Từ chối EU, quốc gia trung lập Thụy Sĩ chi lớn mua lô tiêm kích F-35A của Mỹ

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: CNN | 03/07/2021, 06:13

Thụy Sĩ đã chọn F-35A Lightning II của Lockheed Martin là chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo cho quân đội của nước này, chính phủ cho biết ngày 30/6.

Hợp đồng 5,5 tỷ USD sẽ đưa quốc gia này là nước thứ 15 tham gia vào dự án vũ khí lớn nhất thế giới - dòng chiến đấu cơ một động cơ được Mỹ, các đồng minh và đối tác sử dụng.

Cùng với đó, Thụy Sĩ cũng chi 2,1 tỷ USD mua hệ thống tên lửa đất đối không Patriot từ tập đoàn Raytheon của Mỹ, khiến cho các đối thủ châu Âu cạnh tranh với Mỹ thất bại trong cả 2 thỏa thuận trên.

Mặc dù chương trình F-35 đối mặt với nhiều vấn đề, sự trì hoãn và những bước lùi về kỹ thuật nhưng nó vẫn đang đạt được những dấu mốc xuất khẩu mới. Một số luồng quan điểm chỉ trích cho rằng, dự án này, với giá trị hàng nghìn tỷ USD trong toàn bộ vòng đời của nó, có thể còn tiếp tục chứng kiến chi phí bị đội lên trong khi không đáp ứng được các mục tiêu về khả năng.

Tuy nhiên, Thụy Sĩ, một quốc gia trung lập, đã mua 36 chiến đấu cơ F-35 sau khi đánh giá đây là phương tiện "có lợi thế cao nhất với mức chi phí thấp nhất", chính phủ nước này cho hay.

Nhà sản xuất F-35 đã giành được gói thầu trước các đối thủ cạnh tranh như F/A-18 Super Hornet của Boeing, Rafale từ Dassault của Pháp và Eurofighter được phát triển bởi Đức, Tây Ban Nha, Italy và Anh.

Quyết định trên của chính phủ Thụy Sĩ đã vấp phải sự chỉ trích từ các nhà hoạt động chống vũ khí và các đảng cánh tả, những người cho biết sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này - đánh dấu cuộc bỏ phiếu thứ ba ở Thụy Sĩ về việc mua chiến đấu cơ F-35.

Cách đây 7 năm, các cử tri Thụy Sĩ đã bác bỏ ý tưởng mua các chiến đấu cơ Gripen từ Saab của Thụy Điển trong khi gói ngân sách 6 tỷ franc Thụy Sĩ (tương đương 6,5 tỷ USD), dẫn tới quyết định mua F-35A, chỉ mới được thông qua với tỷ lệ sít sao vào năm ngoái.

Những người phản đối quyết định trên cho rằng Thụy Sĩ không cần những chiến đấu cơ hiện đại để bảo vệ vùng lãnh thổ Alpine của mình, nơi mà những chiến đấu cơ siêu âm đi qua trong 10 phút.

"Quyết định trên thật khó hiểu. Không chỉ về việc mua các chiến đấu cơ này mà còn cả về phí bảo trì và vận hành. Chúng ta nên tìm kiếm một giải pháp của châu Âu... Chúng tôi không muốn phụ thuộc vào Mỹ", Priska Seiler Graf, một thành viên trong phe cánh tả Dân chủ Xã hội (SP) trong Nghị viện cho hay.

Chính phủ Thụy Sĩ cũng chọn hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ thay vì tổ hợp Eurosam của Pháp và Italy.

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ Viola Amherd cho biết, các chiến đấu cơ F-35A được lựa chọn bởi khả năng thể hiện ấn tượng nhất và "vừa túi tiền" nhất.

Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 của Lockheed cũng vừa thêm Ba Lan vào danh sách các khách hàng, trong đó đã bao gồm Bỉ, Đan Mạch, Italy, Hà Lan, Na Uy và Anh.

Các nhà phân tích cho biết, quyết định của Thụy Sĩ khi từ chối các chiến đấu cơ và hệ thống tên lửa đất đối không của châu Âu đã cho thấy sư lạnh nhạt của nước này với Liên minh châu Âu giữa bối cảnh quan hệ hai bên căng thẳng sau khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại cũng như các vấn đề khác sụp đổ.

Các nhà hoạt động chống vũ khí cho rằng, Thụy Sĩ, nước không tham gia vào một cuộc chiến nào ở nước ngoài từ hơn 200 năm trở lại đây, không có kẻ thù và cũng không cần chiến đấu cơ hiện đại. Tuy nhiên, những người ủng hộ quyết định trên thì lại nhận định, Thụy Sĩ phải có khả năng tự vệ để không cần phụ thuộc vào nước khác./.

Bài liên quan
Mỹ nối lại việc bàn giao sau khi phát hiện hợp kim Trung Quốc trong tiêm kích F-35
Lầu Năm Góc đã thông qua quyết định miễn trừ an ninh quốc gia về việc nối lại quá trình vận chuyển tiêm kích F-35 sau khi Lockheed Martin phát hiện một hợp kim trong máy bay này đến từ Trung Quốc, 3 nguồn thạo tin cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất