-
Cuồng phong
Nguyễn Phan Hách
"Cuồng phong" là câu chuyện về lịch sử Việt Nam thế kỷ XX dữ dội và chói sáng, được kể qua chuyện đời của một dòng tộc với bốn thế hệ, đại diện cho các hệ tư tưởng khác nhau của người dân Việt Nam thời bấy giờ: người nông dân với lòng yêu nước bản năng tham gia khởi nghĩa chống Pháp; những ông Nghè khao khát Duy Tân xây dựng đất nước độc lập; chiến sĩ cách mạng tham gia kháng chiến giành độc lập thống nhất. Các thế hệ với những tư tưởng khác nhau cùng bước vào thời bình.
Chương mới nhất
-
"Cuồng phong" là cuốn tiểu thuyết để đời của nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách. Tác phẩm được ông hoàn thành trong 10 năm, ra mắt độc giả lần đầu năm 2008. Thông qua câu chuyện trong một gia tộc bốn thế hệ, tiểu thuyết phản ánh chân thực giai đoạn thế kỷ XX của đất nước với nhiều biến động.Thu gọn
-
Câu chuyện bắt đầu từ những trang nhật ký ghi trong cuốn sổ tay của nhân vật xưng "Tôi" tên là Trung, kể về cuộc gặp gỡ giữa ba anh em Trung, Lữ và Hải Yến tại resort Vườn Tịch Dương. Nội dung chính của cuộc gặp này ngoài việc bàn chuyện góp vốn làm ăn, còn bàn chuyện thực hiện một bộ phim có nhan đề "Ký sự gia tộc", nói về dòng họ của anh em con chú, con bác Trung và Lữ. Và những thước phim đầu tiên là về cụ tổ Cả Cồ - một thanh niên to lớn khỏe mạnh, người sinh ra mà không biết bố mình là ai. Anh được xây dựng như một người khác thường với giọng nói ồm ồm, cánh tay rắn chắc, dáng người lừng lững... Cả Cồ có thể nhổ bật rễ cây tre dễ dàng, ghì vật trâu ngã kềnh nhẹ như không, rồi bóp cổ khiến hổ tắc thở chỉ trong tích tắc, còn đối với đám trai làng, Cả Cồ chấp hàng chục người. Danh Cả Cồ nổi như cồn, đám trai làng tình nguyện theo Cả Cồ đi đánh nhau với trai làng khác. Đoàn quân của Cả Cồ không có đối thủ. Đúng lúc ấy có một toán cướp hung tợn xuất hiện. Liệu Cả Cồ có đủ sức diệt trừ bọn cướp, cứu giúp dân làng?Thu gọn
-
Quân Cả Cồ đánh bại toán cướp làm hả hê cả vùng, chỉ thiếu nước người ta tôn Cồ lên làm thánh. Oai danh Cả Cồ lừng lẫy, ai ai cũng biết đến. Một lần lang thang trong rừng, anh bắt gặp một cô gái đang tắm dưới suối. Không cưỡng được vẻ đẹp trong trắng, tinh khiết của cô gái, Cả Cồ nhảy xuống suối, cưỡng hiếp cô. Cồ cởi chiếc vòng bạc có móc năm chiếc vuốt hổ, dùng chiếc khánh khắc tên mình rồi đeo vào cổ cô gái như muốn nhắc nhở hai người đừng bao giờ quên nhau. Thấm thoắt sáu năm trôi qua, cũng là ngần ấy năm cậu bé Nguyên - con của cô gái và Cả Cồ - có mặt trên cõi đời. Giờ đây, mẹ của Nguyên đã mất, cậu sống với ông ngoại mình là ông Đồ Ngạn. Ông Đồ Ngạn cất kỹ chiếc vòng bạc có móc năm chiếc vuốt hổ và chiếc khánh bạc khắc tên họ Cả Cồ vì không muốn cho Nguyên biết đến tên bố nó - người mà theo ông chỉ là giặc cỏ, tướng cướp, võ biền... Thế nhưng, thời gian đã chứng minh ngược lại, Cả Cồ thực sự là một lãnh tụ nghĩa quân có tầm vóc. Dưới sự chỉ huy của Cả Cồ, quân và dân đã đào hào, đắp lũy, rào làng, chế tạo súng hỏa mai, rèn giáo mác, làm cung tên, cắm chông, đặt bẫy để tìm kế lâu dài đánh Pháp. Ông Đồ Ngạn đổi ý, liền đưa Nguyên lên rừng tìm gặp Cả Cồ. Phút giây cha con gặp nhau mừng mừng, tủi tủi rồi cũng qua mau. Nghe theo lời khuyên của ông Đồ Ngạn, Cả Cồ cho gửi Nguyên đến ở nhà ông Tú Cát ở một tỉnh phía nam xa xôi đề phòng bất trắc...Thu gọn
-
Mười năm hòa hoãn với quân Pháp khiến cho Cả Cồ ngủ say trên chiến thắng. Khi quân Pháp bất ngờ tổng tiến công, quân Cả Cồ không kịp trở tay, mạnh ai nấy chạy. Riêng Cả Cồ chạy vào ẩn náu trong một cái hang nơi rừng sâu. Ông Đồ Ngạn bị bắt, giặc tra tấn khiến ông buộc phải dẫn chúng tới bắt Cả Cồ. Vừa nhìn thấy giặc, Cả Cồ rút súng tự vẫn. Quân Pháp tróc nã, chu di tam tộc nhà Cả Cồ. May thay, còn có cậu bé Nguyên được ông Đồ Ngạn gửi ông Tú Cát nuôi dạy, là người trong dòng tộc duy nhất còn sống sót. Cậu bé Nguyên ngày nào nay đã là một chàng trai trưởng thành với cái tên rất đẹp: Nguyễn Đức Nguyên... Khi Nguyễn Đức Nguyên thi đỗ tiến sĩ, được bổ nhiệm làm quan huyện, ông Tú Cát mới kể cho chàng biết bố đẻ thật của chàng là ai. Tự hào về người cha uy dũng, quan huyện Nguyễn Đức Nguyên nguyện làm một ông quan tốt, thanh liêm, chính trực. Ông còn làm một việc mà trước đó chưa có ông quan phụ mẫu nào từng làm, đó là mở cửa hàng bán nước mắm, mở trường dạy học...Thu gọn
-
Ngoài việc mở cửa hàng bán nước mắm, mở trường dạy học, cắt tóc, quan huyện Nguyễn Đức Nguyên còn tìm cách thức tỉnh dân chúng nhận ra những điều bất cập của tư tưởng Nho giáo, tìm đến một ý thức hệ mới, lấy việc canh tân đất nước, mở mang dân trí làm cơ sở tiến tới giành nền độc lập cho đất nước. Thấy bất lợi cho việc cai trị của mình, quân Pháp đã bắt Nguyên và phế truất chức quan huyện của ông, giam ông ở Côn Đảo. Mặt khác, chúng vẫn bổ nhiệm con trai cả của ông là Nguyễn Đức Vĩnh - bố của Lữ - làm quan phụ mẫu Thuận An. Quan phụ mẫu Đức Vĩnh cũng rất thức thời, khi bố mình vượt ngục bị chết ở Côn Đảo, ông răn dạy mọi người hãy quên chuyện này đi, không có lợi. Trong khi đó, người con trai thứ Nguyễn Đức Hàm - bố của Trung - lại là người sống có lý tưởng, theo đuổi mục đích đấu tranh đòi độc lập, dân chủ... Ông tham gia hoạt động trong các nhóm yêu nước, tích cực viết các bài báo tố cáo Pháp và công khai đòi độc lập cho nước nhà...Thu gọn
-
Quan tri huyện Đức Vĩnh rất kinh ngạc khi em mình - Đức Hàm - nói sẽ nghỉ học trường Cao đẳng Luật Hà Nội để làm báo. Đức Vĩnh hết lời khuyên em chỉ có đi theo con đường làm quan cho Pháp mới là cách tốt nhất để giữ được sự vinh hiển cho dòng họ, nhưng Đức Hàm kiên quyết nghỉ học để đi theo lý tưởng của mình. Về danh nghĩa thì Lữ, Trung và Hải Yến là ba anh em trong nhà. Nhưng thực ra Vũ Hùng - bố của Hải Yến - là con nuôi trong gia đình ông huyện Nguyên. Năm xưa, ông huyện Nguyên đón Hùng về nuôi vì thương tình gia đình cậu nghèo, không có tiền đóng thuế. Nói là người ở nhưng Vũ Hùng được ông đối xử như con trong nhà, cậu được mọi người coi trọng và trở thành quản gia trông coi mọi việc trong nhà. Thế rồi Cách mạng tháng Tám diễn ra, Vũ Hùng từ địa vị người ở bỗng trở thành người đầy uy lực... Được sự tin cậy của cán bộ Việt Minh, Hùng lãnh đạo toàn dân quân tự vệ giành chính quyền từ tay thực dân Pháp...Thu gọn
-
Cách Mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra làm thay đổi số phận bao con người ở huyện Thuận An. Từ giờ phút này, nhân dân đã làm chủ vận mệnh của mình, quan tri huyện Đức Nguyên nộp ấn triện, thẻ ngà, bằng sắc cho Vũ Hùng. Còn Đức Hàm, từ ngày nghỉ học ở trường Cao đẳng Luật Hà Nội, anh dồn sức viết các bài báo đòi độc lập, dân chủ, tự do cho Việt Nam. Ngày 19/8/1945, anh đã được chứng kiến những giờ phút lịch sử của đất nước, của dân tộc... Sau Lễ Độc lập ít ngày, Đức Hàm tiếp một vị khách quan trọng của Việt Minh, đó là ông Thanh Quang, bạn học cùng trường với Đức Vĩnh. Thanh Quang mời Đức Hàm và Đức Vĩnh làm việc cho cách mạng, nhưng Đức Vĩnh nhờ em từ chối khéo. Đức Vĩnh sẽ đi tu tại chùa Bát Tháp Vạn Bảo như một cách trốn tránh cuộc đời...Thu gọn
-
Nửa năm sau lễ Tuyên ngôn Độc lập, tình hình đất nước có rất nhiều biến động. Đúng như Đức Vĩnh và Đức Hàm dự báo, Pháp núp sau quân Anh tiến đánh Nam Bộ. Hiệp ước sợ bộ ngày 6/3/1946 được ký kết, quân Pháp tràn vào chiếm đóng Hà Nội. Sau mấy tháng nhận lời làm trợ lý cho ông Thanh Quang trong Bộ Ngoại Giao, Đức Hàm trở thành một nhân vật quan trọng được cử vào phái đoàn ngoại giao đi hội nghị trù bị tại Đà Lạt. Gần một tháng đàm phán tại đây, Đức Hàm hiểu Pháp sẽ không từ bỏ ý đồ chiếm đóng Việt Nam. Ngày 10/5/1946, đoàn Việt Nam bỏ họp với một thông điệp kiên quyết: "Không bao giờ chúng tôi bỏ đất Nam Bộ. Nhân dân Việt Nam sẽ chiến đấu đến cùng để giành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ". Đức Hàm biết vai trò của mình quá nhỏ bé trong hội nghị này, nhưng anh vẫn sung sướng vì được làm công việc phù hợp với lý tưởng của mình.Thu gọn
-
Tối 19/12/1946, tiếng đại bác rung chuyển bầu trời Hà Nội, báo hiệu cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta bắt đầu. Khi cuộc đàm phán tại Đà Lạt đi vào ngõ cụt, Đức Hàm đã chuẩn bị cho mình một công việc mới, đó là ghi lại những hình ảnh lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp. Với chiếc mũ sắt đính sao tròn Tự Vệ Thành, một khẩu tiểu liên và chiếc máy ảnh, anh lao vào cuộc chiến oanh liệt của nhân dân Hà Nội. Gần hai tháng lăn lộn cùng chiến tranh, Đức Hàm gầy sọp đi. Không ai còn nhận ra chàng trai hào hoa, phong nhã ngày nào, nhưng Đức Hàm vui vì mình đã được chứng kiến, ghi lại những bức ảnh có giá trị lịch sử....Thu gọn
-
Mùa đông năm 1947, quân Pháp chiếm Hà Nội và tiến quân ra vùng phụ cận. Ủy ban kháng chiến huyện Thuận An phải rời phố huyện về căn cứ Tam Thuận Thiên cách đó chừng 10 km. Quân Pháp chiếm phủ Thuận An, chiêu mộ lính quốc gia. Thuận An hình thành thế trận da báo, quân Pháp Ngụy và quân Việt Minh ở đan xen nhau. Lính Ngụy chỉ dám nghênh ngang ban ngày còn ban đêm phải nhường không gian cho Việt Minh. Vũ Hùng nổi tiếng vùng Thuận An với những mẹo du kích đánh địch dũng cảm, thông minh, tài trí, trong khi đó ông Đức Vĩnh được quân Pháp mời ra làm phó tỉnh trưởng Gia Lâm. Trước nguy cơ mất chính quyền vào tay Việt Minh, các tướng lĩnh Pháp Ngụy phải vội vàng tăng cường cho khu vực Thuận An... Một viên sĩ quan trẻ được đào tạo bài bản trong trường sĩ quan Pháp được điều về chỉ huy các lực lượng vũ trang Pháp Ngụy. Lan Viên ngạc nhiên khi viên sĩ quan chính là Vũ San, anh ruột của cô bạn thân Lệ Diễm.Thu gọn
-
Gặp lại Vũ San - anh trai của cô bạn thân Lệ Diễm - giờ là quan ba chỉ huy quân Pháp Ngụy tại Thuận An, Lan Viên vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng. Họ từng có những kỷ niệm thật lãng mạn khi cô còn học ở trường nữ sinh Đồng Khánh trên Hà Nội. Hai người tâm sự về những thay đổi trong cuộc sống mấy năm qua. Vũ San thú thực với Lan Viên mình không muốn đi lính mà chỉ thích làm họa sỹ, nhưng hoàn cảnh bắt buộc anh phải vào học trường võ bị, làm sỹ quan cho Pháp. Một năm sau, bộ đội chính quy kết hợp với bộ đội địa phương do Vũ Hùng chỉ huy, tấn công đồn Thuận An. Sau hơn ba giờ giao tranh khốc liệt, quan đồn Vũ San xin hàng... Đại đồn Thuận An sau khi bị san bằng thì quân Ngụy không đủ sức lập căn cứ mới. Bút Nam trở thành vùng tự do. Trong niềm hân hoan thắng lợi, đám cưới của Vũ Hùng và Lan Viên được tổ chức theo lối đời sống mới ở vùng kháng chiến.Thu gọn
-
Năm 1954, với chiến thắng quan trọng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hiệp ước Geneve được ký kết. Từ vỹ tuyến 17 trở ra miền Bắc là đất của Việt Minh, từ vỹ tuyến 17 trở vào miền Nam tạm thời do phe Quốc gia quản lý. Sợ quân Việt Minh trả thù, Quan phó tỉnh trưởng Gia Lâm Đức Vĩnh phải đưa gia đình vào miền Nam. Mọi người đều linh cảm cuộc chia tay này sẽ không có ngày gặp lại. Cuối thu năm 1954, Đức Hàm trong vai một nhà báo cùng lính Việt Minh tiếp quản Thủ đô, đã không khỏi xúc động khi nhìn thấy những khung cảnh thân quen của Thủ đô Hà Nội... Bà Nghè Nguyên không ngờ cuộc đời lại nhiều thay đổi đến vậy. Cuộc cải cách ruộng đất năm 1956 quy bà tội đại địa chủ, bà sẽ bị đem ra đấu tố. Nghe tin bà Nghè bị quy kết là phản động, Đức Hàm và Vũ Hùng vội về Thạch gia trang tìm cách giải quyết, nhưng Đức Hàm, Vũ Hùng, Lan Viên bàn cả đêm cũng không tìm ra cách giải tội cho bà Nghè...Thu gọn
-
Trước viễn cảnh bà Nghè bị đấu tố tội đại địa chủ, Đức Hàm và Vũ Hùng đều đau lòng và bất lực. Vài ngày sau, đội cải cách vào Thạch gia trang kiểm kê tài sản, tất cả đồ đạc tài sản tại đây đều bị chia cho hết. Cuộc cải cách được tiến hành rất triệt để, người giàu có lại trở thành kẻ xấu xa, khiến mọi người bỗng nhiên đều sợ giàu. Đúng ngày 23 tháng Chạp, bà Nghè và Lan Viên bị mang ra đấu tố. Sợ hãi đám đông đang trong cơn phấn khích mù quáng, bà Nghè vội vàng nhận cái tội giàu của mình nhưng vẫn chưa được tha. Bao kẻ bần cố trước kia ghen ghét, căm tức trước sự giàu có của Thạch gia trang, giờ đây đều nhảy ra đấu tố, kết tội bà...Thu gọn
-
Dẫu đã lường trước được sự khủng khiếp và lạ lùng của cuộc cải cách ruộng đất, Đức Hàm cũng không thể ngờ hết sự khốc liệt của nó. Cuộc cải cách trở thành cơn cuồng phong tàn phá mọi vùng quê. Rồi việc Đức Hàm lo lắng nhất cũng đến, anh được thông báo cho nghỉ việc và phải viết kiểm thảo khuyết điểm của mình là thành phần xuất thân từ địa chủ. Anh viết suốt đêm này qua đêm khác mà không bịa ra được những khuyết điểm của bản thân. Thời đi học, anh dám chiến đấu vì chân lý, không biết sợ là gì, kể cả tù đầy. Thế mà giờ đây, trước sự đảo lộn của thời cuộc, Đức Hàm bỗng trở thành người nhút nhát, sợ hãi. Anh phải cắn răng viết bản tuyên bố cắt đứt quan hệ với mẹ đẻ của mình là bà nghè. Trong lúc đó, Vũ Hùng cũng như ngồi trên đống lửa. Anh định về cứu vợ, cứu mẹ rồi muốn ra sao thì ra..., nhưng cậu lái xe vội khuyên Vũ Hùng không nên thiếu bình tĩnh, mà sự việc càng thêm tồi tệ. Trong lúc Vũ Hùng viết bản kêu cứu định gửi lên cấp trên thì nghe tin Bí thư và Chủ tịch tỉnh cũng bị bắt giam vì bố, mẹ đều là địa chủ. vài ngày sau, anh bị quy tội phản lại giai cấp khi lấy con của đại địa chủ...Thu gọn
-
Trong khi còn chưa giải quyết được tội bị quy kết phản bội giai cấp vì lấy con đại địa chủ thì Vũ Hùng lại nhận thêm một tin sét đánh. Anh bị kết tội gián điệp vì đã giúp Vũ San trốn thoát khỏi trại giam. Giờ tội của anh còn to hơn cả bà Nghè và Đức Hàm. A quyết định phải cứu mình trước khi lo cứu vợ và bà Nghè. Đau đớn, day dứt, cuối cùng anh cũng phải viết đơn ly dị Lan Viên để mình thoát tội. Vũ Hùng được đội cải cách Đông Phong phân về ở trong nhà bà gái Nhỡ - một cố nông có con gái tên là Huệ đang làm chủ tịch xã. Nhiệm vụ của anh là phát động những ai có khổ tố khổ để phát hiện đại địa chủ bóc lột. Để hoàn thành chỉ tiêu cấp trên giao cho, anh phải dựa vào những lời kể của bà gái Nhỡ - người trước kia làm nghề gánh phân lợn. Từ một kẻ dưới đáy xã hội, bà gái Nhỡ bỗng thành người quan trọng, lời nói của bà quyết định số phận biết bao con người....Thu gọn
-
Trót rơi vào cái bẫy Huệ giăng ra, Hùng đành nhắm mắt cưới Huệ với cái thai đang mang trong bụng. Còn Lan Viên và bà Nghè suốt một năm qua luôn phải sống trong cảnh khốn khó, chà đạp của những kẻ tự nhận mình là bần cố nông. Những người trước kia vốn rất quý mến hai mẹ con Viên giờ cũng tìm cách né tránh vì sợ liên lụy tới giai cấp địa chủ, bóc lột. Cũng trong thời gian này, không khí đấu tố, xử lý những địa chủ trong vùng đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Thậm chí, Lan Viên phải lấy nhựa khoai lang bôi lên mặt, lên người để tránh sự dòm ngó xung quanh. Tuy nhiên, giữa lúc khốn khó nhất, cô vẫn có một chỗ dựa tinh thần, chính là Thuần Phong - người bạn thân của Hàm. Thông qua Phong, Viên đã biết thêm nhiều thông tin về anh trai mình...Thu gọn
-
Trong lúc cả vùng Thuận An liêu xiêu vì nạn đói thì bà nghè và Lan Viên, nhờ có tiền tiếp tế do Hàm gửi về, nên cuộc sống của họ phần nào đi vào ổn định. Thuần Phong, với tư cách là người liên lạc, nên có nhiều cơ hội tiếp xúc và trò chuyện với Lan Viên. Chính những cơ hội ấy đã khiến hai người xích lại gần nhau hơn. Rồi những ngày cải cách sóng gió lại bất ngờ ra đi, khi cấp trên nhận thấy những sai lầm trong việc thực hiện và ra chỉ thị sửa sai. Các đội cải cách giờ lột xác thành đội sửa sai. Với mẹ con Lan Viên, giờ địa vị làm người của họ đã được trả lại, nhiều sự việc tố sai tố điêu khác cũng bị công bố. Tuy nhiên sự sám hối muộn màng này cũng khiến không ít gia đình ly tán, đau thương. Lúc này, Hàm cũng quay về Thạch gia trang, đoàn tụ với mẹ và em....Thu gọn
-
Sau những ngày đầy biến động của đợt cải cách ruộng đất, gia đình bà nghè lại được đoàn viên tại Thạch gia trang. Hùng cũng trở về xin lỗi mẹ và Lan Viên và được cả hai rộng lòng tha thứ. Tuy nhiên, ấn tượng khó quên về những ngày đã qua gây ám ảnh mạnh trong tâm trí bà nghè và Lan Viên. Cuối cùng, họ quyết định lên Hà Nội sinh sống, Thạch gia trang giao lại cho Hùng trông coi quản lý. Lên Hà Nội, mẹ con bà sống trong ngôi biệt thự Hoàng Lan và Lan Viên trở thành cô tiểu thư Hà thành thanh lịch. Từ khi lên Hà Nội, Lan Viên cũng không có cơ hội gặp lại Thuần Phong, chỉ đến khi cô bất ngờ nhận được bức tranh Thuần Phong vẽ cô trên chiếc thuyền trong buổi chiều trốn tránh nguy hiểm ở quê thì mọi ký ức mới ùa về, khiến hai người một lần nữa gắn bó với nhau...Thu gọn
-
Vào giai đoạn những năm 1958-1960, dòng họ Nguyễn Đức dường như đã bước qua thời kỳ bĩ cực để đến hồi thái lai. Lúc này, Nguyễn Đức Hàm được tổ chức cất nhắc chỉ định đi phụ trách làm thí điểm xây dựng tổ đội công ở Đông Phong, Thanh Đô. Về Đông Phong, Hàm lại phải dựa vào Huệ - vợ Hùng - lấy Huệ làm cán bộ cơ sở chủ chốt. Anh vượt qua nhiều định kiến của bà con để thể hiện mình là cán bộ có năng lực, trình độ, thực sự gần dân. Chính điều này khiến uy tín của Hàm được nâng cao. Hơn thế nữa, chính Hàm cũng tích cực đổi thay, áp dụng nhiều phương pháp sản xuất mới, vận động lao động sáng tạo khiến phong trào sản xuất ở Đông Phong phát triển mạnh, thành một điểm sáng trên cả nước.Thu gọn
-
Mặc dù say mê với phong trào Hợp tác xã đang lên như diều gặp gió và bản thân được đề cao như một nhân tố mới xuất sắc, nhưng Hàm vẫn nhận ra mắc mớ ,bất cập nằm sâu bên trong vẻ ngoài thành công. Hàm phát hiện ra khiếm khuyết trong bộ máy vận hành, phương thức làm ăn tập thể hợp tác xã ban đầu phát huy rất tốt, nhưng càng về sau càng trở nên bất hợp lý bởi tư tưởng "cha chung không ai khóc". Chính điều đó khiến sau hơn 10 năm thực hiện mô hình hợp tác, năng suất lúa lại giảm sút và nông dân vẫn nghèo đói. Hàm thực sự hoang mang và quyết tâm tìm ra căn nguyên tận gốc...Thu gọn
-
Sau chuyến vi hành để tìm hiểu vì sao mô hình Hợp tác xã không mang lại lợi ích, hiệu quả kinh tế cho nông dân, Đức Hàm hiểu nhiều hơn về bất cập của mô hình này. Anh quay lại Đông Phong tìm gặp Huệ - một chủ nhiệm HTX đang được đánh giá là có tài và rất năng nổ, nhiệt tình với công việc.. Mặc dù vậy, bản thân Huệ không nhận ra được sự nghèo túng của chính mình vì cô nghèo mà không biết mình nghèo. Đức Hàm bàn với Huệ chủ trương làm sao nâng cao năng suất, tăng cường trách nhiệm cho xã viên. Ban đầu Huệ không hiểu những phân tích có phần mâu thuẫn của Đức Hàm nhưng cô cuối cùng vẫn đồng ý đi theo ý kiến của anh. Kết quả là Đông Phong đã có được mùa vàng bội thu, nhưng trớ trêu là người gây dựng lên nó là Đức Hàm và Huệ thì lại bị cách chức vì phá hoại cuộc cách mạng hợp tác hóa... Lan Viên và Thuần Phong cũng quyết định tổ chức đám cưới...Thu gọn
-
Hà Nội năm 1966 bắt đầu bước vào cuộc chiến tranh phá hoại bằng không lực của Hoa Kỳ. Cả thành phố luôn bị đặt trong tình trạng báo động xơ xác tiêu điều. Cũng trong thời gian này, Thuần Phong lại nhận quyết định trở vào Nam chiến đấu. Tin này khiến Lan Viên vô cùng buồn bã nhưng cô không cách nào ngăn cản được. Thuần Phong được tổ chức giao nhiệm vụ như một tình báo chiến lược tìm cách luồn sâu vào hang ổ giặc nhằm chờ thời cơ thực hiện nhiệm vụ cụ thể. Hòa nhập với cuộc sống trong Nam lúc bấy giờ, Thuần Phong ngẫm ngợi ra được nhiều điều bởi sự khác biệt giữa cuộc sống trong Nam và ngoài Bắc. Anh luôn băn khoăn với câu hỏi "Ta là gì trong cuộc chơi này?"... Mặc dù đã hòa nhập nhưng anh luôn canh cánh vì sợ bị phát hiện, nhất là khi nhìn thấy những chiến sĩ biệt động nội gián bị địch bắt tra tấn dã man khiến lòng Phong không yên, và anh cũng không có được những hoạt động tích cực có lợi cho cách mạng. Nhận thấy tiềm năng của Thuần Phong là có nhưng chưa được phát huy hết, tổ chức quyết định đưa Thuần Phong sang môi trường hoạt động khác để anh có cơ hội phát huy khả năng của mình - đó là đưa anh sang Paris hoạt động.Thu gọn
-
Sang Paris, dù rất nhớ Lan Viên nhưng Thuần Phong cũng không cách gì liên lạc với cô. Cuộc đoàn tụ của họ xem ra rất vô vọng bởi chiến tranh vẫn đang tiếp diễn khốc liệt. Cuộc sống của Thuần Phong ở Paris khá thảnh thơi, anh có cơ hội tiếp xúc với nhiều người có chức sắc cũng như doanh nhân, trong đó có vợ chồng vị đại sứ Việt Nam tại Pháp. Anh thường tranh luận với vị đại sứ về chiến sự, con người, thời cuộc. Thông qua những cuộc tranh luận đấy, anh hiểu hơn về vị trí người nghệ sỹ và những giá trị nghệ thuật vốn lâu nay luôn bị tranh cãi... Anh hiểu rằng nếu ở Việt Nam, người nghệ sĩ được ưu tiên trọng vọng mọi thứ, thì ở phương tây, nghệ sĩ cũng chỉ như những người bình thường, và họ phải biết lao động, biết lăn lộn kiếm sống bằng chính tài năng, chứ không thể trông chờ vào sự đãi ngộ của Nhà nước. Mặc dù khá lạ lẫm với những phân tích và hiện thực đang chứng kiến nhưng Thuần Phong vẫn dần quen được với tư duy mới mẻ này.Thu gọn
-
Cuộc chiến tranh ngày càng đi vào giai đoạn nước rút với sự thay đổi cục diện khá rõ rệt. Vốn là một chiến binh vinh quanh của không lực cộng hòa, Lữ cũng phần nào nhận thấy sự yếu thế dần dần của phe mình. Bà Đức Vĩnh rất thương con, chỉ biết khuyên con nên cẩn trọng mỗi lần xuất kích. Thông qua Lữ, bà biết một trong số tướng lĩnh rất nổi tiếng bên phía Việt Cộng chính là Vũ Hùng, vốn là thằng ở trong gia đình bà ngày trước. Vì là chỗ người quen nên bà mong Vũ Hùng nể tình quen biết cũ, nới tay cho gia đình bà nếu như Việt Cộng thắng thế... Cuộc nổi dậy của quân cách mạng với các thông tin Buôn Mê Thuật thất thủ, Huế, Đà Nẵng thất thủ... đem đến sự hoảng sợ tột độ cho các tướng lĩnh Cộng hòa, trong đó có Phó Tỉnh trưởng Phan Rang là Đức Vĩnh.Thu gọn
-
Phó Tỉnh trưởng Phan Rang là Đức Vĩnh đồng ý giao nộp toàn bộ giấy tờ của chính quyền Ngụy cho quân cách mạng mà không có bất cứ sự chống cự nào. Mặc dù tuyến phòng thủ Phan Rang - Phan Thiết bị chọc thủng, nhưng điều khiến Tư lệnh mặt trận Vũ Hùng băn khoăn là tất cả đang bị khựng lại trước cửa ngõ Xuân Lộc do tướng Lê Minh Đào quyết tử thủ. Việc phá vỡ phòng tuyến này không đơn giản. Nhưng với hơn 10 ngày chiến đấu ác liệt, cam go, cuối cùng phòng tuyến này cũng bị quân đoàn thép của Vũ Hùng phá vỡ, mở toang cánh cửa để quân đội ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trong cơ hoảng loạn vì đội quân Mỹ Ngụy tháo chạy, cuối cùng Lữ và mẹ là bà Đức Vĩnh cũng leo lên được một chiếc máy bay do Lữ bố trí để bay ra biển di tản, bỏ mặc ông Đức Vĩnh lúc này không biết sống chết ra sao. Phân đội xe tăng của Đức Trung được lệnh tiến thẳng vào đánh chiếm Sài Gòn và Đức Trung được chứng kiến giây phút lịch sử khi chiếc xe lao qua cổng Dinh Độc lập, đưa chính ủy lữ đoàn vào tiếp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.Thu gọn
-
Đức Trung đã phụ giúp chính ủy giấy bút để thảo hộ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa lời tuyên bố đầu hàng trước Quốc dân đồng bào. Khi tiếng loa phát thanh vang rộn tuyên bố miền Nam hoàn toàn giải phóng thì cả Sài Gòn rơi lệ, trời đất phương Nam tạnh cơn cuồng phong lửa đạn. Hòa trong không khí vui mừng của đoàn quân chiến thắng, Đỗ Thanh trong vai trò hướng dẫn viên du lịch, vừa lái xe vừa kể cho thủ trưởng Vũ Hùng cùng Trung và Thiều về Sài Gòn những năm trước, dưới sự cai trị của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Sài Thành khi ấy thực sự trở thành sân sau của Mỹ, nhưng chế độ Việt Nam Cộng hòa đâu ngờ rằng ngày 30/4/1975 lịch sử ấy đã hoàn toàn chấm dứt sự cai trị của chúng trên đất nước Việt Nam. Trung tướng Vũ Hùng cùng Thiều và Trung rất đỗi tự hào vì họ đã không tiếc thân mình vì nền độc lập tự do. Tuy nhiên, niềm vui ấy sẽ được trọn vẹn hơn nếu như đồng đội của anh không hy sinh. Thủ trưởng Hùng khẽ thở dài khi nhớ lại những mất mát quá lớn trong trận tổng tấn công vào Sài Gòn Tết Mậu Thân năm 1968...Thu gọn
-
Trái ngược với cờ hoa rực rỡ trên đường phố Sài Gòn những ngày đầu giải phóng thì trên chiếc tàu thủy mang tên Thống Nhất, Đức Vĩnh cùng đoàn tù nhân đang phải trải qua những ngày khó khăn đi cải tạo. Đức Vĩnh không ngờ cuối cuộc đời lại phải sống trong cảnh này, anh thầm trách số phận, trách dòng họ Nguyễn Đức đã không phù hộ cho mình. Gần như cả cuộc đời anh ăn sung mặc sướng, sống trong vinh hoa phú quý, khôn khéo đến cực điểm, luồn lọt để không bị trận cuồng phong của thế kỷ cuốn bay, vậy mà cũng bị tù đầy. Nằm trên tàu, Đức Vĩnh nghĩ đến đứa em con ông chú ngoài Bắc là lính giải phóng theo xe tăng vào Sài Gòn ngày 30/4. Nhìn người em đội mũ sao lấp lánh, súng lục ngang hông oai vệ bước vào nhà khiến hắn vô cùng xấu hổ...Thu gọn
-
Đức Vĩnh được gắn số tù 555, ở phòng giam sơ sài mái nứa, cửa nứa, tường đất trộn rơm. Đã có lúc anh định trốn trại, nhưng nghĩ đi nghĩ lại vẫn thấy ở đây còn hơn, ít ra còn được húp cháo. Anh tự an ủi mình cứ yên tâm cải tạo rồi sẽ được ra tù. Còn với Trung tướng Vũ Hùng, sau 10 năm vào chiến trường chỉ có nắng, lửa, bão đạn, hòa bình lặp lại, anh trở về thị xã Thanh Đô, nơi có ngôi nhà ngói ba gian cùng Huệ - vợ anh đang sống. 10 năm xa chồng, Huệ đã nén chặt tình cảm riêng tư để hết mình vì phong trào hợp tác xã. Và cũng chính phong trào ấy đã đưa Huệ đến với thành công, có được danh hiệu Anh hùng lao động. Thế nhưng cuộc thí nghiệm khoán ở xã Đông Phong đã làm Huệ mất hết danh dự. 10 năm lấy chồng, bây giờ cô mới có điều kiện thực hiện trách nhiệm của một người vợ... Trong khi đó, Lan Viên - người Vũ Hùng thầm yêu lại đang khăn gói lên đường vào Nam tìm chồng là Phong. Những người đi chiến đấu đều đã trở về, vậy mà Phong vẫn bặt vô âm tín.Thu gọn
-
Theo yêu cầu của người anh cả Đức Vĩnh, Đức Hàm đã đánh điện vào Nam gọi Lan Viên về mừng ngày hội ngộ sau 8 năm xa cách. Tuy mỗi người một quan điểm, một suy nghĩ, một cách sống riêng nhưng bây giờ, họ lại tề tựu tại Thạch gia trang như những đứa trẻ ngày xưa. Họ không trách số phận, không trách cuộc đời vì họ cũng chỉ là những nạn nhân, là con cờ trong chuỗi biến thiên của bánh xe lịch sử. Trong khi ấy, bà Đức Vĩnh đang cùng con trai ở bên trời Tây, chờ đợi ngày ông Đức Vĩnh sang Hoa Kỳ đoàn tụ với gia đình. Cuộc sống của hai mẹ con trong ngôi nhà thông vàng - ngôi nhà lý tưởng cho cuộc sống hiện đại - nhưng lúc nào bà cũng cảm thấy buồn. Bà luôn nhớ về ngôi nhà ngói cổ, rêu phong âm u, những khung cửa thân thương, sân gạch Bát Tràng, và nhớ tiếng Việt biết bao...Thu gọn
-
Lần di dân thứ hai đã đưa bà Đức Vĩnh và Lữ sang Hoa Kỳ. Sau rất nhiều khó khăn, vất vả, hiện tại họ đã có một cơ ngơi khấm khá, có của ăn, của để. Lữ đã nghĩ tới chuyện xây dựng gia đình với Phương Dung nhưng cô không đồng ý. Một phần cô không muốn gánh vác trách nhiệm người vợ, người mẹ, một phần vì cô vẫn chưa thể vượt qua quá khứ đau lòng lúc trên đường vượt biên sang Mỹ. Trên đường đi, Phương Dung đã bị một nhóm côn đồ lạm dụng tình dục trong một thời gian dài. Chính vì vậy, khi biết Lữ có ý định lấy mình, cô đã một mực từ chối. Buồn chán vì không được Phương Dung đáp lại tình cảm, Lữ đã cặp kè với Lidar, sống cuộc sống "già nhân ngãi, non vợ chồng". Trong khi đó, chuyến bay khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất đã đưa ông Đức Vĩnh sang Hoa Kỳ, ở đó có vợ và con trai ông đang chờ đợi...Thu gọn
-
Sau 30 năm xa cách, Trung - con trai ông Đức Hàm và Lữ - con trai ông Đức Vĩnh đã không ngờ khi họ có dịp gặp nhau tại thủ độ Moscow. Trung được cơ quan cử đi học tập, còn Lữ sang đây theo con đường vượt biên. Lữ hỏi thăm Trung về bà nội, về chú Hàm, cô Lan Viên, còn Trung cũng không quên hỏi thăm về bác gái Đức Vĩnh. Qua lời kể đứt quãng của Lữ, Trung biết rằng khi còn ở Sài Gòn, Lữ từng là sỹ quan không quân, tuy nhiên khi sang Mỹ thì Lữ trở thành kẻ thất nghiệp. Nhờ sự giúp đỡ của vị mục sư, bà Đức Vĩnh đi lau bóng đèn, lau cửa thuê cho các gia đình người Mỹ còn Lữ giúp việc cho các nông trang. Sau này nhờ tấm bằng tốt nghiệp học viên phi công quân sự Mỹ, Lữ được giới thiệu vào làm việc tại NASA. Cuộc sống bây giờ của hai mẹ con tương đối tạm ổn. Còn Trung, dù được cử sang học tập tại Moscow cùng Thiều và Hải Yến., nhưng tại Moscow, Trung và Thiều đã giành phần lớn thời gian để đi buôn hàng Nga về Việt Nam...Thu gọn
-
Thuần Phong - chồng của Lan Viên làm việc trong nội đô Sài Gòn, rồi được cử sang Pháp làm tình báo. Phong sang đó vài năm thì lấy vợ tây rồi có con và không về Việt Nam nữa. Lan Viên không biết chuyện đó, cô vẫn đi tìm chồng trong vô vọng. Trong khi đi tìm tung tích của chồng, Lan Viên tình cờ gặp lại Lệ Diễm - người bạn thân cùng trường ngày xưa. Lệ Diễm có anh trai là Vũ San, người thầm yêu Lan Viên từ thời còn đi học nhưng vì Lan Viên yêu Vũ Hùng nên Vũ San đành lẻ bóng. Tuy nhiên, khi biết chuyện Thuần Phong đã có vợ ở bên Pháp và không về Việt Nam nữa, Lan Viên đã đồng ý lấy Vũ San. Đức Hàm sau khi bị sai phạm trong triển khai phong trào hợp tác xã đã bị mất chức Bí thư tỉnh ủy Thanh Đô, anh chuyển sang công việc nghiên cứu thuộc Ban Nông nghiệp Trung ương. Cuộc sống của một người viên chức thời tem phiếu phần nào cũng no đủ.Thu gọn
-
Thiều, Trung và Hải Yến ở lâu bên Moscow nên rất có kinh nghiệm đi mua hàng để đóng thùng gửi về Việt Nam. Chính sự nhanh nhạy này đã giúp họ có được những khoản tiền lời lớn. Đặc biệt, cả ba người còn được chứng kiến giờ phút lịch sử ở Quảng trường Đỏ trước cung điện Kremlin. Nước Nga mới đã được hình thành. Tuy nhiên, khi Thiều và Trung nhìn thấy những chiếc xe bọc thép, ô tô quân sự chở lính từ ngoại ô tiến vào Thủ đô Moscow, trong lòng hai người đều dâng lên cảm giác kinh hoàng khó tả, nghẹt thở và đau xót. Những năm tháng chiến tranh lại có dịp ập về...Thu gọn
-
Sau những năm học tập tại Moscow, cả Trung và Thiều đều gắn bó với xứ sở Bạch Dương, cả hai đều cảm nhận được sự thân thiện, hiền hậu của người dân Nga. Tuy nhiên, những biến động về chính trị của đất nước này đã khiến họ phải thay đổi cách suy nghĩ và các phương án làm ăn của mình. Trong khi ấy, những bất ổn về chính trị trong lòng nước Nga khiến người dân Nga không mấy mặn mà với chế độ mới. Người dân Nga vẫn theo nếp sống của chế độ chủ nghĩa và chủ nghĩa tập thể, Nhà nước bao cấp toàn dân, không thiếu, không thừa, chỉ vừa đủ ăn, mặc và đi lại. Không ai dám giàu, không ủng hộ buôn bán tư thương, vì vậy mà những người như Trung, Thiều hay Hải Yến làm ăn ngày một khó khăn hơn...Thu gọn
-
Trên danh nghĩa thì Hải Yến sang Moscow để hoàn thành luận văn tiến sỹ về văn học, còn Thiều sang đây học Kinh tế chính trị. Hai con người cô đơn đã gặp và yêu nhau, họ có con khi chưa hiểu biết về nhau. Điều này khiến tình cảm vợ chồng giữa họ nhanh chóng nguội, mỗi người một suy nghĩ, một cách sống riêng. Thiều về nước trước Hải Yến và Trung. Anh dùng phần lớn số vốn để mua một chức vị quản lý kinh tế rồi nhanh chóng lao vào công cuộc kiếm tiền trong bối cảnh nhà nước Việt Nam thời mở cửa. Thuận lợi cũng có mà khó khăn cũng nhiều. Bất giác, anh nhớ lại những ngày tháng sống và kiếm tiền tại nước Nga. Mọi thứ ở đó, lúc đó, sao mà thuận tiện và dễ dàng đến thế...Thu gọn
-
Cuộc sống của cặp đôi Thiều và Hải Yến so với Trung và Vera khác nhau rất nhiều. Nếu như Thiều và Hải Yến từ sống thử rồi trở thành vợ chồng, dẫu sau này vì lý do không hợp khiến họ phải chia tay, thì Trung và Vera chưa từng có ý định gắn bó với nhau một cách danh chính ngôn thuận. Trung rất mực yêu chiều Vera, không để cô mó tay vào bất cứ việc gì. Việc nhà anh làm quần quật, tiền nong kiếm được chút nào Trung đều đưa cho Vera tiêu xài vào đồ mỹ phẩm, thời trang. Thiều và Hải Yến đã cảnh báo Trung đừng quá nuông chiều Vera, phải biết tiết kiệm để gửi tiền về cho gia đình mua đất, sau này chẳng mấy mà giàu. Tuy nhiên, khi Trung có ý định tiết kiệm thì Vera không đồng ý...Thu gọn
-
Thiều và Liên dồn tất cả số tiền có được đầu tư xây dựng khách sạn với cái tên "Khách sạn Hoàng Hậu". Cả hai tin tưởng với sự lanh lợi và quen biết rộng thì công việc làm ăn sẽ thuận buồm xuôi gió. Do không đủ vốn, Thiều đã mạnh dạn vay thêm ngân hàng, đồng thời kiếm thêm bộn tiền từ chức vụ Tổng Giám đốc một công ty chuyên xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông. Rút ruột quá nhiều công trình, cuối cùng những thương vụ làm ăn gian dối của Thiều đã bị phát hiện. Trước sự việc Thiều bị công an bắt, Trung và Hải Yến đều rất lo lắng. Bên cạnh đó, những người thân trong gia đình Thiều, đặc biệt là ông Vạn - bố Thiều - một người lính cả đời thanh bạch, liêm khiết đã chạy vạy khắp nơi để cứu đứa con trai bị kết án tham nhũng của mình. Nhưng tất cả đều vô ích. Sáu tháng sau ngày bị bắt, Thiều bị kết án tử hình...Thu gọn
-
Hành động ý nghĩa cuối cùng mà Thiều có thể làm trước khi chết là viết một lá thư cho gia đình. Qua thư, anh bày tỏ sự ăn năn hối lỗi của một người con trai bất hiếu vì đã khiến bố mẹ phải đau lòng. Trên đường ra pháp trường, Thiều gần như chỉ còn là một cái xác không hồn. Cũng trong khoảng thời gian này, công việc làm ăn của Hải Yến sa sút trông thấy, cũng bởi cô làm ăn không đứng đắn. Khu resort do cô làm chủ là chốn ăn chơi thác loạn của những kẻ đua đòi. Hải Yến cố gắng lo lót chính quyền sở tại để dễ bề xoay xở, nhưng vải thưa không che được mắt thánh. Cuối cùng, công an đã bắt quả tang những hành vi bất chính, tước giấy phép kinh doanh, và phải cố gắng lắm cô mới không vướng vào vòng lao lý. Sau một thời gian gặp lại, Trung hoàn toàn bất ngờ trước một Hải Yến không còn chút nhựa sống nào... Trái ngược với kết cục bi thảm của Thiều và Hải Yến, Trung đã gặp một vận may lớn. Anh đã mạo hiểm đầu tư vào chứng khoán, sau khi thế chấp cả ngôi nhà của mình đang ở. Hành động này giúp anh trở thành ông chủ triệu đô. Lúc này, Trung chạnh lòng nghĩ về Vera, cô gái Nga mà anh đã chung sống như vợ chồng đã rời xa anh chỉ vì anh không giàu có. Trung không biết rằng, ở phương trời xa xôi, Vera sau một thời gian quên anh, giờ lại nhớ tới anh cồn cào...Thu gọn
-
Sau khi rời xa Trung, cuộc sống của Vera không lấy gì làm sáng sủa. Cô không có việc làm và cuộc sống tẻ nhạt cứ trôi qua từ ngày này sang ngày khác. Cuối cùng Vera quyết định sang Hà Nội sau khi gửi cho Trung một lá thư điện tử. Ít lâu sau đó, Vera, Trung và một số người thân trong gia đình anh lên đường sang Mỹ gặp những người thân quen bên đó. Những con người đến từ đất nước một thời hai bên chiến tuyến, nay dành thời gian ngồi bên nhau, cùng chia sẻ đủ thứ chuyện trên đời. Trong thời gian này, họ đến thăm gia đình ông Smith - một phi công từng tham chiến tại Việt Nam - giờ là một người đàn ông tàn phế, bỏ vợ và sống cùng con gái. Những năm tháng tham chiến tại chiến trường Việt Nam thực sự luôn ám ảnh quãng đời sau này của ông... Qua câu chuyện với những người bạn Việt Nam, ông hiểu thêm cái giá của chiến tranh, về trách nhiệm của kẻ đi gieo rắc chiến tranh và khâm phục hơn đất nước Việt Nam anh hùng với những con người quả cảm...Thu gọn