“Em bé Hà Nội” mong muốn trở lại với điện ảnh

Như Quỳnh (tổng hợp) | 28/08/2020, 18:00

Hơn 40 năm theo nghiệp diễn, ở tuổi 57, "Em bé Hà Nội" - NSND Lan Hương vẫn đang rất khát khao được trở lại với một bộ phim điện ảnh đậm chất nghệ thuật...

vovlive-tro-chuyen-vov-nsnd-lan-huong-3(1).png

Hơn 40 năm theo đuổi nghiệp diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng khán giả qua những vai diễn điện ảnh và truyền hình. Vốn là một người thích phá cách, sáng tạo và kiên quyết, Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương còn say sưa với nghệ thuật thể nghiệm, với mong muốn đưa loại hình này đến gần hơn với công chúng.

Với chị, sẽ chẳng có khó khăn nào cản trở được thành công khi người nghệ sĩ hy sinh cho niềm đam mê chính đáng. Phóng viên VOV đã có buổi trò chuyện cùng Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương, người nghệ sĩ giữ trọn tình yêu với nghiệp diễn.

“Em bé Hà Nội” và những kỷ niệm nhớ đời

Xin chào Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương và cảm ơn chị đã tham gia buổi trò chuyện hôm nay! Vâng, nhắc đến Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương thì chắc hẳn là nhiều người sẽ nhớ ngay đến cô bé Ngọc Hà trong bộ phim điện ảnh”Em bé Hà Nội”. Có phải đây chính là dấu mốc mà đưa chị đến với nghiệp diễn hay không?

Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương: Chính xác là như thế! Đây là một viên gạch đầu tiên để cho mình chạm ngõ và bắt đầu bước chân vào con đường nghệ thuật. Cơ duyên của bộ phim này cũng rất là lạ.

Bố mẹ mình không làm nghề nghệ thuật nhưng mình lại có ông bà ngoại và bác làm ở trên xưởng phim. Rất nhiều đạo diễn rất là thích mình từ lúc còn nhỏ, nhất là bác Hải Ninh (đạo diễn Hải Ninh – PV). Bác lúc nào cũng bảo “Ô! Con bé này có đôi mắt cứ thăm thẳm. Thăm thẳm như này là rất hợp với điện ảnh!”.

Đến năm 1972, Mỹ tấn công miền Bắc dồn dập bằng Máy bay B52. Từ một câu chuyện có thật về một cô bé ở An Dương, các bác đã viết kịch bản phim. Viết xong, các bác bắt đầu đi tìm diễn viên. Bác nghĩ ngay ra mình. Bác đến nhà mình thì gia đình không đồng ý.

Bác đi tìm các trường. Bác đi mãi, đến khi đến trường Kim Liên thì lại gặp đúng mình. Thế thì bác mới nói với mẹ mình là anh nghĩ có lẽ là cái duyên, em cứ cho cháu nó đi làm đi. Ngay say đó, mẹ mình cắt luôn tóc của mình đi là bởi vì mẹ mình không thích cho mình đi làm phim.

Khi các bác trình bộ phim này lên trên thành phố để chuẩn bị triển khai làm thì bác cũng nói về vấn đề với diễn viên. Sau đó, Chủ tịch thành phố lúc đấy là bác Trần Duy Hưng có viết một bức thư cho bố mẹ mình. Thế là bố mẹ mình đồng ý. Đấy là lí do mình được đi đóng phim.

vovlive-tro-chuyen-vov-nsnd-lan-huong.png

Khi đến với bộ phim này, chị mới 10 tuổi. Một cô bé chưa từng diễn xuất lại đảm nhận ngay một vai chính trong bộ phim điện ảnh. Chắc hẳn là không ít khó khăn và có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ phải không chị?

Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương: Kỷ niệm thì nhiều lắm vì phim ngày xưa làm lâu lắm mà phải nắng chang chang thì mới quay được. Có khi một ngày chỉ quay được 1 đến 2 cảnh. Có khi quay 20 đúp mới chọn được một đúp.

Không chỉ thế, câu chuyện trong phim là vào tháng 12, Hà Nội rất rét nhưng khi quay lại quay vào tháng 7, trời rất nóng. Khi đóng phim, mình phải mặc một cái áo len mỏng ở trong, một cái áo len khác ra ngoài, rồi lại đến một cái áo nhung, rồi để khăn tang nữa.

Giữa mùa hè mà phải mặc như thế, mồ hôi ra như tắm. Đã thế mà lại còn chạy nữa! Nhưng mà mình thích đóng phim quá nên quên hết tất cả. Nóng mấy mình cũng mặc! Mình rất nhiều bệnh tật, mà bệnh nặng nhất là bệnh tim và bệnh hen. Khi đóng phim, nóng quá, mồ hôi ra nhiều quá thế là lại lên cơn hắt hơi, ho rồi hen.

Một kỷ niệm đáng nhớ nữa là những lần bác Hải Ninh bảo “Chạy” là chạy. Bác Hải Ninh bác ấy hô “Máy” là mình chạy mà ô tô hai bên cứ chạy ầm ầm cạnh mình nhưng mình không biết sợ là gì nữa, trong khi bình thường thì là sợ lắm!

Bài hát trong phim "Em bé Hà Nội".

Đã từng bị mẹ từ mặt vì chọn con đường nghệ thuật

Như chị chia sẻ vừa rồi thì ngay từ đầu, mẹ chị đã không đồng ý cho chị theo con đường nghệ thuật. Thế điều gì đã khiến chị quyết tâm theo đuổi bằng được con đường này?

NSND Lan Hương: Mẹ đã một lần không cho mình theo đuổi trường múa, đã lôi mình về một lần rồi, đến khi đóng phim suýt nữa lại bị cấm nữa. Buồn lắm!

Đến khi Nhà hát Tuổi trẻ thông báo tuyển sinh, mình thấy có nhiều cái phù hợp với mình quá. Mình yêu múa và thấy nói là vào đây sẽ học cả hát, cả múa, cả kịch. Chính vi vậy, mình đăng ký vào Nhà hát Tuổi trẻ nhưng mẹ không cho. Mẹ không ký, mẹ từ không cho về nhà nữa.

Mình phải vào khu tập thể ở. Một năm sau, mẹ mới cho về. Mẹ bắt đầu chịu thua thôi, biết là không thể thay đổi được, không thể lay chuyển được nữa.

Trải qua hàng chục vai diễn trên sân khấu thì chị ấn tượng với vai diễn nào nhất?

NSND Lan Hương: Mình diễn trên sân khấu nhiều hơn là bên điện ảnh. Thế còn ấn tượng ở sân khấu thì mình có nhiều lắm, nào là “Cuộc đời tôi”, “Tôi đi tìm tôi” (những tác phẩm đạt Huy chương vàng), rồi “Mùa hạ cay đắng”, “Vũ Như Tô”…

Hầu như cái vai nào, mình cũng có những cái tìm tòi và chịu khó sắp xếp lại cái lời thoại để cho nó phù hợp, khắc sâu hơn đối với một nhân vật. Được cái là các nhân vật cũng rất là thích!

56161303_2641637899185592_546278870358163456_n_ylmk.jpg

Bên cạnh sân khấu thì chị cũng rất thành công với nhiều vai diễn trong phim truyền hình, ví dụ như là “Những người xung quanh tôi”, “Trần Thủ Độ” hay là những bộ phim trong thời gian gần đây, ví dụ như là “Sống chung với mẹ chồng”, “Ngược chiều nước mắt”. Theo chị thì diễn xuất trên sân khấu và diễn xuất trên phim thì nó có điểm gì chung, điểm gì riêng và đâu là yếu tố để giúp chị thành công?

NSND Lan Hương: Lĩnh vực điện ảnh, truyền hình và sân khấu chắc chắn là phải khác nhau rồi. Ngày xưa, khi mình học sân khấu, 1 đến 2 năm đầu là mình cũng bỡ ngỡ lắm đấy, bởi vì diễn xuất của hai cái thể loại khác nhau.

Trong điện ảnh, mình diễn thì sẽ đặc tả mặt mình để cho thấy mình buồn, mình vui hay khóc… Chính vì vậy khi diễn, mặt mình nhẹ nhàng như đời thường, có khi còn nhẹ hơn cả đời thường.

Sân khấu lại khác. Sân khấu là khán giả trực tiếp ở trước mặt nhưng lại ở xa. Họ không nhìn rõ. Họ chỉ nhìn tổng thể mình chứ không thể nhìn rõ được cái ánh mắt của mình thế nào, cái lông mày của mình thế nào, cái môi của mình thế nào. Vì thế nên tất cả phải cường lên một chút.

Thế nhưng ở sân khấu nó còn có một điểm rất hay. Đó là, cả trăm đêm diễn thì không đêm nào giống đêm nào. Bởi vì mỗi một đêm, mình có thể nhìn thấy phản ứng của khán giả và biết được ngày mai sẽ phải điều chỉnh như thế nào.

Nó khó hơn là điện ảnh chỗ là cần phải học. Tức là một diễn viên tay ngang không thể nào mà trụ sân khấu lâu được. Bởi vì trên sân khấu, nghệ sĩ phải trụ một nhân vật từ đầu xuyên suốt gần 3 tiếng đồng hồ, nếu là nhân vật chính.

Điện ảnh thì lại có một điểm khác. Đó là anh diễn từng cảnh. Nhưng anh lại bị khó điểm này, đó là ngày hôm nay, anh diễn cái cảnh này như thế thì ngày mai anh diễn tiếp cảnh đấy thì anh phải lấy lại được tất cả những tình cảm ấy thật nhanh. Mỗi cái nó có một cái khó riêng.

vovlive-tro-chuyen-am-nhac-nsnd-lan-huong(1).jpg

Kịch thể nghiệm khiến tôi hạnh phúc

Lâu nay, nhiều người vẫn biết đến chị với vai trò là diễn viên và có lẽ ít khán giả biết chị còn làm đạo diễn sân khấu nữa. Từ diễn viên chuyển sang đạo diễn - hành trình ấy cho chị cái nhìn nào khác về nghệ thuật sân khấu hay không?

NSND Lan Hương: Đến năm 2.000, mình mới bắt đầu đi học đạo diễn. Năm 2005, mình tốt nghiệp. Tốt nghiệp xong, mình vẫn diễn thì mình lại thấy là thế này. Trong lúc học đạo diễn thì mình lại được bồi bổ hơn về các nhân vật, tức là mình lại còn hiểu sâu hơn nhân vật mà mình thể hiện.

Từ năm 2002 thì chị dành nhiều thời gian hơn cho loại hình nghệ thuật kịch hình thể. Vì sao chị lại có sự lựa chọn này?

NSND Lan Hương:  Đầu tiên, tôi chỉ nghĩ là tôi muốn quay lại với múa vì tôi quá yêu nghề múa mà tôi không được phép theo đuổi. Cái thứ hai nữa là lúc đấy ông Trần Tiến Thuật, Giám đốc Nhà hát có nói là các cháu bây giờ tìm một hướng mới cho nhà hát.

Mình cố gắng nghĩ và mình thích cái đấy quá! Đi nước ngoài nhiều, mình lại xem rất nhiều và thấy thế giới, họ cũng bắt đầu đi theo hướng đó. Tức là họ không còn đóng kịch chỉ có đứng nói không nữa rồi. Họ bắt đầu đưa hình thể vào, đưa múa vào. Và múa cũng không có múa không nữa rồi. Họ bắt đầu múa không theo cái luật chuyển động cũ của múa như ngày xưa nữa.

Thế là mình về mình xin làm. Đó, cái nguyên do là như thế

Chị có còn nhớ vở kịch đầu tiên mà đoàn kịch thể nghiệm do chị phụ trách dàn dựng hay không và lúc đó thì khán giả đón nhận như thế nào?

NSND Lan Hương: Vở đầu tiên là vở “Con bệnh bí hiểm”. Hiệu ứng lúc đấy là họ hơi lạ, hơi lạ cái là vừa nói vừa làm hình thể. Khi họ đi xem kịch nói, họ thích nhất ở kịch nói là sự giãi bày, nói thật nhiều, nếu họ chưa hiểu đầu này thì đầu sau nói lại, thế mà kịch hình thể lại không như thế.

Tất cả hình thể là để mang hình tượng, là bắt buộc phải chăm chú. Họ không chăm chú và chả hiểu gì cả. Có người thích, có người không thích. Người thích thì lại thích lắm, nhưng người nào không thích thì bảo, chả hiểu gì.

Nhiều người cho rằng việc tạo dựng một đoàn kịch thể nghiệm vào thời điểm bấy giờ khá liều lĩnh. Vậy vì sao chị lại không sợ mà quyết tâm theo đuổi cái loại hình này?

NSND Lan Hương: Có thể mình tự tin quá! Về sau, mình thành lập được mười năm thì Nhà nước bắt đầu kêu gọi tự lập, xã hội hoá. Tuy nhiên xã hội hoá đối với lại cái thể loại này thì hơi khó. Tất cả những người bỏ tiền ra xã hội hoá với nhà hát thì người ta cũng muốn là nó phải có khách…

Nhưng mà tôi lại thấy vui ở một điểm là tất cả những vở tôi và anh Lê Hùng làm thì đều có tiếng vang. Ví dụ như là vở “Giấc mơ trưa” của tôi, vở “Hàn Mặc Tử” của anh Lê Hùng, vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của tôi và “Cô bé bán diêm” của anh Lê Hùng, vở “Kiều” của tôi… Tất cả đều được đánh giá mức dàn dựng đặc biệt.

Không chỉ gây được tiếng vang ở trong nước, chị cùng với các nghệ sĩ, đoàn kịch thể nghiệm còn chinh chiến ở nhiều liên hoan quốc tế nữa và nhiều người vẫn còn nhớ đến giải thưởng tại Liên hoan kịch ngắn quốc tế Sơn Đông, Trung Quốc. Chị đã làm điều đó như thế nào?

NSND Lan Hương: Cái hồi ở Sơn Đông,Trung Quốc là chúng tôi dự thi hai cái tiết mục. Một cái là “Lá rụng” và một cái là “Giấc mơ hạnh phúc”. Sau khi hai tiết mục này diễn xong thì tất cả hội trường đứng dậy vỗ tay.

Tôi không nghĩ là mình được đâu bởi vì bao nhiêu nước tham gia như thế mà Trung Quốc thì họ lại quá giỏi. Khi mà người ta nói là được đại giải, tức là trên cả giải vàng nữa, tôi rủn hết cả người.

Tập thì tập rất ghê rồi. Mình thì được cái là đã yêu cái gì thì mình hết sức lắm, không nghĩ gì ngoài cái tập cả ngày, cả đêm. Tập múa này. Tập từng động tác một, tập cả cái hất tóc… Tập hình thể không thể nào đơn giản được mà nó cần phải rất chắc chắn. Mình nghĩ là tất cả công sức của mình đã được ghi nhận.

vovlive-tro-chuyen-vov-nsnd-lan-huong-2-1-.jpg

Tiếc nuối và trăn trở vì không còn được làm kịch thể nghiệm…

Nhiều năm giữ vai trò là đạo diễn, trưởng đoàn kịch thể nghiệm thì điều gì khiến chị trăn trở hay tiếc nuối?

NSND Lan Hương: Mình trăn trở và tiếc nuối công sức ngần ấy năm của cả nhà hát, của cả ban lãnh đạo, một công sức rất lớn của cả mình và của cả ekip rồi cả diễn viên nữa.

Ví dụ, có những em diễn viên có những vai phải thoại lúc uốn dẻo, em ấy nói “cô ơi, khó quá”. Lúc đó, mình nói “phải cố lên bởi vì sẽ không ai làm được cả, chỉ có đoàn mình làm được thôi. Cho nên con phải cố”.

Hoặc là đứng những động tác múa mà vẫn phải nói, vẫn phải thoại. Hoặc tạo hình những động tác mà vẫn phải thoại chứ không phải được đứng một cách bình thản.

Đấy, cho nên rất khó!

Mình cũng đã làm kịch thể nghiệm được mười năm và khán giả đã bắt đầu “À! cũng hay đấy chứ nhỉ”. Ví dụ như mình đã bắt đầu làm cái vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, mọi người đã bắt đầu thấy thích rồi, hay đấy chứ vì nó vẫn rất là dân tộc.

Hoặc là đến vở “Kiều” rất là lạ. Mọi người bắt đầu xem “ờ thích đấy chứ” thì bắt đầu không còn được làm nữa. Mình tiếc cái điểm là đã có một êkip, một tốp diễn viên đặc biệt mà lại phải mất đi, cho nên là mình nuối tiếc lắm!

Vậy chị nhận thấy lớp nghệ sĩ trẻ hiện nay họ tiếp nối và phát triển kịch thể nghiệm của nước ta như thế nào?

NSND Lan Hương: Bây giờ là ngoài đoàn của mình ra (đã nghỉ rồi) thì cái chính thống của một cái kịch thể nghiệm đang rất yếu ớt. Tức là cả năm, có thể anh ta vẫn đi dựng các kịch bình thường và đến một hội diễn thì tự dưng anh ta đi dựng kịch thể nghiệm chứ không như mình.

Đoàn mình ngày xưa là chỉ dựng những thể nghiệm, những cái đương đại mà mình gọi là kịch đương đại. Bao giờ cũng là một vở luôn.

Giờ, bảo cho tôi làm đạo diễn một vở kịch bình thường thì nó cứ nhẹ như lông hồng. Bởi vì tôi không phải nghĩ.

Chứ kịch hình thể là tôi phải nghĩ là “à, một kịch bản như này, rồi một lời thoại dài như này, bây giờ lời thoại này tôi bắt diễn viên tôi làm những động tác gì để nó toát được cả cái câu này mà chỉ bằng một động tác hình thể”.

Hiện nay thì sân khấu nói chung và kịch thể nghiệm nói riêng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Vậy theo chị làm thế nào để loại hình này nó gần gũi hơn với khán giả và được khán giả yêu mến nhiều hơn?

NSND Lan Hương: Từ khi mình nghỉ là đầu năm 2018 cho đến bây giờ là gần 2 năm rồi. Thực sự là mình buồn là bởi vì không có ai bước tiếp một cái thể loại mà cả thế giới giờ đang tung hô.

Trong thời điểm hiện nay nói thật tình là Nhà nước vẫn phải sốc lại, đừng để bỏ mặc nó, vẫn phải có định hướng. Ví dụ như là thể nghiệm để làm gì? Để cho nó thay đổi, đỡ nhàm chán một lối mòn cũ trên sân khấu.

Cần phải tìm tòi, như một món ăn mới, một gia vị mới để làm. Cái kịch chính thống và cái kịch thể nghiệm nó phải đều đều chứ không phải là đến hội diễn mới bắt đầu vắt chân lên cổ suy nghĩ và tìm người về để mà dàn dựng.

Được biết hiện nay chị còn đang tham gia công tác giảng dạy ở trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Có phải là chị muốn truyền cảm hứng hay là truyền lửa đam mê cho các thế hệ tiếp theo không ạ?

NSND Lan Hương: Chuẩn là như thế. Mình đã dạy trường từ những năm 2011 đến bây giờ và cũng mong muốn rằng các em đấy là được mình truyền lại kinh nghiệm. Và mình cũng rất mong muốn trường có một cái biểu diễn giống như kịch của mình.

Hy vọng là sẽ có một cái lớp đào tạo mà dạy diễn viên theo cái lối diễn tổng hợp và mình sẽ tham gia giảng dạy lớp đấy nhé!

Mong muốn quay lại với điện ảnh

Gần đây, chị cũng tham gia một vài bộ phim truyền hình và cũng tạo được sự chú ý của người yêu điện ảnh. Có lẽ là khán giả vẫn rất mong gặp lại chị trong nhiều bộ phim điện ảnh cũng như truyền hình nữa. Còn chị thì sao ạ, điện ảnh hay truyền hình có sức hút với chị hay không?

NSND Lan Hương: Mấy năm vừa rồi tôi thấy truyền hình có rất nhiều chuyện hay, nó cuốn hút. Mình vẫn là một diễn viên. Như hai phim vừa rồi, mọi người cũng hay ngại, cứ hỏi là “Cô ơi cô! Thế cô làm hộ cho con cái này được không? Con cứ ngại ngại”. Mình bảo “Không! Cô làm được”. Các bạn lại bảo “Nhưng vai này nó ngắn thôi cô ạ!”. Mình lại bảo “Ngắn cũng được! Không sao cả. Cứ gọi cho cô”.

Thế nhưng đến phim “Ngược chiều nước mắt” các bạn lại bảo “Cô ơi cô! Vai này cũng là mẹ chồng đấy nhưng lại ngược lại với mẹ chồng kia thì cô có nhận không?”. Mình nói ngay “Nhận chứ sao không nhận. Cô thì cái gì cũng nhận”.

Thực sự là bây giờ mình mong muốn quay lại với điện ảnh. Rất mong là có một bộ phim điện ảnh hết sức nghệ thuật nào đấy mà mình tham gia. Rất là thích! Mình thì mong ước là như thế. Tôi nghĩ là có dự án nào phù hợp đối với mình về điện ảnh hoặc video truyền hình là tôi sẽ tham gia.

Vâng, xin cảm ơn Nghệ sỹ Nhân dân Lan Hương về buổi trò chuyện hôm nay! 

Tổng hợp từ chương trình "Hành trình sáng tạo"/VOV2

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nghe
1x
1.5x
2x
  • vov1
  • VOV GIAO THONG HA NOI
  • VOV GIAO THONG HCM
  • vov2
  • vov3
  • vov4
  • vov5
  • vov6
  • vovtv
  • vtc1
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Malaysia
VOVLIVE - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.
Mới nhất