Văn hóa chịu trách nhiệm, đừng để lớn mới rèn 

Kiều Tuyết | 15/10/2020, 08:12

Văn hóa nhận trách nhiệm và chịu trách nhiệm vẫn là điều gì đó khá xa vời ở ta, mỗi khi có sự việc nổi lên gây bức xúc xã hội. Và tất nhiên, văn hóa ấy, bản lĩnh ấy không thể nào có được, nếu không được hình thành từ tấm bé.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Văn hóa nhận trách nhiệm và chịu trách nhiệm vẫn là điều gì đó khá xa vời ở nước ta (Ảnh minh họa)

Nam viên chức 33 tuổi ở ngay Hà Nội, chưa vợ, là con một trong gia đình không lấy gì làm giàu có. Khi cậu chậm lương, bố cậu lên hỏi giám đốc. Khi cậu kêu nhiều việc quá, bố cậu gặp giám đốc đề nghị giao cho con tôi ít việc thôi. Cậu ốm, bố cậu gọi điện cho lãnh đạo phòng, ban xin cho “em nó” nghỉ mấy ngày. Và đến nay cậu vẫn chưa vợ, vì bố mẹ cậu than rằng, lũ con gái bây giờ hư hỏng hết!

Chuyện thật 100%. Có thể bạn lắc đầu, nhưng thực ra, những “đứa trẻ” trong hình hài thanh niên như vậy, không hiếm.

Hãy nhìn từ đứa trẻ chập chững bi bô. Khi chúng vấp ngã và khóc ré lên, nhiều ông bà, bố mẹ sẽ nhào đến đỡ ngay dậy, dỗ dành và “đánh chừa cái mặt đất” vì làm con ngã. Khi chúng húc đầu vào bàn ghế và khóc lóc ỉ ôi, bàn ghế lại bị “đánh chừa”, can tội làm con đau.

Khi chúng lười ăn, người lớn đổ lỗi cho nhau vì không biết nấu nướng, không biết cách nựng. Khi trẻ học bài, bố mẹ kè kè bên cạnh xem con làm xong chưa, đúng chưa, vì lo thầy cô phạt con. Và lớn hơn chút nữa, phụ huynh sẽ chọn luôn ngành nghề cho con, lo việc cho con, lo kén vợ gả chồng, lo nuôi con hộ chúng…

Sự yêu thương của bố mẹ là vô bờ bến. Nhưng yêu thương theo cách bao bọc này đang tước đi quyền cũng như cơ hội chịu trách nhiệm của trẻ em về các việc chúng làm. Với sự can thiệp của người lớn vào mọi quyết định, trẻ ít khi có cơ hội sai lầm hay thất bại, trong khi đó mới là thứ giá trị nhất giúp người ta trưởng thành.

Sẽ không có gì ngạc nhiên khi bạn thấy, những đứa trẻ ấy sau này trở thành ông bà giám đốc doanh nghiệp, cứ loanh quanh đổ lỗi do cơ chế, do khách quan chứ nhất định không nhận trách nhiệm cá nhân trước thua lỗ của đơn vị. Hoặc, lỗi quản lý đã rành rành, nhưng người đứng đầu lại thản nhiên đổ tại cấp tham mưu, hoặc do… nhân viên đánh máy.

Văn hóa nhận trách nhiệm và chịu trách nhiệm vẫn là điều gì đó khá xa vời ở ta, mỗi khi có sự việc nổi lên gây bức xúc xã hội. Và tất nhiên, văn hóa ấy, bản lĩnh ấy không thể nào có được, nếu không được hình thành từ tấm bé./.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 14/10 tại đây:

Bài liên quan
Chủ tịch Quốc hội: Cần cơ chế đặc thù bảo tồn di sản văn hoá quý hiếm
Nhấn mạnh phải coi di sản văn hóa là nguồn lực để bảo tồn, phát huy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề nên chăng cần nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách đặc thù bảo tồn di sản văn hóa quý hiếm của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất