Ukraine thay đổi cách thức sử dụng HIMARS trên chiến trường

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Time | 07/01/2023, 07:56

Cuộc tấn công trong ngày đầu năm mới nhằm vào nơi tập trung binh lính Nga cho thấy Ukraine đã có sự thay đổi về chiến thuật trong việc sử dụng hệ thống HIMARS trên chiến trường.

Trong ngày đầu năm mới 2023, Ukraine đã sử dụng hệ thống pháo binh do Mỹ sản xuất, tiến hành cuộc tấn công ở thành phố Makiivka, tỉnh Donetsk, khiến hàng chục binh sỹ Nga thiệt mạng. Đây là một trong những cuộc tấn công gây thiệt hại về người lớn nhất nhằm vào các lực lượng Nga trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn 10 tháng.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 3/1 đã thừa nhận, ít nhất 89 quân nhân nước này, bao gồm 1 sĩ quan cấp tá, tử trận  khi doanh trại của họ bị quân đội Ukraine tấn công vào rạng sáng 1/1 (ngay sau giao thừa, giờ địa phương). Đây là con số thương vong cao nhất trong một vụ tấn công cụ thể mà Nga công khai thừa nhận kể từ tháng 2/2022 tới nay.

Thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, việc lính Nga, đặc biệt là các tân binh, không chấp hành quy định bảo mật thông tin và để lộ vị trí đang gây rủi ro lớn.

“Các quân nhân tại doanh trại tạm thời (ở thành phố Makiivka, tỉnh Donetsk) đã sử dụng điện thoại di động trên diện rộng. Các tín hiệu điện thoại di động đó đã giúp phía Ukraine định vị được nơi Nga đóng quân”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.

Cả giới chức Nga và Ukraine đều nói rằng, hệ thống HIMARS – loại vũ khí dẫn đường bằng vệ tinh có tầm bắn hơn 80km, đã được sử dụng trong cuộc tấn công.

Ukraine thay đổi cách thức sử dụng HIMARS như thế nào?

Mỹ bắt đầu cung cấp Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) cho Ukraine từ tháng 6/2022. Hệ thống này có tầm bắn gấp đôi các vũ khí mà Kiev từng sử dụng trước đó.

“HIMARS là một trong những hệ thống pháo binh tiên tiến nhất trên thế giới, tầm bắn của nó xa hơn bất cứ loại vũ khí tương tự nào mà Ukraine từng có, vì thế khi được chuyển giao, chúng đã giúp Kiev tấn công sâu hơn vào sau phòng tuyến của Nga với độ chính xác cao hơn”, ông Ian Williams, Phó Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa của CSIS cho biết.

HIMARS đóng vai trò thiết yếu trong việc phòng thủ cũng như tấn công của Ukraine và phát huy hiệu quả nhất khi tấn công vào các mục tiêu cố định như cơ sở hạ tầng.

Hệ thống pháo phản lực HIMARS đặc biệt hiệu quả trong việc chống lại các cuộc tấn công của Nga ở Donbass bằng việc cho phép Ukraine tấn công vào các kho đạn dược của Nga.

Ông George Barros, nhà phân tích về Nga và Ukraine tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) nhận định, hệ thống HIMARS cũng đóng vai trò quan trọng trong việc buộc Nga rút khỏi Kherson.

“Đó là bởi Ukraine liên tiếp tấn công nhằm vào các cây cầu huyết mạch trong khu vực. Nếu không có HIMARS, tôi không nghĩ Ukraine buộc Nga phải rút khỏi Kherson”, ông Barros nói.

Các nhà phân tích quân sự nhận định, cuộc tấn công trong ngày đầu năm mới Ukraine cho thấy Kiev đã có sự thay đổi về chiến thuật.

“Điều khác biệt về cuộc tấn công mới nhất là phía Ukraine đã đánh vào khu vực tập trung nhiều quân nhân Nga, vì vậy con số thương vong cũng rất cao”, ông Williams nói.

Trước đây, Ukraine chủ yếu sử dụng HIMARS nhắm vào các cơ sở hạ tầng như các kho đạn dược và tuyến hậu cần. Tuy nhiên chiến thuật đã có sự thay đổi khi Kiev gần đây nhắm nhiều hơn vào các doanh trại và các khu vực tập trung quân đội của Nga.

Hồi tháng 12, Ukraine từng sử dụng hệ thống HIMARS tấn công vào một khách sạn ở tỉnh Lugansk. Các nhà chức trách Ukraine cho rằng khách sạn này là căn cứ của lực lượng bán quân sự Wagner Group - lực lượng mà họ cho là đóng vai trò đáng kể trong chiến dịch của Moscow ở Donbass.

Chiến thuật sử dụng hiệu quả sẽ đóng vai trò quan trọng

Mỹ đã cung cấp ít nhất 20 hệ thống HIMARS cho Ukraine. Washington tuyên bố về việc cung cấp hệ thống này cho Kiev từ tháng 6/2022 trong một gói viện trợ quân sự trị giá 700 triệu USD.

Giới chức Mỹ nói rằng, có một số hạn chế nhất định được đặt ra với các pháo phản lực HIMARS cung cấp cho Ukraine. Chúng không thể phóng tên lửa ATACMS có tầm bắn lên tới 320km. Mỹ cũng buộc Ukraine đảm bảo rằng HIMARS sẽ không được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Theo các nhà phân tích, những hạn chế như vậy là cách Mỹ vừa có thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine, vừa có thể ngăn chặn cuộc xung đột ở Ukraine leo thang thành một cuộc xung đột rộng hơn giữa Mỹ và Nga.

Ngay cả khi đã có HIMARS, Kiev vẫn yêu cầu các đồng minh phương Tây cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực; tuy nhiên Mỹ và nhiều đồng minh đều từ chối đề nghị này.

Ngày 4/1, Pháp cho biết sẽ cung cấp xe chiến đấu bọc thép AMX-10 cho Ukraine. Trong một động thái tương tự, ngày 5/1, Mỹ và Đức cũng thông báo sẽ chuyển xe chiến đấu bộ binh Bradley và Marder cho Ukraine. Cả 3 loại phương tiện đều có thể được gọi là “xe tăng hạng nhẹ”.

Hiện chưa có quốc gia NATO nào có kế hoạch cung cấp cho Ukraine xe tăng chiến đấu chủ lực do phương Tây sản xuất. Ngày 4/1, một quan chức Mỹ giấu tên đã loại trừ việc chuyển giao xe tăng M1 Abrams cho Kiev.

Khi xung đột tiếp tục kéo dài, các chiến thuật sử dụng vũ khí hiệu quả sẽ là chìa khóa giúp Ukraine đối phó với Nga. Ông Phillips O’Brien, Giáo sư về Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học St. Andrews đánh giá, những vũ khí như HIMARS có thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột giữa Ukraine với Nga năm 2023./.

Bài liên quan
Yếu tố quyết định cục diện xung đột Nga-Ukraine trong năm nay
Nga sản xuất số lượng đạn pháo gấp gần 3 lần so với Mỹ và châu Âu cung cấp cho Ukraine. Theo đánh giá của giới phân tích, đây có thể sẽ là yếu tố quyết định cục diện xung đột Nga-Ukraine trong năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất