Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Sơn Tùng:
Đại diện gia đình tác giả và NXB Kim Đồng nhận giải A cho cuốn Đoàn binh Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. |
Cuốn hồi ký “Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào – Việt” (còn gọi là Đoàn binh Tây Tiến) của Quang Dũng được xem là phiên bản văn xuôi của bài thơ “Tây Tiến”.
Hồi ký cho chúng ta biết thêm nhiều điều cụ thể về hoạt động của binh đoàn khi ấy, cũng như về các chiến sĩ Việt – Lào, những người cầm súng và cả những người cầm kèn trong đoàn Võ trang Tuyên truyền cùng tham gia vào sứ mệnh giải phóng đất nước mình và đất nước bạn Lào khỏi ách thực dân xâm lược.
"Đoàn binh Tây Tiến" được xướng tên tại Lễ trao giải tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hà Nội. |
“ Cuốn sách này cha tôi đã muốn giới thiệu đến công chúng từ rất lâu rồi. Nhưng vì nhiều lý do mà đến thời điểm này sách mới được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Cuốn hồi ký giống như bài thơ Tây Tiến viết bằng văn xuôi kể lại cho bạn đọc kỷ niệm, những chặng đường gian khổ của đoàn binh Tây Tiến trong thời gian đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuốn sách không chỉ là một tác phẩm văn chương, mà còn là nhân chứng lịch sử giới thiệu đến bạn đọc những gì sơ khai nhất, gian khổ nhất của người lính ra đi với tâm thế “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”- Ấn tượng về cuốn di cảo đặc biệt của người cha Bùi Đình Diệm (tên thật của nhà thơ Quang Dũng đã được chị Bùi Phương Thảo) con gái của nhà thơ không thể nào quên mỗi khi nhắc về cuốn sách “Đoàn binh Tây Tiến”.
Nhắc đến Tây Tiến, người ta nhớ ngay đến thi phẩm nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng với đèo dốc khúc khuỷu, những bản làng bồng bềnh trong sương sớm hay điệu xòe mềm mại của các cô gái Thái… Cung bậc cảm xúc đa chiều ấy đã được tái hiện tinh tế, sống động, nhưng không làm giảm đi sự hùng tráng của đoàn binh. “Rất nhiều chi tiết như bức tranh vẽ. Đối với tôi thì có hai trường đoạn rất ấn tượng. Thứ nhất đoạn miêu tả đoàn quân rời vùng núi để đi về phía đồng bằng. Người lính nhìn từ xa đã thấy thấp thoáng những mái nhà. Họ gần như ngửi được, chạm được vào không gian đồng bằng, cảm giác ấp áp như được trở về nhà, mặc dù mỗi người một nơi. Thứ hai là đoạn miêu tả về chuyến đò chở quân đi qua dòng sông Mã nước chảy xiết để chuẩn bị lên Mường Lát. Ở đoạn này tác giả đã dùng bút pháp miêu tả thú vị từ những dòng nước, cho đến người lính thổi kèn trong đoàn quân nhạc chẳng may làm rơi bình rượu xuống sông. Đoạn văn hóm hỉnh, ấn tượng.”
Nhà thơ Quang Dũng sáng tác bài thơ “Tây Tiến” vào mùa Xuân năm 1948 với cảm hứng mãnh liệt của một người chiến sĩ, ông đã sáng tác bài thơ rất nhanh để kịp đọc trong Đại hội toàn quân của Liên khi III diễn ra tại làng Phù Lưu (thuộc thị xã Từ Sơn- Bắc Ninh). Tuy nhiên cảm xúc về “Những ngày Tây Tiến” thì còn theo ông mãi như một nỗi nhớ không nguôi. Những điều điều ấy đã được ông gói ghém trong hồi ký “Đoàn binh Tây Tiến”. Tác phẩm giúp bạn đọc hiểu thêm những ngày đầu thành lập Đoàn Võ trang Tuyên truyền, với hạt nhân là một số chiến sĩ Trung đoàn thủ đô; Về nhiệm vụ Đoàn Võ trang đã làm trong suốt những năm tháng gian lao mà hào hùng ấy; Đặc biệt về mối quan hệ gắn bó giữa bộ đội ta và bộ đội Lào thông qua Trung đội Pa-thét. Tây Tiến là đơn vị đầu tiên của nước ta đi làm nghĩa vụ Quốc tế tại Lào.
Họa sĩ Tô Chiêm - thành viên nhóm biên tập cuốn sách cho rằng chính nhờ những trang hồi ký đã giúp thế hệ sau có dịp hiểu hơn về giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam những năm đầu kháng chiến: “Cuốn hồi ký của nhà thơ Quang Dũng viết về giai đoạn đầu cách mạng từ năm 1946 đến 1948. Có lẽ đây là cuốn hồi ký duy nhất viết về giai đoạn này. Chính vì vậy mà tôi đã đề nghị chị Thảo (con của nhà thơ Quang Dũng) để Nhà xuất bản Kim Đồng in cuốn sách quý này. Trong quá trình biên tập chúng tôi đã giữ nguyên toàn bộ những gì đã được nhà thơ viết ra, kể cả các từ phiên âm tiếng Lào, cho đến tiếng của đồng bào các dân tộc.”
Những trang hồi ký sinh động, tỉ mỉ và chứa chan tình cảm dường như không chỉ là kỷ niệm, mà còn là mảnh hồn của những chàng thanh niên Hà thành phải “xếp bút nghiên” nhập ngũ. Núi rừng Tây Bắc như một xứ sở kì bí, khiến cho các chàng lính trẻ không khỏi tò mò, háo hức. Bản Đậu, làng Chiềng Hạ trước kia còn xa lạ, nay đã in dấu chân của họ. Đi đến đâu, người lính bộ đội Cụ Hồ cũng được dân bản yêu quý. Tình quân dân cá nước được xây dựng từ những điều giản đơn gần gũi hằng ngày như kể chuyện cho nhau nghe, hòa mình vào các lễ hội của dân bản… không chỉ là những mẩu chuyện trên đường hành quân, chuyện lính tráng, trận mạc, Quang Dũng còn khiến người đọc có thêm những hình ảnh khác về người lính. Đó là ẩn sau bộ quân phục xanh ấy là những trái tim nghệ sĩ đầy hào hoa, lãng tử. Giọng văn giàu chất thơ và họa, nhà thơ Quang Dũng đã tái hiện lại một đoàn quân Tây Tiến với những chàng trai không ngần ngại hiến dâng tuổi thanh xuân của mình “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.
“Cuốn hồi ký đã miêu tả kỹ càng, chân thực về cuộc hành binh của Trung đoàn 52 Tây Tiến. Có phần bi hùng của bài thơ Tây Tiến, nhưng nó không còn màu sắc hào hoa, lãng mạn, ước lệ của thi ca nữa. Mà đó là những trang văn tả thực về những gì đoàn binh Tây Tiến trải qua. Tôi lấy ví dụ về tình cảm của nhân dân dành cho đoàn quân Tây Tiến. “Ông Tộc trưởng người Dao mổ bò thiết đãi đoàn Võ trang. Chiều đã xuống. Những ống mỡ bò đã cháy sáng khắp nhà.” Đó như là tiệc xòe hoa giống như bài thơ Tây Tiến đã miêu tả. Các thầy cô giáo dạy môn Ngữ văn nếu như đọc cuốn sách sẽ có thêm nhiều chi tiết, kiến thức để giảng dạy cho học sinh. Còn các em thì sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa của những câu thơ được chắt lọc từ thực tế vô cùng vất vả, gian khổ, thiếu thốn của đoàn binh Tây Tiến.” – Họa sĩ Tô Chiêm chia sẻ.
Cuốn hồi ký “Đoàn binh Tây Tiến” vỏn vẹn gần 150 trang, nhưng đây thật sự là một tư liệu quý bởi sách không đơn thuần là tác phẩm văn học viết về Binh đoàn Tây Tiến, mà còn như một nhân chứng lịch sử lưu giữ những khoảnh khắc hào hùng của dân tộc. Sau gần bảy mươi năm, tập hồi ký của nhà thơ - chiến sĩ Quang Dũng về binh đoàn Tây Tiến năm xưa giờ đã trở thành những tư liệu văn nghệ và lịch sử vô giá, đóng góp vào di sản văn nghệ kháng chiến nước nhà