• image

    “Người đã mất cũng cần được đẹp…”

    Nếu ở nhiều nước trên thế giới, trang điểm tử thi được xem là một nghề như bao nghề khác trong xã hội và người làm được đào tạo bài bản thì ở Việt Nam, công việc này chưa được luật hóa và vẫn chịu nhiều kì thị từ xã hội bởi quan niệm tang tóc thường mang lại những điều xui xẻo. Dưới đây là câu chuyện của Đinh Thị Phương Loan, người phụ nữ làm nghề trang điểm tử thi chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam.
Chương mới nhất
  • 03/06/2021
    Từ một chuyên viên trang điểm chuyên nghiệp, Đinh Thị Phương Loan, 33 tuổi, quê ở Phú Thọ quyết định chuyển sang làm công việc trang điểm tử thi sau một lần trò chuyện với một người bạn có chị gái mất khi còn trẻ. Gia đình bạn mong muốn có ai đó giúp trang điểm cho chị gái thật đẹp trước khi về cõi vĩnh hằng nhưng tìm mà không có. Lời nói của bạn thôi thúc Loan và cô quyết định giấu gia đình chuyển sang làm công việc trang điểm tử thi sau một thời gian dài suy nghĩ. Cô trở thành cộng tác viên của Lạc Hồng Viên từ hơn một năm nay. Trong quá trình làm việc, đôi khi Loan vẫn phải chịu những ánh mắt kỳ thị, sự xa lánh, thậm chí là miệt thị, xúc phạm của một số người do ở Việt Nam, mọi người vẫn quan niệm rằng tang tóc thường mang lại những điều xui xẻo và người làm nghề tiếp xúc với người chết như Loan cũng vậy. Công việc phải thường xuyên tiếp xúc với tử thi, chịu nhiều kỳ thị từ xã hội và thời gian thất thường khiến Loan luôn lo lắng trong lòng vì không thể ở bên cạnh cậu con trai 8 tuổi (Loan đã ly hôn và con trai Loan đang sống với ông bà ngoại ở quê), nhưng chưa bao giờ Đinh Thị Phương Loan có ý nghĩ bỏ nghề bởi cô luôn tâm niệm “Người đã mất cũng cần được đẹp...”. Tháng 5 năm 2021, Loan mở lớp trang điểm tử thi chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam với mong muốn khi nhiều người làm công việc này xã hội sẽ coi đó là một nghề và sẽ không còn kỳ thị những người làm nghề như cô. Hết dịch Covid-19, Loan sẽ sang Đài Loan học một lớp trang điểm tử thi chuyên sâu, tái tạo khuôn mặt cho những trường hợp bị tai nạn./.
    Xem thêm Thu gọn