TP.HCM phát động phòng chống sốt xuất huyết đến từng gia đình

Ngọc Xuân/VOV- TP.HCM | 03/07/2022, 15:39

Hôm nay (3/7), lễ phát động truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng năm 2022 đồng loạt diễn ra tại 21 quận, huyện và Thành phố Thủ Đức, do Hội Chữ thập đỏ TP.HCM và Hội Chữ thập đỏ, các địa phương tổ chức.

Chương trình có sự phối hợp của ngành y tế, các ban, ngành, đoàn thể địa phương nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về biện pháp chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng về phòng chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại.

Cùng với hoạt động truyền thông, các địa phương tiến hành tổng vệ sinh, triệt nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (muỗi vằn) nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM cho biết công tác truyền thông được thực hiện đến từng hộ gia đình tại các khu dân cư: "Chúng tôi yêu cầu duy trì truyền thông phòng chống dịch bệnh bằng xe gắn máy, gắn loa phát thanh, gắn khẩu hiệu để vào tận các ngõ hẻm, đến từng nhà dân. Những trường hợp chẳng may bị ảnh hưởng sức khỏe do dịch bệnh Hội trợ giúp nhân đạo, hỗ trợ điều trị bệnh, giúp kết nối thông tin liên lạc giữa người nhà và người bệnh đang điều trị ở các bệnh viện, để nhân dân yên tâm trong phòng chống dịch bệnh và chung sức kéo giảm đáng kể tỷ lệ bệnh SXH, tay chân miệng".

TP.HCM đang vào mùa mưa, bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng ở mức báo động. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC), trong 6 tháng đầu năm 2022 (tính đến ngày 30/6), thành phố ghi nhận 21.750 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 181,5% với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh dịch sốt xuất huyết, tình hình dịch bệnh tay chân miệng cũng gia tăng. 6 tháng đầu năm nay, thành phố ghi nhận 8.426 trường hợp mắc bệnh. Riêng tuần 26 (từ ngày 24/6 đến 30/6/2022) có 734 ca bệnh tay chân miệng, giảm 240 ca so với trung bình 4 tuần trước đó.

Tại lễ phát động truyền thông phòng chống sốt xuất huyết và tay chân miệng ở quận Bình Thạnh, Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Thiện Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế quận cho biết hoạt động truyền thông trên địa bàn tiếp tục duy trì đến hết năm 2022, với nỗ lực kéo giảm số ca bệnh và thay đổi hành vi của cộng đồng dân cư.

"Từ khi bắt đầu vào mùa mưa hầu như 20 phường trong quận đều ra quân, nhưng qua giám sát vẫn còn tồn tại. Ví dụ không thể làm hết, không thể ra quân toàn bộ các phường, hoặc tuần này có làm nhưng 2-3 tuần sau mới quay lại, như vậy cứ mỗi ngày có đợt mưa xuống sau 5-7 ngày có ổ lăng quăng mới phát sinh. Nếu chúng ta không làm thường xuyên, liên tục và không đồng bộ hiệu quả không cao. Do đó mong rằng ý thức người dân được nâng cao, ủng hộ hơn và công tác diệt lăng quăng được thực hiện mỗi ngày, mỗi tuần, thì ca bệnh mới giảm được" - bác sĩ Tâm nhấn mạnh.

Trong đợt hoạt động cao điểm này, các địa phương vận động người dân loại bỏ các vật dụng có thể gây đọng nước, xóa các điểm nguy cơ, giảm nguồn sinh sản của muỗi ngay từ đầu mùa mưa. Mỗi người dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi làm việc, sinh sống, lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối… Đồng thời sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.

Ngoài ra, để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, người dân được khuyến cáo khi chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường…

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, ngụ phường 11, quận Bình Thạnh, trước nguy cơ bùng phát mạnh của dịch, mỗi người dân không nên lơ là, chủ quan: "Tôi thấy buổi phát động rất tốt và rất hữu ích khi truyền thông xuống bà con ở khu dân cư biết cách diệt lăng quăng, phòng trừ bệnh sốt xuất huyết, nhất là đang cao điểm mùa mưa sắp tới. Mình phòng chống là phải diệt lăng quăng, đổ nước dư, hoặc úp thùng chai, lọ xuống, bánh xe hư đổ bỏ đi. Phải phát quang bụi rậm, cống rãnh làm cho thông thoáng".

Theo các chuyên gia ngành y tế, sốt xuất huyết là bệnh có liên quan trực tiếp đến nếp sinh hoạt thường ngày của người dân. Thói quen bỏ rác bừa bãi sẽ tạo thêm các ổ để muỗi đẻ trứng xung quanh nhà, dẫn tới nguy cơ muỗi phát triển. Bệnh tay chân miệng cũng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh có mối liên quan chặt chẽ với môi trường và việc vệ sinh cá nhân. Hầu hết các ca bệnh diễn biến nhẹ, tuy nhiên một số trường hợp có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm, nguy cơ dẫn đến tử vong. Do đó công tác phòng, chống dịch bệnh rất cần ý thức tự giác của tất cả người dân, của toàn xã hội, tăng cường các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sự an toàn cho cả cộng đồng./.

Bài liên quan
Hàng nghìn bạn trẻ đi bộ gây quỹ xây nhà văn hóa tặng đồng bào Rơ Măm
Sáng 14/10, tại Thái Nguyên diễn ra nhiều hoạt động như: Chặng 13 chương trình “Những bước chân vì cộng đồng”, trao quà tặng hộ gia đình, sinh viên dân tộc thiểu số hoàn cảnh khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất