Vì sao mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng nghiêm trọng?

Nguyễn Thúy Hoa/VOV.VN (thực hiện) | 06/10/2020, 06:38

Lựa chọn giới tính trước khi sinh là nguyên nhân trực tiếp gây mất cân bằng giới tính khi sinh. TS Khuất Thu Hồng lý giải dưới góc độ Xã hội học.

Tại Hội nghị lần thứ 6, khóa XII (tháng 10/2017), Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới; nêu rõ “Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng”.

Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đưa ra mục tiêu: Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý. Tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Làm thế này để mục tiêu này được thực hiện thành công, khi tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức cao và dường như chúng ta chưa có biện pháp nào hiệu quả để giải quyết thực trạng đó.

VOV.VN phỏng vấn Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội về nội dung này, dưới góc nhìn xã hội học.

Thừa nam thiếu nữ- do thực hành giới trên cơ sở có hại!

PV: Thưa TS Khuất Thu Hồng, thông tin được đưa ra từ kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 do Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra về tỉ số giới tính khi sinh – SRB cho thấy sự mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam ở mức cao (năm 2018: 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái). Bà có thể cảnh báo về những hệ lụy mà xã hội sẽ phải gánh chịu do thực trạng này, và sẽ nghiêm trọng trong khoảng thời gian nào?

TS Khuất Thu Hồng: Như các nhà quản lý cũng đã nói nhiều trên báo chí, thực trạng này sẽ gây ra một loạt các hệ luỵ.

Thứ nhất là trong tương lai không xa sẽ có một số lượng lớn đàn ông không thể tìm được người bạn đời, không thể kết hôn được.

Thứ hai là xã hội sẽ có nhiều bạo lực vì dư thừa quá nhiều đàn ông ở một độ tuổi sung sức về mặt tình dục mà lại không tìm được bạn đời.! Bạo lực tình dục sẽ xảy ra: buôn bán, bắt cóc phụ nữ, hiếp dâm, quấy rối tình dục đối với phụ nữ…

Thứ ba, nhiều người cứ nghĩ rằng khi trong xã hội hiếm con gái như thế thì con gái chắc phải có giá trị lắm! Thế nhưng sự thực không phải vậy. Lúc ấy người phụ nữ lại giống như một món hàng, một mục tiêu để người ta “săn đuổi”. Những bé gái 13- 14 tuổi đã có người ngắm nghía, “chấm” là “đối tượng” của con trai họ, hay con trai nhà hàng xóm của họ... Trong một bối cảnh như thế phụ nữ sẽ khó mà có cơ hội để học hành, thăng tiến, bởi họ bị “tấn công” và “săn đuổi” từ rất nhiều phía. Bên cạnh đó là nguy cơ bị rình rập, bắt cóc, mua bán... Điều này đã xảy ra trong thực tế. Báo chí đã đưa tin nhiều phụ nữ Việt Nam bị lừa bán, bắt cóc đưa qua biên giới.

Hệ lụy thứ tư liên quan đến những vấn đề phúc lợi xã hội. Sẽ dư thừa  hàng triệu người đàn ông không có gia đình, việc chăm sóc hỗ trợ họ sẽ như thế nào đây, đặc biệt khi họ bước vào tuổi già? Và nó sẽ tạo ra một sự bất ổn trong xã hội.

Nhiều người sẽ nghĩ đó là lý thuyết, còn thực tế thì sao?. Cứ nhìn sang Trung Quốc thì thấy. Mặc dù Việt Nam còn chưa trải qua những hệ lụy như vậy nhưng đang bị ảnh hưởng bởi nước láng giềng mà hiện nay họ đang ở trong tình trạng quá thừa nam thiếu nữ. Bao nhiêu cô gái Việt Nam bị buôn bán sang bên đó, bị lừa dối, ép buộc phải kết hôn, bị cưỡng ép bạo lực tình dục... Những chuyện đó đã xảy ra với Việt Nam hơn chục năm nay rồi. Chúng ta đang phải chịu hệ luỵ trực tiếp từ Trung Quốc, nơi câu chuyện mất cân bằng giới tính khi sinh, thừa nam thiếu nữ xảy ra từ những năm 1980.

Ở Việt Nam chúng ta chưa phải chứng kiến những hệ lụy từ việc mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng mất cân bằng giới tính ở một số khu vực đã xảy ra. Chẳng hạn như ở đồng bằng sông Cửu Long hoặc một số địa phương, phụ nữ đi lấy chồng nước ngoài nhiều, đàn ông rất khó khăn trong việc kiếm vợ. Những người đàn ông nghèo không thể lấy được vợ ở địa phương. Ví dụ như ở một số địa phương miền Bắc, phụ nữ đi lấy chồng Hàn Quốc và Đài Loan rất nhiều. Ở những vùng  đó, từ khoảng 2005-2010 đã xảy ra tình trạng đàn ông hoàn cảnh gia đình không khấm khá thì rất khó lấy vợ. Họ thậm chí phải đi tìm vợ nhờ dịch vụ môi giới, mất tiền để được người ta giới thiệu chứ không thể tìm hiểu yêu đương những đối tượng ở địa phương mình như thông thường.

Tôi muốn nói rằng sự mất cân bằng giới tính sẽ dẫn đến những câu chuyện như vậy. Việc thừa nam thiếu nữ này bắt nguồn từ thực trạng- nói theo ngôn ngữ của Liên hợp quốc- gọi là “thực hành có hại trên cơ sở giới”. Đó là lựa chọn giới tính trước sinh, chấm dứt mang thai nếu là thai gái, và chỉ tiếp tục mang thai để sinh đẻ nếu là con trai.

Ở Việt Nam, dự báo khoảng năm 2040 trở đi sẽ thiếu từ 2,5 triệu cho đến 4 triệu phụ nữ. Căn cứ trên số liệu Tổng điều tra dân số năm 2019, người ta dự đoán mỗi năm chúng ta thiếu hụt 46.000 bé gái lẽ ra được sinh ra nhưng lại không được sinh ra do thực- hành- giới- có- hại. Như vậy trong 10 năm sẽ là bao nhiêu ngàn bé gái?. Và tương đương sẽ có chừng ấy người đàn ông gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời.

Miền Nam- miền Bắc: vì sao khác biệt?

PV: Theo kết quả điều tra năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh (SRB) của các vùng trên cả nước cũng có sự chênh lệch đáng kể: Đồng bằng sông Hồng là 115,5 bé trai/100 bé gái; trong khi đó ở đồng bằng sông Cửu Long là 106,9 bé trai/100 bé gái. Con số này nói lên điều gì, thưa bà? Vì sao mất cân bằng giới tính khi sinh  ở miền Bắc lại nghiêm trọng hơn ở miền Nam?

TS Khuất Thu Hồng: Về địa lý, nước ta giáp với Trung Quốc, nên chịu sự xâm nhập, ảnh hưởng về văn hóa, đặc biệt là Nho giáo và Khổng giáo. Miền Bắc gần hơn, bị ảnh hưởng nặng hơn.

Từ xa xưa nhà nước phong kiến Việt Nam đã chấp nhận Nho giáo như là hệ tư tưởng để cai trị đất nước. Hệ tư tưởng này củng cố gia đình phụ hệ, đề cao vai trò của người đàn ông: đàn ông là trụ cột gia đình, là người nối dõi tông đường vv...

Bên cạnh gia đình phụ hệ là truyền thống định cư ở bên nội, con gái lấy chồng phải về nhà chồng ở, dẫn đến việc những gia đình chỉ có con gái thì sau khi các con gái đi lấy chồng, bố mẹ già phải sống mộy mình.

Văn hóa tôn trọng con trai, văn hóa thờ cúng tổ tiên, văn hóa định cư bên nội... tạo ra nhu cầu phải có con trai, tạo ra tâm lý ưa thích con trai.

Ở miền Bắc do ảnh hưởng của Nho giáo nặng nề như thế cho nên tâm lý ưa thích con trai được cũng cố từ đời này qua đời khác.

Ở miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, chịu nhiều ảnh hưởng của văn hoá Đông Nam Á, thì không quá coi trọng con trai, mà cho rằng sinh con trai hay con gái đều tốt. Ví dụ để so sánh: ở miền Bắc người ta rất coi trọng vai trò của con trai trưởng, thường con trai trưởng sống cùng và chăm sóc cha mẹ; nhưng trong miền Nam thì không nhất thiết, cha mẹ có thể sống với con trai út, con trai út có thể chăm sóc cha mẹ. Ở miền Nam, nếu có con gái thì cha mẹ cũng sẵn sàng ở với con gái chứ không nhất thiết phải ở với con trai. Và người con rể cũng có thể thờ cúng cha mẹ vợ. Văn hóa Đông Nam Á cởi mở hơn là thế.

Văn hóa là một nguyên nhân quan trọng, nhưng nguyên nhân thứ hai cũng quan trọng không kém đó là về mặt kinh tế. Miền Nam từ xa xưa là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi, dễ sống hơn ở miền Bắc. Ví dụ như xưa kia miền Nam có “lúa trời” cứ thế mọc, trong khi miền Bắc phải trồng trọt rất vất vả, bán mặt cho đất bán lưng cho trời mới tồn tại được. Rồi do thời tiết, miền Bắc phải cần ngôi nhà chắc chắn, kiên cố. Người ta rất cần lao động, rất cần sức vóc của người đàn ông. Trong miền Nam dễ sống hơn cho nên cuộc sống thoải mái và nhẹ nhàng hơn, chính vì vậy vai trò của người con trai ở miền Nam không nặng nề như ở miền Bắc.

Đó là tính đến yếu tố lịch sử, địa lý tự nhiên. Còn về những biến đổi của lịch sử thì  miền Nam thời kỳ sau Pháp thuộc ở một thể chế khác và ảnh hưởng của phương Tây, nhất là Mỹ, rất rõ ràng. Lối sống của phương tây, tư tưởng phương Tây cởi mở hơn, lại trên nền có sẵn sự cởi mở của văn hóa Đông Nam Á rồi, càng làm cho người dân ở miền Nam cho rằng không nhất thiết mình phải có con trai. Họ không đặt nặng cái gọi là “nối dõi tông đường” hay “thờ cúng tổ tiên”.

Sau này, khi đất nước thống nhất, cứ tưởng rằng mọi việc đi đúng quỹ đạo và tiến bộ hơn, cởi mở hơn đúng như tinh thần của những chính sách, những chương trình giải phóng phụ nữ- bình đẳng giới; thế nhưng sau đấy chúng ta lại bắt tay ngay vào kinh tế thị trường... Mà kinh tế thị trường và những chính sách thì vô hình trung lại quay trở lại cùng cố vai trò của đàn ông, người con trai nhiều hơn.

Kinh tế thị trường là yếu tố củng cố vai trò của nam giới

PV: Bà có thể giải thích rõ hơn vì sao kinh tế thị trường lại là yếu tố củng cố vai trò của nam giới?

TS Khuất Thu Hồng: Thời bao cấp trước kia, người dân được bao cấp về y tế, giáo dục. Còn kinh tế thị trường thì trả lại cho gia đình chức năng chăm sóc, giáo dục, và những chức năng kinh tế. Và thế là quay lại mô hình gia đình truyền thống: người phụ nữ chăm sóc gia đình, chăm sóc con cái, cha mẹ già. Trong khi đòi hỏi của cuộc sống hiện đại thì phụ nữ phải tham gia lao động sản xuất, kiếm tiền như người đàn ông; nhưng đồng thời gánh thêm trách nhiệm chăm sóc cha mẹ, con cái, chăm sóc tất cả mọi người trong gia đình. Cuối cùng phụ nữ càng chịu nhiều gánh nặng hơn, cơ hội để họ phát triển càng hạn chế hơn so với nam giới. Nam giới trong cơ chế thị trường được tung hoành, phát triển, làm ăn, là doanh nghiệp, là đại gia... Người ta dễ cảm thấy rằng con trai mới có cơ hội để phát triển, để thăng tiến, để giành giật cơ hội.

Trước đây thời kỳ bao cấp ai cũng như ai thôi; bây giờ cơ chế thị trường, tôi giỏi tôi có thể làm giàu, tích lũy của cải. Có của cải thì người ta lại muốn để lại cho con trai chứ không muốn để lại cho... con rể! Những gia đình khá giả một chút, nếu không có con trai thì nhiều người cho rằng đấy là một thiệt thòi, một thiếu sót, chưa hoàn hảo. Rất nhiều người nói theo kiểu “lắm tiền thế mà cuối cùng cũng chỉ có hai con gái, “xây nhà tình nghĩa” ư... Vì thế cho nên những gia đình cố gắng đẻ con trai phần lớn là những gia đình có tiền, có học vấn cao chứ không phải chỉ là những người nghèo hay thuộc nhóm lạc hậu như nhiều người vẫn nghĩ. Vì sao? vì họ giàu, họ có thể tiếp cận với những phương pháp hiện đại để giúp lựa chọn giới tính, sinh ra con trai. Đấy câu chuyện là như thế, tưởng rằng giàu hơn người ta sẽ cởi mở hơn nhưng không phải. Người ta có thể thuê đẻ con trai, thụ tinh ống nghiệm vv... Có rất nhiều câu chuyện mà giờ đây với sự phát triển của công nghệ, làm cho nhu cầu có con trai nó càng trở nên mãnh liệt hơn ở chỗ là: bây giờ có tiền, có hiểu biết mà lại không thể có con trai làm sao được? Đó là điều không thể chấp nhận được với những gia đình giàu có. Cho nên họ sẽ tìm mọi cách để có con trai.

PV: Vậy tại sao chúng ta không xử phạt những trường hợp thực hành giới có hại? Ví dụ hiện nay có nhiều phòng khám, nhiều cơ sở công khai quảng cáo xét nghiệm liên quan  đến giới tính thai nhi...?

TS Khuất Thu Hồng: Làm sao mà phạt được?. Ngay cả ở  Hàn Quốc, người ta phạt rất nặng: 50.000 đô và rút giấy phép nếu phát hiện bác sĩ tiết lộ giới tính thai nhi; nhưng người ta cũng chỉ phạt được một vài trường hợp thôi. Ở Việt Nam mình cũng chỉ phạt được đôi ba trường hợp. Người ta có cách nói bóng gió, ám chỉ, nói tránh đi để không phạm luật. Đó là điều hoàn toàn có thể lách được.

Và vấn đề nữa là câu chuyện của ngành y tế. Những máy móc hiện đại được đầu tư, siêu âm 3 chiều-4 chiều... chẳng lẽ lại không giúp biết được giới tính của thai nhi? Rồi người ta đến siêu âm thai một phần là muốn biết là con mình nó có khỏe mạnh hay không, nhưng thực ra ai cũng mong mỏi muốn biết là mình có con trai hay con gái. Thế là cả hai bên cùng có nhu cầu, và nhu cầu ấy gặp nhau. Và không phải ai cũng giữ thai nhi gái, nên hàng năm mới thiếu đi 46.000 bé gái đáng lẽ được sinh ra. Nhiều khi người phụ nữ cũng rất đau khổ, họ chưa hẳn đã muốn bỏ đi đứa con gái, nhưng nếu lại đẻ tiếp con gái thì họ sẽ mất vị thế trong gia đình, có thể là chồng sẽ hắt hủi, thậm chí đòi ly dị, hoặc sẽ tìm cách bỏ mặc để đi kiếm con trai ở chỗ này chỗ kia. Do áp lực cho nên nhiều khi người phụ nữ buộc phải lựa chọn như vậy.

Thực hiện chính sách dân số - vì sao chưa hiệu quả?

PV: Bao nhiêu năm nay chúng ta đã tuyên truyền rất nhiều, nhưng vì sao thực trạng bất bình đẳng giới lại vẫn đáng lo ngại như vậy? Theo bà, điều gì gây nên sự kém hiệu quả khi thực hiện chính sách dân số?

TS Khuất Thu Hồng: Ở Việt Nam mình đến nay thực tế là người ta vẫn phải nương tựa vào con trai thì khi già mới có người mà chăm sóc. Nếu bây giờ có chế độ chính sách tốt cho người già, được hưởng một mức phụ cấp/ trợ cấp nào đấy đủ sống, thì việc cần nhờ đến con trai cũng sẽ giảm đi.

Thứ hai nữa, nếu nói về những phong trào và chính sách xã hội, về văn hóa... Nhà nước luôn kêu gọi duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Những lễ hội lớn của quốc gia hay của địa phương, những người làm lễ cúng tổ tiên toàn thấy hình ảnh đàn ông, những lãnh đạo, áo the khăn xếp lên cúng bái. Hình ảnh đó vô hình trung duy trì suy nghĩ trong cộng đồng là chỉ có người đàn ông mới có thể cúng bái tổ tiên.

Giữ gìn truyền thống là tốt. Nhưng tại sao phụ nữ lại không thể lo việc thờ cúng? Cần thay đổi tất cả những quan niệm ấy.

Những chính sách xã hội làm sao cũng phải giải phóng phụ nữ để phụ nữ có thể tham gia vào đời sống xã hội nhiều hơn, có cơ hội thăng tiến hơn, để các gia đình thấy rằng đẻ con gái cũng chẳng thiệt thòi gì cả, con gái cũng có thể có cơ hội phát triển như đàn ông, không khổ hơn người đàn ông. (Bây giờ rất nhiều người vẫn bảo đẻ con gái nó khổ, thương con gái, lớn lên phải đi làm dâu nhà người ta...; đẻ con trai nó đỡ hơn)...

Nếu chính sách xã hội thay đổi thì dần dần sẽ có sự thay đổi. Nếu chỉ hô hào thôi thì sẽ không tạo ra cái gì cả!

Có một nhà nghiên cứu ở Úc, người này trước đây là một người đàn ông có vợ và con gái. Đến năm ông ngoài 40 tuổi thì người vợ bị ung thư, mất. Một thời gian sau ông chuyển giới. Hiện giờ bà là một người nghiên cứu chuyên về đàn ông, và bởi từng là một người đàn ông, thì bà hiểu về đàn ông đến mức như thế nào. Bà có nói một câu thế này: Nam giới luôn luôn muốn bảo vệ chế độ phụ hệ vì nam giới được lợi từ nó. Bất kỳ người đàn ông nào cũng như là “có một cổ phần” ở trong chế độ phụ hệ, cho nên bằng mọi cách họ  sẽ bảo vệ nó.

Ở Việt Nam bây giờ mọi người sẽ càng ngày càng đẻ ít đi. Tỷ lệ người già tăng lên. Nếu Nhà nước không đầu tư vào những dịch vụ chăm sóc và tăng cường phúc lợi xã hội thì mọi gánh nặng sẽ dồn lên vai người phụ nữ (chăm sóc bố mẹ già của hai bên, chăm sóc con nhỏ…) và đó chính là cái lao động miễn phí của người phụ nữ, cả gia đình và xã hội đều đang bóc lột họ. Người đàn ông được lợi từ điều đó thì đương nhiên không muốn thay đổi!

PV: Viện nghiên cứu phát triển xã hội có đề tài nghiên cứu sâu nào về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh không? Nếu có thì xin bà chia sẻ?

TS Khuất Thu Hồng: Ở Viện chúng tôi có khá nhiều nghiên cứu nghiên cứu. Gần đây nhất, năm 2017 và 2018, chúng tôi có 2 công trình nghiên cứu.

Một nghiên cứu về Hôn nhân qua biên giới như là hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Tức là những người phụ nữ Việt Nam mà bị buôn bán sang Trung Quốc do hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh ở Trung Quốc, những cô bé 12- 13-14 bị bắt, bị lừa bán sang bên đó làm vợ người ta. Hay những người phụ nữ đi làm ăn cũng bị lừa bị bán. Cuộc sống bên đó rất khổ. Những gia đình Trung Quốc cũng khổ, người ta phải bỏ tiền ra mua cô dâu nước ngoài để mong muốn con trai mình có vợ, sinh con;  nhưng có nguy cơ bị mất tiền, bị vướng vào pháp luật. Tức là không chỉ cô dâu bất hạnh mà những gia đình mua cô dâu cũng bất hạnh. Đó là những bài học rất lớn cho Việt Nam.

Một nghiên cứu nữa đó là nghiên cứu gọi là “lệch chuẩn tích cực”, tức là nghiên cứu về những gia đình chỉ có con gái, người ta làm thế nào để vượt qua những áp lực. Nghiên cứu đó cũng thú vị, cho thấy là những gia đình nếu chỉ có con gái mà vượt qua được áp lực phải đẻ con trai thì họ phải hội đủ một số điều kiện nhất định. Ví dụ như là quan hệ giữa hai vợ chồng rất bình đẳng, người chồng rất thoải mái, cởi mở, không lăn tăn gì về việc chỉ có con gái. Người vợ thì độc lập cả về kinh tế và tư duy. Và gia đình lớn, bố mẹ chồng, bố mẹ vợ cũng hết sức ủng hộ. Điều kiện thứ ba là cặp vợ chồng đó không sống chung với gia đình nhà chồng mà sống riêng ngay từ đầu. Và thứ tư nữa là hai vợ chồng phải mạnh mẽ về mặt tính cách, không quan tâm đến những câu hỏi kiểu như vì sao không cố đẻ con trai vv…. Họ có thể chống lại những trào lưu đang rất phổ biến (phải có con trai). Thay vì xuôi theo dòng, họ đang đi ngược dòng.

Chúng tôi nghiên cứu cả ở nông thôn và thành thị. Ngay cả ở những tỉnh mất cân bằng nghiêm trọng nhất như là Hưng Yên thì vẫn có những cặp vợ chồng chỉ đẻ con gái thôi, và họ chẳng lăn tăn gì cả, không phải vì họ không đẻ được nữa mà vì họ thấy không cần thiết…

Đầu tư vào phúc lợi xã hội là giải phóng phụ nữ!

PV: Theo bà, trong tình hình hiện nay, chúng ta cần làm gì trước tiên để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh?

TS Khuất Thu Hồng: Theo tôi Nhà nước muốn giải phóng người phụ nữ thì phải đầu tư ngân sách vào xây dựng nhà trẻ, trường học, đầu tư vào hệ thống chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu từ A đến Z… Và đầu tư vào chăm sóc người già, chăm sóc người ốm. Bây giờ ở bệnh viện cứ một người bị ốm thì cả nhà phải đến chăm sóc, mà người phụ nữ đóng vai trò chính. Lẽ ra ở bệnh viện, điều dưỡng, y tá phải làm việc đó!

Nếu chúng ta có những trung tâm chăm sóc người già thật tốt, trường mầm non, trường học thật tốt; thì gánh nặng của người phụ nữ sẽ được giảm bớt, họ sẽ có nhiều thời gian và sức lực hơn để phát triển bản thân. Mà người phụ nữ giỏi giang thì con cái và gia đình cũng được hưởng lợi. Một gia đình mà cả hai vợ chồng đều giỏi thì gia đình sẽ phát triển tốt hơn. Để được như vậy thì người đàn ông trong gia đình phải chia sẻ gánh nặng chăm sóc, phải thay đổi cách suy nghĩ. Khi có nhiều người đàn ông nghĩ và làm như vậy thì  xã hội mới thay đổi được.

PV: Xin cảm ơn bà./.

Bài liên quan
Làm sao để người trẻ không sợ hôn nhân?
Nhiều bạn trẻ ngày nay, đặc biệt các bạn nữ ngại ngần hoặc từ chối bước vào hôn nhân. Họ có thể từng chứng kiến hoặc là nạn nhân của bất bình đẳng giới...

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Tìm được người tài để vận hành bộ máy
VOVLIVE - Người phát ngôn Bộ Nội vụ nhấn mạnh điểm quan trọng nhất khi tinh gọn bộ máy là tìm được người tài để vận hành bộ máy. Làm như vậy mới có được kết quả tích cực.
Mới nhất