của phe cánh hữu ở Italia?
    Xem thêm Thu gọn
  • 24/09/2022
    Cuối tuần này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ thực hiện chuyến công du 2 ngày tới vùng Vịnh. Theo kế hoạch, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ gặp các nhà lãnh đạo của Ả-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Cata. Mặc dù Chính phủ Đức nêu rõ mục tiêu hàng đầu của chuyến công du là tập trung vào việc thúc đẩy đầu tư tại nước này nhưng giới phân tích nhận định đây cũng là động thái thể hiện quyết tâm của chính quyền Berlin trong việc "giải bài toán khó" về năng lượng khi mà chỉ còn ít tháng nữa, cả Châu Âu sẽ bước vào mùa đông lạnh giá. Dư luận kỳ vọng gì vào chuyến công du vùng Vịnh lần này của Thủ tướng Đức? Chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz toan tính điều gì khi mở rộng hợp tác với vùng Vịnh trong bối cảnh hiện nay?
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/09/2022
    Thủ tướng Anh Liz Truss đang có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Tại New York (Mỹ), bên cạnh tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, bà Liz Truss còn có nhiều cuộc gặp song phương bên lề với các nhà lãnh đạo khác nhưng đáng chú ý nhất là cuộc gặp của bà Liz Truss với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Cuộc gặp của bà Liz Truss thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế bởi kể từ khi Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu, việc xây dựng mối quan hệ đồng minh chặt chẽ với Mỹ luôn là ưu tiên của các đời Thủ tướng Anh, nhất là về thương mại. Tuy nhiên, hiện hai bên vẫn còn nhiều bất đồng trong lĩnh vực này khiến cho việc đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương bị đình trệ.
    Xem thêm Thu gọn
  • 22/09/2022
    Căng thẳng giữa Hungary và giới chức Liên minh Châu Âu (EU) thời gian qua đã trở nên trầm trọng hơn, do Thủ tướng nước này chỉ trích chính sách của EU đối với cuộc xung đột tại Ukraine. Hungary là một trong những đồng minh Châu Âu cuối cùng của Nga, luôn thúc đẩy những nỗ lực cản trở các lệnh trừng phạt của khối này nhằm vào Moscow. Hơn một thập kỷ qua, EU chưa thể thay đổi được lập trường này. Tuy nhiên, trong một động thái thể hiện sự mất kiên nhẫn với Hungary, giới chức EU đã cứng rắn gây sức ép bằng một quy trình tài chính đặc biệt, đề xuất ngừng khoản trợ cấp 7,5 tỷ Euro cho Hungary do lo ngại không sử dụng đúng mục đích và yêu cầu nước này cải tổ tư pháp. Trước tình thế khó khăn hiện nay, Hungary đã buộc phải cam kết chống gian lận và tham nhũng để có thể tiếp tục nhận được tiền từ EU. Thế nhưng, liệu tình thế này có khiến Hungary phải điều chỉnh quan hệ với Nga và cả EU?
    Xem thêm Thu gọn
  • 21/09/2022
    Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đang công du nước ngoài kéo dài 01 tuần, tới ba nước Anh, Mỹ và Canada. Theo kế hoạch, ngày 20/09, tại phiên họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc diễn ra tại Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ có bài phát biểu đề cập tầm nhìn của Hàn Quốc về việc tăng cường đoàn kết giữa các nước dân chủ và nhấn mạnh cam kết của nước này trong việc hợp tác với các đồng minh để xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và cùng ứng phó với các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên. Chuyến công du nước ngoài lần này của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol có điểm gì đáng chú ý và quan hệ giữa Hàn Quốc với các đồng minh Mỹ và Nhật Bản sẽ được gắn kết ra sao trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên?
    Xem thêm Thu gọn
  • 20/09/2022
    Những ngày vừa qua, tình hình căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan gia tăng nghiêm trọng, khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Các cuộc xung đột tại khu vực biên giới giữa hai nước này trong 2 ngày 12/9 - 13/09 làm 170 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Đến ngày 14/09, Armenia và Azerbaijan đã ký một lệnh ngừng bắn, tuy nhiên, sức nóng xung đột vẫn đang chực bùng lên bất kỳ lúc nào. Vậy nguồn cơn nào khiến bạo lực bùng phát trở lại tại biên giới Armenia và Azerbaijan?
    Xem thêm Thu gọn
  • 17/09/2022
    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin vừa có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine cuối tháng 2 năm nay. Điện Kremlin khẳng định cuộc gặp này “có ý nghĩa đặc biệt” trong tình hình địa - chính trị hiện nay. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Ubezkistan. Chuyến công du tới Trung Á trong tuần này cũng là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình rời Trung Quốc sau hơn hai năm dịch bệnh Covid-19. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tạo cơ hội cho nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh tầm ảnh hưởng, trong khi Tổng thống Putin có thể chứng minh mối quan tâm của Nga với khu vực Châu Á. Trong bối cảnh cả Nga và Trung Quốc đều đang có căng thẳng với phương Tây, việc hai nước bắt tay làm thế đối trọng với phương Tây sẽ tác động ra sao tới tình hình địa chính trị thế giới?
    Xem thêm Thu gọn
  • 16/09/2022
    Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sẽ khai mạc tại thành phố Samarkand - Uzbekistan. Được tổ chức trực tiếp lần đầu tiên sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hội nghị thượng đỉnh SCO năm nay sẽ bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến đường hướng phát triển của tổ chức trong bối cảnh tình hình địa chính trị khu vực và thế giới đang có rất nhiều biến động, nhất là sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Sự kiện tại Samarkand thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế bởi sự xuất hiện của 15 nguyên thủ quốc gia và 10 người đứng đầu các tổ chức quốc tế hợp tác với SCO, đáng chú ý là nguyên thủ các cường quốc trong khu vực như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ… Tuy nhiên, khi tình hình khu vực có nhiều biến động, các thành viên của SCO cũng sẽ có những tính toán chiến lược, lợi ích khác nhau. Vì vậy, hội nghị lần này cũng chính là phép thử về vai trò của Chủ tịch Uzbekistan trong việc tạo sự tin tưởng của các bên, từ đó thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung trong không gian của SCO.
    Xem thêm Thu gọn
  • 15/09/2022
    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến các quốc gia thuộc khu vực Trung Á gồm có Kazakhstan và Uzbekistan kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cách đây hơn 2 năm. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Uzbekistan và có cuộc gặp quan trọng với Tổng thống Nga Putin tại đây. Diễn ra trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ vẫn đang tiếp tục tăng nhiệt trên mọi lĩnh vực, đồng thời ngay trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 20 của Trung Quốc, chuyến công du các nước Trung Á của ông Tập Cận Bình đang gửi đi rất nhiều thông điệp.
    Xem thêm Thu gọn
  • 14/09/2022
    Trong bối cảnh diễn biến tình hình quốc tế có nhiều biến động, các cuộc đàm phán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên lại trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế khi Triều Tiên mới đây đã thông qua luật “cho phép tấn công hạt nhân phủ đầu”, thay thế luật năm 2013. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định, luật mới thiết lập vị thế của Triều Tiên là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và điều này không thể đảo ngược. Việc Triều Tiên thông qua luật mới về năng lực hạt nhân được cho là thông điệp gửi đến Mỹ và Hàn Quốc, trong lúc các cuộc đàm phán đình trệ và các cuộc tập trận Mỹ - Hàn diễn ra rầm rộ. Cánh cửa đàm phán của các bên về phi hạt nhân hoá vì thế đang hẹp dần.
    Xem thêm Thu gọn
  • 13/09/2022
    Bộ trưởng 14 nước tham gia đàm phán Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) vừa nhất trí khởi động các cuộc đàm phán chính thức về một trật tự kinh tế dựa trên các quy tắc trong khu vực tăng trưởng năng động. Gần 4 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố trong chuyến thăm Nhật Bản, tuyên bố chung mà các bộ trưởng đưa ra tại hội nghị đầu tiên của IPEF cho thấy sự đồng thuận và cam kết của các bên tham gia đàm phán, hướng tới việc sớm ký kết thoả thuận này. Vậy, với những nỗ lực của các bên tham gia IPEF, sáng kiến mới này của Mỹ liệu có sẽ sớm hiện thực hoá và đâu là những thách thức trong quá trình đàm phán?
    Xem thêm Thu gọn
  • 09/09/2022
    Ngay sau khi nhậm chức ngày 6/9, tân Thủ tướng Anh Liz Truss đã công bố nội các và các ưu tiên chính sách. Đây là sự khởi đầu cho việc chính phủ mới của Anh giải quyết những thách thức được nhận định là chưa từng có kể từ sau chiến tranh Thế giới thứ hai. Ngoài một loạt vấn đề khó khăn như lạm phát cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ hay giá năng lượng tăng phi mã, dự kiến sẽ tăng 80% vào tháng tới, nước Anh cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề đối ngoại phức tạp như mối quan hệ rạn nứt với EU hay sự can dự trong chiến sự tại Ukraine. Những định hướng chính sách ngay trong những ngày đầu thành lập chính phủ sẽ hé mở cách tân Thủ tướng Anh vượt qua thách thức.
    Xem thêm Thu gọn
  • 07/09/2022
    Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 7 đang diễn ra tại thành phố Vladivostok, miền Viễn Đông Nga với sự tham gia của đại diện hơn 60 quốc gia và khu vực. Là diễn đàn kinh tế lớn thứ hai của Nga sau Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Peterburg, Diễn đàn Kinh tế Phương Đông nhằm mục đích tăng cường hợp tác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến vùng Viễn Đông, khu vực được đánh giá là còn rất nhiều tiềm năng của Nga.
    Xem thêm Thu gọn
  • 06/09/2022
    Ngày 5/9, tân Thủ tướng Anh sẽ chính thức lộ diện thay thế cựu Thủ tướng Boris Jonhson đã từ nhiệm hồi tháng 7. Dự kiến vào nửa đêm nay (theo giờ địa phương), Đảng Bảo thủ cầm quyền sẽ công bố kết quả phiếu bầu lãnh đạo đảng đối với 2 ứng cử viên là Ngoại trưởng Liz Truss và cựu Bộ trưởng Tài chính Rushi Sunak. Ở thời điểm này, ai sẽ là gương mặt nhiều lợi thế có thể được bầu chọn tại nước Anh? Đâu là những thách thức chờ đón tân Thủ tướng Anh trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với một giai đoạn rất khó khăn ở thời kỳ hiện tại?
    Xem thêm Thu gọn
  • 03/09/2022
    Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Hossein Amir - Abdollahian tại thủ đô Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết hai nước đang hoàn tất một văn kiện toàn diện về hợp tác song phương – thỏa thuận mà ông Lavrov nhận định là “thể hiện chiều hướng phát triển đạt đến tầm cao mới về chất, mang tính tầm vóc của quan hệ hai nước”. Trước khi đạt được thỏa thuận này, Nga và Iran vẫn được đánh giá là những đồng minh thân thiết, luôn sát cánh trong nhiều điểm nóng của thế giới, nổi bật nhất là trong cuộc khủng hoảng tại Syria. Nga và Iran có liên hệ mật thiết trong nhiều lĩnh vực an ninh, kinh tế, nhất là hợp tác năng lượng trong bối cảnh thị trường dầu thế giới có nhiều biến động thời gian gần đây.
    Xem thêm Thu gọn
  • 02/09/2022
    Trong cuộc họp 2 ngày vừa diễn ra, Ngoại trưởng các nước Liên minh Châu Âu (EU) liên tục tranh cãi và chia rẽ về việc hạn chế, thậm chí cấm thị thực hoàn toàn đối với công dân Nga. Trong khi một số nước trong đó có Cộng hòa Séc hiện đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên Liên minh Châu Âu đã bày tỏ ủng hộ thì nhiều nước khác như Đức, Pháp, Áo, Hungary... đã lên tiếng phản đối các đề xuất này, cho rằng sẽ gây ra những tác dụng ngược. Trước thực tế này, lựa chọn của giới chức Châu Âu là gì để vừa thể hiện được thái độ cứng rắn với Nga nhưng cũng không khiến khu vực này phải chịu nhiều thiệt hại như các chuyên gia cảnh báo.
    Xem thêm Thu gọn
  • 01/09/2022
    Ngày 31/8 đánh dấu tròn 01 năm kể từ khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden rút toàn bộ binh sỹ khỏi Afghanistan, kết thúc cuộc chiến hao người, tốn của kéo dài dai dẳng suốt 2 thập kỷ tại quốc gia Nam Á này. Sự kiện diễn ra chỉ 2 tuần sau khi lực lượng Taliban tấn công và chiếm đóng hoàn toàn thủ đô Kabul của Afghanistan vào ngày 15/8/2021. Nhìn lại 01 năm cuộc rút quân vội vã của chính quyền Mỹ mà dư luận đánh giá là một thất bại nặng nề, Washington liệu đã hoàn toàn bước ra khỏi chiến trường Nam Á hay chưa khi mối đe dọa khủng bố vẫn đang hiện hữu?
    Xem thêm Thu gọn
  • 31/08/2022
    Châu Phi – nơi sinh sống của 1,2 tỷ dân và có thể tăng gấp đôi vào năm 2050 cùng nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào đang là điểm đến đầu tư cho các nước lớn trên thế giới. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vừa cam kết đầu tư 30 tỷ USD trong 3 năm tới cho Châu Phi, trong đó tập trung đầu tư vào nguồn nhân lực và thúc đẩy tăng trưởng có chất lượng. Tuyên bố này được đưa ra tại Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 8 tại Tunisia. So với Mỹ, Liên minh Châu Âu hay Trung Quốc, số tiền cam kết vừa nêu không phải quá lớn song đây là sự điều chỉnh tăng đáng kể của Nhật Bản cho sự phát triển của Châu Phi. Bên cạnh đó, dường như Tokyo cũng đang thay đổi cách tiếp cận trong chính sách với châu lục này.
    Xem thêm Thu gọn
  • 30/08/2022
    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Algieria Abdelmadjid Tebboune vừa ra tuyên bố chung về "sự phát triển mới và không thể đảo ngược" trong quan hệ song phương. Tuyên bố đánh dấu một mốc mới nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Pháp với quốc gia Bắc Phi này sau một loạt căng thẳng gần đây liên quan các vấn đề lịch sử. Tuyên bố chung về sự phát triển mới giữa Pháp và Algieria được hai bên đưa ra nhân chuyến thăm của Tổng thống Pháp Macron tới Algieria trong 3 ngày cuối tuần qua. Kết quả chuyến thăm cho thấy mong muốn của cả 2 nước hướng tới mối quan hệ được xây dựng dựa trên "một tầm nhìn mới trên cơ sở bình đẳng và cân bằng lợi ích". Vậy chuyến thăm tới Algieria lần này của Tổng thống Macron đã đạt được kết quả đáng mong đợi gì, đặc biệt là tuyên bố chung về sự phát triển mới trong quan hệ song phương mà hai nhà lãnh đạo Pháp và Algieria đưa ra có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh cả hai nước đang tìm cách khẳng định vị thế của mình trong khu vực.
    Xem thêm Thu gọn
  • 27/08/2022
    Iran vừa thông báo, nước này đã hoàn tất đàm phán với Nga về mua bán và trao đổi khí đốt. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác mở rộng khai thác thêm 14 mỏ dầu khí tại Iran. Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, Tehran và Moskva cũng đã ký một Biên bản ghi nhớ về việc Nga đầu tư 40 tỷ USD vào ngành dầu khí của Iran. Đàm phán mới nhất giữa Iran và Nga cho thấy hai nước đang thực hiện kế hoạch lâu dài là trở thành những bên tham gia cốt lõi trong một tổ chức toàn cầu của các nhà cung cấp khí đốt, tương tự mô hình OPEC dành cho các nhà xuất khẩu dầu. Với vị trí số một và số hai về trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới, Nga và Iran đang tính toán điều gì khi thành lập liên minh khí đốt và tổ chức này ra đời sẽ tác động ra sao tới thị trường năng lượng toàn cầu?
    Xem thêm Thu gọn
  • 26/08/2022
    Trong chuyến thăm 3 ngày của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Canada, chính phủ hai nước đã ký một thỏa thuận hợp tác xuất khẩu nhiên liệu hydro sang Châu Âu với mục tiêu đầy tham vọng là đến năm 2025 sẽ bắt đầu xuất khẩu nhiên liệu từ miền Đông Canada, tiến tới thành lập chuỗi cung ứng nhiên liệu hydro xuyên Đại Tây Dương trước năm 2030. Việc Đức và Canada ký thỏa thuận hợp tác xuất khẩu nhiên liệu hydro diễn ra trong bối cảnh Công ty Gazprom của Nga vừa tuyên bố dừng cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 với lý do bảo dưỡng. Động thái này khiến Đức và Châu Âu cảm nhận sức ép rõ nét hơn về việc phải đẩy mạnh chiến lược “thoát Nga” về năng lượng. Vậy Canada có vị trí như thế nào trong chiến lược này của Châu Âu?
    Xem thêm Thu gọn
  • 25/08/2022
    Hôm nay 24/8, đánh dấu tròn 6 tháng Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ucraina. Nửa năm trôi qua, hàng loạt diến biến chính trị và cục diện quân sự đã có nhiều thay đổi. Con số thương vong liên tục tăng kéo theo bức tranh ảm đạm của kinh tế toàn cầu cũng như cuộc khủng hoảng lương thực, lạm phát trên khắp thế giới. Thế nhưng cho đến thời điểm này, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các bên sẽ sớm dừng các cuộc giao tranh và xung đột. Giới quan sát cho rằng, cuộc xung đột tại Ukraine hiện đang trong tình trạng bế tắc, dằng dai khi không bên nào có thể tiến hành một cuộc tấn công mang tính bước ngoặt để giành chiến thắng. Trong khi đó, các bên cũng chẳng thể đơn phương mà nhượng bộ, chịu lép vế trước đối phương, dù có lẽ bên nào cũng đang ngấm đủ những thiệt hại mà xung đột kéo dài gây ra.
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/08/2022
    Nằm trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt Nga, một số quốc gia Liên minh Châu Âu (EU) đề xuất cấm thị thực với công dân Nga. Đến nay, một số nước ở khu vực Baltic và Bắc Âu đã quyết định hạn chế, thậm chí cấm công dân Nga nhập cảnh, nhằm gia tăng áp lực buộc EU ban hành một lệnh hạn chế thị thực với công dân Nga trên toàn EU. Tuy vậy, vấn đề này chưa nhận được sự ủng hộ của một số thành viên chủ chốt như Đức, Pháp và Hà Lan. Theo dự kiến, các cuộc thảo luận về lệnh cấm thị thực với người Nga sẽ diễn ra trong cuộc họp Ngoại trưởng các nước thành viên Châu Âu vào cuối tháng này tại Đức. Đề xuất này là một biện pháp trừng phạt cứng rắn hay chỉ mang tính biểu tượng cho nỗ lực cô lập Nga?
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/08/2022
    Bán đảo Triều Tiên những ngày qua tiếp tục tăng nhiệt với loạt diễn biến mới, từ vụ phóng thử 2 tên lửa hành trình của Triều Tiên ngay sau sự kiện đánh dấu 100 ngày đầu cầm quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhằm đáp trả cuộc tập trận chung thường niên Mỹ - Hàn; cho đến “gáo nước lạnh” mà Bình Nhưỡng dành cho đề nghị “đổi hạt nhân lấy viện trợ” của chính quyền Seoul. Dù người đứng đầu Chính phủ Hàn Quốc khẳng định, đây là kế hoạch táo bạo nhằm mục đích tái thiết nền kinh tế Triều Tiên trong trường hợp Bình Nhưỡng có các bước đi thực chất hướng tới phi hạt nhân hóa, nhưng phía Triều Tiên đã chỉ trích và thẳng thừng từ chối các cuộc đối thoại trực tiếp với Hàn Quốc khiến cho triển vọng cải thiện quan hệ liên Triều càng trở nên xa vời.
    Xem thêm Thu gọn
  • 20/08/2022
    Sau nhiều năm căng thẳng, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ vừa chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ và sẽ đưa các đại sứ trở lại mỗi nước. Động thái này diễn ra sau nhiều tháng nỗ lực của hai nước nhằm hàn gắn quan hệ song phương vốn rạn nứt từ năm 2018 sau chiến dịch quân sự của Israel ở dải Gaza. Khôi phục quan hệ Israel – Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là bước đột phá ngoại giao ở khu vực trong bối cảnh Israel đang tìm cách cải thiện quan hệ với các quốc gia Hồi giáo trong khu vực, còn Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ với Ai Cập, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Ả-rập Xê-út. Môi trường ngoại giao và an ninh khu vực sẽ được thúc đẩy ra sao sau việc Israel và Thổ Nhĩ Kỳ bình thường hóa quan hệ?
    Xem thêm Thu gọn
  • 19/08/2022
    Ngày 17/8, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tổ chức họp báo nhân 100 ngày cầm quyền đầu tiên để điểm lại những kết quả đạt được cũng như thông báo về các kế hoạch mới của quốc gia trong thời gian tới. Ông Yoon Suk-yeol nhậm chức Tổng thống trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp. Trong nước, những áp lực kinh tế ngày càng gia tăng do ảnh hưởng của bất ổn kinh tế toàn cầu, đỏi hỏi Chính phủ phải có nhiều chính sách hiệu quả để phục hồi kinh tế, phát triển sản xuất, thúc đẩy các ngành kinh tế chiến lược trong tương lai. Trong khi đó, việc xử lý các mối quan hệ đối ngoại cũng có nhiều thách thức khi Hàn Quốc là một mắt xích quan trọng trong các trục quan hệ chiến lược ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhất là khi cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt. Dư luận nhìn nhận thế nào về sự thể hiện của Tổng thống Yoon Suk-yeol trong 100 ngày đầu cầm quyền?
    Xem thêm Thu gọn
  • 18/08/2022
    Sau một tuần Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra bản dự thảo cuối cùng để cứu vớt thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), phía Mỹ và Iran đã nêu quan điểm về bản dự thảo này. Trước đó, trung gian EU đã đưa văn bản cuối cùng được cho là phù hợp với cả Mỹ và Iran sau 16 tháng đàm phán gián tiếp. Mặc dù phía Mỹ không đưa ra tuyên bố công khai về bản dự thảo thỏa thuận hạt nhân Iran do EU đưa ra, nhưng theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, nước này sẵn sàng ký kết bản dự thảo này. Tuy nhiên, phía Mỹ sẽ chưa nới lỏng thực thi các biện pháp trừng phạt chống lại Iran. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran nhận định có cơ hội để khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 với các cường quốc thế giới, nếu lằn ranh đỏ của Tehran được tôn trọng. Vậy, với bản dự thảo cuối cùng mà EU đưa ra, liệu nút thắt trong đàm phán hạt nhân Iran có được tháo gỡ?
    Xem thêm Thu gọn
  • 17/08/2022
    Trong một động thái được cho là “đòn giáng mạnh” vào các nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc tại Châu Âu, mới đây, hai nước Estonia và Latvia đã quyết định rút khỏi khuôn khổ hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung - Đông Âu, vốn được gọi là cơ chế “16+1”. Như vậy cùng với Latvia, đến thời điểm này đã có 3 quốc gia rút khỏi khung hợp tác mà Bắc Kinh đặt rất nhiều kỳ vọng. Trong bối cảnh địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp như cuộc xung đột Ukraine, căng thẳng Mỹ - Trung liên quan vấn đề Đài Loan, liệu động thái ngoại giao mới nhất của các nước Châu Âu sẽ ảnh hưởng ra sao đến tham vọng kết nối với Châu Âu của Bắc Kinh?
    Xem thêm Thu gọn
  • 16/08/2022
    Ngày 15/8 là tròn 01 năm ngày lực lượng Taliban trở lại nắm quyền kiểm soát Afghanistan. Sau khi lên nắm quyền, Taliban đã cam kết sẽ xây dựng một đất nước Afghanistan mới, để được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Vậy, Taliban có thực hiện được những cam kết này? Afghanistan đang đi về đâu? Sau thất bại và rút lui hoàn toàn khỏi Afghanistan, Mỹ liệu có còn ảnh hưởng ở Afghanistan và Nam Á?
    Xem thêm Thu gọn
  • 13/08/2022
    Trong sự hồi hộp chờ đợi của thị trường tài chính toàn cầu, Bộ Lao động Mỹ vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7 không tăng so với tháng 6, thấp hơn dự báo trước đó với mức tăng khoảng 0,2%. Chỉ số giá CPI tại Mỹ được đặc biệt quan tâm như vậy bởi đây là dấu hiệu phản ánh hiệu quả của những biện pháp mạnh tay mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thực hiện trong nhiều tháng để kiểm soát mức lạm phát cao kỷ lục. Với việc chỉ số CPI tháng 7 chững lại, điều dư luận quan tâm là liệu mức lạm phát tại Mỹ đã đạt đỉnh và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong cuộc họp chính sách tháng tới sẽ quyết định việc tăng lãi suất ra sao.
    Xem thêm Thu gọn
  • 12/08/2022
    Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin vừa có chuyến thăm 3 ngày tới Trung Quốc. Diễn ra trong bối cảnh quan ngại gia tăng về khả năng Triều Tiên thử hạt nhân, chuyến thăm tập trung vào các vấn đề đáng quan tâm hiện nay như chuỗi cung ứng, vấn đề Triều Tiên và an ninh khu vực. Ông Park Jin là quan chức cấp cao đầu tiên trong chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol thăm Trung Quốc. Chuyến thăm này diễn ra chỉ 2 tuần trước khi 2 nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 24/8 tới.
    Xem thêm Thu gọn
  • 11/08/2022
    Sau gần 15 tháng đàm phán tại Viên (Áo) nhằm cứu vãn thỏa thuận có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện về vấn đề hạt nhân Iran, giới chức Liên minh Châu Âu (EU) cho biết đã đưa ra văn bản cuối cùng tại vòng đàm phán mới nhất kết thúc hôm thứ hai vừa qua. Văn bản cuối cùng được kỳ vọng sẽ hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, “bóng” đang trong sân của Mỹ hay Iran và liệu các bên đã sẵn sàng cho thỏa thuận mới?
    Xem thêm Thu gọn
  • 10/08/2022
    Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến thăm các nước Châu Phi gồm Nam Phi, Cộng hòa Congo và Rwanda. Đây là lần thứ 2 người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ công du Châu Phi kể từ khi nhậm chức hồi năm ngoái. Trong bối cảnh cuộc đua địa chính trị giữa các nước lớn ngày càng tăng nhiệt tại khu vực nhiều tiềm năng là Châu Phi, giới quan sát cho rằng, mục tiêu chiến lược của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken là hâm nóng quan hệ, xích lại gần các đồng minh cũ.
    Xem thêm Thu gọn
  • 09/08/2022
    Các trận không kích dữ dội nổ ra liên tiếp trong những ngày qua ở cả Israel và dải Gaza, trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang đến đỉnh điểm. Hiện số thương vong vẫn không ngừng tăng lên, thậm chí trong số người thiệt mạng có cả trẻ em. Dư luận quốc tế đang bày tỏ quan ngại xung đột tại dải Gaza có thể đẩy leo thang căng thẳng giữa Israel và Palestine vượt ngoài tầm kiểm soát, gây hậu quả khó lường. Trong vai trò trung gian hoà giải, Ai Cập cũng đang tăng cường liên lạc với Israel và các phe phái Palestine để chấm dứt leo thang căng thẳng, nhằm duy trì lệnh ngừng bắn năm 2021. Vậy đâu là nguyên nhân khiến xung đột giữa Israel và Palestine bùng phát và liệu xung đột hiện nay có đẩy căng thẳng giữa hai bên chạm lằn ranh đỏ?
    Xem thêm Thu gọn
  • 06/08/2022
    Ngày 5/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bắt đầu chuyến thăm tới Nga. Dự kiến, Tổng thống Erdogan có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố nghỉ dưỡng Sochi. Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nội dung thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo xoay quanh các vấn đề khu vực cũng như các biện pháp nhằm cải thiện mối quan hệ song phương. Đây là cuộc gặp trực tiếp lần thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trong vòng 2 tuần. Việc hai nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực cải thiện mối quan hệ song phương đem lại lợi ích gì cho cả hai bên cũng như tác động ra sao tới tình hình khu vực?
    Xem thêm Thu gọn
  • 05/08/2022
    Trong bối cảnh thị trường dầu mỏ quốc tế từ đầu năm đến nay luôn duy trì mức giá tăng khiến nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng gặp khó khăn, những quyết định từ các nước xuất khẩu dầu mỏ có ý nghĩa rất quan trọng. Cuộc họp hôm qua (ngày 3/8) của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (được biết đến là OPEC+) đã dấy lên rất nhiều kỳ vọng vào một sự điều chỉnh giá dầu trong thời gian tới. Dù mỗi tháng một lần OPEC+ đều có cuộc họp để đánh giá và điều chỉnh hoạt động sản xuất và xuất khẩu, tuy nhiên phiên họp lần này được cho là quan trọng trong bối cảnh Mỹ liên tục kêu gọi các quốc gia OPEC tăng sản lượng dầu nhằm đối phó với sự thiếu hụt nguồn cung. Những tác động của cuộc họp này đến thị trường dầu thế giới trong thời gian tới sẽ ra sao?
    Xem thêm Thu gọn
  • 04/08/2022
    Theo thông báo mới nhất của Văn phòng Chủ tịch Hạ viện Mỹ, trong khuôn khổ chuyến thăm Châu Á, tối muộn ngày 2/8, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cùng đoàn các nghị sỹ Mỹ đã đặt chân tới Đài Loan (Trung Quốc), trở thành quan chức cao cấp nhất của Mỹ thăm vùng lãnh thổ này trong vòng 25 năm qua. Thông tin này đã dấy lên một làn sóng các quan điểm trái chiều, tất nhiên cả những phản ứng chỉ trích kịch liệt từ phía Trung Quốc. Bởi thế, chưa rõ kết quả cụ thể ra sao, chuyến thăm Châu Á của bà Nancy Pelosi đang đẩy quan hệ Mỹ - Trung lên một nấc thang căng thẳng mới.
    Xem thêm Thu gọn
  • 03/08/2022
    Trong nỗ lực củng cố an ninh quốc gia, Nga vừa sửa đổi Học thuyết Hải quân lần đầu tiên sau 7 năm. Lần gần nhất văn bản này được điều chỉnh khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Học thuyết Hải quân mới được thông qua trong bối cảnh Nga đang đối diện áp lực chưa từng có từ các nước phương Tây với hàng loạt lệnh trừng phạt vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. Văn kiện này cũng được coi là màn đáp trả với “khái niệm chiến lược mới” của NATO công bố mới đây – vốn coi Nga là mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng nhất. Học thuyết Hải quân mới không chỉ xác định mối đe dọa chính đối với Nga mà còn bao hàm một số nội dung mở rộng và điều chỉnh, phù hợp với sự biến động của tình hình quốc tế và sự đối đầu ngày càng phức tạp giữa Nga và phương Tây.
    Xem thêm Thu gọn
  • 02/08/2022
    Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 và các hội nghị liên quan chuẩn bị khai mạc tại thủ đô Pnompenh (Campuchia). Điểm nhấn chính là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 thảo luận về các thách thức của ASEAN trong bối cảnh địa chính trị mới. Trong gần 1 tuần diễn ra sự kiện, các quan chức cấp cao, các Ngoại trưởng, đại biểu của 27 quốc gia sẽ tham dự khoảng 20 hội nghị quốc tế quan trọng. Dự kiến sẽ có rất nhiều nội dung quan trọng được thảo luận tại các hội nghị lần này, trong đó có việc thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh địa chính trị mới, đẩy mạnh hợp tác liên khu vực, đảm bảo an ninh khu vực, an ninh biển, vấn đề Biển Đông và các nỗ lực thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC)….
    Xem thêm Thu gọn
  • 30/07/2022
    Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương Nghị đang có chuyến thăm ba nước Trung Á và tham dự hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO). Đây được cho là cơ hội để Trung Quốc đẩy mạnh vai trò, sự hiện diện của Bắc Kinh tại khu vực có vai trò quan trọng này đồng thời thể hiện quan điểm của Trung Quốc trong Tổ chức hợp tác Thượng Hải. Trong bối cảnh, xung đột Ukraine đặt ra nhiều thách thức đối với chuỗi cung ứng, kết nối và hậu cần Á - Âu, Hội nghị ngoại trưởng SCO cũng như sự hiện diện của Trung Quốc tác động đến bức tranh an ninh và kinh tế của khu vực.
    Xem thêm Thu gọn
  • 29/07/2022
    Trong tuyên bố mới đây, Tổng Giám đốc Cơ quan Hàng không vũ trụ Nga Yury Borisov cho biết, Nga quyết định sẽ rút khỏi Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) sau năm 2024. Đây là thời điểm thích hợp để Nga tiến hành kế hoạch xây dựng trạm quỹ đạo của riêng mình, một trong những ưu tiên của nước này trong chương trình không gian vũ trụ. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây tiếp tục gia tăng liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine cùng nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào Matxcova, tuyên bố này được cho là một bước lùi khiến quan hệ Nga - Mỹ càng lún sâu vào căng thẳng và khủng hoảng.
    Xem thêm Thu gọn
  • 27/07/2022
    Theo kế hoạch, từ ngày 26/7, Tổng thống Indonesia bắt đầu chuyến công du 3 nước khu vực Đông Bắc Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được đánh giá là 3 đối tác kinh tế lớn của Indonesia. Đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư cũng như tăng cường tiếng nói, vị thế trong khu vực là những mục tiêu chính của chuyến công du, đặc biệt khi Indonesia đang đảm nhận cương vị Chủ tịch G20. Vậy các nước đang tìm kiếm những lợi ích gì trong các cuộc gặp thượng đỉnh lần này? Liệu Indonesia có đạt được những mục tiêu chiến lược như kỳ vọng?
    Xem thêm Thu gọn
  • 26/07/2022
    Trong một tuyên bố vào cuối tuần trước, Liên minh Châu Âu (EU) đã điều chỉnh các biện pháp trừng phạt với dầu mỏ của Nga với quan điểm tránh mọi hậu quả tiêu cực có thể xảy ra đối với an ninh năng lượng trên toàn cầu. Với sự điều chỉnh của EU, các doanh nghiệp nhà nước của Nga như Rosneft và Gazprom có thể vận chuyển dầu đến các nước thứ ba. Đồng thời, việc các Công ty EU thanh toán các khoản tiền liên quan đến việc mua dầu thô theo đường biển của Nga sẽ không còn bị cấm nữa. Trong bối cảnh cuộc chiến năng lượng giữa Nga - EU còn kéo dài, bước đi này của Liên minh Châu Âu nói lên điều gì?
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/07/2022
    Sau 5 vòng bỏ phiếu liên tiếp, các nghị sỹ Đảng Bảo thủ tại Anh đã lựa chọn được 2 ứng viên cuối cùng cho vị trí lãnh đạo đảng cầm quyền, vị trí đồng thời đảm nhiệm cương vị Thủ tướng thay cho ông Boris Johnson. Theo đó, Cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Ngoại trưởng Liz Truss sẽ tiếp tục ganh đua trong vòng bỏ phiếu cuối cùng đầy cam go khi toàn bộ khoảng 170.000 đảng viên của Đảng Bảo thủ sẽ cùng tham gia bỏ phiếu từ cuối tháng 8 đến hết ngày 2/9 tới. Theo giới quan sát, tỷ lệ ủng hộ không quá cách biệt giữa hai ứng viên cuối cùng đang báo hiệu một cuộc đua nước rút gay cấn, khó đoán định. Với những thế mạnh và cả những điểm yếu của cả hai ứng viên, dự báo cán cân cuộc đua song mã tại Anh sẽ ra sao?
    Xem thêm Thu gọn
  • 22/07/2022
    Một tuần sau khi đất nước Sri Lanka rơi vào bất ổn khi ông Rajapaksa rời khỏi đất nước và thông báo từ chức Tổng thống, Quốc hội nước này đã bầu chọn ra Tổng thống mới là ông Ranil Wickremesinghe. Tân tổng thống sẽ lãnh đạo đất nước cho đến hết nhiệm kỳ của ông Rajapaksa vào cuối năm 2024. Tân tổng thống cũng có quyền bổ nhiệm thủ tướng mới với sự chấp thuận của Quốc hội. Là đất nước nhiệt đới chưa từng thiếu lương thực nhưng Sri Lanka hiện đã lâm vào cảnh vỡ nợ. Kinh tế suy thoái dẫn đến bất ổn chính trị kéo dài nhiều năm đã thách thức khả năng chịu đựng của người dân. Chính vì thế, người dân Sri Lanka kỳ vọng Tân Tổng thống Ranil Wickremesinghe sẽ có thể đưa quốc đảo thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948. Vậy, những thách thức nào đang chờ đợi Tân Tổng thống Sri Lanka trong bối cảnh đất nước này đang bước vào cuộc khủng hoảng kép?
    Xem thêm Thu gọn
  • 21/07/2022
    Các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) vừa thông qua gói trừng phạt thứ 7 với Nga, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu vàng của Moscow. Vòng trừng phạt này không cấm nhập khẩu khí đốt và cũng không có các biện pháp trừng phạt bổ sung với dầu của Nga. So với 6 gói trừng phạt trước đó, các lệnh cấm vận mới nhất được cho là có quy mô nhỏ nhất. Phải chăng EU cũng gặp khó khi tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga? Bộ trưởng Ngoại giao Séc, quốc gia đang giữ vị trí chủ tịch luân phiên của EU thì cho rằng Liên minh châu Âu cần xác định lại mối quan hệ với Moscow sau cuộc xung đột ở Ukraine.
    Xem thêm Thu gọn
  • 20/07/2022
    Châu Âu tuần này đang hồi hộp dõi theo những diễn biến trên chính trường Italia để xem Thủ tướng Mario Draghi sẽ xử lý những bất ổn chính trị như thế nào sau khi nộp đơn từ chức nhưng không được Tổng thống Matarela chấp thuận. Có một số kịch bản đang chờ đợi Italia: trong trường hợp tích cực là Thủ tướng Draghi thành lập được liên minh cầm quyền mới, ngược lại, nếu chính phủ sụp đổ sau sự ra đi của Đảng Phong trào 5 sao, Italia sẽ phải tổ chức bầu cử sớm. Bất ổn trên chính trường Italia diễn ra không lâu sau khi Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ từ chức, báo hiệu một giai đoạn khó khăn cho Châu Âu khi những khó khăn về kinh tế có thể gây sức ép lên các chính phủ, kích hoạt nguy cơ khủng hoảng chính trị tại nhiều quốc gia. Những nguy cơ âm ỉ trong lòng Châu Âu cần được xử lý như thế nào để không bùng phát thành khủng hoảng lớn?
    Xem thêm Thu gọn
  • 19/07/2022
    Ngày 19/07, Tổng thống Nga Putin sẽ tới Iran tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Syria với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Rediep Taiip Erdoğan theo thể thức “tiến trình hòa bình Astana”. Hình thức này được triển khai từ đầu năm 2017 nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 11 năm qua ở Syria. Chuyến thăm tới Iran lần này là chuyến công du nước ngoài thứ hai của Tổng thống Putin kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2 năm nay. Theo chương trình nghị sự, ngoài tham dự hội nghị thượng đỉnh về Syria trong chuyến thăm tới Iran, Tổng thống Putin sẽ có các cuộc họp song phương với lãnh đạo hai nước Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tăng cường hợp tác song phương và tìm kiếm những quan điểm chung trong các vấn đề của khu vực và quốc tế.
    Xem thêm Thu gọn
  • 15/07/2022
    Tỷ giá giữa đồng Euro so với USD liên tục giảm trong những ngày gần đây và hiện 1 USD Mỹ gần đổi ngang được 1 Euro – điều chưa từng xảy ra trong 20 năm trở lại đây. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị của đồng Euro đã giảm tới 12% so với đồng đô-la Mỹ. Việc này phản ánh những khó khăn của nền kinh tế Châu Âu với nỗi lo về suy thoái, lạm phát cao và bất ổn về nguồn cung năng lượng, nhất là khi Nga dừng bơm khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 với lý do bảo trì kỹ thuật hàng năm. Giới phân tích nhận định, khoảng thời gian vài tuần tới sẽ rất khó khăn với Châu Âu.
    Xem thêm Thu gọn
  • 14/07/2022
    Sau các chuyến công du Châu Âu và Châu Á với nhiều chương trình nghị sự ưu tiên, bắt đầu từ ngày 13/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm 4 ngày đến Trung Đông với điểm dừng chân tại 2 quốc gia đồng minh quan trọng là Israel và Arab saudi. Mặc dù Mỹ đang trong một quá trình kéo dài nhiều năm để giảm bớt sự can dự của mình vào Trung Đông, tuy nhiên bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều thay đổi khiến Washington phải sắp xếp lại các mối quan hệ hoặc tái cân bằng lợi ích với các quốc gia đồng minh ở Trung Đông. Vậy Washington kỳ vọng sẽ đạt được điều gì vào một “Trung Đông mới”? Quan điểm của các nước trong khu vực về sự hiện diện của Mỹ ở đây ra sao?
    Xem thêm Thu gọn
  • 13/07/2022
    Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa kết thúc chuyến thăm Indonesia, Thái Lan và Nhật bản kéo dài gần một tuần. Trong chuyến thăm Châu Á lần này, Ngoại trưởng Mỹ tham dự hội nghị Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra ở Indonesia và có một loạt cuộc gặp quan trọng với các đồng minh và đối tác trong khu vực. Trong chuyến thăm chính thức Thái Lan đầu tiên của ông Antony Blinken trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, hai bên đã ký các thỏa thuận nhằm tăng cường mối quan hệ vốn đã bền chặt của hai nước. Trong bối cảnh chính quyền của tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực nhằm tái khẳng định các liên minh của Mỹ trong khu vực và cam kết của Mỹ đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chuyến thăm tới Châu Á lần này của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken là một minh chứng rõ ràng về những trọng tâm trong chiến lược của Mỹ ở khu vực này.
    Xem thêm Thu gọn
  • 12/07/2022
    Tình hình chính trị tại Sri lanka đang nóng lên khi Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Sri Lanka cũng đã tuyên bố từ chức. Trước đó, hàng nghìn người biểu tình giận dữ xông vào tư dinh của Tổng thống, buộc ông phải đi lánh nạn. Tình trạng căng thẳng hiện nay đã buộc Quốc hội Sri Lanka phải chỉ định Tổng thống tạm quyền trong vòng 7 ngày, tức là ngay trong tuần tới. Điều đáng chú ý là căng thẳng hiện nay không chỉ đẩy Sri Lanka vào bất ổn chính trị kéo dài mà còn có thể khiến cạnh tranh địa chính trị Nam Á thêm khốc liệt khi cả Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ đều có ảnh hưởng sâu rộng tại quốc gia này. Vậy, chính phủ mới của Sri Lanka sẽ “xoay trục” về ai?
    Xem thêm Thu gọn
  • 09/07/2022
    Ngày 10/7, tại Nhật Bản sẽ diễn ra cuộc bầu cử Thượng viện. Sự kiện trọng đại này được coi là phép thử lớn với uy tín của Thủ tướng Kishida Fumio sau hơn nửa năm lên nắm quyền. Tham gia chạy đua vào Thượng viện năm nay có 545 ứng cử viên, nhiều nhất từ trước tới nay. Kết quả thăm dò dư luận mới nhất do hãng tin Kyodo thực hiện cho thấy Liên minh cầm quyền giữa Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Kishida Fumio và Đảng Công minh có thể giành hơn 50% trong tổng số 125 ghế sẽ được bầu lại trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản. Cuộc thăm dò cũng cho thấy, số đảng phái ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp, giành được đa số 2/3 sau cuộc bầu cử này là rất lớn. Đây là điều kiện tiên quyết để đưa ra đề xuất cải cách Hiến pháp. Vậy cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản diễn ra cuối tuần này sẽ tác động ra sao tới chính trường Nhật Bản?
    Xem thêm Thu gọn
  • 08/07/2022
    Ngày 7/7, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khai mạc tại Bali, Indonesia. Diễn ra trong hai ngày 7/7 - 8/7, Hội nghị dự kiến sẽ thảo luận hàng loạt vấn đề “nóng” đang thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế như cuộc khủng hoảng tại Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, triển vọng không mấy sáng sủa của nền kinh tế thế giới, hệ quả của đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu…. Bên cạnh phiên họp toàn thể, Hội nghị Ngoại trưởng G20 còn nhiều cuộc gặp đáng chú ý bên lề, trong đó được quan tâm nhất là cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antoni Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Từng chứng kiến những cuộc đấu khẩu gay gắt trong nhiều hội nghị quốc tế gần đây xuất phát từ những bất đồng khó tìm tiếng nói chung giữa hai bên, dư luận nhận định rằng cuộc gặp giữa Ngoại trưởng hai nước lần này sẽ vẫn diễn ra trong bầu không khí căng thẳng.
    Xem thêm Thu gọn
  • 07/07/2022
    Trong bối cảnh phải đối mặt với tình hình quốc tế “không thể đoán trước được”, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine, Liên minh quân sự NATO đang thu hút các quốc gia ngoài khu vực Đại Tây Dương. Trong khi đó, nhiều quốc gia ở Châu Á – Thái Bình Dương cũng hướng tới việc thắt chặt hơn mối quan hệ với liên minh quân sự này. Hàn Quốc là một trong số những quốc gia như vậy. Sự tham gia của Hàn Quốc trong liên minh quân sự NATO ngày càng được thể hiện rõ nét, từ việc tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chọn tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, hay việc Hàn Quốc lần đầu đăng cai tổ chức cuộc họp của cơ quan cố vấn NATO, hoặc việc hai bên hướng tới ký kết thỏa thuận quan hệ đối tác mới. Sự chuyển hướng an ninh này của Hàn Quốc có thể không chỉ đối phó với những thay đổi nhất thời mà còn là sự chuẩn bị cho những chuyển dịch tương lai trong khu vực.
    Xem thêm Thu gọn
  • 06/07/2022
    Sau gần một thập kỷ gián đoạn, mới đây tại New Delhi, Ấn Độ và Liên minh Châu Âu (EU) đã kết thúc vòng đàm phán đầu tiên về các thỏa thuận thương mại và đầu tư song phương, chỉ dẫn địa lý... Dự kiến, vòng đàm phán thứ hai sẽ được tổ chức vào tháng 9 tới đây tại Bruxelles, Bỉ. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ sau Mỹ, nhưng các cuộc đàm phán giữa EU và Ấn Độ đã đổ vỡ từ năm 2013 vì nhiều lý do. Vì thế, thông qua việc nối lại tiến trình đàm phán thương mại sau cả quãng thời gian đóng băng, EU - Ấn Độ kỳ vọng sẽ củng cố quan hệ kinh tế và thiết lập thỏa thuận thương mại toàn diện chung vào cuối năm 2023; đồng thời hướng tới giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
    Xem thêm Thu gọn
  • 05/07/2022
    Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến công du 5 quốc gia Đông Nam Á nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt. Theo kế hoạch, trong chuyến thăm Đông Nam Á lần này, ông Vương Nghị tham dự cuộc họp của các ngoại trưởng về cơ chế Hợp tác Mêkông - Lan Thương và hội nghị ngoại trưởng 20 nền kinh tế hàng đầu (G20). Chuyến công du Đông Nam Á của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị diễn ra vào thời điểm quan trọng khi thế giới đối mặt nhiều bất ổn và biến động. Chuyến thăm hướng tới mục tiêu chiến lược gì và tác động ra sao tới an ninh khu vực?
    Xem thêm Thu gọn
  • 02/07/2022
    Tại Hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) vừa diễn ra trong 2 ngày tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, NATO đã công bố khái niệm chiến lược mới nhằm định hướng chính sách của NATO trong những năm tới. Ngoài ra, NATO quyết định tăng lực lượng ở trạng thái sẵn sàng cao lên mức hơn 300.000 quân, đồng thời nâng cấp mạnh mẽ hệ thống phòng thủ của khối về phía Đông. Việc NATO đưa ra chiến lược mới xuất phát từ những thay đổi lớn trong cấu trúc an ninh khu vực và thế giới thời gian gần đây đòi hỏi NATO phải có những thay đổi tương ứng cả về định hướng chiến lược và tư duy hành động, thể hiện rõ qua việc kết nạp các thành viên mới và tạo lập mối liên kết với các quốc gia ở Châu Á – Thái Bình Dương như New Zealands, Nhật Bản, Hàn Quốc.
    Xem thêm Thu gọn
  • 01/07/2022
    Sau nhiều tuần căng thẳng và bế tắc, 3 nước gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển vừa đạt được thỏa thuận quan trọng. Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý “bật đèn xanh” để hai nước còn lại gia nhập Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bước tiến này đã giúp giới chức NATO yên tâm để bước vào đợt hội nghị thượng đỉnh vốn tập trung vào việc hóa giải những chia rẽ và mâu thuẫn nội bộ, củng cố một liên minh quân sự mạnh mẽ và thống nhất. Vì sao sau một thời gian quyết liệt phản đối, Ankara lại chịu “gật đầu” với Phần Lan, Thụy Điển? Chặng đường tiếp theo của hai quốc gia Châu Âu để có thể trở thành thành viên của NATO liệu đã rộng mở? Sau thỏa thuận mới nhất này, cục diện an ninh Châu Âu sẽ biến chuyển theo hướng nào?
    Xem thêm Thu gọn
  • 30/06/2022
    Ngày 29/06, tại Madrid (Tây Ban Nha) diễn ra hội nghị thượng đỉnh 3 bên Mỹ -Nhật Bản - Hàn Quốc. Đây là cuộc gặp đầu tiên sau hơn 4 năm giữa các lãnh đạo Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc kể từ cuộc gặp gần nhất được tổ chức hồi tháng 9 năm 2017. Diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ phóng thử tên lửa, trong khi các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vẫn bế tắc, dự kiến, tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo sẽ tái khẳng định quan hệ hợp tác trong việc đối phó với Triều Tiên và tăng cường hợp tác nhằm hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn lần này sẽ đưa ra biện pháp gì để đối phó với Triều Tiên? Quan hệ đồng minh Mỹ, Nhật, Hàn sẽ có thêm những bước tiến nào?
    Xem thêm Thu gọn
  • 29/06/2022
    Ngay sau Hội nghị thượng đỉnh của nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), ngày 28/6, Hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) cũng diễn ra tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha). Hội nghị NATO năm nay được đánh giá là sự kiện quan trọng, đánh dấu “cuộc đại tu lớn nhất” kể từ Chiến tranh Lạnh, trong đó các nước NATO sẽ đưa ra một bản chiến lược quốc phòng mới.
    Xem thêm Thu gọn
  • 28/06/2022
    Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (gọi tắt là G7) diễn ra tại Đức đang là tâm điểm của dư luận quốc tế. Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp tục leo thang, Hội nghị này được xem là dịp để các nước G7 thảo luận về các bước đi nhằm gia tăng các đòn trừng phạt đối với Nga. Vậy cụ thể những tính toán của nhóm G7 là gì? Các kế hoạch trừng phạt mở rộng của G7 đối với Nga sẽ tác động ra sao?
    Xem thêm Thu gọn
  • 25/06/2022
    Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi diễn ra trong hai ngày 23 - 24/6 theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Trung Quốc. Với chủ đề “Nâng tầm mối quan hệ đối tác BRICS - Mở ra kỷ nguyên mới cho phát triển toàn cầu”, các nhà lãnh đạo của các nước thành viên tập trung thảo luận tình hình phát triển hiện nay và triển vọng hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, nhân đạo cũng như các vấn đề cấp bách của khu vực và quốc tế. Trong ngày đầu tiên của Hội nghị, Tổng thống Nga Vladimia Putin có bài phát biểu quan trọng. Đây là diễn đàn quốc tế đầu tiên Tổng thống Nga Putin tham dự kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Nga sẽ đưa ra những đề xuất gì và đâu là nguyên nhân khiến Nga định hướng dòng chảy thương mại sang Trung Quốc và Ấn Độ?
    Xem thêm Thu gọn
  • 24/06/2022
    Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) sẽ khai mạc vào 23/6, các nước thành viên EU đã đạt được đồng thuận về việc cấp quy chế ứng cử viên cho Ukraine. Với sự đồng thuận này, dự kiến quy chế ứng cử viên EU sẽ được chính thức trao cho Ukraine sau khi 27 nước thành viên tiến hành bỏ phiếu tại Hội nghị thượng đỉnh lần này. Sau 4 tháng Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, hậu quả đã quá rõ ràng không chỉ với Nga, Ukraine và với cả thế giới với tình trạng đứt gẫy nguồn cung ứng, lạm phát tăng vọt. Các bên liên quan đều nhận thấy đã đến lúc phải tìm kiếm các giải pháp ngoại giao, trong đó có những vấn đề cốt lõi liên quan đến quan hệ của Ukraine với phương Tây như việc Ukraine xin gia nhập NATO, Ukraine xin gia nhập EU. Vậy việc EU đồng ý cấp quy chế ứng cử viên cho Ukraine có ý nghĩa thế nào trong quá trình tìm kiếm giải pháp ngoại giao này?
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/06/2022
    Chính trường Israel lại đang dậy sóng khi Thủ tướng nước này Naftali Bennett mới đây tuyên bố, Chính phủ liên minh của ông sẽ giải tán Quốc hội vào tuần tới. Theo ông Bennett, đây là một quyết định đúng đắn vì lợi ích của người dân Israel, đồng thời giữ gìn hình ảnh tốt đẹp của một liên minh đa dạng các đảng phái lần đầu tiên tại nước này. Tuy nhiên, theo giới quan sát, thực tế quyết định này được đưa ra sau rất nhiều mâu thuẫn trong nội bộ liên minh cầm quyền và với các phe phái đối lập tại Israel, báo hiệu sự khủng hoảng toàn diện trên chính trường nước này. Điều gì đang xảy ra tại nước này và những tác động?
    Xem thêm Thu gọn
  • 22/06/2022
    Giới chức cấp cao Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét bãi bỏ một số loại thuế áp với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và có khả năng tạm dừng áp thuế khí đốt trong bối cảnh lạm phát và giá xăng tăng cao. Ngay khi chỉ số lạm phát ở Mỹ đạt mức cao nhất trong 40 năm qua, nhiều quan chức tại Washington đề xuất việc giảm thuế quan cho các mặt hàng từ Trung Quốc để giảm bớt áp lực cho người tiêu dùng và nền kinh tế. Tuy nhiên, thuế quan không chỉ là câu chuyện kinh tế mà còn cả những tính toán chính trị khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden có nhiều lý do để cân nhắc.
    Xem thêm Thu gọn
  • 21/06/2022
    Ngày 9/6, các cử tri Pháp đã đi bỏ phiếu vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội Pháp. Trước thềm vòng 2 cuộc bầu cử, việc 70% người dân Pháp lưỡng lự không muốn Liên minh “Chung sức” cầm quyền của Tổng thống Macron giành đa số ghế trong Quốc hội đã phản ánh những khó khăn và phân rẽ sâu sắc trên chính trường Pháp.
    Xem thêm Thu gọn
  • 18/06/2022
    Cộng hòa Séc sẽ chính thức đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của Liên minh Châu Âu trong nửa cuối năm nay, bắt đầu từ tháng 7. Để chuẩn bị cho cương vị mới, Chính phủ Séc vừa nêu ra các ưu tiên của mình cho nhiệm kỳ Chủ tịch EU sắp tới. Trong đó đưa ra nhiều vấn đề cấp bách mà Châu Âu đang cần phải giải quyết. Việc bắt đầu nhiệm kỳ vào thời điểm Châu Âu đang có sự thay đổi địa chính trị lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh với cuộc xung đột ở Ukraine khiến nhiều người lo ngại rằng đây sẽ là một nhiệm kỳ đầy khó khăn và áp lực đối với Séc. Quốc gia Đông Âu này sẽ có những mục tiêu cụ thể nào để đối phó với những thách thức chung trong bối cảnh hiện nay?
    Xem thêm Thu gọn
  • 17/06/2022
    Bắt đầu thiết lập quan hệ đối tác đối thoại theo lĩnh vực từ năm 1992, nâng cấp lên thành quan hệ đối thoại đầy đủ vào năm 1995 và đối tác chiến lược vào năm 2012, hiện nay, mối quan hệ ASEAN - Ấn Độ đã gây dựng được những nền tảng phát triển vững chắc. Với Ấn Độ, ASEAN là trung tâm trong chính sách “Hành động Hướng Đông” cũng như tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn của New Delhi. Đến nay, hai bên đã thiết lập 30 cơ chế đối thoại hiệu quả từ Cấp cao cho đến cấp Bộ trưởng. Nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác đối thoại ASEAN - Ấn Độ, 10 năm hai bên nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược và năm Hữu nghị Ấn Độ - ASEAN 2022, Bộ Ngoại giao Ấn Độ chủ trì loạt sự kiện quan trọng như Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Ấn Độ lần đầu tiên, Đối thoại New Delhi lần thứ 12 nhằm đẩy mạnh hợp tác, phối hợp lập trường giữa hai bên trong bối cảnh thế giới và khu vực nhiều biến động.
    Xem thêm Thu gọn
  • 16/06/2022
    Chủ tịch Ủy ban Châu Âu vừa có chuyến thăm 2 ngày tới Israel và Palestine, trong đó trọng tâm của chuyến đi là cuộc gặp với Thủ tướng Israel Naftali Bennett để thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và an ninh lương thực. Theo các chuyên gia, hàng loạt chuyến thăm gần đây của các nhà lãnh đạo Châu Âu tới Trung Đông xuất phát từ những khó khăn mà Châu Âu đang phải đối mặt từ cuộc khủng hoảng Ukraine, đó là thiếu lương thực, thiếu khí đốt, từ đó đẩy lạm phát tăng vọt. Vì vậy, Châu Âu tìm đến Israel như một đồng minh “có giá trị” về quốc phòng, năng lượng và an ninh lương thực nhằm bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ các thị trường Nga và Ukraine.
    Xem thêm Thu gọn
  • 15/06/2022
    Bộ Lao động Mỹ vừa công bố các dữ liệu mới cho thấy, lạm phát Mỹ cán mốc 8,6% trong tháng 5 vừa qua, cao nhất kể từ năm 1981 đến nay, trong bối cảnh giá lương thực và xăng dầu tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo giới chuyên gia, nhiều khả năng lạm phát tại Mỹ sẽ lên tới 9% vào tháng 6 này. Lạm phát tăng cao ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tăng lãi suất quá nhiều sẽ khiến nước Mỹ đối mặt với nguy cơ rơi vào suy thoái và đó mới là thách thức lớn nhất đối với nước Mỹ. Vậy đâu là những nguy cơ, thách thức mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt khi mức lạm phát không ngừng phi mã?
    Xem thêm Thu gọn
  • 11/06/2022
    Sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á (còn gọi là Đối thoại Shangri-La lần thứ 19) sẽ diễn ra theo hình thức trực tiếp trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 10/6 tại Khách sạn Shangri La của Singapore. Dự kiến, khoảng 500 đại biểu là quan chức Chính phủ, quan chức quốc phòng - an ninh, ngoại giao, nhà nghiên cứu, học giả, doanh nhân… từ gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự Đối thoại năm nay. Những thách thức an ninh khu vực, những sáng kiến hợp tác giữa các nước sẽ được chia sẻ tại Diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu khu vực này.
    Xem thêm Thu gọn
  • 10/06/2022
    Bán đảo Triều Tiên đang ngày một tăng nhiệt trong thời gian gần đây với những động thái đáp trả lẫn nhau của các bên liên quan. Trong khi Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc tổ chức các cuộc diễn tập quân sự ở khu vực biển Nhật Bản, phía Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ phóng thử tên lửa, với nhiều lo ngại nước này sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân. Liệu các động thái "ăn miếng trả miếng" của các bên liên quan có đẩy bán đảo Triều Tiên chạm lằn ranh đỏ, khi các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đang ngày một xa vời?
    Xem thêm Thu gọn
  • 09/06/2022
    Thủ tướng Australia Anthony Albanese vừa kết thúc chuyến thăm 3 ngày tới Indonesia với những thỏa thuận quan trọng đạt được trong lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, hỗ trợ Indonesia xây dựng cơ sở hạ tầng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là chuyến thăm song phương đầu tiên của ông Anthony Albanese kể từ khi nhậm chức, cho thấy tầm nhìn chiến lược của Australia trong việc tăng cường gắn kết với Indonesia nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.
    Xem thêm Thu gọn
  • 08/06/2022
    Từ ngày 6 -10/6, Mỹ đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các nước Châu Mỹ lần thứ 9 tại Los Angeles. Sự kiện được mong chờ và chuẩn bị từ lâu đang kỳ vọng sẽ giúp Mỹ “sửa chữa” những rạn nứt bấy lâu và hâm nóng lại quan hệ giữa Washington với các quốc gia trong khu vực, từ đó tái khẳng định vị thế của Mỹ trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Mỹ Latinh. Kỳ vọng là vậy, tuy nhiên để hội nghị có thể thành công như mong muốn, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đứng trước không ít khó khăn để có thể tái gắn kết các nước láng giềng phía Nam. Đó là những thách thức gì? Đâu là triển vọng của hội nghị thượng đỉnh các nước Châu Mỹ lần này?
    Xem thêm Thu gọn
  • 07/06/2022
    Người đứng đầu Liên minh Châu Phi, ông Macky Sall đã có chuyến thăm Nga và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Sochi. Nội dung chính được hai bên bàn thảo là vấn đề an ninh lương thực. Châu Phi đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng chưa từng có, nhất là khi xung đột Nga – Ukraine làm gián đoạn nguồn cung phân bón, lúa mì, khiến giá lương thực leo thang. Trong bối cảnh này, Liên minh Châu Phi đang trông đợi gì từ phía Nga để giải quyết khủng hoảng lương thực? Liệu có giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này khi chiến sự giữa Nga và Ukraine vẫn căng thẳng kéo dài?
    Xem thêm Thu gọn
  • 03/06/2022
    Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thăm Ả-rập Xê-út và có cuộc gặp với Ngoại trưởng 6 nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Cuộc gặp diễn ra ngay trước khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) nhóm họp tại Viên (Áo). Vì thế, nội dung được dư luận quốc tế rất quan tâm là quan điểm của Nga và các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh liên quan đến sản lượng và giá dầu mỏ thế giới. Nếu phía Nga tìm đến Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh nhằm “gỡ thế khó” của các lệnh trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt với Nga, thì ngược lại, các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh cũng mong muốn Nga thể hiện vai trò với Iran nhằm ngăn chặn nguy cơ mất an ninh ở khu vực liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Vậy những lợi ích của các bên đã cùng được đặt lên bàn thảo luận trong cuộc gặp hôm qua như thế nào?
    Xem thêm Thu gọn
  • 02/06/2022
    Ngày 01/6, Đan Mạch sẽ tiến hành trưng cầu ý dân về việc gia nhập Chính sách quốc phòng và an ninh chung của Liên minh Châu Âu (gọi tắt là CSDP). Sau khi Thụy Điển và Phần Lan gửi đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cuộc trưng cầu ý dân ở Đan Mạch thu hút sự quan tâm của dư luận bởi sự kiện này có thể góp phần xác nhận xu hướng các nước Bắc Âu dần từ bỏ cơ chế trung lập sau những biến động lớn về an ninh, chính trị thế giới gần đây. Kết quả khảo sát trước cuộc thăm dò cho thấy, khoảng 49% cử tri ủng hộ Đan Mạch tham gia chính sách quốc phòng chung của EU, trong khi số phản đối là 27%. Tuy nhiên, đa số những cử tri còn đang lưỡng lự lại có xu hướng nghiêng về bên phản đối, xuất phát từ chủ nghĩa hoài nghi Châu Âu còn khá phổ biến tại Đan Mạch. Bởi vậy, cuộc trưng cầu ý dân hôm nay dự kiến sẽ chứng kiến cuộc bám đuổi sít sao giữa hai phe.
    Xem thêm Thu gọn
  • 01/06/2022
    Sau rất nhiều mâu thuẫn, tranh cãi cho thấy nguy cơ rạn nứt ngày càng lớn, các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) vừa đạt được thỏa thuận cấm vận dầu mỏ Nga trong gói trừng phạt mới. Theo đó, từ nay đến cuối năm, Châu Âu sẽ cắt giảm 2/3 nguồn dầu mỏ nhập từ Nga. Thỏa thuận đột phá này vừa đạt được trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh bất thường của khối này đang diễn ra trong 2 ngày 30/5 - 31/5. Liệu bước tiến này có thể mở ra các giải pháp nào để thu hẹp bất đồng, duy trì sự đoàn kết thống nhất của EU trước nhiều thách thức như hiện nay?
    Xem thêm Thu gọn
  • 31/05/2022
    Ngày 30/05, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ chủ trì cuộc họp cấp cao ngoại trưởng Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương lần thứ hai tại Fiji. Đây là lần đầu tiên hội nghị này được tổ chức ở một quốc đảo. Dự kiến tại hội nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ công bố một văn bản có tên gọi là “Tầm nhìn phát triển toàn diện”. Giới quan sát nhìn nhận đây là một nỗ lực mới mà Trung Quốc muốn gia tăng ảnh hưởng ở khu vực. Những động thái xích lại gần hơn với các quốc đảo ở Thái Bình Dương của Trung Quốc đã khiến Mỹ, Australia và Newzealand lo ngại khi khu vực này đang trở thành tâm điểm trong các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc thời gian gần đây. Những động thái này của Trung Quốc tác động ra sao tới cuộc đua giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Australia ở khu vực Thái Bình Dương. Liệu các nước Nam Thái Bình Dương có bị cuốn vào cuộc tranh ảnh hưởng này?
    Xem thêm Thu gọn
  • 28/05/2022
    Ngay khi Thụy Điển và Phần Lan tuyên bố nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng phản đối và nêu lên những mối lo ngại an ninh với quốc gia. Giới chức NATO cho rằng các bên có thể thảo luận để tìm ra giải pháp, hướng tới mở cánh cửa NATO đối với hai quốc gia Bắc Âu. Tuy nhiên, việc thảo luận không mấy tiến triển khiến Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bày tỏ quan điểm cứng rắn hơn trong vấn đề này. Trong diễn biến mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Thụy Điển và Phần Lan phải có bước đi cụ thể giải quyết sự hiện diện của các tổ chức khủng bố tại hai quốc gia này, đồng thời dọa có thể rút khỏi NATO. Giới phân tích cho rằng, những tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ hướng tới Thụy Điển và Phần Lan mà còn nhằm gây sức ép với phương Tây, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây gần đây có khá nhiều khúc mắc.
    Xem thêm Thu gọn
  • 27/05/2022
    Nước Mỹ lại vừa chứng kiến một vụ xả súng kinh hoàng tại một trường tiểu học ở bang Texas khiến ít nhất 21 người thiệt mạng, trong đó có 19 học sinh. Trong 10 năm qua, hàng nghìn vụ xả súng vẫn liên tiếp xảy ra tại Mỹ, nhưng một khi đã làm tổn thương đến trẻ em, thậm chí rất nhiều trẻ em thì đó là những giới hạn đỏ mà dư luận không thể bỏ qua. Nhưng liệu “đau thương có thể biến hành động” như quyết tâm của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài phát biểu mới nhất ngay sau vụ xả súng? Bởi câu chuyện kiểm soát súng đạn vẫn là vấn đề nan giải, thách thức khó vượt qua của các đời Tổng thống Mỹ. Liệu Tổng thống Biden có thể làm gì trong bối cảnh vô vàn sức ép đang dồn dập khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến rất gần?
    Xem thêm Thu gọn
  • 26/05/2022
    Hội nghị thượng đỉnh của nhóm “Bộ tứ kim cương”, còn gọi là nhóm bộ tứ Quad gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ diễn ra ngày 24/5 tại Tokyo là một trong những sự kiện quan trọng nhất về chính sách đối ngoại của khu vực trong năm nay. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh, kinh tế, dịch bệnh và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn ngày một phức tạp, vì thế đây được xem là cơ hội để thúc đẩy sự hợp tác mới giữa 4 quốc gia với những cam kết ngày càng mạnh mẽ hơn. Ngoài việc tái khẳng định quyết tâm của nhóm trong việc bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhóm Bộ tứ Quad còn thảo luận và đưa ra loạt sáng kiến liên quan đến thương mại và an ninh khu vực.
    Xem thêm Thu gọn
  • 24/05/2022
    Cùng với thông tin về chuyến thăm Châu Á đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cuộc bầu cử tại Australia tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận với chiến thắng cuối cùng thuộc về nhà lãnh đạo Công đảng Anthony Albanese. Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, Công đảng giành được 72 ghế trong Hạ viện. Với kết quả này ông Anthony Albanese trở thành Thủ tướng thứ 31 của Australia và sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 23/5. Dự kiến nhà lãnh đạo mới của Australia cũng sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Bộ Tứ cùng các nhà lãnh đạo Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản diễn ra vào ngày 24/5 tại Tokyo. Mặc dù được đánh giá cao về khả năng kỹ trị, tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nhà lãnh đạo mới của Australia sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt về đối nội và đối ngoại.
    Xem thêm Thu gọn
  • 21/05/2022
    Ngày 20/05, Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến thăm đầu tiên tới Châu Á trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Biden sẽ hội đàm với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản để thúc đẩy cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như đối với quan hệ liên minh của Washington với Seoul và Tokyo. Trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc gặp song phương với Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Seok-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Cũng trong khuôn khổ chuyến công du, Tổng thống Joe Biden sẽ tham dự hội nghị với các nhà lãnh đạo Nhóm đối thoại An ninh “Bộ tứ kim cương” QUAD gồm Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ. Vậy Tổng thống Mỹ nhắm tới những mục tiêu gì trong chuyến công du này? Quan hệ đồng minh Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ có thêm những bước tiến nào?
    Xem thêm Thu gọn
  • 20/05/2022
    Mới đây, Nga tiếp tục thông báo rút khỏi Hội đồng các quốc gia biển Baltic. Đây được cho là phản ứng ban đầu của Nga sau khi Phần Lan và Thụy Điển đều xác nhận sẽ làm đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hội đồng các quốc gia biển Baltic là diễn đàn chính trị thúc đẩy hợp tác khu vực gồm 11 quốc gia thành viên gồm Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Đức, Iceland, Latvia, Litva, Na Uy, Ba Lan, Nga, Thụy Điển và Liên minh Châu Âu hướng tới sự phát triển bền vững, đảm bảo an toàn, an ninh khu vực. Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh, việc Nga rút khỏi Hội đồng các quốc gia biển Baltic được cho là có thể đẩy khu vực Baltic vào vòng xoáy bất ổn.
    Xem thêm Thu gọn
  • 19/05/2022
    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa bổ nhiệm Bộ trưởng Lao động Elisabeth Borne làm tân Thủ tướng nước này. Đây là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ cương vị Thủ tướng Pháp trong vòng 30 năm, kể từ năm 1992 đến nay. Quyết định này được đánh giá là một bước đi chiến lược của Tổng thống Macron nhằm tạo tiền đề cho một cuộc cải tổ nội các toàn diện, thu hút sự ủng hộ của cử tri cánh tả cũng như sự chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc bầu cử Quốc hội quan trọng vào tháng 6 tới đây. Liệu những tính toán này có giúp chính quyền Tổng thống Macron ghi điểm?
    Xem thêm Thu gọn
  • 18/05/2022
    Quá trình “thoát” năng lượng Nga của các nước Châu Âu tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Các đối tác Châu Âu trong nhiều tuần qua đã chật vật để tìm cách vừa đáp ứng sắc lệnh thanh toán khí đốt bằng đồng rúp của Nga, vừa không vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm vào Matxcơva vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. Để giải quyết các thách thức, Liên minh Châu Âu vừa đưa ra giải pháp giúp các nhà nhập khẩu tránh vi phạm lệnh trừng phạt khi mua khí đốt từ Nga, mà vẫn đáp ứng yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp. Tuy vậy, cách giải quyết này vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của toàn bộ thành viên trong liên minh.
    Xem thêm Thu gọn
  • 16/05/2022
    Sau khi Phần Lan chính thức bày tỏ nguyện vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Thụy Điển dự kiến sớm ra quyết định tương tự, đa số các thành viên của khối này đều hoan nghênh Phần Lan và Thụy Điển. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại có quan điểm khác. Nước này không nhiệt tình chào đón, thậm chí còn gây khó dễ với Phần Lan và Thụy Điển trong kế hoạch gia nhập NATO. Vậy, vì sao Thổ Nhĩ Kỳ lại có lập trường như vậy và lộ trình gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu có bị ngáng trở hay không?
    Xem thêm Thu gọn
  • 13/05/2022
    Sau một thời gian ngắn cân nhắc, Tổng thống và Thủ tướng Phần Lan chính thức tuyên bố ủng hộ việc gia nhập NATO, bước đi tiến gần hơn đến việc trở thành thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Đây được cho là “ngã rẽ lịch sử” của quốc gia Bắc Âu khi từ bỏ chính sách trung lập kéo dài nhiều thập kỷ qua. Dự kiến, Thụy Điển – quốc gia vốn theo đuổi chính sách không liên kết quân sự - cũng sẽ có động thái tương tự sau phát ngôn của các lãnh đạo Phần Lan.
    Xem thêm Thu gọn
  • 13/05/2022
    Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ lần thứ 2 diễn ra trong hai ngày 12 - 13/5 tại Washington (Mỹ). Đây là dịp để hai bên cùng nhìn lại chặng đường hợp tác trong 45 năm qua, đồng thời tạo đà cho việc phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Hoa Kỳ trong tương lai. Về phía ASEAN, sự kiện này cũng là cơ hội để ASEAN tìm kiếm sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong các cơ chế đa phương, tiếp tục khẳng định vị trí trung tâm, thống nhất và trung lập khi đứng trước những thách thức cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt trong khu vực.
    Xem thêm Thu gọn
  • 12/05/2022
    Ngày 12/05, tại thủ đô Washington (Mỹ) sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt lần thứ 2 giữa ASEAN và Mỹ. Đây là hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Mỹ lần thứ 2 nhưng là cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi ông nhậm chức vào đầu năm 2021. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào hồi tháng 2 vừa qua khiến cho dư luận hy vọng các nhà lãnh đạo Mỹ và ASEAN sẽ có nhiều nội dung thảo luận để thúc đẩy quan hệ giữa hai bên trong thời gian tới.
    Xem thêm Thu gọn
  • 10/05/2022
    Ngày 9/5, hơn 67 triệu cử tri Philippines sẽ đi bầu cử Tổng thống để bầu chọn một nhà lãnh đạo mới thay thế Tổng thống Duterte sắp mãn nhiệm. Hai nội dung trọng tâm trong cuộc bầu cử đó là thúc đẩy nền kinh tế Philippines tăng tốc sau đại dịch và vị thế của Philippines trên trường quốc tế. Theo đánh giá của giới phân tích, 10 ứng cử viên tham gia cuộc đua lần này đều là những ứng viên mạnh, trong đó có 4 gương mặt đặc biệt nổi bật là cựu Thượng nghị sĩ Marcos, Phó Tổng thống Robredo, Thị trưởng Philippines ông Moreno và Võ sĩ huyền thoại Pacquiao. Ai sẽ là người chèo lái đất nước Philippines sau nhiệm kỳ thành công của Tổng thống Duterte được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.
    Xem thêm Thu gọn
  • 07/05/2022
    Liên minh Châu Âu (EU) vừa đề xuất gói trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó, phần quan trọng nhất là cấm nhập khẩu toàn bộ dầu mỏ từ Nga. Mặc dù vẫn còn một số ý kiến trái chiều trong nội bộ EU, song các nhà lãnh đạo của khối khẳng định việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga là điều phải làm trên cơ sở tìm kiếm các đối tác thay thế và giảm thiểu tác động trên thị trường toàn cầu. Từ trước tới nay, Châu Âu thường né tránh việc áp lệnh trừng phạt với lĩnh vực năng lượng của Nga bởi sự phụ thuộc quá lớn của các quốc gia trong khối đối với dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu từ Nga. Vì thế, nếu Châu Âu thực sự quyết tâm và tìm được giải pháp để thoát khỏi sự phụ thuộc này, đó sẽ là tổn thất rất lớn với Nga, tước đi “lá bài” lợi hại nhất của Nga trong mối quan hệ đầy căng thẳng giữa Nga và phương Tây.
    Xem thêm Thu gọn
  • 06/05/2022
    Đông Nam Á ngày càng đóng vai trò quan trọng trong những lợi ích chiến lược của Nhật Bản trong cả phát triển kinh tế và cân bằng nước lớn. Vì vậy, không khó hiểu khi Tokyo không ngừng xích lại gần hơn với các quốc gia ASEAN. Đất nước “Mặt trời mọc” tích cực thiết lập quan hệ kinh tế, quốc phòng chặt chẽ với các nước ASEAN theo những cách khác nhau. Trong chuyến công du mới đây của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Nhật Bản và Thái Lan đã nhất trí nâng cấp mối quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện và bao trùm”. Điều này được cho sẽ mở rộng hơn nữa sự hiện diện của Nhật Bản tại các quốc gia Đông Nam Á trong tất cả các lĩnh vực.
    Xem thêm Thu gọn
  • 05/05/2022
    An ninh khu vực Châu Phi đang có những diễn biến đáng chú ý mới, khi chính quyền quân sự của Mali vừa thông báo hủy bỏ các thỏa thuận quốc phòng với Pháp, đồng thời cáo buộc quân đội Pháp vi phạm chủ quyền quốc gia của nước này. Đây là sự xác nhận mới nhất về mối quan hệ đang xấu đi giữa quân đội 2 nước, kể từ sau khi Pháp và các đồng minh Châu Âu hồi tháng 2 tuyên bố rút quân khỏi Mali sau gần 10 năm tham chiến. Nhà chức trách Mali cho biết đã thông báo cho phía Pháp về quyết định này và sẽ có hiệu lực sau 6 tháng kể từ ngày thông báo. Điều gì đang khiến cho mối quan hệ Mali - Pháp xuống dốc không phanh? Diễn biến này sẽ tác động như thế nào đến tình hình an ninh không chỉ tại Mali mà cả khu vực Châu Phi khi quan hệ hai bên hoàn toàn chấm dứt và lực lượng Pháp cùng đồng minh rút khỏi khu vực này?
    Xem thêm Thu gọn
  • 04/05/2022
    Các Bộ trưởng Năng lượng Liên minh Châu Âu (EU) đã nhóm họp trong ngày 2/5 nhằm tìm cách tháo gỡ những khó khăn của khối này về vấn đề năng lượng. EU đang đứng trước bài toán khó cả trước mắt và lâu dài vì các đòn trừng phạt giữa EU và Nga trong lĩnh vực năng lượng ngày càng tác động mạnh mẽ đối với nền kinh tế.
    Xem thêm Thu gọn
  • 03/05/2022
    Ngày 02/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt đầu chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Châu Âu. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm nay của Thủ tướng Modi. Dự kiến trong chuyến thăm này, Thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ gặp các nhà lãnh đạo cấp cao của Đức, Pháp và Đan Mạch cũng như tham dự các phiên họp của Hội đồng tham vấn liên chính phủ hay các sự kiện về hợp tác kinh doanh. Trong bối cảnh Ấn Độ và Châu Âu có quan điểm khác biệt về khủng hoảng Ukraine, chuyến thăm tới Châu Âu lần này của Thủ tướng Modi được kỳ vọng sẽ là cơ hội để hai bên gắn kết hơn, cũng như những nỗ lực cân bằng hợp tác với Châu Âu của Chính phủ Ấn Độ.
    Xem thêm Thu gọn
  • 29/04/2022
    Trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine tiếp tục diễn ra và các cuộc thương lượng hòa bình vẫn chưa mang đến kết quả rõ rệt, nguy cơ leo thang thành xung đột hạt nhân và một cuộc chiến ủy nhiệm có thể diễn ra. Ngoại trưởng Nga vừa lên tiếng cáo buộc NATO đang tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm tại Ukraine, đồng thời cảnh báo, nếu vũ khí của phương Tây tiếp tục chảy vào Ukraine thì các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt giao tranh sẽ không mang lại kết quả nào. Nguy hiểm hơn, nguy cơ một cuộc chiến ủy nhiệm có thể lan rộng sẽ đe dọa an ninh Châu Âu và cả khu vực.
    Xem thêm Thu gọn
  • 29/04/2022
    Theo các quan chức ngành năng lượng của Ba Lan và Bulgaria, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã gửi thông báo tới hai quốc gia này về việc ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria từ ngày 27/4. Như vậy, Ba Lan và Bulgaria trở thành hai quốc gia đầu tiên ở Châu Âu hứng chịu đòn trả đũa mạnh nhất của Nga là dừng cung cấp khí đốt. Kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine diễn ra, Ba Lan và Bulgaria đã thể hiện lập trường thống nhất với Liên minh Châu Âu trong việc trừng phạt Nga. Vì thế, việc Nga dừng cung cấp khí đốt tới Ba Lan và Bulgaria – hai quốc gia “tiền tuyến” gần biên giới Nga cũng được xem như phép thử đầu tiên về khả năng chống chịu của Châu Âu khi Nga thực sự dùng tới vũ khí mạnh nhất là khí đốt như đã cảnh báo.
    Xem thêm Thu gọn
  • 28/04/2022
    Chính phủ Nhật Bản mới đây công bố Sách Xanh ngoại giao – một báo cáo thường niên về chính sách và các hoạt động đối ngoại của nước này. Năm nay, nội dung được chú ý nhất là mối quan hệ giữa Nhật Bản với Nga vốn đang rạn nứt nghiêm trọng sau cuộc xung đột Nga – Ukraine. Tài liệu này cho thấy, Nhật Bản đã thay đổi cách tiếp cận trong mối quan hệ đối với Nga so với các báo cáo thường niên trước đây. Trong đó, lần đầu tiên kể từ năm 2003, Nhật Bản đưa ra lập trường cứng rắn với Nga trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước cũng như về các hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine. Lý do của lập trường cứng rắn này từ phía Nhật Bản là gì?
    Xem thêm Thu gọn
  • 27/04/2022
    Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) đang có chuyến thăm chính thức Ấn Độ kéo dài hai ngày. Theo giới quan sát, chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Châu Âu nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai bên, đồng thời muốn “lôi kéo” Ấn Độ khỏi sự phụ thuộc vào Nga. Quân sự, an ninh hay hợp tác kinh tế..., đâu sẽ là tiềm năng hợp tác giữa Liên minh hâu Âu và Ấn Độ, trong bối cảnh liên tục các quốc gia tìm đến Ấn Độ để vừa thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vừa tìm kiếm sự đồng thuận trong vấn đề Ukraine cũng như cách ứng xử với Nga.
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/04/2022
    Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các tay súng thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền Bắc Iraq, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ xem như các thành phần khủng bố. Cuộc tấn công mang tên “Gọng kìm móng vuốt” được thực hiện trên diện rộng cả trên bộ và trên không, với sự tham gia của máy bay tiêm kích, trực thăng và máy bay không người lái. Đây không phải chiến dịch quân sự đầu tiên được Thổ Nhĩ Kỳ phát động ở Iraq. Trước đó, nước này cũng từng mở 2 chiến dịch quân sự ở biên giới phía Bắc Iraq. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định mục tiêu chiến dịch của nước này là đảm bảo an ninh biên giới thì phía Iraq chỉ trích các chiến dịch quân sự này của Thổ Nhĩ Kỳ là xâm phạm chủ quyền và làm suy yếu an ninh của Iraq. Tổng thư ký Liên đoàn các quốc gia Ả - rập Aboul Gheit cũng lên án các cuộc tấn công này. Vậy chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc Iraq có lợi bất cập hại gì?
    Xem thêm Thu gọn
  • 22/04/2022
    Trước thềm vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào cuối tuần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đối thủ Marine Le Pen đã có cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình – sự kiện được cho là sẽ quyết định tới lá phiếu cuối cùng của của cử tri Pháp. Đúng như dự đoán của giới phân tích, xuất phát từ cương lĩnh tranh cử đối lập, cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa ông Macron và bà Le Pen là một cuộc đối đầu ý tưởng trong hàng loạt vấn đề được cử tri Pháp quan tâm như tăng cường sức mua của nền kinh tế, cải cách hưu trí, vai trò của Pháp ở Châu Âu, mối quan hệ với Nga… Vậy cử tri Pháp đánh giá như thế nào về màn thể hiện của hai ứng cử viên ở cuộc đối đầu quyết định này và tương quan giữa hai ứng cử viên đã có thay đổi như thế nào trước vòng bầu cử cuối?
    Xem thêm Thu gọn
  • 21/04/2022
    Đại dịch Covid-19 phần nào được kiểm soát khiến nhu cầu hợp tác kinh tế thương mại quốc tế được nối lại. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern có chuyến công du Châu Á lần đầu tiên tới hai nước Singapore và Nhật Bản sau hơn 2 năm đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Trong chuyến đi này, bà Jacinda Ardern dẫn đầu một phái đoàn thương mại lớn với thông điệp “New Zealand đã sẵn sàng mở cửa cho hoạt động kinh doanh”. Chuyến thăm nhằm thiết lập một nền tảng hợp tác thương mại mới cũng như tái thiết các chuỗi cung ứng thương mại giữa New Zealand với các nền kinh tế quan trọng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đứng trước nhiều rủi ro và thách thức. Ngoài sự hợp tác nhằm phục hồi thương mại, chủ đề chính trị, an ninh cũng nằm trong chương trình nghị sự của hoạt động ngoại giao này.
    Xem thêm Thu gọn
  • 20/04/2022
    Trong bối cảnh các vụ đụng độ và bạo lực tại Jerusalem tiếp diễn khiến hàng trăm người thương vong, Đảng Hồi giáo Ra'am tại Israel đã đổ lỗi và tuyên bố đình chỉ vai trò của đảng này trong chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Naftali Bennett. Động thái này đang đặt liên minh cầm quyền tại Israel trước nguy cơ rạn nứt. Những thách thức nào đang đặt ra với chính phủ liên hiệp tại Israel? Những biến động trên chính trường Israel sẽ tác động như thế nào đến những xung đột hiện nay tại Jerusalem cũng như quan hệ giữa Israel và thế giới Ả-rập?
    Xem thêm Thu gọn
  • 18/04/2022
    Cuối tuần qua, bán đảo Triều Tiên nóng trở lại với các vụ bắn thử vật thể mà phía Hàn Quốc cho biết nhiều khả năng là tên lửa ra vùng biển phía Đông nước này. Vụ phóng được thực hiện vào dịp kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh của Chủ tịch Kim Nhật Thành (ngày 15/4), và trong bối cảnh Hàn Quốc - Mỹ đang chuẩn bị khởi động cuộc tập trận mùa Xuân thường niên từ ngày hôm nay (18/4). Phía Triều Tiên thường chỉ trích các cuộc tập trận này là một cuộc tập dượt cho chiến tranh xâm lược Triều Tiên. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên bị đình trệ, các vụ phóng thử tên lửa gần đây của Triều Tiên cũng như việc Mỹ và Hàn Quốc khởi động cuộc tập trận mùa Xuân đang đẩy bán đảo Triều Tiên trước những làn ranh mới.
    Xem thêm Thu gọn
  • 15/04/2022
    Thủ tướng Phần Lan và người đồng cấp Thụy Điển vừa có cuộc gặp quan trọng ở Stockholm để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đã thúc đẩy cả hai nước đánh giá lại quan điểm trung lập truyền thống kéo dài suốt chiến tranh lạnh để gia nhập NATO. Mặc dù Thụy Điển và Phần Lan dự kiến thời gian khác nhau về kế hoạch nộp đơn xin gia nhập NATO, nhưng theo giới phân tích, việc hai nước này trở thành thành viên của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh đang dần trở thành hiện thực, do lo ngại kịch bản giống như Ukraine khi không có một cơ chế đảm bảo an ninh vững chắc. Tuy nhiên, bước đi này có thể khiến cấu trúc an ninh ở khu vực thêm phức tạp khi Nga tuyên bố sẽ tìm cách “tái cân bằng tình thế”.
    Xem thêm Thu gọn
  • 14/04/2022
    Chính phủ Sri Lanka vừa thông báo tạm dừng thanh toán 51 tỷ USD nợ nước ngoài của nước này do không thể trả nợ. Điều đó nghĩa là quốc gia Nam Á này lâm vào tình cảnh vỡ nợ, kinh tế suy thoái trầm trọng và nguy cơ bất ổn cận kề. Trong một động thái mới nhất, Chính phủ Sri Lanka đã phải xin Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Trung Quốc cứu trợ. Điều đáng nói là Sri Lanka, quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai Con đường, nổi lên như một điểm nóng địa chính trị mới ở Nam Á nhờ nhận được rất nhiều các khoản tài trợ, nhưng rốt cuộc vẫn lâm vào tình cảnh này. Giới phân tích nhận định: suy thoái kinh tế và vỡ nợ không chỉ đẩy Sri Lanka đứng trước nguy cơ bất ổn chính trị mà còn có thể tác động xấu tới địa chính trị khu vực.
    Xem thêm Thu gọn
  • 14/04/2022
    Pakistan vừa có Thủ tướng mới là ông Shehbaz Sharif (lãnh đạo Đảng đối lập) sau khi Thủ tướng Imran Khan bất ngờ bị bãi nhiệm. Đã có những cuộc biểu tình phản đối và ủng hộ trước diễn biến chính trị “chóng vánh” tại Pakistan. Điều đó cho thấy sự chia rẽ trong xã hội giữa lúc nền kinh tế nước này đang hỗn loạn, lạm phát tăng cao, đồng nội tệ liên tục mất giá trong nhiều tháng qua... Những căng thẳng chính trị ở Pakistan vẫn chưa dừng lại, đặt ra nhiều thách thức với quốc gia Nam Á này. Bên cạnh đó, do Pakistan nằm ở vị trí chiến lược quan trọng giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Afghanistan, bất cứ sự thay đổi nào ở quốc gia này cũng thu hút sự quan tâm của các nước có ảnh hưởng ở khu vực, đặc biệt là trong chính sách đối ngoại.
    Xem thêm Thu gọn
  • 13/04/2022
    Mối quan hệ giữa hai đồng minh Mỹ - Ấn Độ thời gian qua đang vấp phải không ít mâu thuẫn khi New Delhi triển khai chính sách cân bằng, trung lập trong vấn đề Ukraine. Dù đã có một số điều chỉnh trong quan điểm về cuộc xung đột này, tuy nhiên, Ấn Độ vẫn không áp đặt các lệnh trừng phạt Nga, thậm chí “phớt lờ” sức ép của Mỹ để tiếp tục mua số lượng lớn dầu thô của Nga. Trong bối cảnh như vậy, liệu cuộc điện đàm trực tuyến mới nhất giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có mang lại những tín hiệu tích cực nhằm tháo gỡ khúc mắc giữa hai bên trước thềm cuộc họp “Mỹ - Ấn 2+2” sắp tới?
    Xem thêm Thu gọn
  • 12/04/2022
    Dư luận quốc tế đang đổ dồn sự chú ý vào nước Pháp khi vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vừa kết thúc vào rạng sáng nay 11/4 theo giờ Việt Nam. Đáng chú ý, dù Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron đang dẫn đầu trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm nay, nhưng ứng cử viên của phe cực hữu bà Marine Le Pen đã rút ngắn khoảng cách, với tỷ lệ khá sít sao. Việc ông Macron và bà Le Pen bước vào vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống năm nay đã tái hiện lại kịch bản cuộc bầu cử Tổng thống Pháp cách đây 5 năm. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ đối với bà Le Pen trong chặng nước rút bất ngờ tăng lên nhanh chóng. Dự báo ứng cử viên của Đảng Cực hữu có thể sẽ là một ẩn số khó dự đoán trong vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.
    Xem thêm Thu gọn
  • 08/04/2022
    Chỉ còn 2 ngày nữa, gần 50 triệu cử tri Pháp sẽ tham gia cuộc bầu cử tổng thống ở nước này. Hội đồng Hiến pháp của Pháp đã xác nhận quyền ứng cử của 12 người, trong số đó có Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và đại diện Đảng cực hữu “Tập hợp Quốc gia”, bà Marine Le Pen. Nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu tuyệt đối trong vòng bầu cử đầu tiên vào ngày 10/4 tới, hai ứng cử viên nhận được số phiếu cao nhất sẽ tiếp tục tiến vào vòng bầu cử thứ hai diễn ra vào ngày 24/4. Theo kết quả của các cuộc thăm dò dư luận gần đây, Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron đang nhận được sự ủng hộ cao của người dân và hiện là ứng cử hàng đầu cho cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm nay. Tuy nhiên, khoảng cách giữa ứng cử viên Emmanuel Macron và bà Le Pen đang bị thu hẹp mạnh khi cuộc bầu cử ngày càng đến gần, báo trước một cuộc chạy đua quyết liệt có thể xảy ra giữa hai nhân vật này. Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay liệu sẽ có những bất ngờ và người dân Pháp kỳ vọng gì vào cuộc bầu cử lần này?
    Xem thêm Thu gọn
  • 07/04/2022
    Nhiều nước phương Tây quyết định tăng ngân sách và chi tiêu quốc phòng, trong đó dành một phần không nhỏ cho việc hiện đại hóa các loại vũ khí tối tân. Vũ khí siêu thanh đang là trung tâm của cuộc cạnh tranh giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc. Nhiều nước tiên tiến khác cũng bắt đầu chạy đua nghiên cứu công nghệ này. Trong một bước đi mới nhất, Mỹ, Anh và Australia đã cam kết hợp tác phát triển tên lửa siêu thanh như một phần của hiệp ước an ninh giữa ba nước (còn gọi là AUKUS) được công bố vào năm ngoái. Bước đi này của cơ chế an ninh AUKUS được cho là sẽ “đốt nóng” cuộc chạy đua vũ trang mới và biến tên lửa siêu thanh trở thành một công cụ răn đe quan trọng giữa các cường quốc.
    Xem thêm Thu gọn
  • 07/04/2022
    Sau rất nhiều cuộc gặp của lãnh đạo, giới chức an ninh, quốc phòng, hôm qua ngày 5/4, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính các nước Liên minh Châu Âu (EU) tiếp tục họp bàn các giải pháp xử lý mối quan hệ với Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Về nguyên tắc, Châu Âu khá đồng thuận trong việc đưa ra quan điểm cứng rắn với Nga, liên tiếp đưa ra các gói trừng phạt kinh tế đối với quốc gia này. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, các biện pháp mà Châu Âu đưa ra đến nay chưa đủ sức nặng khi Châu Âu vẫn luôn né tránh một lĩnh vực quan trọng nhất là lĩnh vực năng lượng của Nga. Một khi chưa thể tìm được lời giải cho sự phụ thuộc năng lượng của Nga, liệu các Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế của EU có thể tìm ra “lá bài kinh tế” phù hợp để gây sức ép với Nga?
    Xem thêm Thu gọn
  • 06/04/2022
    Theo kết quả kiểm đếm hơn 99% phiếu bầu, đảng Fidesz của Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã giành thắng lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử vừa diễn ra để bầu Quốc hội khóa mới. Kết quả này đồng nghĩa với việc ông Orban sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp kể từ năm 2010 đến nay. Điều gì đã làm nên chiến thắng áp đảo của Thủ tướng Orban, trong bối cảnh các cuộc thăm dò trước bầu cử đều cho thấy khoảng cách khá sít sao giữa các đảng? Nhiệm kỳ thứ 4 của nhà lãnh đạo kỳ cựu dự báo sẽ có những chính sách đối nội, đối ngoại nào nổi bật, đặc biệt thời gian qua, Hungary vẫn đang bị giằng co giữa một bên là Nga và một bên là phương Tây?
    Xem thêm Thu gọn
  • 04/04/2022
    Ngày 03/4, bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã lên tiếng chỉ trích bình luận mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook về năng lực của Seoul trong tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng. Các cuộc khẩu chiến kiểu này khiến tình hình bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt, nhất là trong bối cảnh các đòn trừng phạt nhằm vào Triều Tiên đang gia tăng và Mỹ - Hàn cũng rục rịch các cuộc tập trận chung vào tháng này.
    Xem thêm Thu gọn
  • 01/04/2022
    Sau một thời gian trì hoãn, dự kiến ngày 1/4, giới chức lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến. Diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc - EU đang rạn nứt vì một loạt mâu thuẫn về ngoại giao, địa chính trị và thương mại, Hội nghị lần này được đánh giá là một “phép thử” nữa cho mối quan hệ hai bên, khi Châu Âu không hài lòng và muốn gây sức ép buộc Bắc Kinh phải có quan điểm rõ ràng cho vấn đề Ukraine và quan hệ với Nga. Liệu Trung Quốc sẽ xử lý ra sao giữa một bên là Nga, một bên là Liên minh Châu Âu đều là các đối tác hàng đầu? Trong khi đó, những tính toán của giới chức Châu Âu sẽ là gì để có thể khiến Bắc Kinh buộc phải “thuận chiều”?
    Xem thêm Thu gọn
  • 31/03/2022
    Trong lúc nhiều nỗ lực ngoại giao đang được triển khai nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga – Ukraine, một điểm đến được đặc biệt chú ý trong thời gian gần đây là Ấn Độ. Trong tuần này, Ấn Độ liên tục tiếp đón các nhà ngoại giao, các cố vấn an ninh của nhiều nước. Dự kiến, Ngoại trưởng Anh và Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ sẽ có mặt tại New Delhi vào ngày 31/3 và ngày 1/4 sẽ là chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergey Viktorovich Lavrov. Trước đó, hàng loạt cuộc điện đàm của lãnh đạo các nước Mỹ, Nhật Bản với Ấn Độ cũng đã diễn ra và đều xoay quanh cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện nay. Có ý kiến cho rằng, với lập trường trung lập như hiện nay, Ấn Độ đối mặt với một “sức nóng” ngoại giao. Quốc gia Nam Á này sẽ làm gì để giữ vững lập trường trung lập, không gây “mất lòng” với bất kỳ bên đối tác nào trong khi không ảnh hưởng đến lợi ích của New Dehli?
    Xem thêm Thu gọn
  • 30/03/2022
    Sau một thời gian xuất hiện nhiều đồn đoán, Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare mới đây xác nhận quốc gia này đang đàm phán một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc. Thỏa thuận có thể cho phép Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở đảo quốc nam Thái Bình Dương này. Tuy nhiên, ông Sogavare không tiết lộ chi tiết nội dung của thỏa thuận. Thông tin về thỏa thuận này đã khiến các quốc gia trong khu vực như Australia, New Zealand hết sức lo ngại...
    Xem thêm Thu gọn
  • 29/03/2022
    Bắt đầu từ tuần này, cuộc bầu cử Tổng thống tại Pháp bước vào giai đoạn chính thức, hướng tới vòng bỏ phiếu đầu tiên vào ngày 10/4. Cuộc đua đang nóng dần lên với các cuộc vận động tranh cử của các ứng cử viên hàng đầu. Đáng chú ý, trong số những nhân vật ở chặng nước rút cuối cùng, Tổng thống sắp mãn nhiệm Emmanuel Macron hiện đang được đánh giá chiếm ưu thế hàng đầu. Tuy nhiên, liệu cán cân này có đảo chiều khi các ứng cử viên sẽ tung ra những “át chủ bài” vào giai đoạn quan trọng nhất? Bức tranh toàn cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đến thời điểm này có những điểm nhấn nào đáng chú ý?
    Xem thêm Thu gọn
  • 28/03/2022
    Tại Israel đang diễn ra Hội nghị cấp ngoại trưởng giữa Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Maroc và Bahrain. Cuộc gặp lịch sử kéo dài hai ngày theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Israel Lapid nhằm thúc đẩy Thỏa thuận Abraham được ký kết giữa UAE, Bahrain, Sudan, Maroc và Israel năm 2020, góp phần xây dựng hòa bình và ổn định thực sự cho các quốc gia Trung Đông. Đáng chú ý, cuộc gặp lịch sử này diễn ra nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tới Trung Đông và Bắc Phi còn nhằm nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ với khu vực, thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông, bàn về vấn đề hạt nhân Iran, cũng như xung đột giữa Nga và Ukraine. Vậy cuộc gặp lịch sử giữa Israel với Mỹ và các nước trong khu vực đề cập tới nội dung cụ thể gì và dư luận đánh giá thế nào về chuyến thăm Trung Đông lần này của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken?
    Xem thêm Thu gọn
  • 25/03/2022
    Ngày 25/03, Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến công du tới Ba Lan. Theo kế hoạch, Tổng thống Joe Biden sẽ có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Ba Lan Andrey Juda tại Vacsava. Hồi đầu tháng này, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng đã có chuyến thăm Ba Lan và Rumani để thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với chính quyền Ukraine. Tuy nhiên, Ba Lan và Mỹ dường như có quan điểm và lập trường không thống nhất về việc hỗ trợ Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Với sứ mệnh nỗ lực thống nhất lập trường của các nước phương Tây về vấn đề Ukraine, chuyến thăm tới Ba Lan của Tổng thống Mỹ Joe Biden liệu có đạt được mục tiêu đề ra?
    Xem thêm Thu gọn
  • 24/03/2022
    Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự kiến thăm Ấn Độ trong ngày 24/3 -25/3. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Trung Quốc trong vòng gần 2 năm qua, kể từ khi xảy ra tranh chấp giữa hai nước tại biên giới từ tháng 5/2020 với mục tiêu quan trọng là tái khởi động các hoạt động đối ngoại trực tiếp giữa hai bên. Giới phân tích cho rằng, chuyến thăm của ông Vương Nghị được thúc đẩy bởi những thay đổi địa chính trị quan trọng tại khu vực trong thời gian gần đây, trong đó sự kiện Ukraine cũng là một nhân tố tác động tới tình hình an ninh khu vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn còn nhiều bất đồng, đặc biệt là tranh chấp tại khu vực biên giới, liệu chuyến thăm có mang lại tín hiệu nào trong việc cải thiện quan hệ song phương?
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/03/2022
    Trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine vẫn diễn ra phức tạp, Liên minh Châu Âu (EU) chính thức thông qua Định hướng chiến lược (hay còn có tên “La bàn chiến lược”) về an ninh, quốc phòng. Kế hoạch này cung cấp cho EU một chương trình hành động đầy tham vọng nhằm tăng cường chính sách an ninh và quốc phòng của liên minh, trong đó có việc thiết lập một lực lượng chung lên tới 5.000 quân để có khả năng can thiệp vào các cuộc khủng hoảng trên thế giới mà không bị phụ thuộc vào lực lượng quân sự của Mỹ hay NATO. Cuộc xung đột Nga – Ukraine được cho là chất xúc tác quan trọng nhất để EU thúc đẩy chiến lược quân sự này. Xa hơn, đây là một dấu mốc trong quá trình hướng tới tự chủ chiến lược của EU với nền an ninh mạnh hơn và có năng lực hơn.
    Xem thêm Thu gọn
  • 22/03/2022
    Mới đây, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã có chuyến công du một quốc gia thuộc khối Ả-rập là Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE). Chuyến thăm khiến dư luận đặc biệt chú ý vì có thể dự báo một sự thay đổi địa chính trị ở Trung Đông, đồng thời giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ đối với các nước Ả-rập. Những kết quả tích cực của chuyến thăm bất ngờ này đã cho thấy những tín hiệu tốt hơn giữa Syria và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, nước đã từng hậu thuẫn cho lực lượng phiến quân tìm cách lật đổ chế độ Al-Assad. Vì sao Tổng thống Syria bất ngờ đến thăm Các Tiểu vương quốc Ả- rập thống nhất thời điểm này và các bên đang tính toán điều gì?
    Xem thêm Thu gọn
  • 21/03/2022
    Sự kiện đang thu hút sự chú ý của dư luận, đó là chuyến thăm 2 nước Ấn Độ và Campuchia của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Trong 2 ngày qua, ông Fumio Kishida đã có các cuộc gặp gỡ quan trọng với các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Campuchia. Đây cũng là chuyến thăm Châu Á đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản kể từ khi ông nhậm chức. Trong bối cảnh chính sách đối ngoại của Nhật Bản tập trung chủ yếu vào thúc đẩy các liên minh và nâng cấp năng lực phòng thủ nhằm bảo đảm an ninh và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, việc ông Fumio Kishida chọn Ấn Độ - đối tác quan trọng trong nhóm Bộ Tứ và Campuchia, nước đang giữ chức Chủ tịch ASEAN để thúc đẩy hợp tác mang tới nhiều thông điệp.
    Xem thêm Thu gọn
  • 18/03/2022
    Đàm phán Nga - Ukraine vòng 4 theo hình thức trực tuyến đang diễn ra, phái đoàn đàm phán hai nước đã lần đầu tiên thảo luận về một kế hoạch tổng thể, toàn diện. Theo đó, bản kế hoạch dự thảo 15 điểm đề cập đến việc Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, cam kết không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, đồn trú vũ khí để đổi lấy bảo đảm an ninh. Ukraine vẫn duy trì lực lượng vũ trang, nhưng sẽ đứng ngoài các liên minh quân sự kiểu NATO. Liệu bản dự thảo kế hoạch hòa bình giữa Nga và Ukraine có khả thi khi mà lập trường của cả hai bên vẫn còn khác biệt?
    Xem thêm Thu gọn
  • 18/03/2022
    Cuộc khủng hoảng tại Ukraine sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại đây đang làm nảy sinh nhiều vấn đề địa chính trị. Nhiều ý kiến nhận định rằng, chiến dịch quân sự này đi kèm với các đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga sẽ tác động tới cục diện không chỉ tại khu vực Châu Âu – Đại Tây Dương mà còn cả các mối quan hệ trong thế giới đương đại, trong đó có cả tình hình tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
    Xem thêm Thu gọn
  • 16/03/2022
    Mới đây, Australia cho biết đang thúc đẩy các nỗ lực để hoàn tất thỏa thuận thương mại song phương với Ấn Độ ngay trong tuần này. Đây là một trong những thỏa thuận quan trọng nhất của Canberra và Newdelhi, trong bối cảnh quan hệ của cả 2 nước với Trung Quốc đã xấu đi trong vài năm qua. Đâu là những tính toán của hai nước thông qua thỏa thuận thương mại chiến lược này? Đồng thời, nếu một thỏa thuận như vậy đạt được sẽ tác động ra sao đến các trục quan hệ kinh tế trong khu vực?
    Xem thêm Thu gọn
  • 15/03/2022
    Iran đã bất ngờ ra quyết định đơn phương ngừng vòng đàm phán thứ 5 giữa nước này với Ảrập Xê-út nhằm hàn gắn mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” từ nhiều năm nay. Cuộc đàm phán “giữa đường đứt gánh” sẽ ảnh hưởng như thế nào tới cơ hội giải quyết bất đồng giữa hai quốc gia vốn luôn tranh giành ảnh hưởng tại Trung Đông và điều đó tác động thế nào tới khu vực?
    Xem thêm Thu gọn
  • 11/03/2022
    Cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 20 của Hàn Quốc đã khép lại với chiến thắng sít sao của ứng cử viên Yoon Suk-yeol của Đảng Quyền lực nhân dân (PPP). Đây được đánh giá là một trong những cuộc đua gay cấn nhất trong lịch sử của “Xứ sở kim chi”, vốn sẽ định hình chiến lược phát triển nền kinh tế lớn thứ tư Châu Á này trong 5 năm tới. Là một luật sư, chính trị gia và cựu công tố viên, liệu chủ nhân mới của Nhà Xanh sẽ có những chiến lược nào nổi bật cả về đối nội và đối ngoại, trong bối cảnh hàng loạt thách thức đang đặt ra đối với Hàn Quốc thời gian qua.
    Xem thêm Thu gọn
  • 11/03/2022
    Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Dự kiến sau Mỹ, sẽ có thêm những quốc gia có bước đi tương tự nhằm thực hiện quyết tâm của các nước phương Tây về việc “đánh quỵ nền kinh tế Nga”. Ngay sau tuyên bố của ông Joe Biden, giá dầu trên thị trường thế giới lập tức tăng vọt. Phía Nga cũng cảnh báo, việc các nước phương Tây cấm nhập khẩu dầu từ Nga có thể dẫn tới “hậu quả khủng khiếp” làm giá dầu có thể tăng không dự đoán trước được, thậm chí lên tới 300 USD/thùng. Giá dầu tăng sẽ gây áp lực lớn với các nền kinh tế, trong đó Mỹ không phải ngoại lệ khi vẫn là quốc gia nhập khẩu ròng về năng lượng, trong đó nhập khẩu từ Nga chiếm 10%. Vậy Mỹ tính toán “được – mất” như thế nào khi quyết định tiến hành bước đi như vậy?
    Xem thêm Thu gọn
  • 10/03/2022
    Ngày 9/3 diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc nhằm tìm ra người kế nhiệm Tổng thống Moon Jae-in, người lãnh đạo đất nước Hàn Quốc trong 5 năm qua. Sau 20 ngày tranh cử, cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 20 của Hàn Quốc hiện tại chỉ còn là cuộc đua của hai ứng cử viên gồm ông Lee Jae Myung của Đảng Dân chủ Hàn Quốc và ông Yoon Suk Yeol của Đảng Quyền lực nhân dân đối lập. Các kết quả thăm dò trước bầu cử cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với 2 ứng cử viên này gần như ngang nhau. Vì thế, kết quả cuộc bầu cử được dự đoán sẽ rất sít sao. Trong khi đó, theo giới quan sát, những di sản của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in trong nhiệm kỳ qua là yếu tố quan trọng để cử tri soi chiếu trong việc bầu chọn người lãnh đạo kế tiếp.
    Xem thêm Thu gọn
  • 08/03/2022
    Trong bối cảnh cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp, thì một thông tin được dư luận quan tâm là phía Ukraine để ngỏ khả năng đàm phán về “các mô hình phi NATO” cho tương lai của đất nước. Mô hình này được đại diện đàm phán của Ukraine giải thích là “một vòng kết nối rộng hơn", giúp Ukraine có sự đảm bảo trực tiếp của các quốc gia khác như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp hay Đức. Giới phân tích cho rằng, con đường gia nhập NATO của Ukraine có rất ít triển vọng, nhất là sau khi NATO trong cuộc họp của các Ngoại trưởng cuối tuần qua đã từ chối thiết lập vùng cấm bay như đề xuất của Ukraine. Vì vậy, “mô hình phi NATO” có thể là một cách tiếp cận khả thi hơn, đồng thời xóa đi “lằn ranh đỏ” mà Nga đặt ra đối với việc quốc gia sát sườn phía Tây gia nhập NATO.
    Xem thêm Thu gọn
  • 07/03/2022
    Cuối tuần qua, Iran và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã nhất trí về lộ trình tháo gỡ vướng mắc liên quan đến chương trình hạt nhân của nước Cộng hoà Hồi giáo này đến cuối tháng 6 tới. Đây được xem là đòn bẩy mới nhất nhằm góp phần nhanh chóng khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký hồi năm 2015 có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Trước đó, các bên liên quan cho rằng, cuộc đàm phán đang ở "các bước quan trọng cuối cùng" và do đó cần thể hiện quyết tâm chính trị để đạt được thỏa thuận. Với những nỗ lực của các bên liên quan, liệu dư luận có thể trông đợi vào một bản thoả thuận nhằm sớm khép lại hồ sơ hạt nhân Iran vốn phức tạp và dai dẳng?
    Xem thêm Thu gọn
  • 02/03/2022
    9h tối 1/3, tức 9h sáng ngày 2/3 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp liên bang lần đầu tiên tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Đây là dịp để người đứng đầu nước Mỹ đưa ra những thông điệp quan trọng về các chiến lược phát triển đất nước, cũng như thuyết phục người dân và các nghị sỹ về những quyết sách còn gây tranh cãi. Dù Tổng thống Biden từng có bài phát biểu trước Quốc hội 1 năm trước nhưng đó chưa phải là một bản Thông điệp Liên bang chính thức như lần này. Vì thế, trong bối cảnh nước Mỹ đang đối diện rất nhiều thách thức như cuộc khủng hoảng Ukraine, quan hệ với Nga, phục hồi kinh tế, xử lý triệt để hậu quả đại dịch Covid-19, dư luận đang đặc biệt chú ý đến những gì mà ông Biden sẽ đề cập.
    Xem thêm Thu gọn
  • 01/03/2022
    Cùng với diễn biến nóng tại Ukraine thì bán đảo Triều Tiên cũng gây sự chú ý của dư luận quốc tế với vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên. Theo xác nhận từ Bình Nhưỡng, vụ thử tên lửa đạn đạo này là nhằm phát triển hệ thống vệ tinh do thám và là vụ thử tên lửa thứ 8 từ đầu năm đến nay của nước này. Như vậy, từ các hệ thống vũ khí công nghệ cao đến hệ thống giám sát vệ tinh, Triều Tiên không ngừng mở rộng và làm giàu kho vũ khí giữa lúc đàm phán bế tắc với Mỹ và Hàn Quốc. Động thái của Triều Tiên diễn ra chưa đầy hai tuần trước cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 9.3 ở Hàn Quốc. Các bên cũng đang lo ngại rằng, Triều Tiên có thể thúc đẩy việc phát triển tên lửa trong khi sự chú ý của cộng đồng quốc tế đang tập trung vào chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
    Xem thêm Thu gọn
  • 28/02/2022
    Tình hình chiến sự tại Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp với nhiều luồng thông tin khác biệt. Cả Nga, Ukraine và phương Tây liên tục đưa ra những tin tức chiến sự trái ngược nhau tại Kiev khiến dư luận quốc tế lo ngại về khả năng chiến sự leo thang và số người thiệt mạng tăng nhanh. Các nước phương Tây đang tích cực chuẩn bị cho các biện pháp trừng phạt tiếp theo nhằm vào Nga mà mới nhất là việc đưa Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Trong một động thái mới nhất, rạng sáng ngày 28/2 theo giờ Việt Nam, Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức phiên họp đặc biệt bỏ phiếu cho một nghị quyết về vấn đề Ukraine. Đã có những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ làm thay đổi cấu trúc an ninh khu vực. Giới phân tích nhận định, các diễn biến dồn dập, phức tạp tại Ukraine hiện nay có còn khiến ngọn lửa đối thoại có thể nhóm lên?
    Xem thêm Thu gọn
  • 25/02/2022
    Trong 24h qua, tình hình Ukraine diễn ra khá nóng với nhiều diễn biến dồn dập của các bên sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine. Bước đi này cho thấy Nga quyết tâm thực hiện mục tiêu ngăn phương Tây bước qua “lằn ranh đỏ”, bởi sự mở rộng của NATO và khả năng kết nạp Ukraine vào tổ chức này được xem là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của Matxcova. Còn với phương Tây, hành động của Nga là không thể chấp nhận được, là vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của Ukraine. Rất nhiều cuộc họp khẩn diễn ra vào tối ngày 24/2 tại Châu Âu để bàn các giải pháp đáp trả Nga trước cuộc tấn công vào Ukraine, trong đó có những biện pháp trừng phạt chưa từng có. Liệu có một cuộc chiến trừng phạt qua lại giữa hai bên và liệu còn cánh cửa nào cho đối thoại và đàm phán?
    Xem thêm Thu gọn