TP.HCM đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thủ Đức

Hà Khánh/VOV-TP.HCM | 10/05/2022, 15:42

TP.HCM đề xuất tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm thông qua việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước cho TP Thủ Đức

“Đề xuất Quốc hội bổ sung vào nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017 một chương về cơ chế đặc thù phát triển TP Thủ Đức”. Đó là nội dung trong báo cáo của UBND TP.HCM về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết 25 của HĐND TP.HCM về triển khai Nghị quyết 54 tại buổi giám sát của HĐND TP sáng 10/5.

Cụ thể, TP.HCM đề xuất tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm thông qua việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước cho TP Thủ Đức. Trong địa giới hành chính TP Thủ Đức, UBND TP Thủ Đức được thực hiện các chức năng quản lý nhà nước mà theo quy định pháp luật thuộc thẩm quyền của các sở chuyên ngành trực thuộc UBND TP.HCM đối với các lĩnh vực: kế hoạch đầu tư, tài chính, tài nguyên và môi trường, quy hoạch - kiến trúc, xây dựng, y tế, giáo dục, giao thông vận tải. Các nội dung quản lý nhà nước cụ thể mà UBND TP Thủ Đức được thực hiện sẽ do UBND TP.HCM trình HĐND TP thông qua.

TP cũng đề nghị gỡ bỏ các điều kiện hạn chế gia nhập thị trường của nhà đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực trên địa bàn TP Thủ Đức; thí điểm cho phép nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng các điều kiện đầu tư kinh doanh tương tự như nhà đầu tư trong nước đối với một số lĩnh vực như: logistics, y tế, giáo dục, thương mại trên địa bàn TP Thủ Đức với thời gian thí điểm là 5 năm. Đồng thời phân bổ lại ngân sách, tỷ lệ phân chia ngân sách theo hướng tăng cường để lại các nguồn thu cho TP Thủ Đức, thí điểm bổ sung nhiệm vụ chi khoa học và công nghệ cho TP. Thủ Đức.

UBND TP.HCM cũng đề xuất cho phép HĐND TP Thủ Đức được quyết định chủ trương đầu tư. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức được quyết định đầu tư các dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công do TP Thủ Đức quản lý, các dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công do TP.HCM quản lý trên địa bàn TP Thủ Đức, trừ một số lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, đầu tư công, phát thanh, truyền hình, đối ngoại..., để đảm bảo sự thống nhất quản lý nhà nước trên địa bàn TP.HCM.

Với các dự án đầu tư công nhóm B, C không phân biệt nguồn vốn trên địa bàn TP Thủ Đức, chấp thuận cơ chế tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và dự án xây lắp thành dự án riêng lẻ, được phê duyệt chủ trương đầu tư độc lập; chỉ quyết định chủ trương đầu tư dự án xây lắp sau khi dự án bồi thường giải phóng mặt bằng đã thực hiện xong và bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, TP.HCM cũng đề xuất một số vấn đề khác như đấu thầu các khu đất công, đấu thầu cung cấp dịch vụ công; cơ chế tiếp nhận các khoản hỗ trợ, đóng góp của người dân, doanh nghiệp trong đầu tư hạ tầng… Đặc biệt, TP.HCM đề xuất cho phép TP được chủ động trong việc giao biên chế với UBND TP Thủ Đức. Theo đó bố trí số lượng biên chế với khối chính quyền của TP Thủ Đức vào năm 2025 tối đa là ¾ số lượng biên chế được giao của 3 quận (Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức) trước khi hợp nhất, giảm dần từng năm đúng theo chủ trương của Nghị quyết 1111 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; đề xuất UBND TP Thủ Đức có 4 Phó Chủ tịch (tăng 1 người so với quy định)…/.

Bài liên quan
Thành lập Thanh tra Xây dựng Thành phố Thủ Đức
Sáng nay (29/1), UBND TP Thủ Đức, TP.HCM tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập cơ quan Thanh tra xây dựng TP Thủ Đức và bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo cơ quan này.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Bế mạc Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phát biểu bế mạc Phiên họp 32, chiều 23/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 4,5 ngày làm việc, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến với 19 nội dung và cho ý kiến bằng văn bản về 3 báo cáo của Chính phủ.
Mới nhất