Tự do sáng tạo cần được thể chế hóa để phát huy tiềm năng của văn nghệ sỹ

Lê Anh - Bảo Linh/VOV.VN | 19/12/2022, 22:31

Đây là một trong những vấn đề được các đại biểu nêu ra trong Hội thảo khoa học toàn quốc “Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Ngày 19/12, tại tỉnh Hà Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Đồng chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương; bà Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam.

Tham dự hội thảo có đại diện một số ban, bộ, ngành, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam, Liên hiệp các Hội VHNT, các Hội VHNT chuyên ngành trung ương và địa phương, đông đảo các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết: Hội thảo đã nhận được hơn 150 tham luận. Số lượng lớn bài tham luận cho thấy sự hưởng ứng nhiệt thành của đông đảo các cơ quan tuyên giáo, văn hoá, văn nghệ, báo chí; các nhà quản lý, các nhà khoa học và văn nghệ sĩ trong cả nước đối với chủ đề hội thảo, với Nghị quyết 23.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo tập trung đánh giá những kết quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Nghị quyết; làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 trong các lĩnh vực: Sáng tạo, nghiên cứu, phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; công tác xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ; công tác củng cố, đổi mới hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật; công tác giao lưu và hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật; công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật quần chúng...

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế sau 15 năm thực hiện Nghị quyết trong các lĩnh vực sáng tạo, nghiên cứu, phát triển lý luận, phê bình VHNT; công tác xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ; công tác củng cố, đổi mới hoạt động của các hội VHNT; công tác giao lưu và hợp tác quốc tế về VHNT; công tác xây dựng và phát triển VHNT quần chúng… ở các ngành, hội, đơn vị trung ương và địa phương

Trên cơ sở những phân tích, đánh giá thực trạng, nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế, các nhà khoa học đã đề xuất, kiến nghị phương hướng, giải pháp, những bài học kinh nghiệm để tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23-NQ/TW.

Cụ thể, nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá Nghị quyết 23 đã nâng cao nhận thức của Chính phủ, các địa phương quan tâm, đầu tư cho văn học nghệ thuật. Rất nhiều chương trình, dự án, đề án liên quan văn học nghệ thuật được triển khai, tạo động lực, sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực cho phát triển văn học nghệ thuật.

Từ hiện trạng các câu lạc bộ thơ "mọc lên như nấm", nhà thơ Vũ Quần Phương cũng cảnh báo tình trạng nghiệp dư hóa, phong trào hóa các hội sáng tác văn học nghệ thuật khiến chất lượng tác phẩm đi xuống, thái độ của công chúng đối với tác phẩm không còn “thiêng liêng” như trước. Ông đề nghị cần đánh giá lại các phong trào, các tác giả nhận định đúng ưu điểm, khuyết điểm. Trong vấn đề xét chọn tác giả, tác phẩm cần lấy tiêu chí chất lượng tác phẩm lên hàng đầu, không nể nang, dễ dãi. 

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân nêu ra các nhân tố tác động đến văn học nghệ thuật trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay. Thay vì đáp ứng nhu cầu chính đáng, lành mạnh của công chúng, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đang sa đà đáp ứng vào nhu cầu, thị hiếu tầm thường, dung tục. Đặc biệt nhiều sản phẩm văn học nghệ thuật còn có thể xếp vào loại xấu độc, tác động tiêu cực đến nhận thức, thẩm mỹ của công chúng. Nhiều đề tài lớn của nền văn học nghệ thuật cách mạng không được giới văn nghệ sĩ quan tâm, tập trung trí tuệ sáng tác, ảnh hưởng đến năng lực tuyên truyền - cổ động trong công tác tư tưởng của Đảng. Nhiều bộ môn văn học nghệ thuật truyền thống chưa được quan tâm đúng mức, đứng trước nguy cơ mai một.

TBT Báo Quân đội nhân dân đề xuất một số kiến nghị mang tính giải pháp, đó là: Tiếp tục quán triệt, thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn học nghệ thuật. Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật. Không ngừng đổi mới nội dung tương thích hình thức mới, tìm phương thức quảng bá hiệu quả, mạnh dạn thử nghiệm xã hội hóa, thương mại hóa các tác phẩm....

Còn PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng để phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần xây dựng đất nước thì cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của văn học, nghệ thuật trong xây dựng đất nước, con người. Tăng cường giáo dục nghệ thuật là một giải pháp trong việc xây dựng con người mới. Xây dựng mới các chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, như chế độ lương, nhuận bút, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp, chế độ hưu đối với trí thức, văn nghệ sĩ. Có cơ chế khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật với ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình.

Tại hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu quan trọng đánh giá khái quát việc thực hiện Nghị quyết 23, chỉ đạo việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW được tiến hành trong năm 2023, xác định các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục phát triển văn học, nghệ thuật trong thời gian tới.

Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự cống hiến, tâm huyết, tài năng của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, lĩnh vực VHNT đã đạt được những kết quả tích cực. Các lĩnh vực, ngành nghệ thuật đều có những tác phẩm với chất lượng tốt, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật; tiếp tục khơi thông dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với dân tộc. Nội dung sáng tạo, phương thức biểu hiện có nhiều tìm tòi, đổi mới, đa dạng, hiện đại hơn. Tự do, dân chủ trong sáng tạo được bảo đảm, cá tính sáng tạo được tôn trọng và phát huy. Công tác lý luận, phê bình VHNT đã có nỗ lực đáng ghi nhận, từng bước khắc phục những hạn chế kéo dài; cố gắng bám sát thực tiễn, góp phần phát hiện, khẳng định cái hay, cái đẹp; kịp thời phê phán các khuynh hướng lệch lạc, sai trái trong đời sống văn nghệ. Phong trào văn nghệ quần chúng tại các địa phương có bước phát triển mới, theo hướng bảo tồn, phát huy các giá trị văn học, nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân ở cơ sở…

Tuy nhiên, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng lưu ý công tác lý luận, phê bình VHNT vẫn còn không ít hạn chế. Di sản lý luận văn nghệ của cha ông chưa được nghiên cứu đầy đủ, thấu đáo; có hiện tượng tiếp thu thiếu chọn lọc, nóng vội đối với một số lý thuyết văn nghệ nước ngoài. Hoạt động phê bình mặc dù đã có tiến bộ, nhưng vẫn chưa khẳng định được vai trò đồng hành, đồng cảm, thật sự góp phần kịp thời điều chỉnh, định hướng đối với sáng tạo và tiếp nhận văn nghệ. Lực lượng làm công tác lý luận, phê bình còn thưa vắng ở hầu khắp các loại hình nghệ thuật. Công tác đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ trong lý luận, phê bình còn nhiều bất cập. Hoạt động giao lưu quốc tế, tiếp thu tinh hoa VHNT nhân loại, quảng bá văn học, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới chưa có chiến lược bài bản, còn có biểu hiện tự phát, manh mún, thiếu hiệu quả.

Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo; bồi dưỡng và bố trí phù hợp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực VHNT. Tập trung đẩy mạnh thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật thành luật, cơ chế, chính sách và các quy định phù hợp thực tiễn. Huy động nguồn lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam, tạo cơ sở xây dựng hệ giá trị VHNT. Cải thiện môi trường sáng tạo, môi trường làm nghề của văn nghệ sĩ, trong đó vấn đề tự do sáng tạo cần phải được thể chế hóa, góp phần giải phóng tư tưởng, phát huy tiềm năng, kích thích năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ…

Kết quả Hội thảo là cơ sở của các luận cứ khoa học để Hội đồng xây dựng báo cáo gửi Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Trưởng ban và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đưa vào nội dung tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW. Sau hội thảo, Hội đồng lựa chọn các tham luận có chất lượng cao để biên tập, in kỷ yếu. Đây là tài liệu tham khảo giá trị, hữu ích cho những người làm công tác quản lý văn hóa, văn nghệ các cấp, các ngành liên quan đến văn học, nghệ thuật, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ./.

Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) nhấn mạnh: “Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính dân tộc, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ, người chiến sĩ xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...”.

Nghị quyết cũng đề ra chủ trương và các giải pháp để “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Bài liên quan
Nếu văn nghệ sĩ biết cách tận dụng AI thì sẽ nhàn hơn rất nhiều
Bước vào lĩnh vực văn học nghệ thuật, lĩnh vực đòi hỏi khả năng sáng tạo trước giờ chỉ riêng có ở con người thì hôm nay, chỉ cần sử dụng các thuật toán AI đã cho ra các sản phẩm nghệ thuật một cách nhanh chóng. Không hề vô lý khi có nhiều người tỏ lo ngại, rằng sự phát triển nhanh chóng AI sẽ khiến các văn nghệ sĩ có thể trở nên không cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
VOVLIVE - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, tỉnh Phú Thọ và nhân dân về dự Lễ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.
Mới nhất