-
Thanh âm ký sự
VOV1
“Thanh âm ký sự” là chương trình phát thanh đặc biệt với những câu chuyện, những số phận, những vùng đất… có giá trị lớn về lịch sử, chính trị, văn hóa, đời sống… trong nước và thế giới được chuyển tải qua ngôn ngữ phát thanh, với hai đặc trưng chủ yếu là âm thanh và ngôn ngữ nói. Với những phóng sự âm thanh đặc sắc - một loại hình báo chí lấy sức mạnh và ma lực của âm thanh để chuyển tải nội dung tới công chúng, "Thanh âm ký sự" hy vọng sẽ được góp thêm những góc nhìn về các vấn đề đương đại và lịch sử của cuộc sống. Chương trình “Thanh âm ký sự” phát trên kênh VOV1 vào 10h-10h30 ngày Chủ Nhật cuối tháng, phát lại vào 14h05 ngày thứ Năm và 22h30 ngày thứ Bảy, tuần đầu tiên của tháng tiếp theo.
Chương mới nhất
-
Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết ngày 21/07/1954 đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành 2 miền với ranh giới tạm thời là dòng sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17. Thực hiện Hiệp định, cùng với việc thực hiện chuyển quân tập kết ra Bắc, để chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, đặc biệt là cho việc xây dựng lại miền Nam khi nước nhà được hòa bình, Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ đã chủ trương đưa con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam ra miền Bắc học tập. Trong 21 năm, từ năm 1954-1975, hơn 32.000 học sinh miền Nam bằng nhiều cách di chuyển khác nhau đã được ra Bắc học tập, đào tạo tại 28 trường như: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc,Hưng Yên, Hà Tây (cũ)..... Hành trình của hơn 3 vạn học sinh từ tuyến lửa ra vùng hòa bình đã trở thành một cuộc thiên di chưa từng có trong lịch sử. Cho đến nay, hành trình ấy vẫn in đậm trong ký ức của những người con miền Nam nặng nghĩa tình “quê chung”. Còn trường học sinh miền Nam trên đất Bắc trở thành mô hình giáo dục đặc biệt trong lịch sử.Thu gọn
-
Nhiều vụ cháy nghiêm trọng xảy ra - không dứt. Giữa lằn ranh sinh - tử có những người tận dụng từng phút, từng giây, lao vào đám cháy đầy hiểm nguy, ngược chiều bình an để mang đến bình an cho cuộc sống. Những cán bộ, chiến sỹ cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ chính là “ngôi sao hy vọng” khi hỏa hoạn xảy ra. Họ tìm mọi cách giành giật sự sống từ những cơ hội mong manh nhất.Thu gọn
-
- Thưa quý vị! Thưa các bạn! Trong Thanh âm ký sự tháng 6 vừa qua, với nhan đề “ Dọc dài lúa trổ theo dòng Xà No” chúng ta đã thấy vai trò kênh Xà No tạo nên bước ngoặt lớn trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, trở thành “con đường lúa gạo miền Tây”. Như nhận xét của nhà văn Sơn Nam, Xáng Xà No cùng với những con kênh lớn khác như Bảo Định, Vĩnh Tế, Chợ Gạo, được xây dựng trước và sau đó đã góp phần biến những dải đất hoang vu ở ĐBSCL thành vựa lúa lớn nhất cả nước và đó cũng là cột mốc biến Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới như hiện nay. Giờ đây, ở miền sông nước, những người nông dân đang hòa vào một hành trình mới để tiếp tục đưa lúa gạo Việt Nam ra với thế giới. Tuy nhiên, tương lai gạo Việt cũng đang phải đối mặt với nhiều thử thách trước sự biến đổi của khí hậu, trước những tiêu chuẩn khắt khe của người tiêu dùng trong nước và thế giới.Thu gọn
-
- Đồng bằng sông Cửu Long được bồi đắp bởi phù sa của sông mẹ Mê Công mà đoạn cuối qua Việt Nam, chúng ta gọi là sông Cửu Long. Quá trình khẩn hoang của nhiều thế hệ người Việt đã biến một vùng đất hoang dã, sình lầy trở thành một vựa lúa tầm cỡ thế giới, một miền quê trù phú, ấm áp nghĩa tình. Để giờ đây cư dân Miền Tây đầy tự hào về "Quê em chín nhánh Cửu Long/ Hương cau, lúa trổ ngọt ngào phù sa"> Những công trình thủy lợi tiêu úng, xả phèn, luân chuyển nước ngọt của người Việt đã góp phần quyết định để khẩn hoang, khai phá đất mới thành nơi định cư và canh tác lúa gạo. Đến khi người Pháp đào kênh Xà No ở miền Hậu Giang, hoạt động nông nghiệp, buôn bán lúa gạo bằng đường thủy thêm phần thuận lợi và sôi động. Quả cũng không quá khi gọi kênh Xà No là "con đường lúa gạo" bởi nó đã tạo bước ngoặt với sự phát triển ngành lúa gạo và giao thương ở khu vực này.Thu gọn
-
- Hào khí chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ « lừng lẫy năm châu – chấn động địa cầu » vẫn mãi âm vang đến hôm nay và mai sau. Với những người từng góp phần làm nên chiến thắng ấy thì đó không chỉ lòng tự hào mà còn là sự nhắc nhớ về những người đồng chí, đồng đội đã hy sinh để họ có cơ hội được sống và chứng kiến sự đổi thay của Điện Biên, của Đất nước hôm nay. Còn với những người từng đi qua cuộc chiến, những thế hệ người Việt Nam và Pháp nhìn lại bài học của lịch sử, cùng bước qua quá khứ và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Điện Biên Phủ - từ nơi đối đầu ác liệt trong chiến tranh giờ trở thành điểm hẹn của hòa bình – hợp tác và phát triển. Lịch sử đã dạy cho chúng ta những bài học vô giá và đắt giá để có được độc lập, tự do, hòa bình và sự hòa giải, hợp tác. Thanh âm ký sự « Chuyện ở miền Ban Trắng » sẽ ít nhiều nói lên điều đó. Đây là chương trình đặc biệt của Đài TNVN kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.Thu gọn
-
- Đờn ca tài tử đã hòa vào nhịp sống người dân Nam Bộ. Quá trình định hình và phát triển hàng trăm năm ấy, đờn ca tài tử đã trở thành một phần “hồn cốt” của văn hóa Việt Nam, gắn liền với tiến trình phát triển của vùng đất Nam Bộ. Đờn ca tài tử như một gạch nối giữa nghệ thuật truyền thống từ xưa với hôm nay. Sự giao thoa văn hóa ở vùng đất phương Nam luôn rộng mở, đón những cái mới mẻ. Trải qua thăng trầm thời cuộc, câu ca - tiếng đờn vẫn ngân vang, làm nên tình đất, tình người Nam Bộ. Hò, xự, xang, xê, cống - năm cung điệu của đờn ca tài tử cho chúng ta cảm nhận sự mộc mạc, chân chất, thênh thang như chính cốt cách khoáng đạt, giàu nhân nghĩa của người dân Nam Bộ.Thu gọn
-
- Về Kinh Bắc, uống một chén trà, ăn một miếng trầu têm cánh phượng… nghe chơi quan họ… chúng ta lắng lòng và đắm chìm trong không gian văn hóa của người Kinh Bắc. Trấn Kinh Bắc xưa, nay là Bắc Giang và Bắc Ninh được ngăn chia bởi dòng sông Cầu (xưa là sông Như Nguyệt), trong đó bờ Nam thuộc Bắc Ninh, còn bên này bờ Bắc là Bắc Giang. Con sông Cầu làng bao xanh – dòng sông ấy gắn liền với những làn điệu dân ca quan họ êm ả, mượt mà, gắn liền với những làng quan họ cổ “có lề lối”, với “khuôn vàng thước ngọc”. Người dân đôi dòng sông Cầu xưa nay, đã chơi quan họ thì phải "tinh mới tường", phải chơi có lề có lối, thanh cao và phải chơi bằng cả trái tim. Chơi cho “chỉ nổi kim chìm”, cho “lở đất long trời” mới xứng là trai gái Kinh Bắc.Thu gọn
-
Trí tuệ nhân tạo đang là tâm điểm của giới công nghệ toàn cầu và đang được nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư phát triển. Trí tuệ nhân tạo ngày càng chứng minh là một xu hướng không thể đảo ngược của thế giới, với nhiều lợi ích to lớn, không thể phủ nhận với sự phát triển của xã hội loài người trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Trí tuệ nhân tạo xuất hiện không đột ngột nhưng đã tạo ra một “cơn bão” thay đổi đời sống con người, là công nghệ cốt lõi thúc đẩy tăng tốc kinh tế. Nhưng trí tuệ nhân tạo cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về những rủi ro có thể tạo ra liên quan đến an toàn, an ninh quốc gia, sự ổn định của các xã hội, vấn đề đạo đức và cả sự an toàn của nhân loại. Lo lắng không phải là không có cơ sở. Lưỡng lự và bất an về chính thành tựu do con người tạo ra. “Xin chào! Tôi là AI” là chủ đề của chương trình Thanh âm ký sự hôm nay, đề cập một vấn đề thời sự của xã hội đương đại: sử dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ con người, phục vụ sự phát triển của từng quốc gia, trong đó có Việt Nam.Thu gọn
-
Hát Chầu văn là loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống đặc sắc của dân tộc gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu. Trải qua hàng trăm năm với bao biến cố, thăng trầm, có những lúc tưởng chừng đã mai một nhưng hiện nay nghệ thuật hát văn, chầu văn với những giá trị đặc sắc riêng có đã được khôi phục, bảo tồn và phát triển.Thu gọn
-
Phở - đã chạm vào sâu thẳm tâm hồn, trong cái xúc động khôn nguôi, kích thích mọi giác quan, nó khiến trái tim nhà văn Vũ Bằng nhảy múa, reo ca đến thế. Phở - ấy là một bức tranh đầy sắc màu, ở đó chứa đựng chiều dài văn hóa - là sự gắn bó cội nguồn, là sự ấm áp, khiêm tốn và tinh tế của người Việt Nam. Ngày nay, Phở đã theo người Việt đặt chân trên khắp thế giới, trở thành một biểu tượng của ẩm thực Việt Nam. Phở ở đây - Phở ở kia – Quý vị và các bạn hãy bắt đầu một ngày mới với “Phở” và cùng cảm nhận “Hương Phở” trong chương trình Thanh âm ký sự hôm nay.Thu gọn
-
Hội An – nơi mà dường như dòng chảy vô tình của thời gian chẳng thể nào vùi lấp đi cái không khí cổ xưa. Những mái ngói cũ phủ đầy rêu phong, những con đường ngập trong sắc đỏ của đèn lồng, những bức hoành phi được chạm khắc tinh xảo..., tất cả như đưa ta về với một thế giới của vài trăm năm trước. Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 và trong vùng đất một cảng thị Hội An đã hình thành từ khá sớm qua các bằng chứng khảo cổ và đặc biệt hưng thịnh ở thế kỷ thứ XVI, XVII. Trải qua 400-500 năm, mặc cho những thăng trầm của lịch sử, đối mặt với sự khắc nghiệt nắng gió và bão lũ, tiếp nhận văn hóa bốn phương nhưng Hội An vẫn là Hội An với những nét riêng có không lẫn vào đâu. Điều gì đã làm nên một Hội An cuốn hút vừa xưa cũ, vừa tiếp thu những cái mới của đời sống hiện đại luôn hấp dẫn chúng ta?Thu gọn
-
Có một vẻ đẹp đằm sâu, khó lột tả nhất trong bức tranh đời sống của Hà Nội, đó chính là âm sắc mùa thu… Có những âm thanh một thời vô cùng thân thiết với người dân Hà Nội, giờ đã trở thành hoài niệm. Và còn biết bao những âm thanh thân thuộc trong nhịp sống hàng ngày, đôi khi chúng ta chỉ cảm nhận được từ đáy sâu tâm hồn. Đó là âm thanh cuộc sống, là sự buồn, vui, là khát vọng…Thu gọn
-
Năm 1881, người Pháp khởi công đặt tuyến đường sắt đầu tiên ở Việt Nam- nối Sài Gòn- Chợ Lớn. Đó là sự khởi đầu cho sự hình thành hệ thống đường sắt ở Việt Nam nói riêng, khu vực Đông Dương nói chung. Hỏa xa - xe lửa thực sự là một nhân tố tác động và làm thay đổi toàn diện đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX và sau này. Đường sắt không chỉ là phương tiện giao thông quan trọng, chuyên chở người và hàng hóa, mà còn dần dà trở thành một phần trong đời sống tình cảm, tinh thần; tạo cảm hứng trong văn chương với hình ảnh quen thuộc con tàu, sân ga. Trong hành trình đã qua và hành trình sắp tới, đường sắt, xe lửa vẫn là loại hình vận tải không thể thiếu để vươn tới muôn miền, khai mở những không gian phát triển mới. Một tuyến đường sắt cao tốc, dọc dài Tổ quốc thân yêu với những con tàu hiện đại hứa hẹn mang lại phồn vinh cho đất nước trong tương lai không xa.Thu gọn
-
Tây Nguyên là vùng đất chứa đựng kho tàng văn hóa đa dạng và đặc sắc. Đặc sắc không chỉ trong nét kiêu sa của mái nhà rông cao vút của người Ba-na, Xơ-đăng; sự bí ẩn trong ngôi "nhà dài như một tiếng chiêng” của người Ê-đê, trong vị nồng say của men rượu cần mà còn bởi sự mê hoặc của vũ điệu cồng chiêng. Cồng chiêng không chỉ là mạch nguồn âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, mà còn là tiếng lòng yêu thương, là sức mạnh, là hồn thiêng của cộng đồng các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên. Với người Ê-đê, cồng chiêng song hành với nhà dài. Cồng chiêng được tấu trong nhà dài và nhà dài là nơi để những thanh âm của cồng chiêng thăng hoa. Vậy nhưng, những biến đổi theo thời gian khiến nhà dài ngày càng thưa vắng, cồng chiêng chỉ trình diễn trên sân khấu, một năm đôi lần… Cùng nghe câu chuyện về những ngôi nhà “dài như một tiếng chiêng ngân” cùng những trăn trở, suy tư và nỗ lực của cộng đồng dân tộc bản địa và những người làm công tác bảo tồn văn hóa để “Nhà dài vang tiếng chiêng ngân”.Thu gọn
-
Lịch sử Việt Nam là cuộc trường chinh không ngừng nghỉ để dựng nước và giữ nước. Lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã không tiếc máu xương để gìn giữ cho Tổ quốc độc lập, tự do, hòa bình và phát triển như ngày hôm nay. Công lao và sự hy sinh cao cả ấy được đất nước và nhân dân đời đời ghi tạc và đền đáp. Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn nhiều gia đình liệt sỹ vẫn ngày ngày khắc khoải, mong ngóng tin tức về người thân đang nằm lại chiến trường. Có nhiều cuộc kiếm tìm đạt kết quả như mong đợi và cả chưa như mong đợi. Và có những cuộc kiếm tìm ròng rã tưởng chừng như vô vọng lại vỡ òa trong bất ngờ. Trong “Thanh âm ký sự” này, chúng tôi mời các bạn cùng nghe câu chuyện về cuốn sổ tay của một liệt sỹ ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh được trao trả lại cho gia đình sau hành trình hơn nửa thế kỷ, đi qua nửa vòng Trái Đất tới nước Mỹ và trở về Việt Nam, góp phần an ủi người thân đến giờ này vẫn chưa tìm được mộ phần liệt sỹ. Một hành trình trở về có nhiều tình tiết “tình cờ mà có lẽ không phải tình cờ”.Thu gọn
-
Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) được ví như “chị em song sinh” với Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) - nơi có những dãy núi đá vôi nổi tiếng xinh đẹp, được công nhận là Di sản thiên nhiên Thế giới. Hai thắng cảnh này chỉ cách nhau một giờ tàu thủy chạy… nhưng “cô chị” Hạ Long đã trở thành cô gái đẹp được cả thế giới biết đến từ năm 1994, còn "cô em" Cát Bà vẫn là “người đẹp ngủ trong rừng”. Làm gì để Cát Bà “trở mình” – sóng đôi cùng cô chị Hạ Long, trở thành “Di sản thiên nhiên thế giới Cát Bà – Hạ Long” vào tháng 9/2023 như khuyến nghị của UNESCO? Biển đẹp, núi nguyên sơ ... - “hòn ngọc Vịnh Bắc Bộ” vẫn còn những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ để có thể trở thành di sản toàn cầu. Đó chính là băn khoăn “Được - Mất” của người dân nơi đây, trong tiến trình “xanh hóa ngược” quần đảo này.Thu gọn
-
Với người dân Việt Nam, hình ảnh cánh cò chao liệng kiếm ăn trên những cánh đồng đã quá quen thuộc. Trong các loài chim, cò là loài đi vào đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam sâu đậm nhất. Cánh cò có trong câu ca dao, lời hát ru, theo cả vào giấc ngủ của trẻ thơ. Thế nhưng, cùng với sự phát triển của đất nước, khi làn sóng đô thị hóa, công nghiệp hóa lan rộng, môi trường nông thôn thay đổi, những cánh cò, cánh vạc đã thưa dần. Cùng về một vùng quê - nơi này, một bà lão 82 tuổi đã dành gần hết cuộc đời mình trồng rừng, giữ rừng để che chở cho những cánh cò bay mỏi... trở về. Tình yêu thiên nhiên, môi trường, thương mến động vật hoang dã của bà được khắc họa trong ký sự “Đất lành”.Thu gọn
-
Đại dịch Covid -19 đã cướp đi gia đình của hàng nghìn đứa trẻ, nhưng các em không đơn độc! Vòng tay ấm áp của nhiều tấm lòng sẻ chia trong xã hội đã mang đến cho các em mồ côi do đại dịch covid 19… “nơi, chốn đi về”. Và ngôi trường mang tên Hy Vọng - thành lập bởi Tập đoàn FPT và Quỹ Hy Vọng đang giúp đỡ hàng trăm trẻ mồ côi lấp đầy những khoảng trống tình cảm, chắp cánh cho các em mồ côi do đại dịch covid 19 đi tới ước mơ...Thu gọn
-
Một tấm ảnh đen trắng đã ố màu thời gian với dòng chữ: “Tập thể cán bộ chiến sĩ đồn Pò Hèn, tháng 12-1978” - Tấm ảnh đó tưởng bình thường như bao tấm ảnh khác, nhưng chỉ chưa đầy hai tháng sau, hầu hết họ đã hi sinh trong một sáng mùa Xuân mây trắng 1979. “Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử”… Pò Hèn như một ngôi sao màu đỏ, rực sáng trên dải biên cương phía Đông Bắc của Tổ quốc. Tháng Hai này - Pò Hèn rực rỡ với những bông đào rừng bung nở, khoe sắc dọc miền biên viễn. Dưới bầu trời vùng biên ải là màu xanh mát của bình yên, là cuộc sống hiền hòa, êm đềm của người dân nơi đây. Nhưng trong ký ức của biết bao người, dọc dài biên cương vẫn còn in đậm tên đất, tên người trong cuộc chiến bảo vệ biên cương phía Bắc Tổ quốc. Cùng cựu binh Pò Hèn năm xưa sống lại ký ức của những ngày tháng hai bất khuất, qua ký sự: Mây hồng soi bóng Ka Long.Thu gọn
-
Nhiều người biết đến địa danh Sài Gòn với diện tích chỉ trong vòng bán kính một cây số rưỡi - tính từ Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng với đại đa số, lấy lòng người Việt Nam - lòng người Việt Nam xa xứ để đo tình yêu người con đất Việt với “Hòn ngọc Viễn Đông”, thì Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh... là một. Có 22 quận - huyện - thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh - Sài Gòn đang có gần 14 triệu dân sinh sống, học tập và làm việc. Trải qua nhiều biến cố thăng, trầm, người Thành phố Hồ Chí Minh - Sài Gòn bao năm vẫn thế - sống nhịp sống sôi động nhất nước, tạo dựng và hun đúc ngày càng đậm nét hơn: phong thái phóng khoáng, hào sảng ...đậm chất Nam bộ, mà vẫn phảng phất nét rất riêng - Sài Gòn. Trong chương trình Thanh âm ký sự này, mời quý vị và các bạn tới Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh để hiểu thêm về vùng đất này với những tính cách “dễ thương’.Thu gọn
-
Trái đất vào năm 2045 là một vùng đất khắc nghiệt, nhân loại sống sót trong hầm ngầm. Con người phải chiến đấu với dịch bệnh, chiến đấu để sản xuất lương thực, bảo vệ sự sống.... Bộ phim khoa học viễn tưởng “The Colony” của đạo diễn Jeff Renfroe đã tưởng tượng mọi thứ tồi tệ như thế và loài người sắp tuyệt chủng khi nhiệt độ Trái đất tăng cao. Quay về với thực tại, một nửa nhân loại đang phải đối mặt với tình trạng băng tan, sông cạn và hàng tỷ người khác phải chống chọi với những đợt nắng nóng quá mức, khát khô và đói. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đã công bố nghiên cứu báo động rằng: Nhiệt độ Trái Đất vào năm 2030 sẽ cao hơn giai đoạn tiền công nghiệp 1,5 độ C. Nhân loại đang “mộng du” gần hơn tới bờ vực của thảm họa. Nếu vượt qua ngưỡng giới hạn đỏ 1,5 độ C, nhân loại sẽ ra sao? 8 năm – chỉ còn 8 năm, đó là “'tối hậu thư'” cho nhân loại.Thu gọn
-
Những “dòng suối than” hàng ngày vẫn chảy ngược từ lòng đất mỏ Quảng Ninh tới mọi miền Tổ quốc phục vụ sản xuất và đời sống. Để có hàng triệu tấn than mỗi năm ấy, là công sức và mô hôi của hàng ngàn thợ mỏ miệt mài ngày đêm lao động dưới hầm lò ở độ sâu -200 đến 500 mét. Đối mặt với biết bao nhiêu rủi ro và nguy hiểm mỗi ngày! Thế nhưng, với tinh thần kỷ luật và đồng tâm, những cán bộ, công nhân ngành than đã vượt mọi khó khăn, gian khổ để khai thác “vàng đen” đem lại giá trị to lớn nhiều mặt cho đất nước. Các phóng viên Đài TNVN đã theo chân những người thợ mỏ anh hùng xuống tận lò chợ để chứng kiến một ca làm việc của họ và ghi lại những âm thanh chân thực nhất ở độ sâu âm 220 mét so với mực nước biển. Những âm thanh đặc trưng, những thuật ngữ riêng biệt cùng những câu chuyện nghề, chuyện đời của những con người “Ăn cơm dương gian – làm việc âm phủ”.Thu gọn
-
“Hùng vĩ của Sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt trắng xóa cả một chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông...” - Nhà văn Nguyễn Tuân đã cảm tác như vậy khi ngược dòng Sông Đà vào năm 1958. Đà Giang - con Sông với “trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh” uốn lượn qua miền rừng núi Tây Bắc, dữ dằn và hung tợn như thế. Nhưng dòng sông ấy đã kể cho chúng tôi nghe biết bao câu chuyện “xẻ núi, ngăn sông để xây lên những công trình thủy điện “kỳ tích của thế kỷ XX”, mang ánh điện đến mọi miền của Tổ quốc - hiện thực hóa Khát vọng: Vì một Việt Nam cất cánh.Thu gọn
-
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Quảng Nam tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, tiến hành kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Lớp lớp cán bộ chiến sĩ và nhân dân Quảng Nam luôn một lòng theo Đảng, theo con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn. Và đặc biệt, trong trái tim của hàng vạn đồng bào Cơ Tu, Giẻ Triêng, Xê Đăng sinh sống ở vùng cao tỉnh Quảng Nam, Bác có một vị trí rất đặc biệt. Nhớ ơn Bác, khắc ghi lời Bác dặn, đồng bào dân tộc thiểu số tại các bản làng vùng cao Quảng Nam và những cán bộ đảng viên nơi đây vẫn luôn suy nghĩ và hành động thiết thực để đời sống ấm no, hạnh phúc.Thu gọn
-
Mùa hè năm 1968, tại vùng đất lửa Quảng Trị diễn ra trận chiến đầy khốc liệt kéo dài từ ngày 12/06 đến 08/07. Và cao điểm 689 trở thành tọa độ lửa, chứng kiến sự chiến đấu anh dũng của quân giải phóng, góp phần quan trọng vào chiến thắng trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh và giải phóng Hướng Hoá 1968. Hàng trăm chiến sỹ đang ở độ tuổi mười tám – đôi mươi đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này. Họ ngã xuống không phải để trở thành Anh Hùng mà để người khác được sống và để đất nước có hòa bình. Đó là khát vọng, là mong muốn của tất cả những chiến sỹ đã ngã xuống cho đất nước có ngày hôm nay. Cùng hành trình trở lại chiến trường xưa – cao điểm 689 của các cựu chiến binh Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, Đoàn Tân Trào, Quân khu Việt Bắc (nay thuộc Sư đoàn 346 Quân khu I).Thu gọn
-
Dành phần lớn sản nghiệp và tìm mọi cách để giữ rừng - đó là một lựa chọn không dễ dàng với nhiều người. Ở “thành phố ngàn thông” – Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng, có một cựu sỹ quan đặc công năm nay 80 tuổi, đã tự chọn lối đi khó và không giống ai cho cuộc đời mình. Hành trình đi về hướng núi đó đầy rẫy những chông gai và thử thách. Sự kiên cường, vững vàng và không bao giờ từ bỏ của “kỳ nhân trên xứ sương mù” – Nguyễn Đức Phúc đã giúp những mầm xanh ở rừng thẳm ngày qua ngày vươn mình xanh tốt.Thu gọn
-
Ở Việt Nam, người Mông cư trú chủ yếu ở các tỉnh miền núi cao phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng. Với dân số hơn 1 triệu người, dân tộc Mông đứng thứ 4 trong bảng thống kê quy mô dân số các dân tộc thiểu số, và có mặt trong nhóm có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất, tới gần 70% (tức là 2/3 dân số là nghèo và cận nghèo). Nguyên nhân nghèo được chính người Mông lý giải phần lớn là do hủ tục. Trước tình trạng đó, một số người Mông đã dũng cảm cắt đứt với hủ tục, bất chấp những nghi kỵ, dèm pha để vươn lên phát triển kinh tế.Thu gọn
-
Trên thế giới có những công trình kiến trúc văn hóa, những tác phẩm văn hóa nghệ thuật vượt qua thời gian và không gian, trở thành kiệt tác bất tử. Cùng với Iliat & Ôđixê (của Hôme), HămLét (của Sexpia), Đôn Kihôtê (của Xenvantec)… , Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được nhân loại đánh giá là kỳ quan của thế giới. Với giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc, biểu trưng cho tinh thần thời đại, có ảnh hưởng lớn trong xã hội, tiêu biểu cho tình cảm, ước vọng của nhân dân, Truyện Kiều của Nguyễn Du được nhân dân tiếp nhận, bồi đắp sáng tạo và xây nên một hệ Văn hóa Kiều đặc sắc, làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt. Để đến nay, Truyện Kiều và Nguyễn Du đã trở thành sứ giả văn hóa của người Việt. Và hơn thế, như một đức tin: TRUYỆN KIỀU còn, tiếng ta còn…!Thu gọn
-
Chiến tranh cũng đồng nghĩa với loạn lạc, ly tán, khổ đau và chết chóc. Hàng triệu người dân Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa – nơi mà họ đã và đang có cuộc sống bình yên để đi lánh nạn. Cũng như hơn 1 triệu người Ukraine đã phải sơ tán sang các nước, nhiều người Việt đang sống ở quốc gia này cũng đã nếm trải bao khó khăn, gian khổ trong hành trình tìm đến nơi an toàn.Thu gọn
-
Điều gì dẫn tới việc Chủ tịch Hồ Chí Minh phải ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào ngày 19/12/1946, chỉ sau hơn 1 năm đất nước giành độc lập? Từ Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 tới Hội nghị Đà Lạt, cuối cùng là Hội nghị Fontainebleau, Chính phủ Việt Nam - đại diện là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực cứu vãn hoà bình như thế nào? Khát vọng và mong muốn một nền hòa bình từ phía VN đã luôn bị Pháp từ chối. Và sau 3.000 ngày, với thất bại tất yếu của bên gây chiến, Xanh-tơ-ni, Ủy viên Cộng Hòa Pháp, người đại diện cho Chính phủ Pháp ký Hiệp định 6/3/1946, trong hồi ký đã tỏ rõ sự tiếc nuối : “Khi để lại phía sau lịch sử một nền hòa bình bị bỏ lỡ”. Nền hoà bình ấy đã bị bỏ lỡ như thế nào? Các nhà nghiên cứu lịch sử sẽ lật giở lại những trang sử năm 1946 qua chương trình Thanh âm ký sự với chủ đề: Từ nhà Xéc Tây – Hà Nội đến lâu đài Fontainebleau: Cơ hội cho một nền hòa bình bị bỏ lỡ.Thu gọn
-
Cứ liệu lịch sử và khoa học cho thấy, công đầu và công lớn trong sáng tạo ra chữ Quốc ngữ thuộc về các nhà truyền giáo phương tây vào đầu thế kỷ thứ 17. Từ một loại chữ nghĩ ra để phục vụ cho truyền đạo, giảng đạo, chữ Quốc ngữ đã vượt ra khỏi phạm vi các nhà thờ và phổ biến mạnh mẽ trong các trường học, báo chí, văn đàn từ giữa thế kỷ thứ 19. Đánh dấu cho giai đoạn này là sự ra đời hệ thống các trường thông ngôn do thực dân Pháp mở, bắt đầu từ Nam kỳ, sau đó mở rộng ra Trung kỳ và Bắc kỳ. Với sự tiện lợi và tiến bộ, chữ Quốc ngữ dần thay thế chữ Hán và chữ Nôm. Cho đến trước Cách mạng tháng 8, tỷ lệ người Việt biết chữ Quốc Ngữ tăng nhanh chóng. Chữ Quốc ngữ được chính thức công nhận là chữ viết của Việt Nam bằng sắc lệnh 20 của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cho đến nay, chữ Quốc ngữ trở thành biểu hiện của bản sắc văn hóa mà ai cũng có thể sở hữu và tự hào.Thu gọn
-
Hơn 400 năm trước, chữ Quốc ngữ đã được phôi thai, ghi lại toàn bộ tiếng nói và suy nghĩ của người dân Việt Nam. Chữ Quốc ngữ ra đời, được coi là phương tiện hiện đại và hữu hiệu nhất để “khai dân trí, chấn dân khí”. Do gắn liền với tiếng nói nên chữ Quốc ngữ có sức sống mãnh liệt và luôn phát triển cùng tiếng Việt. Chữ Quốc ngữ chính là hồn trong nước, khẳng định bản lĩnh và sức mạnh dân tộc Việt Nam. Bởi ở đó, một dân tộc với hồn cốt mạnh mẽ sẽ có thể hiên ngang, sánh vai cùng các dân tộc tiên tiến trên thế giới. "Chữ Quốc ngữ - Hồn trong nước" giúp chúng ta có góc nhìn bao quát về quá trình phôi thai, hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ. Cùng ngược về quá khứ, trở lại những vùng đất lịch sử - nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ từ thế kỷ 17...Thu gọn