Trực tiếp: Bão số 4 đang hướng vào miền Trung, các địa phương khẩn cấp sơ tán dân

Nhóm PV/VOV | 27/09/2022, 15:38

Chủ động đối phó với bão số 4, trong những ngày qua, các địa phương ở miền Trung gấp rút hoàn thành sơ tán dân ở vung xung yếu, sẵn sàng phương án đưa dân vào trú tránh bão.

15:28
15:20

Tại TP Đà Nẵng, PV Phương Cúc cho biết, đến thời điểm này, những hộ dân ven biển ở TP. Đà Nẵng tiếp tục chằng chống nhà cửa. Các lực lượng chức năng đang khẩn trương triển khai công tác hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho người dân. Với sự giúp đỡ tích cực của các lực lượng quân sự, công an, bộ đội biên phòng, đến sáng nay, hàng chục nhà cấp 4 ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà được chằng chống kỹ.

“Sáng nay, lực lượng dân quân thường trực cũng như đội cơ động tiếp tục hỗ trợ các nhà hiện nay có nhu cầu chằng chống và các điểm sơ tán tập trung dân. Đối với các hộ có người già, trẻ nhỏ thì ưu tiên di dời lên các khu sơ tán luôn", ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Chỉ huy Trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường Thọ Quang, quận Sơn Trà cho biết.

15:18

Có mặt tại Quảng Ngãi lúc này, PV Vinh Thông cho biết, tại huyện Bình Đông, huyện Bình Sơn, từ sáng sớm đến trưa nay (27/9), các lực lượng và chính quyền địa phương khẩn cấp giúp dân di dời đến các khu vực nhà ở kiên cố của Khu nhà nghỉ công nhân của Công ty Cổ phần thép Hoà Phát-Dung Quất. Trong đó, đặc biệt ưu tiên người tàn tật, người già, trẻ em  dân các khu vực ven biển, trũng thấp đến nơi trú ẩn. Ngay từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Danh, 85 tuổi cùng hàng trăm người dân trong thôn Sơn Trà tất bật chuẩn bị áo quần, khoá cửa nhà, theo xe di chuyển đến nơi tránh bão.

Tuỳ theo tình hình thực tế, các địa phương chủ động, linh hoạt di dời hàng chục ngàn người dân khu vực xung yếu đến nơi an toàn. Ngay trong sáng nay (27/9), ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cùng lãnh đạo tỉnh, các đơn vị, địa phương trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo, kiểm tra công tác di dời dân tránh trú bão. Đến trưa nay, hàng chục ngàn dân khu vực ven biển, các khu vực xung yếu, huyện đảo Lý Sơn đến nơi an toàn.

15:14
15:12

Phóng viên Phi Long/VOV.VN thông tin, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) vừa quyết định tạm ngừng khai thác thêm 5 cảng hàng không do ảnh hưởng của cơn bão số 4 (bão Noru).

Cụ thể, tạm dừng khai thác Cảng hàng không Vinh từ 3 giờ ngày 28/9 đến 16 giờ ngày 28/9 (giờ địa phương); tạm dừng khai thác Cảng hàng không Đồng Hới  từ 22 giờ ngày 27/9 đến 20 giờ ngày 28/9 (giờ địa phương).

Tạm dừng khai thác Cảng hàng không Tuy Hòa từ 15 giờ 30 ngày 27/9 đến 8 giờ ngày 28/9  (giờ địa phương); tạm dừng khai thác Cảng hàng không Buôn Ma Thuột từ 12 giờ ngày 27/9 đến 11 giờ 59 ngày 28/9; tạm dừng khai thác Cảng hàng không Liên Khương từ 16 giờ ngày 27/9 đến 15 giờ 59 ngày 28/9 (giờ địa phương).

Trước đó, Cảng vụ hàng không miền Trung đã ra quyết định tạm dừng khai thác 5 sân bay tại khu vực này.

Cụ thể, sân bay Chu Lai (Quảng Nam) tạm ngừng tiếp nhận tàu bay trong thời gian từ 7 giờ ngày 27/9 đến 6 giờ 59 ngày 28/9. Các sân bay Đà Nẵng, Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Phù Cát (Quy Nhơn, Bình Định), Pleiku (Gia Lai) sẽ tạm ngừng tiếp nhận tàu bay từ 12 giờ ngày 27/9 đến 11 giờ 59 ngày 28/9/2022.

Theo thông tin cập nhật từ hãng hàng không Vietnam Airlines, đến thời điểm hiện tại, tổng số chuyến bay của hãng phải thay đổi lịch khai thác do cơn bão này như hủy chuyến, bay sớm hoặc chậm hơn so thời gian dự kiến lên tới 150 chuyến, trong đó có 148 chuyến bay nội địa và 2 chuyến bay quốc tế với tổng số khách gần 14.000 người.

Hành khách bị ảnh hưởng bởi cơn bão Noru sẽ được hỗ trợ theo quy định và chuyển đổi miễn phí sang các chuyến bay khác cùng hành trình nếu có yêu cầu (nếu còn chỗ).

15:10

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan vừa đến kiểm tra việc di dời lồng bè nuôi trồng thủy sản ở xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bộ trưởng hỏi thăm và động viên người dân đi sơ tán tránh bão ở thôn Thân Thành, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền.

PV Thanh Hà tại Thừa Thiên Huế đưa tin,  Bộ trưởng Lê Minh Hoan đến kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền tại âu thuyền Phú Hải, Xã Phú Hải, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là Khu neo đậu cấp tỉnh đảm bảo nơi neo đậu tránh trú bão cho khoảng 500 tàu thuyền.

Đến sáng nay, tại âu thuyền này có 111 chiếc thuyền và 2 xà lan đang neo đậu. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị chính quyền địa phương và người dân không được lơ là, chủ quan trước những diễn biến phức tạp của bão số 4.

“Thường thường sẽ có 1 số ngư dân chủ quan bám trên tàu, tôi đề nghị các đồng chí Tới thời điểm chúng ta phải cưỡng chế tất cả mọi người phải rời khỏi tàu. Thứ hai là phía biển sẽ có triều cường, sóng biển rất cao nên có thể phá vỡ hệ thống kết cấu hạ tầng, có khả năng xâm nhập vào. Còn thời gian từ nay đến chiều để chúng ta chuẩn bị cho tình huống đó”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết.

15:02

Từ tối nay, bão bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh miền Trung

PV Văn Ngân/VOV.VN dẫn lời ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại cuộc họp để thảo luận chuyên môn về cơn bão Noru (bão số 4) hôm nay (27/9) cho biết,  đây là một cơn bão rất mạnh, dự báo là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Bộ, mức độ ảnh hưởng có khả năng tương đương đến cao hơn cơn bão Xangsane năm 2006 đổ bộ vào Đà Nẵng, Quảng Nam.

Cụ thể, khi bão cập bờ các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Định cường độ ở cấp 11-12 (bão rất mạnh); vùng trọng tâm bão là khu vực tỉnh Quảng Nam, phía Bắc Quảng Ngãi ở cường độ cấp 13. Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết thêm, bão số 4 có bán kính rộng nên phạm vi ảnh hưởng lớn, mặc dù tâm bão chưa vào nhưng trên đất liền đã bị ảnh hưởng bởi gió mạnh.

"Khi bão tiến sát vào bờ gặp vùng nước nông, ma sát địa hình bão sẽ giảm cấp, tuy nhiên bão vẫn duy trì gió cấp 11-12 khi quần thảo trên đất liền. Thời điểm tâm bão có thể ở bên ngoài biển nhưng gió mạnh đã vào tới trong đất liền. Thời điểm bão bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh nói trên là từ tối nay, thời gian nguy hiểm nhất là 21h-22h đêm nay cho đến sáng 28/9", ông Khiêm nói.

Về diễn biến mưa, gió mạnh trên đất liền, ông Khiêm cho biết: Phạm vi ảnh hưởng của bão số 4 rất rộng. Dự báo sẽ có 9/14 tỉnh thành phố miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp, trong đó Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định là 5 tỉnh/thành phố được dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất.

14:57
14:54

Theo PV Công Bắc từ Tây Nguyên, do ảnh hưởng của bão số 4, tại tỉnh Đắk Lắk có mưa, một số nơi có mưa to, nguy cơ ngập lụt là rất lớn. Các cấp chính quyền đang lên phương án để ứng phó, tại một số vùng trọng điểm ngập lụt đang chủ động huy động lực lượng để sẵn sàng di dời dân.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND huyện M’đrăk cho biết, huyện đặc biệt lo lắng về mức độ nguy hiểm của vùng lòng hồ Krông Pách thượng khi phải đối diện với bão số 4. Do đó, ngay trong hôm nay, gần 100 người của các lực lượng nòng cốt phòng chống lụt bão đã được triển khai đến vùng lòng hồ này để chủ động ứng phó, di dời dân trong tình huống khẩn cấp.

Theo dự báo, bão số 4 sẽ gây mưa lớn ở phía Bắc tỉnh Đăk Lak, gồm huyện Ea Hleo và thị xã Buôn Hồ, lượng mưa phổ biến từ 100-150mm, có nơi trên 200mm. Hệ quả mưa lớn ở 2 địa phương này là dồn nước gây ngập ở huyện Ea Súp.

Trước tình huống đó, ông Nguyễn Thiên Văn, Bí thư huyện uỷ Ea Súp cho biết, cả hệ thống chính trị của huyện đang tập trung cao nhất để ứng phó với tình hình mưa lũ có thể xảy ra. Việc vận hành, xả lũ của các hồ chứa được giám sát và thông báo sớm đến vùng hạ du để người dân chủ động ứng phó. Tại những vùng trũng, những vùng trọng điểm ngập lụt, công tác ứng trực được triển khai 24/24, các lực lượng sẵn sàng di dời dân. Đồng thời huyện cũng sẵn sàng cơ sở vật chất và nhân lực để chi viện cho những vùng xung yếu nếu có tình huống bất thường.

14:37
14:36

Quảng Nam sơ tán hơn 155.000 người dân theo các phương sơ tán tập trung

PV Phi Long đưa tin từ Quảng Nam, đến nay tỉnh đã sơ tán hơn 45.000 hộ với hơn 155.000 người dân theo các phương sơ tán tập trung và sơ tán xen ghép. Các trường hợp người già, trẻ em, người đau ốm được các cán bộ, chiến sỹ thuộc đội xung kích chống lũ ưu tiên đưa đến nơi trú ẩn an toàn.

Xã ven biển Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam có địa hình trũng thấp, khi bão số 4 đổ bộ địa phương này sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi gió mạnh và sóng biển dâng cao. Từ sáng sớm, gia đình Nguyễn Thị Liên cùng toàn bộ hơn 1.600 người dân xã Tam Thanh được các chiến sỹ Đồn Biên phòng Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ đưa đến Đồn Biên phòng và trụ sở các cơ quan nhà nước để tránh bão. Bà Nguyễn Thị Liên cho biết, nhà cửa đã được chằng chống kỹ từ trước, những vật dụng có giá trị trong nhà đã mang đi gửi ở vị trí an toàn nên bà và cả nhà an tâm đi tránh bão.

Trong sáng nay (27/9), tỉnh Quảng Nam đã lập nhiều đoàn công tác đến tất cả địa phương để kiểm tra việc sơ tán, di dời dân. Riêng đối với phố cổ Hội An, các lực lượng xung kích, cơ quan chức năng đang nỗ lực bảo vệ nhà cổ và các di tích quan trọng.

“Lực lương dân quân là 8.500 người, thanh niên xung kích thêm 12.000 người nữa, tất cả đã được bố trí sẵn sàng và đã được diễn tập qua các năm để sẵn sàng ứng phó, đặc biệt là tham gia sơ tán, di dời người dân, chằng chống nhà cửa, các cơ sở sản xuất, cơ sở lưu trú du lịch. Hiện, các phương án đã được đáp ứng" -ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết.

14:28

Dự báo, từ tối và đêm 27/9, ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Từ sáng sớm ngày 28/9, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, có nơi cấp 10, giật cấp 12.
Từ ngày 27/9 đến ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 300-400mm/đợt, có nơi trên 450mm/đợt; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất, ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.

14:19

Bão có xu hướng mạnh lên đến cấp 14-15

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11, đảo Phú Quý gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.

Hồi 13 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 270km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 01 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (167-183km/giờ), giật cấp 17. 
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần. Đến 13 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. 
Vùng nguy hiểm trên biểng trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.  
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 36 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão.

14:17
14:16

Phóng viên Đình Thiệu đang có mặt ở Quảng Trị đưa tin: Chủ động đối phó với bão số 4, tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương trước 15 giờ hôm nay (27/9) phải hoàn thành sơ tán dân ở vung xung yếu 4 huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ đi tránh bão. Huyện đảo Cồn Cỏ cũng sẵn sàng phương án mở cửa hầm để đưa dân vào trú tránh bão.

Tỉnh Quảng Trị đã lên các phương án di dân tránh bão tại 4 huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ với từng cấp độ khác nhau. Nếu bão cấp độ 3 sẽ có khoảng 28.000 người sơ tán, trường hợp bão cấp độ 4 sẽ có hơn 100.000 người dân sơ tán. Tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương hoàn thành công tác sơ tán dân tránh bão trước 15 giờ hôm nay. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cũng vừa có thông báo cho học sinh nghỉ học từ chiều nay, cho đến khi có Thông báo mới.

Huyện đảo Cồn Cỏn được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng của bão số 4 sớm hơn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện huy động các lực lượng vũ trang trên đảo tập trung gia cố công trình, chằng chống kho tàng, cắt tỉa cây xanh để hạn chế thiệt hại. Các lực lượng hỗ trợ ngư dân đưa tàu vào khu neo đậu, chằng néo an toàn, tránh va đập, hỗ trợ người dân trên đảo chằng chống nhà cửa, gia cố mái nhà bằng bao tải cát, tháo dỡ bớt những vật dụng bằng tôn, nhựa có thể hư hỏng do bão.

Bài liên quan
Dự báo nắng nóng sắp gia tăng cường độ trên cả nước
Cơ quan khí tượng dự báo, từ 25/4, nắng nóng ở Tây Bắc Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Phú Yên, Tây Nguyên và Nam Bộ có thể gia tăng cường độ.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: ASEAN là hạt nhân thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển
Thủ tướng nhấn mạnh: ASEAN là hạt nhân thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển, là tâm điểm của hàng loạt sáng kiến liên kết ở khu vực, nhưng cũng là trọng điểm của cạnh tranh chiến lược gay gắt.
Mới nhất