Trực tiếp: Quốc hội giám sát tối cao thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

PV/VOV.VN | 31/10/2022, 10:00

Quốc hội dành toàn bộ thời gian của ngày làm việc hôm nay để tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, mở đầu phiên làm việc hôm nay 31/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Các đại biểu Quốc hội xem videoclip về kết quả giám sát trước khi thảo luận ở hội trường về nội dung này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh, đây là cuộc giám sát có quy mô, phạm vi rất rộng và có sự kỳ vọng rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan dân cử từ trung ương cho đến địa phương cũng như nhân dân, cử tri nói chung.

Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết, tạo bước chuyển biến rõ rệt, căn bản trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để song hành với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực hiện nay.

Nghị quyết số 18/2021/QH15 của Quốc hội quyết nghị phạm vi giám sát chuyên đề là việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sau đây viết tắt là THTK,CLP) từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Nội dung giám sát tập trung đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác THTK,CLP và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

UBTVQH đã dành thời gian tại 4 phiên họp để thảo luận, cho ý kiến, xác định mục tiêu, giới hạn phạm vi, nội dung trọng tâm, trọng điểm giám sát chuyên đề; phương pháp giám sát; kế hoạch, đề cương báo cáo và kết quả của từng thời điểm giám sát. Do phạm vi rất rộng nên Đoàn giám sát lần này tập trung vào khu vực công trên địa bàn cả nước, tập trung vào 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm theo quy định của Luật THTK,CLP.

Cụ thể 5 lĩnh vực trọng điểm, gồm: Quản lý, sử dụng NSNN; Quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác; Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và quản lý, sử dụng tài nguyên.

Tập trung giám sát 7 lĩnh vực trọng tâm là: Trong việc ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; (2) THTK,CLP trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí NSNN; mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp trong.

Báo cáo giám sát cho biết, về tổng thể, công tác công tác THTK,CLP giai đoạn 2016-2021 đạt nhiều kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.

Tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững (bình quân 6,8% trong các năm 2016-2019). Các cân đối lớn về kinh tế được bảo đảm, ngày càng vững chắc. Lạm phát được kiểm soát. Tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Các lĩnh vực xã hội, môi trường có nhiều tiến bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường.

Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh chóng của tình hình thực tế, phát sinh nhiều vấn đề mới, yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nên hệ thống pháp luật chưa theo kịp tình hình, vẫn còn những hạn chế, bất cập. Nhiều vấn đề tồn tại, phát sinh, vi phạm từ nhiều nhiệm kỳ trước kỳ giám sát chưa có căn cứ pháp lý để xử lý, cũng gây khó khăn cho việc xử lý, đánh giá kết quả công tác THTK,CLP của giai đoạn này.

Theo đó, tiêu chí đánh giá THTK,CLP cần có tính linh hoạt, phải được xem xét trên góc độ cụ thể và tổng thể, ngắn hạn và dài hạn; bối cảnh, hoàn cảnh giữa quá trình vận động có tính lịch sử, quá khứ, hiện tại và tương lai. Đồng thời, những hạn chế yếu kém về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, năng lực trình độ quản lý, ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức và cách thức tổ chức thực hiện,… mang tính chủ quan đã dẫn đến việc quản lý, sử dụng nguồn lực quốc gia không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực toàn xã hội với giá trị rất lớn, nghiêm trọng, thậm chí có những lãng phí về cơ hội, về nguồn lực tổng hợp.

Có những tồn tại, hạn chế không chỉ ảnh hưởng ở phạm vi của một lĩnh vực mà diễn ra trên phạm vi rộng, tác hại lớn hậu quả kéo dài cần được tập trung ưu tiên chấn chỉnh, khắc phục để tập trung mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội./.

Bài liên quan
"Vấn đề cấp bách, chuẩn bị kỹ mới trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường"
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh điều này tại phiên họp UBTVQH cho ý kiến về việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khoá XV.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng yêu cầu "3 tăng cường, 5 đẩy mạnh" trong chuyển đổi số
Thủ tướng yêu cầu ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3 Chiến lược: phát triển Chính phủ số; phát triển kinh tế số và xã hội số; phát triển dữ liệu số. Trong đó, khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2022-2023.
Mới nhất