Tử vong do bệnh dại gia tăng vì người dân e ngại tiêm vaccine

Kim Dung-CTV Tuyết Ngân/VOV-TPHCM | 05/10/2022, 19:46

Bệnh dại có tỷ lệ tử vong gần như 100% khi lên cơn dại. Bệnh đang có chiều hướng gia tăng, nhiều ca tử vong do nhận thức của người dân về vaccine còn thấp nên không tiêm.

Thông tin đưa ra tại buổi thảo luận diễn ra ngày 5/10 tại TP.HCM do Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức, nhằm hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh dại.

Ghi nhận của Hội Y học dự phòng Việt Nam từ 2017 – 2021 cho thấy, cả nước có 378 ca tử vong vì bệnh dại tại 52/63 tỉnh, thành. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã có hơn 40 ca tử vong do bệnh dại, trong đó Bến Tre là địa phương đứng đầu với 11 ca tử vong. Trong 2 năm 2020-2021, bệnh dại có xu hướng gia tăng rõ rệt tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và miền Nam.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn - điều hành Trung tâm xét nghiệm Y sinh học lâm sàng và dịch vụ Khoa học kỹ thuật, Viện Pasteur TP.HCM, hầu hết các trường hợp tử vong vì bệnh dại do mọi người không đi tiêm vaccine phòng ngừa sau khi bị động vật cắn, cào hoặc liếm lên vùng da bị tổn thương. Bên cạnh đó, không ít người nghĩ rằng chó mèo đã tiêm phòng rồi sẽ không truyền bệnh dại, hoặc có thói quen trì hoãn đi tiêm phòng ngay, chờ đợi theo dõi động vật cắn mình có biểu hiện bất thường thì mới đi tiêm.

Thậm chí nhiều trường hợp còn tự ý điều trị bằng thuốc Đông y, đi thầy lang để chữa trị... Việc tự ý điều trị bằng thuốc Đông y hoặc đi lấy nọc theo phương pháp dân gian dễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và nguy hiểm hơn là dẫn đến tử vong, bởi bệnh dại không đi qua đường máu mà đi qua đường dây thần kinh.

Thời gian ủ bệnh của bệnh dại trung bình từ 1 - 3 tháng, tuỳ vị trí cắn, độ nghiêm trọng của vết thương, số lượng virus xâm nhập... Do đó, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn khuyến cáo, phương pháp hữu hiệu nhất để chủ động phòng dại là tiêm vaccine dại. Người dân cần đề cao cảnh giác, khi bị động vật cào, cắn, liếm vào vết thương hở thì người dân cần đi tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt. 

“Hiện tại kể cả những con chó mèo đã được tiêm ngừa dại thì những bằng chứng khoa học cũng không chắc chắn phòng ngừa bệnh dại 100%, nên những người mà bị chó mèo đã tiêm phòng cắn vẫn có nguy cơ mắc bệnh dại nên đều phải xử lý vết thương và đi tiêm ngừa ngay sau khi bị cắn”- BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn cho biết./.

Bài liên quan
Thủ tướng yêu cầu Quảng Bình kiểm điểm trách nhiệm trong phòng, chống bệnh dại
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu tỉnh Quảng Bình kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, người đứng đầu chính quyền các cấp còn chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất