Vì sao siêu pháo tự hành Liên Xô 'chết yểu' dù có khả năng tấn công hạt nhân?

16/09/2022, 11:32

Được kỳ vọng sẽ giúp Liên Xô tăng cường đáng kể khả năng tấn công hạt nhân chiến thuật, nhưng pháo 2B1 Oka lại dần lu mờ trước sự xuất hiện của các tên lửa đạn đạo.

Trong những năm đầu của Chiến tranh Lạnh, tư duy chiến lược Mỹ và Liên Xô đều cho rằng mở đầu của một cuộc chiến tranh quy mô lớn tiếp theo ở châu Âu sẽ liên quan đến vũ khí hạt nhân có sức tàn phá khủng khiếp gấp nhiều lần các loại vũ khí thông thường.

Giả thuyết này tác động không nhỏ đến các chiến lược gia của cả hai bên trong phát triển vũ khí phục vụ cho chiến tranh hạt nhân từ xe tăng, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và đến cả những khẩu pháo. Đây chính là tiền đề cho sự ra đời của các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Giai đoạn giữa những năm 1950, khi công nghệ tên lửa chưa phát triển, vũ khí hạt nhân hầu hết đều được triển khai thông qua máy bay ném bom. Cùng với sự phát triển của công nghệ, kích thước của những quả bom dần được thu nhỏ đến mức chúng có thể được đặt vào bên trong những khẩu trọng pháo. Một ví dụ điển hình cho thiết kế này chính pháo hạt nhân M65 của quân đội Mỹ.

Vì sao siêu pháo tự hành Liên Xô 'chết yểu' dù có khả năng tấn công hạt nhân? - 1

Nguyên mẫu pháo hạt nhân M65 của quân Mỹ được trưng bày ở Fort Sill, Oklahoma. (Ảnh: ALLISON MEIER/ATLAS OBSCURA)

Ở thời điểm đó, M65 được mô tả như một siêu vũ khí giúp đưa vũ khí hạt nhân ra sát chiến tuyến cũng như giới hạn phạm vi thiệt hại ở mức tối thiểu so với bom hạt nhân thông thường. Khi Liên Xô biết về sự tồn tại của M65 họ lập tức tìm cách sở hữu một loại vũ khí tương tự.

Sau thành công của pháo tự hành 2A3 Kondensator 2P (406 mm), quân đội Liên Xô đặt ra một tham vọng lớn hơn khi phát triển 2B1 Oka – thế hệ pháo tự hành có khả năng bắn đạn hạt nhân lớn nhất từng được chế tạo.

2B1 Oka

Pháo 2B1 Oka lấy tên từ sông Oka (miền trung nước Nga ngày nay). Nó được chế tạo dựa trên việc đặt một pháo 2B2 cỡ nòng 420 mm trên khung gầm xe tăng hạng nặng T-10. Xe tăng T-10 ở thời điểm đó được trang bị một động cơ diesel có công suất 750 mã lực nhưng việc di chuyển của 2B1 Oka vẫn cực kỳ khó khăn do kích thước pháo 2B2 quá lớn.

Với cỡ nòng 420 mm, 2B1 Oka sở hữu sức mạnh không hề thua kém các mẫu pháo trên các thiết giáp hạm trong Thế chiến thứ 2, nó thậm chí còn vượt trội hơn khi có khả năng bắn đạn hạt nhân. Chiều dài của nòng pháo 2B2 lên đến 20 m đủ để bắn những quả đạn hạt nhân tới các mục tiêu cách 45 km.

Để dễ hình dung, lớp thiếp giáp hạm Iowa của hải quân Mỹ trong Thế chiến thứ 2 chỉ được trang bị pháo hạm Mark 7 16 inch (406 mm), đây cũng là mẫu pháo lớn nhất từng được hải quân Mỹ sử dụng. Tầm bắn của Mark 7 chỉ khoảng 39 km.

Vì sao siêu pháo tự hành Liên Xô 'chết yểu' dù có khả năng tấn công hạt nhân? - 2

Pháo tự hành 2B1 Oka trong một lần duyệt binh trên Quảng trường Đỏ.

Về lý thuyết, khi triển khai vũ khí hạt nhân, 2B1 Oka sẽ bắn ra một đầu đạn có trọng lượng khoảng 750 kg, bay xa khoảng 45 km với thời gian bay trên không khoảng 20 giây trước khi tới mục tiêu và phát nổ ở khoảng cách khoảng vài chục mét so với mặt đất để tăng tối đa sức mạnh hủy diệt.

Theo thiết kế, các loại pháo tự hành hạt nhân chiến thuật như 2B1 Oka có thể bắn liên tục nhiều phát nhưng học thuyết chiến tranh hạt nhân lúc bấy giờ của Liên Xô lại giới hạn số lần triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật với bắn một phát duy nhất.

Xuất hiện trên Quảng trường Đỏ

Chỉ hai năm sau khi đề án phát triển 2B1 Oka được Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô thông qua, mẫu pháo tự hành này lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng trong lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ vào ngày 7/11/1957, nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga.

Sự xuất hiện của 2B1 Oka trên Quảng trường Đỏ thu hút sự chú ý từ các nước phương Tây bởi Oka được giới thiệu có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân. Dù vậy vẫn có một số hoài nghi về khẩu pháo này bởi khả năng cơ động kém của nó.

Với trọng lượng lên đến 55 tấn, động cơ diesel turbo V-12-6B của 2B1 Oka không đủ để có thể hành quân xa và chỉ có thể di chuyển trong phạm vi 180 km. Ngay cả bánh xích và hộp số của T-10 cũng dễ hư hỏng và cần bảo dưỡng liên tục trong quá trình 2B1 Oka di chuyển.

Vì sao siêu pháo tự hành Liên Xô 'chết yểu' dù có khả năng tấn công hạt nhân? - 3

Nguyên mẫu 2B1 Oka duy nhất còn sót lại được trưng bày tại bảo tàng pháo binh St. Petersburg.

Một vấn đề khác mỗi phát bắn của 2B1 Oka sẽ gần như phá hủy hệ thống khung gầm bánh xích của nó.

Từ những vấn đề trên 2B1 Oka bị xem như thứ vũ khí tuyên truyền hơn là mang tính thực chiến và chỉ có 6 hệ thống được chế tạo thử nghiệm. Chúng thậm chí còn không được đưa vào các bài kiểm tra cấp nhà nước.

Ngoài ra, sự thay đổi học thuyết hạt nhân của Mỹ và Liên Xô trong giữa những năm 1960 cùng với đó là sự xuất hiện của các loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa hơn và an toàn hơn so với đạn pháo hạt nhân đã khiến các loại vũ khí 2B1 Oka mất đi vị thế của mình.

Hiện nay chỉ còn duy nhất một khẩu pháo tự hành 2B1 Oka còn tồn tại được trưng bày tại bảo tàng pháo binh Nga ở thành phố St. Petersburg.

Trà Khánh(Nguồn: nationalinterest.org)
Bài liên quan
CIA sử dụng động vật cho các chiến dịch do thám tuyệt mật như thế nào?
CIA từ lâu đã phát minh ra những biện pháp mới để do thám đối thủ bằng cách sử dụng động vật - bao gồm cả động vật thật và robot. Khi CIA ngày càng mong muốn phát triển các giải pháp công nghệ trong Chiến tranh Lạnh, đã có khá nhiều kết quả bất ngờ và hài hước.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
VOVLIVE - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, tỉnh Phú Thọ và nhân dân về dự Lễ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.
Mới nhất