• image

    Thư mùa dịch

    Chuyên mục “Thư mùa dịch” với thông điệp gửi trao những câu chuyện, tâm tư, tình đời trong những ngày mà mỗi người dân Việt Nam đều phải chiến đấu với dịch bệnh. Đó là những cảm thông, sẻ chia và yêu thương với những điều tốt đẹp, nhân văn trong cuộc sống vốn còn nhiều khó khăn, vất vả. Chuyên mục có sự tham gia của các nhà văn, nhà báo và các thính giả trong cả nước. "Thư mùa dịch" sẽ phát sóng trong chương trình Văn nghệ Chủ nhật lúc 08h00 và 18h30 Chủ nhật hàng tuần trên VOV6. Bạn đọc có thể gửi bài cộng tác tới hòm thư phongvanhocvov@gmail.com, tiêu đề ghi “Thư mùa dịch” hoặc gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ Chương trình Văn nghệ Chủ nhật, Phòng Văn học, Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam, số 37 phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chương mới nhất
  • 14/10/2021
    Thật mừng là số người mắc Covid-19 tại đất nước ta tới giờ này đang có chiều hướng đi xuống nhiều. Sau những ngày căng thẳng đối phó với dịch bệnh, giờ là lúc chúng ta lắng lại và nghĩ suy: Thấm thía về những mất mát, về những thiệt hại và cả những điều đáng tiếc trong việc đối phó với dịch bệnh.... Đại dịch giống như một đại họa, nhiều năm mới xảy ra nhưng nó càn quyét và để lại hậu họa thì khôn lường. Nhiều người còn ví nó là tấm gương soi, là liều thuốc thử đối với mỗi một quốc gia, một xã hội, một gia đình, từ đó thấy được những lỗ hổng, thấy được những hay, dở, thấy được những hiền tài và cả những kẻ bất nhân. Nghĩ sâu và soi chiếu từ góc nhìn sắc sảo, dày dặn kinh nghiệm, nhà báo Uông Ngọc Dậu có bài “Từ trong đại dịch- nhìn người, ngẫm ta”.
    Xem thêm Thu gọn
  • 08/10/2021
    Dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi cả thế giới, tác động ghê gớm tới đời sống mỗi cá nhân, khiến chúng ta phải nghĩ ngợi rất nhiều về những ngày mình đã và đang sống, nhìn nhận lại những giá trị bất biến, vĩnh cửu, những giá trị bị lãng quên, có lúc không được coi trọng như giá trị của thiên nhiên, giá trị của đời sống tinh thần, giá trị của tình yêu thương… Đôi khi chính văn chương, chính những nhà văn đã đúc triết, thấu suốt và thậm chí tiên tri những nghĩ ngợi này mà chúng ta đã lướt qua, không để ý. Nhà văn Thùy Dương cũng như nhiều người viết khác, ngẫm ngợi về dịch bệnh Covid – 19 nhưng chị có một sự liên tưởng và đối chiếu thú vị về những trang viết của văn hào Hemingway. Hemingway đã nói: Chỉ có tình yêu thương mới giúp con người vượt qua những hiểm họa giông gió, “Chỉ có tình yêu thương mới có ý nghĩa để chúng ta tồn tại”.
    Xem thêm Thu gọn
  • 20/09/2021
    “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ người trong một nước thì thương nhau cùng” - trải qua hàng nghìn đời chống chọi với những hiểm họa, thiên tai, dịch bệnh để tồn tại và phát triển, bao câu ca dao, tục ngữ đã được dân gian đúc rút, nhắn nhủ. Thêm huyền tích về bọc trăm trứng càng cho chúng ta ngẫm sâu hơn về hai chữ đồng bào. Khái niệm đồng bào tồn tại và thể hiện sức mạnh, vẻ đẹp vĩ đại của nó trong lịch sử, mỗi khi có những thử thách nguy nan, mỗi khi cần quy tụ sức lực, tâm trí của cải vì một mục đích chung, đưa lại những bài học máu thịt về sự gắn bó để cùng sinh tồn. Và những ngày khi cả nước phải đương đầu với dịch bệnh covid-19, mỗi chúng ta lại được thấm đẫm trong cảm xúc những câu chuyện về nghĩa đồng bào. Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng chia sẻ với chúng ta về điều này qua một tản văn...
    Xem thêm Thu gọn
  • 13/09/2021
    Đại dịch covid -19 hoành hành thế giới 2 năm nay đã làm thay đổi, đảo lộn bao điều. Những dự định kế hoạch bị ngưng trệ, phá vỡ, bao nếp sinh hoạt bị mất đi song cũng lại có nhiều điều mới phát sinh, xuất hiện, nảy nở. Trong gian khó mới thấy rõ sức mạnh ý chí, nghị lực, quyết tâm chiến thắng của mỗi con người không gì có thể khuất phục nổi. Trong bối cảnh giãn cách, với thông tin về con số nhiễm bệnh mỗi ngày lên tới hàng chục nghìn, số ca tử vong hàng trăm, vậy điều gì kiến chúng ta vẫn hy vọng, vẫn thắp niềm tin yêu và quyết tâm chiến thắng dịch bệnh nếu như không phải là cả bộ máy xã hội vẫn đang vận hành một cách tích cực. Những bệnh viện dã chiến vẫn được mở thêm để phục vụ bệnh nhân, những dáng áo trắng của y bác sĩ, áo xanh tình nguyện vẫn ngày đêm không ngơi nghỉ chăm sóc bệnh nhân, những trạm tiêm vắc xin vẫn hoạt động hết công suất và đặc biệt những câu chuyện về lòng tốt, sự tử tế, công tác từ thiện, về nghĩa tình đồng bào sẻ chia ấm áp vẫn đang được tiếp nối nhân rộng. Tản văn “Thế gian rực rỡ những ân tình” của nhà thơ Bình Nguyên Trang gửi đến chương trình như một đốm lửa ấm thắp lên cùng mỗi chúng ta.
    Xem thêm Thu gọn
  • 09/09/2021
    Những ngày này người dân nhiều nơi đều hướng về điểm nóng của tâm dịch Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh. Họ là những người con của Sài Gòn đang xa Tổ quốc, là những người từng sống, từng làm việc hay từng ghé chơi miền đất hào phóng thân thiện giờ đây đang gặp tai ương, để lại nhiều niềm thương, nỗi lo lắng. Lá thư sau đây của một người bạn Sài Gòn trải long giúp chúng ta hiểu thêm phần nào tâm thế, cuộc sống, chiến đấu của người dân trong tâm dịch đã và đang kiên cường như thế nào để hướng tới mục tiêu chiến thắng dịch bệnh Covid - 19.
    Xem thêm Thu gọn
  • 06/09/2021
    “Mến gửi người khách chiều nay” hay “Vâng tôi là một Shipper giữa Sài Gòn tháng 8” là bài viết của tác giả Nguyễn Xuân Phương về tâm tư của những người Shipper trong mùa dịch. Những niềm vui, nỗi buồn do công việc của họ mang lại. Giao được đồ dùng cần thiết đến nơi cách ly cho những bệnh nhân Covid-19, giao lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu tới những nơi mà người dân không thể đi mua sắm… Mặc dù công việc vất vả nhưng họ vui khi thấy công việc của mình có ý nghĩa, họ vui khi được cảm thông, chia sẻ… Tuy nhiên, họ cũng có nhiều tâm tư khi bị khách hàng trách móc, thiếu sự thông cảm, sẻ chia, đặc biệt khi khách hàng có những hành xử thiếu tôn trọng với họ và nghề nghiệp của họ. “Vâng tôi là một Shipper giữa Sài Gòn tháng 8” đã được nhận giải nhất cuộc thi “Viết thư mùa dịch” do Quán Chiêu Văn phát động.
    Xem thêm Thu gọn