Tranh luận về sự cần thiết của xe tăng trong quân đội Australia

CTV Lê Ngọc/VOV.VN (Tổng hợp) | 13/07/2021, 08:00

Với điều kiện địa-chính trị của mình, Australia cần xe tăng hay tiêm kích đa năng thế hệ năm F-35?

Vai trò của xe tăng

Theo tác giả người Australia Leo Purdy, mặc dù được thiết kế để đối phó với sự bế tắc của chiến tranh chiến hào trong Thế chiến I, nhưng kể từ khi ra đời, xe tăng vẫn tiếp tục phát triển. Được trang bị vỏ giáp chắc chắn, xe tăng thường được tích hợp tháp pháo gồm một khẩu pháo cỡ nòng lớn và súng máy, cùng hệ thống dẫn động có bánh xích/bánh lốp, cho phép di chuyển xuyên quốc gia với tốc độ cao và chiến đấu cùng với bộ binh trên mặt đất.

Xe tăng tạo ra hỏa lực trực tiếp lớn nhất so với bất kỳ phương tiện cận chiến nào trên bộ ngoài sự kết hợp hoàn hảo giữa hỏa lực, tính cơ động, khả năng bảo vệ, đảm nhận sứ mệnh thần hộ mệnh của bộ binh vừa là sát thủ xe tăng, nâng cao cơ hội chiến thắng và giảm thương vong trong chiến đấu. Sự hiện diện vật lý dẻo dai và uy nghiêm của xe tăng trong vai trò này cũng hỗ trợ tinh thần, tạo niềm tin cho những người lính trong môi trường chết chóc.

Pháo binh có thể cung cấp hỏa lực gián tiếp mạnh cho bộ đội nhưng hạn chế về khả năng cơ động chiến thuật và khả năng bảo vệ. Không quân (trực thăng) mặc dù được trang bị tốt và phần lớn không bị hạn chế bởi địa hình, nhưng không thể hiện diện lâu dài với lực lượng mặt đất. Bộ đội thiết giáp kết hợp độc đáo giữa hỏa lực trực tiếp, tính cơ động và khả năng bảo vệ để phối hợp với lực lượng này. Mặc dù phải chịu gánh nặng hậu cần và không có nghĩa là bất khả xâm phạm, nhưng xe tăng thiết giáp là một thành tố thiết yếu của giàn vũ khí tổng hợp.

Các nghiên cứu của Đại học New South Wales đã chứng minh vũ khí tổng hợp bao gồm xe tăng đã làm giảm đáng kể số lượng thương vong của lính Australia trong chiến đấu. Trong rừng, xe tăng giúp giảm thương vong của binh sĩ Australia, từ 1 lính Australia thiệt mạng cho mỗi 1 lính đối phương bị giết, xuống còn 0,6 lính Australia cho mỗi 1 kẻ thù bị giết. Tương tự, tỷ lệ thành công của trận đánh tăng từ khoảng 50% khi giàn vũ khí tổng hợp không có xe tăng lên 95% khi có.

Trong lịch sử, xe tăng thường là phương tiện duy nhất có đủ tính cơ động chiến thuật để hỗ trợ binh lính Australia trong Thế chiến II. Sức mạnh của xe tăng thực sự bổ sung cho máy bay và các thành tố khác của lực lượng liên quân trên bộ. Các chiến dịch Blitzkrieg trong Thế chiến II, các cuộc chiến tranh Arab-Israel, Vùng Vịnh, Afghanistan và Iraq đều nêu bật tính hiệu quả của xe tăng hoạt động phối hợp với máy bay trong chiến đấu.

Các trận đánh của quân Australia với xe tăng ở New Guinea, Borneo, Hàn Quốc và Việt Nam đã hình thành quyết định mua xe tăng Abrams M1 và kinh nghiệm của Israel ở Lebanon củng cố nhu cầu duy trì nó. Khi lớp giáp cơ bản của xe tăng được kết hợp với các biện pháp bảo vệ khác như cảm biến tầm xa và hệ thống thông tin liên lạc được bảo vệ chống lại các cuộc tấn công mạng, các biện pháp phản công điện tử có hiệu quả chống lại các thiết bị nổ tự chế và hệ thống phòng thủ chủ động, khả năng sống sót của nó vượt trội.

Tranh luận về sự cần thiết của xe tăng ở Australia

Có ý kiến cho rằng, khả năng xe tăng và các phương tiện bọc thép khác của Australia là rất quan trọng để ngăn chặn và đánh bại các cuộc tấn công vũ trang chống lại Australia và các lợi ích của nước này, là nền tảng của khả năng răn đe trên đất liền đáng tin cậy và là một phần của các hoạt động tác chiến ở khu vực và toàn cầu. Kỳ vọng Australia có thể miễn nhiễm xung đột trong khu vực hoặc trên toàn cầu, là ngây thơ và tiềm ẩn nguy hiểm.

Nó cũng bỏ qua thực tế của thế giới kết nối nơi nhiều quốc gia bị ràng buộc với nhau bằng ngoại giao, thông tin, kinh tế, di sản và văn hóa. Australia có thể bị cuốn vào các cuộc khủng hoảng hoặc xung đột, mà nước này không thể lựa chọn cũng như không thể tránh được. Hơn nữa, sự phổ biến các công nghệ cao cấp liên quan đến các mối đe dọa thông thường rơi vào tay các thế lực trong các cuộc xung đột gần đây, chẳng hạn như ở Gaza, Syria và Iraq, cho thấy mức độ sát thương ngày càng tăng trên bất kỳ chiến trường nào trong tương lai.

Do đó, ngay cả các lực lượng Australia được triển khai với nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trong tương lai, khi Canberra có thể buộc phải cử lực lượng chiến đấu có năng lực cao để đạt được các mục tiêu nhân đạo, cũng có thể đối mặt với mối đe dọa từ vũ khí sát thương cao. Đây là lý do tại sao bảo vệ vẫn là ưu tiên hàng đầu của lục quân trong việc mua sắm một thế hệ xe bọc thép mới như chiến lược của chính phủ.

Australia là một trong những quốc gia xa xôi với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, quân đội Australia đã tham gia tất cả các cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20, cũng như trong một số cuộc xung đột quân sự quan trọng khác, bao gồm cả các cuộc chiến trên Bán đảo Triều Tiên và Việt Nam. Vì vậy, sẽ không đúng nếu gọi Australia là một quốc gia không hiếu chiến. Và điều thú vị là cuộc thảo luận về việc sử dụng xe tăng và thiết giáp trong quân đội Australia trong tương lai.

Gần đây ở Australia, có quan điểm cho rằng xe tăng không tạo thêm lợi thế đáng chú ý trong chiến tranh hiện đại; ít nhất là trong những xung đột mà Australia có thể đối đầu, về mặt lý thuyết, cũng không quá cần thiết. Ngoài ra, có nguy cơ xe tăng dễ dàng bị phá hủy bởi máy bay không người lái giá rẻ. Quan điểm ngược lại là những người ủng hộ kiểu tác chiến vũ khí kết hợp cổ điển, cho rằng bộ binh hiện đại nên phối hợp với xe tăng. Những người ủng hộ đã lấy Afghanistan làm ví dụ về sự tương tác như vậy - việc sử dụng xe tăng đã giúp bảo vệ binh lính Australia và gây khó khăn cho cuộc sống của các chiến binh chống lại họ.

Theo chuyên gia Andrew Davis của Tạp chí Quốc phòng Australia, cả hai quan điểm đều có điều đúng và thiếu sót của chúng. Tác giả người Australia này cho rằng, nguyên tắc đầu tiên là có thêm các khả năng luôn làm tăng hiệu quả chiến đấu. Một đội quân có xe bọc thép và xe tăng có thể thực hiện những nhiệm vụ mà một đội quân không có xe bọc thép và xe tăng không thể làm được. Đây là một tiên đề - có nhiều khả năng tốt hơn là ít hơn.

Nguyên tắc thứ hai là mọi giải pháp đều có cái giá của nó, tiền chi cho xe bọc thép không thể chi cho tàu ngầm và ngược lại. Do đó, phải đưa ra lựa chọn, và đây không chỉ là khoản thanh toán thực tế cho thiết bị, mà cần đầu tư cho việc đào tạo nhân sự có trình độ, phát triển chiến lược, v.v... Nguyên tắc thứ ba là khả năng quốc phòng cần phải cải thiện, nhưng phù hợp với lợi ích quốc gia và tương xứng với ngân sách. Quân đội không nên tự nó trở thành mục đích mà chỉ nên là một trong những công cụ để định hình vị thế của Australia trên trường quốc tế.

Phân tích tình hình thế giới hiện nay, Andrew Davis nhận định một sứ mệnh khác ở Trung Đông, tương tự như ở Afghanistan hay Iraq, trong 10 năm tới có khả năng xảy ra cao hơn gấp 5 lần so với kịch bản về một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Xuất phát từ đó, xe tăng của Australia sẽ cần thiết để tham gia các chiến dịch trên các sa mạc và thảo nguyên ở Trung Đông.

Tuy nhiên, thất bại ở Afghanistan hoặc Iraq sẽ không có bất kỳ tác động đáng kể nào đến cuộc sống của Australia, nhưng thất bại trong Chiến tranh Thái Bình Dương có thể có ý nghĩa tồn tại đối với tương lai của quốc gia Australia. Trong khi đó, chi phí của xe tăng thế hệ mới rất cao, và trong trường hợp này, việc đầu tư không phải dành cho xe tăng-thiết giáp mà điều nên làm là mua thêm máy bay chiến đấu F-35. Xét cho cùng, máy bay chiến đấu là một giải pháp phổ quát hơn nhiều, có thể được sử dụng trong các cuộc chiến tranh ở Trung Đông và cả xung đột ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương./.

Bài liên quan
Xe tăng chiến lợi phẩm từ Ukraine giúp Nga tạo đạn chống tăng mới
VOVLIVE - Sau khi thu giữ những phương tiện chiến đấu của Ukraine, các chuyên gia Nga đã nghiên cứu kỹ lớp giáp của chúng để tìm ra cách đối phó hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Giá chung cư Hà Nội cao ngất: Nguy cơ xuất hiện 'bong bóng'?
Thời gian gần đây, giá chung cư Hà Nội liên tục tăng mạnh khiến nhiều chuyên gia e ngại nguy cơ "bong bóng" sẽ xảy ra.
Mới nhất