Giải pháp nào cho GTCC Cần Thơ (Bài 2): Đổi mới, nâng chất lượng xe buýt - liệu đã đủ? 

Vân Tịnh – Tấn Đạt | 24/09/2020, 10:37

Mới đây, việc ra mắt các tuyến buýt nội thành chất lượng cao đã gây được sự chú ý của người dân, là sự mong mỏi nhằm khắc phục thực trạng giao thông công cộng “dậm chân” suốt nhiều năm qua của Thành phố.

Xe buýt mới, người dân thụ hưởng dịch vụ tiện ích chất lượng cao, thoáng mát và an toàn kĩ thuật.
Xe buýt mới, người dân thụ hưởng dịch vụ tiện ích chất lượng cao, thoáng mát và an toàn kĩ thuật.

Xe mới, cảm giác mới

Lễ khai trương 5 tuyến xe buýt nội tỉnh không trợ giá do Sở Giao Thông Vận Tải ( GTVT) TP Cần Thơ phối hợp với công ty Phương Trang tổ chức vào ngày 19/9 vừa qua đã đánh dấu các tuyến chính thức hoạt động từ 5h30 sáng đến 18h00 tối hàng ngày, mỗi chuyến xe cách nhau từ 20 - 30 phút trong giờ bình thường và từ 10 -15 phút trong giờ cao điểm.

Các phương tiện đều được lắp Camera, máy lạnh, wifi miễn phí, công cụ hỗ trợ và ghế ngồi cho người khuyết tật. Mỗi xe có 25 ghế ngồi và 15 chỗ đứng. Xe đạt chuẩn khí thải Euro 4, tất cả phương tiện đều xuất xưởng năm 2020, được Cục Đăng Kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường. Đơn vị khai thác cho biết thêm nhân viên lái xe và phục vụ có nhiều kinh nghiệm, đã qua đào tạo bài bản về kĩ năng, sự thân thiện, lịch sự. Đặc biệt, giá vé bình dân, không quá 20 ngàn/ 40km/lượt.

Hành khách trải nghiệm có nhận xét về các chuyến xe buýt nội thành rằng: “Nhìn thấy nó khác hẳn với các xe khác, giá vé thì nó không quá sức với mình. Thấy thoải mái, thoáng mát, thấy nó khác biệt hơn. Thấy nó xịn hơn mấy xe bình thường, nó phù hợp với nhu cầu cần thiết bây giờ hơn! Nếu được thì nên có thêm vé ưu đãi cho sinh viên”.

5 tuyến xe buýt nội thành hoạt động gồm các tuyến: Tuyến Ba Láng - Ô Môn; Tuyến Sân Bay Cần Thơ - Bến xe Khách Trung; Tuyến Sân Bay Cần Thơ - Thị trấn Phong Điền; Tuyến Lộ Tẻ (quận Thốt Nốt) - huyện Vĩnh Thạnh và Tuyến Ô Môn - Kênh B (huyện Vĩnh Thạnh). Việc đưa vào khai thác các tuyến xe buýt nội tỉnh chất lượng cao trên địa bàn TP Cần Thơ sẽ hạn chế được lưu lượng giao thông bằng xe máy, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông. Quan trọng hơn, đổi mới chất lượng phương tiện, nâng cao phong cách phục vụ văn minh lịch sự sẽ thu hút và làm hài lòng hành khách.

Ông Dương Tấn Hiển – PCT UBND TP Cần Thơ đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của Công ty Phương Trang trong thời gian ngắn đã khai thác 5 tuyến xe buýt nội tỉnh. Về việc theo sát, thanh, kiểm tra đơn vị khai thác nghiêm túc vận hành xe buýt theo cam kết, ông Hiển nhấn mạnh: “Yêu cầu đơn vị khai thác thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành, cam kết đảm bảo duy trì và gia tăng tần suất khai thác. Đảm bảo nghiêm ngặt thời gian, tỷ lệ lấp đầy tuyến với mức giá thấp để thu hút hành khách. Tăng cường quản bá các hoạt động marketing rộng khắp trên thành phố cũng như cam kết về chất lượng phục vụ trên mỗi chuyến xe buýt”.

Ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ nhận định: Việc đưa vào khai thác 5 tuyến xe buýt sẽ đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, có ý nghĩa quan trọng, là động lực thu hút người dân tham gia sử dụng xe buýt công cộng. Được biết, theo kế hoạch, giai đoạn 2021 – 2023, Sở GTVT TP Cần Thơ tiếp tục tổ chức lựa chọn 05 tuyến xe buýt chất lượng cao có trợ giá và 24 tuyến nữa nhằm tăng cường tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đạt từ 5% - 10%. Con số này sẽ tăng lên 20-30% vào năm 2030. Để thực hiện mục tiêu đó, cơ quan chuyên trách phải tạo các điều kiện cho đơn vị khai thác thu hút hành khách hiệu quả. Ông Lê Tiến Dũng – Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ thông tin về công tác sắp tới Sở sẽ triển khai: “Sở GTVT giao cho trung tâm quản lý, điều hành vận tải hành khách công cộng quản lý, giám sát chặt chẽ để những tuyến xe buýt này vận hành đúng như yêu cầu và chất lượng đã đề ra. Trong thời gian tới Sở sẽ cung cấp một số hạ tầng thiết yếu như: Bến bãi, nhà chờ, trạm dừng hiện đại và hệ thống quản lí xe buýt thông minh để phục vụ cho người dân”.

Ước tính, trong 3 năm tới, TP Cần Thơ có thêm 30 tuyến xe buýt trợ giá mới và Sở GTVT TP sẽ đẩy nhanh việc mở một “sân chơi” lành mạnh để mời gọi doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đồng hành, cùng hướng đến mục tiêu xe buýt sẽ là phương tiện tối ưu được lựa chọn cho tạo thói quen sử dụng phương tiện công cộng của số đông dân cư TP. Sự liên kết hợp tác giữa nhà đầu tư và chính quyền hết sức quan trọng, điều này nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Vai trò của nhà đầu tư, của doanh nghiệp, môi trường sống, môi trường kinh doanh hết sức quan trọng. Chính vì vậy, các nhà đầu tư phối hợp cùng chính quyền cùng phấn đấu, cùng hợp tác, để phát triển đạt được tầm nhìn trong những thập niên mới”.

Như vậy, việc đưa vào khai thác 5 tuyến xe buýt nội thành chất lượng cao cho thấy kỳ vọng thay đổi hình ảnh xe buýt Cần Thơ theo hướng văn minh, lịch sự, tiện ích, từng bước thu hút hành khách, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông – cơ sở hạ tầng ở Cần Thơ – “trái tim” của ĐBSCL.

Sự có mặt của xe buýt chất lượng cao trong TP Cần Thơ hướng tới xây dựng một đô thị văn minh, tiên tiến.
Sự có mặt của xe buýt chất lượng cao trong TP Cần Thơ hướng tới xây dựng một đô thị văn minh, tiên tiến.

Hành trình khai thác hiệu quả và thách thức để bền bỉ

Những tuyến xe buýt nội thành chất lượng cao chỉ là những gạch đầu dòng đầu tiên cho giao thông công cộng thành phố Cần Thơ. Để loại hình vận tải này thực sự phát huy hiệu quả, mang tính bền vững theo đúng mục tiêu đề ra, không ít chuyên gia đặt vấn đề: Đổi mới, nâng chất lượng xe bus để thu hút hành khách: Liệu đã đủ?

Ngày nay, ở ĐBSCL khái niệm “qua sông thì phải lụy đò” đã lùi vào quá khứ, khi cơ sở hạ tầng, kết cấu giao thông từng bước cải thiện. Người dân hiện có nhiều sự lựa chọn hơn với các phương tiện vận tải khác nhau, giúp họ không còn tư duy “của rẻ là của ôi” mà dễ dãi chấp nhận xe buýt kém chất lượng, xuống cấp trầm trọng. Đã đến lúc, cần phấn đấu xe buýt giá thấp nhưng chất lượng cao nhằm thu hút hành khách sử dụng hệ thống vận tải hành khách công cộng. Việc này đòi hỏi Thành phố phải tiến hành “nâng chất” cho xe buýt bằng chính sách trợ giá, đảm bảo tần suất và chất lượng phục vụ. Khi ấy, chắc chắn hành khách sẽ tự nguyện rời bỏ phương tiện cá nhân; mục tiêu giảm thiểu tai nạn, đảm bảo an toàn giao thông và văn minh đô thị ắt đạt được.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì vẫn chưa đủ. Vận tải hành khách công cộng ở Cần Thơ cần phát triển có chiều sâu, hiệu quả và bền bỉ chứ không đơn giản là hô hào, sôi nổi rồi kết quả vẫn vậy.

Thành phố nên tiếp tục nỗ lực xúc tiến, tích cực xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích mời gọi đầu tư. Khai thác xe buýt có thể theo hình thức xã hội hóa hay các hình thức khác nhưng phải dựa vào cơ sở dung hòa lợi ích doanh nghiệp lẫn người dân, theo nguyên tắc cạnh tranh công bằng, tránh độc quyền. Để việc này thành công, cần sự phối hợp, giám sát có trách nhiệm cao từ cơ quan chuyên trách, từng bước đưa các dự án, kế hoạch thành hiện thực chứ không nằm trên trang giấy cùng những quyết tâm chung chung, “năm nào, cũng như năm nào”.

Rõ ràng, giao thông công cộng tại Cần Thơ sẽ có đặc thù khác với các siêu đô thị như TP HCM hay Hà Nội. Tuy nhiên, theo xu thế phát triển chung, bài học từ các thành phố lớn nên được xem xét, học hỏi và ứng dụng, triển khai vào thực tế. Trên cơ sở lắng nghe nhu cầu người dân lẫn kiến nghị của doanh nghiệp, tham vấn của các chuyên gia, các sở ban ngành hữu quan…

Thành phố Cần Thơ cần chọn những giải pháp phù hợp nhất; nổi bật là tăng cường lưu lượng sử dụng phương tiện công cộng, đảm bảo an toàn, chống ô nhiễm môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành và quản lý hệ thống giao thông công cộng.

Dễ thấy, hình ảnh các phương tiện “chật cứng” vào các giờ cao điểm không còn mới tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng.... Việc kẹt xe tại Cần Thơ cũng chẳng còn xa lạ với người dân. Như vậy, muốn giảm thiểu áp lực cơ sở hạ tầng thì quy hoạch phát triển giao thông vận tải cần được quan tâm càng sớm càng tốt. Quy hoạch tổng thể về phát triển giao thông đô thị có tính chất quyết định cho việc định hướng phát triển không gian; bố trí, sắp xếp toàn bộ cảnh quan và quy mô cấu trúc của thành phố. Làm tốt công tác này, Cần Thơ sẽ tránh được vấn nạn kẹt xe nan giải tương tự các thành phố lớn tại nước ta, đồng thời giải quyết được nhiều mục tiêu khác.

Dĩ nhiên, sẽ là thách thức không nhỏ cho TP Cần Thơ nói chung, các tỉnh thành ĐBSCL nói riêng trong việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng hiệu quả. Nhưng nếu có quyết tâm chính trị cao từ các cấp, các ngành, sự đồng lòng của doanh nghiệp, thuận ý từ người dân thì tin chắc mục tiêu này sẽ đạt được.

Từ đó, giúp Thành phố Cần Thơ giảm thiểu nguy cơ đối mặt với hàng loạt thách thức trong quá trình vươn lên trở thành đô thị lõi của ĐBSCL, đóng góp to lớn cho sự phát triển của miền đất chín rồng cũng như cả đất nước.

Bài liên quan
Hàng trăm thanh niên tham gia hiến máu tại Cần Thơ
Ngày 24/3, Thành Đoàn TP. Cần Thơ phối hợp với Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Nam bộ tổ chức chương trình ngày “Chủ nhật đỏ” thành phố Cần Thơ năm 2024, với chủ đề “Hiến giọt máu đào - sinh mệnh bạn và tôi”.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Nhân chứng nổ lò hơi ở Đồng Nai: Ám ảnh cảnh đồng nghiệp nằm bất động khắp nơi
Nhiều nhân chứng vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại khoảnh khắc lò hơi của công ty gỗ Bình Minh (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) phát nổ, thổi bay tất cả mọi thứ.
Mới nhất