Vay nợ tín chấp bằng ảnh nóng: Những hệ lụy nạn nhân không thể ngờ tới

Nguyễn Hiền/VOV.VN | 28/10/2021, 05:00

Dù được bên cho vay hẹn hứa trả nợ xong sẽ được xóa ảnh, hoặc clip, nhưng những hệ lụy bi đát, những bi kịch chua chát vẫn diễn ra theo những kịch bản mà chẳng cô gái nào có thể ngờ tới.

Thời gian gần đây, liên tục những vụ “dùng hình ảnh nhạy cảm để vay tiền” bị cơ quan chức năng phát hiện. Nạn nhân của vụ việc này phần đa là những cô gái làm nghề "dịch vụ", có nhu cầu vay tiền nhưng lại không có tài sản thế chấp. Để có tiền tiêu dùng cá nhân, các cô gái này ngoài phải chịu mức lãi suất “cắt cổ” thì còn tín chấp bằng hình ảnh video riêng tư, nhạy cảm, thậm chí cả những hình ảnh mang tính chất khiêu dâm. Mục đích sử dụng của các đối tượng này là để khống chế, phòng khi con nợ trốn sẽ gây sức ép, hoặc gửi cho người thân, đăng lên mạng xã hội, tạo áp lực để con nợ phải trả tiền.

Thế chấp clip "nóng" để "bốc họ"

Vụ gần đây nhất bắt nguồn từ việc, qua công tác kiểm tra hành chính, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội phát hiện Nguyễn Thị N. (trú tại Nghệ An) đang có hành vi mua bán dâm tại một nhà nghỉ trên địa bàn phường Mễ Trì. Ngoài trực tiếp bán dâm, N. còn tham gia môi giới mại dâm.

Tại cơ quan điều tra, N. khai nhận, lý do khiến cô phải “hành nghề” này là để có tiền trả lãi hằng ngày vì trong thời gian từ tháng 1/2021, N. vay tiền trả lãi theo ngày thông qua hình thức “bốc bát họ” của Nguyễn Thị Vân Anh và Đào Quốc Huy ở khu vực quận Đống Đa; Bùi Ngọc Thủy, Khương Thị Tuyến và Nguyễn Huy Hiển ở khu vực quận Long Biên, Hà Nội.

Theo đó, từ đầu tháng 5/2021 đến nay, nhóm vợ chồng Vân Anh và Huy đã cho Nguyễn Thị N. vay 7 lần qua hình thức bốc "bát họ" với tổng số tiền 163 triệu đồng. Với số tiền lãi từ 10-20.000 đồng/1 triệu/1 ngày, chỉ trong vòng vài tháng, tổng số tiền lãi mà  N phải trả cho vợ chồng Vân Anh là hơn 130 triệu đồng - gần bằng tổng số tiền vay gốc mà vợ chồng Vân Anh – Huy đã cho N. vay.

Lực lượng chức năng phát hiện, vợ chồng Vân Anh đã cho gần 1.000 người vay lãi với tổng số tiền lên đến 5 tỷ đồng. Tổng số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động này là hơn 1,3 tỷ đồng.

Đây không phải vụ việc điểm hình, trước đó, ngày 9/10, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Bình tạm giữ hình sự 2 nghi can là Lương Minh Ngọc (25 tuổi, ở H.Tuyên Hóa, Quảng Bình) và Nguyễn Thái Quý (28 tuổi, ở TP.Đồng Hới, Quảng Bình) để điều tra về hành vi cho vay nặng nặng lãi trong giao dịch dân sự tín dụng đen tín chấp bằng “hình ảnh nhạy cảm” với lãi suất lên tới 365%/năm. Cơ quan điều tra cũng xác định, từ năm 2018 đến nay, Lương Minh Ngọc và Nguyễn Thái Quý đã cho rất nhiều người dân trên địa bàn vay tiền với số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Cá biệt, đối với người vay không có tài sản, giấy tờ tùy thân để vay tiền, các nghi can này sử dụng thủ đoạn yêu cầu người vay tiền “thế chấp” bằng các video, hình ảnh nhạy cảm của họ để cho vay.

Đầu năm 2021, Cơ quan CSĐT - Công an Q.Thủ Đức, TP.HCM đã triệt phá băng nhóm cho vay nặng lãi trên địa bàn do đối tượng Nguyễn Thị Trang (31 tuổi, quê Quảng Ninh) cầm đầu. Để vay tiền, các cô gái buộc phải gửi ảnh và các đoạn phim khỏa thân. Tùy người, tùy gói vay, Trang và đồng bọn áp dụng mức lãi suất dao động từ 20% đến 40% tháng. Khi con nợ chưa kịp trả, nhóm của Trang sử dụng hình ảnh nhạy cảm để đe dọa, hành hung, đăng lên mạng xã hội để làm nhục. Sau đó công an Q.Thủ Đức đã triệt phá đường dây cho vay này.

Trả được nợ rồi vẫn bị uy hiếp

Theo các chuyên gia, thoạt đầu, vì thiếu tiền tiêu dùng nên những người này chỉ nghĩ đơn giản chấp nhận gửi những ảnh nhạy cảm, những clip mang tính chất khiêu dâm rồi sau đó khi trả hết nợ, những bức ảnh, hay clip đó sẽ được xóa vĩnh viễn. Nhưng với lãi suất cao, số tiền lãi phải trả hằng ngày gần như bóp nghẹt cuộc sống của họ, khiến họ quanh quẩn nợ nần không lối thoát. Đáng chú ý, có những trường hợp là cô gái trẻ, dù đã thanh toán hết khoản vay, nhưng những hệ lụy bi đát, đẩy họ vào con đường bán dâm, hay những kịch bản khác mà chẳng cô nào ngờ tới...

Bức xúc trước thực tế trên, trong thư gửi Báo Điện tử VOV, ThS Phạm Văn Chung, Cán bộ Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum cho rằng, đây là hành vi hết sức nguy hiểm cho xã hội, bởi không chỉ đơn giản là hành vi cho vay nặng lãi mà còn xâm phạm nghiêm trọng bí mật, đời tư cá nhân, danh dự, nhân phẩm của người khác. Mặt khác, đây còn là hành vi trái thuần phong mỹ tục, đạo đức, văn hóa của dân tộc, nạn nhân bị khống chế thường không phải chỉ thực hiện nghĩa vụ trả nợ mà có thể bị các đối tượng lợi dụng, ép buộc họ phải thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, cuối cùng là đi vào con đường phạm tội.

Do đó, ThS Phạm Văn Chung cho rằng, cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt để điều tra, xử lý triệt để, dứt điểm đối với loại tội phạm nguy hiểm này. Điều này không chỉ ngăn chặn tội phạm cho vay nặng lãi mà còn xử lý nghiêm tình trạng xâm phạm đời tư cá nhân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của phụ nữ, trẻ em gái.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Trọng Giáp, công ty Luật Hoàng Sa (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đánh giá, hành động của nhóm bị can xuất phát từ sự tham lam, thiếu hiểu biết pháp luật. Với những tài liệu hiện có, việc cơ quan công an khởi tố các bị can về 2 tội danh Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và Cưỡng đoạt tài sản là đúng quy định.

Theo Luật sư Giáp, Bộ luật Dân sự hiện hành năm 2015 tại Điều 469 quy định về lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Như vậy, với mức lãi suất mà các đối tượng cho vay 20.000 đồng/ triệu/ ngày theo tính toán sẽ vượt quá mức lãi suất theo quy định (730%/ năm gấp hơn 30 lần mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật dân sự 2015).

“Với mức lãi suất "cắt cổ", cao hơn 30 lần so với lãi suất cao nhất theo quy định thì những đối tượng cho vay sẽ bị xử lý hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015. Nếu họ thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, mức hình phạt cho hành vi cho vay lãi nặng này có thể bị xử phạt lên đến 3 năm tù”- luật sư Giáp nói.

Ngoài ra, theo vị luật sư này, những đối tượng trên còn có thể bị xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015 nếu trong quá trình đòi nợ, các đối tượng này có hành vi đe doạ dùng vũ lực, hoặc thủ đoạn khác nhằm uy hiếp tinh thần con nợ như doạ tung ảnh nóng lên mạng xã hội, hay nói xấu, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của con nợ nhằm mục đích đòi nợ. Mức hình phạt cho hành vi cưỡng đoạt tài sản có thể lên đến 20 năm tù khi cưỡng đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên. Thậm chí, nếu các đối tượng dùng vũ lực để buộc con nợ phải giao các tài sản như điện thoại, xe máy, ... nhằm gạt nợ thì còn có thể bị xử lý về tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 168, mức phạt tù cao nhất lên đến Tù chung thân./.

Bài liên quan
Triệt phá ổ nhóm tín dụng đen cho vay với lãi suất gần 200%/năm ở Hà Nội
Công an quận Hà Đông (Hà Nội) triệt phá thành công ổ nhóm tín dụng đen cho vay lãi gần 200%/năm, nhóm này hoạt động tại 11 quận, huyện, thị xã tại TP Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Những ký ức hào hùng không thể nào quên của cựu chiến sĩ Điện Biên
Những ký ức còn đọng mãi với thời gian của cựu chiến sĩ Điện Biên như tiếng chuông lịch sử vang mãi, nhắc nhở các thế hệ sinh ra trong hòa bình trân trọng công lao của các thế hệ cha anh đi trước đã ngã xuống để dựng xây hòa bình cho hôm nay.
Mới nhất