"Tôi làm để trả nợ những năm tháng đã sống vô trách nhiệm với môi trường"

27/08/2020, 15:14

VOVLIVE - Câu chuyện về chị Lê Hoàng Phương - một người phụ nữ ở Hà Nội trong hành trình hơn 2 năm thu gom rác điện tử, bảo vệ môi trường.

Có bao giờ các bạn nghĩ rằng làm việc tốt khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc? Những thứ tưởng như không nhìn thấy, nhưng thực ra là những thứ có thể thấy được.

Trong cuốn sách “Quản lý tài chính cá nhân theo phong cách của người Nhật”, tác giả Hiromi Wada gọi đó là sổ tiết kiệm trên thiên đường. Hiểu một cách nôm na là mỗi chúng ta đều có một cuốn sổ tiết kiệm. Vậy những gì có thể bỏ vào cuốn sổ ấy, liệu có phải là tiền hay không? Và làm thế nào để sổ tiết kiệm ấy của mỗi chúng ta, ngày qua ngày trở nên giá trị hơn.

Câu chuyện về một người phụ nữ Hà Nội qua ghi nhận và trò chuyện của phóng viên Anh Thu sẽ phần nào cho chúng ta câu trả lời. Câu chuyện về chị Lê Hoàng Phương với hành trình qua hơn 2 năm, lặng lẽ làm tăng giá trị cuốn sổ tiết kiệm tinh thần của mình bằng cách đi thu gom rác điện tử ở Hà Nội.

Chị Lê Hoàng Phương "Mình chỉ đơn giản muốn làm điều tốt, muốn đóng góp sức mình vì môi trường"

"Làm để trả nợ những năm tháng mình đã sống vô trách nhiệm với môi trường"

Chị Lê Hoàng Phương: Vâng, chào bạn và chào quý vị thính giả!

Phóng viên: Vâng, xin chào chị Lê Hoàng Phương!

Phóng viên: Từ đâu mà chị lại đi thu gom rác điện tử hay kêu gọi mọi người phân loại rác?

Chị Lê Hoàng Phương: Đầu năm 2018, mình bắt đầu biết đến tình hình đáng báo động của môi trường nên mình đã muốn là góp một hành động gì đó ngay và luôn tại thời điểm đó. Và mình đã rủ một số bạn đi nhặt rác. Trong quá trình chúng mình đi nhặt rác, có nhìn thấy là rất nhiều pin cũ với cả các linh kiện điện tử bị vứt lung tung, kể cả ngoài đường, gốc cây hay là ở những xe rác. Cho nên mình quyết định rủ các bạn tự lập một thùng thu gom pin cũ, rác thải điện tử tại nơi làm việc của chúng mình. Và đồng thời, mình cũng đăng trên facebook là mình sẵn sàng đến tận nhà thu gom nếu như nhà nào mà có trên 5 viên pin cũ và các rác điện tử trở lên.

Phóng viên: Có lẽ là không chỉ có tôi mà cả các thính giả cũng đang tò mò là, với lượng rác chị thu về, nó không chỉ là rác điện tử nữa mà là rác thải sinh hoạt. Những đồ có thể tái chế được thì cách xử lý của mình sẽ như thế nào, với một mình chị như thế này ạ?

Chị Lê Hoàng Phương: Trong nhóm cũng có vài ba bạn nữa. Về pin cũ, rác thải điện tử thì khi mà mình thu được, mình sẽ chuyển luôn đến các điểm đặt thùng thu gom rác điện tử của chương trình Việt Nam tái chế - chương trình thu gom rác điện tử được thành lập nên bởi Apple và HP - để tất cả các rác điện tử đó được xử lý đúng cách, không làm hại đến môi trường.

Rồi các loại rác khác như vỏ hộp sữa thì về rửa sạch, phơi khô rồi thì mình thu gom được, mình sẽ chuyển luôn đến các điểm Tetra Pak. Chai lọ nhựa rồi các đồ nhựa nói chung hoặc là giấy bìa các tông, ni lông, áo mưa rồi bao tải thì mình cũng có nói với cả mọi người trên facebook là làm sạch, phơi khô và phân loại ra, mình sẽ gom và mình chuyển cho các cô ve chai.

Khi làm xong việc cơ quan việc gia đình chị Lê Hoàng Phương lại bắt đầu công việc đi thu rác điện tử của mình, rong ruổi khắp các con đường Hà Nội. Hãy cùng phóng viên theo chân chị trên hành trình rong ruổi này, để hiểu hơn về công việc lặng thầm này của chị.

Chị Lê Hoàng Phương và cộng sự

"Rác sẽ đến nơi cần đến và đó là niềm vui của tôi"

Chị Lê Minh Thu, nhà ở quận Long Biên bế con nhỏ hồ hởi đón vị khách đặc biệt. Đặc biệt bởi chính người phụ nữ nhỏ bé ấy đã thay đổi suy nghĩ của chị Thu về rác, khiến chị có động lực phân loại rác thải.Chị Lê Hoàng Phương bắt đầu thu gom rác điện tử vào mỗi buổi tối trong tuần, sau giờ làm. Chị cho biết “Thường là trong vòng một tuần mình sẽ sắp xếp luôn, theo quận, hoặc là những tuyến đường nào cùng nhau thì mình sẽ kết hợp luôn"

"Việc thu gom này là gần đây từ khi gặp chị Phương là mình để ý hơn. Còn trước khi gặp chị Phương thì mình để ý những vấn đề về môi trường, ví dụ như là nuôi con sữa mẹ. Thực ra đấy là một hành động rất vì môi trường, bởi vì bạn sẽ nhìn thấy là cắt giảm lon hộp này rồi là chăn nuôi, là gây ô nhiễm môi trường. Mình để ý thêm những phần khác, như là gần đây là bé nhà mình, là mình dùng bỉm vải" - Chị Thu chia sẻ.

Từng túi to, túi nhỏ được gia đình chị Minh Thu phân loại, đặt gọn gàng, chỉ chờ thu gom. Dẫu chưa thể giảm rác thải nhưng việc phân loại đã giúp lượng rác đổ ra xe thu gom rác mỗi chiều của gia đình chị đã ít hơn rất nhiều.

Nói về những việc làm của chị Lê Hoàng Phương, chị Thu cho biết "Em rất là ngưỡng mộ chị Hoàng Phương. Chị ấy có một cái mà em gọi là cái tinh thần phụng sự cộng đồng rất là cao mà bọn em cũng phải học hỏi. Đúng là trong cuộc sống của mình cần rất nhiều những người mà có tinh thần phụng sự như thế"

Chiếc xe máy của chị Phương công kềnh những bao tải. Ai không biết sẽ nghĩ chị đi buôn phế liệu. Chị Phương đã quen với những hiểu lầm ấy, quen với các con đường dọc ngang ở Hà Nội. Những loại rác ấy sẽ đến với nơi cần đến để được tái chế đúng quy trình. Và đó là niềm vui của chị.

Hành trang mỗi lần đi thu gom rác của chị Lê Hoàng Phương

Muốn làm điều tốt, đóng góp sức nhỏ vì môi trường

Phóng viên: Chị có nhớ được là mình đã thu gom được khoảng bao nhiêu cái lượng rác điện tử không?

Chị Lê Hoàng Phương: Khá là nhiều đấy ạ. Rất là nhiều người cũng có sự tin tưởng vào mình và nhóm của mình rồi. Cho nên là họ tin tưởng trao cả cho bọn mình những rác thải điện tử như tivi, đầu DVD, hoặc là máy tính, điện thoại. Chắc là mình cũng phải thu được ít nhất là mấy trăm cân rác thải điện tử rồi. Chỉ là con số ước tính thôi.

Phóng viên: Chị có nhớ được là mình đã thu gom được khoảng bao nhiêu cái lượng rác điện tử không?

Phóng viên: Từ khi làm công việc này thì không biết là nó thay đổi chị như thế nào?

Chị Lê Hoàng Phương: Thấy mình kiên nhẫn hơn rất nhiều. Nhiều khi mình phải đi những nơi khá là xa nhưng mà mình sẽ phải nghĩ làm thế nào để cân đối giữa công việc gia đình với cả công việc xã hội.

Phóng viên: Tôi cũng đang tò mò, đấy là với một viên chức, một người đi làm thì cũng rất bận rộn. Chị lấy động lực đâu mà có thể đi thu gom này, xong có những trường hợp là mình còn phải hướng dẫn này, hoặc là tự mình ngồi phân loại rất nhiều loại rác nữa?

Chị Lê Hoàng Phương: Mình chỉ đơn giản muốn làm điều tốt, muốn nhìn thấy mọi người vui vẻ, muốn đóng góp công sức nho nhỏ của mình với môi trường thôi. Vì thấy môi trường càng ngày càng ô nhiễm không khí rồi ô nhiễm nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên thì càng ngày càng cạn kiệt. Quãng thời gian gần 20, 30 năm trước đây khi mà mình chưa nhận thức được vấn đề môi trường thì mình vô tư dùng ni lông, vô tư dùng cốc nhựa, ống hút thìa nhựa 1 lần mà mình cứ xả ra môi trường. Cho nên mình nghĩ là những việc làm ngày hôm nay của mình, dù rất nho nhỏ thôi cũng là nhằm bù đắp lại trong quá khứ những điều mà mình không biết, mình đã vô tình làm hại cho môi trường.

Đồng thời mình cũng làm để bù đắp lại cho tương lai con em của chúng ta trong vài ba chục năm tới. Nó cũng phải gánh chịu những hậu quả môi trường từ trước và hôm nay thế hệ chúng ta để lại. Tất cả mọi người cũng nên cố gắng chung tay để làm một cái gì đó.

Phóng viên: Chị Phương thì nói rằng việc làm của chị chưa là gì đâu, là rất nhỏ. Thế nhưng mà tôi nghĩ rằng là với thính giả đang nghe đài và với cá nhân tôi cũng thế thì lại rất là khâm phục việc làm âm thầm lặng lẽ của chị Phương. Nếu nhìn rộng ra, chúng ta cũng đang thấy rất nhiều bạn trẻ, tiên phong thay đổi cái thói quen của mình, trong suy nghĩ của mình và cùng hành động.

Rác thải điện tử

Các bạn trẻ nhận thức và hành động vì môi trường

“Khoảng đầu năm ngoái , khi mà đọc có những thông tin về vấn đề rác thải nhựa thì em bắt đầu chú ý hơn tới việc mình cần phải hạn chế sử dụng túi nilon, bắt đầu từ việc đi chợ. Cũng hơi khó chịu, các cô trong chợ thì còn nhìn rất là lạ kỳ. Có nhiều người còn tưởng là mình chê túi của họ bẩn. Sau một thời gian thì em nhận ra là việc làm của mình, nó giảm rất nhiều túi ni lông không cần thiết”

“Người ta thường truyền thông rằng bảo vệ môi trường là những cái gì lớn lao lắm, vĩ đại lắm và vĩ mô lắm. Nhưng em không nghĩ thế, nó là những hành động rất nhỏ. Em bắt đầu bằng một hành động khác. Đó là em sử dụng ít túi ni lông hơn và khi mà đi chợ thì em sẽ sử dụng những cái hộp nhỏ đấy ạ. Ban đầu thì hành động đấy ở trong phòng của em bị coi là kỳ dị và đi ra chợ thì mấy bác ấy còn không bán cho em. Mình đừng để ý gì đến những cái đấy. Mình cứ bắt đầu hành động từ chính cuộc sống của mình rồi mình sẽ lan tỏa được đến với mọi người.

“Hành động thiết thực nhất là giảm thiểu ánh sáng ở trong văn phòng, trong nhà”

Phóng viên: Chị Phương thân mến! Chúng ta vừa mới nghe chia sẻ của các bạn trẻ. Chúng ta có nên tin và lạc quan về tương lai không?

Chị Lê Hoàng Phương: Tôi nghĩ là đó là một tín hiệu rất là lạc quan. Tôi hoàn toàn tin tưởng là các bạn sẽ làm nên những sự thay đổi rất nhiều để cải thiện vấn đề môi trường này.

Phóng viên: Một người có lẽ sẽ không thay đổi được nhiều. Nhưng nếu chúng ta cùng chung tay thay đổi thì chắc chắn là chúng ta sẽ nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt, đúng không ạ? Rất là cảm ơn chị Hoàng Phương đã chia sẻ những thông tin và chúng tôi chúc chị trước tiên là phải có sức khỏe, để tiếp tục được những việc làm hữu ích.

Chị Lê Hoàng Phương: Vâng, xin cảm ơn chị và xin kính chào quý vị khán thính giả!

"Những việc làm ngày hôm nay của mình, dù rất nho nhỏ thôi cũng là nhằm bù đắp lại trong quá khứ những điều mà mình không biết, mình đã vô tình làm hại cho môi trường. Đồng thời thứ hai là mình cũng làm để bù đắp lại cho tương lai con em của chúng ta trong vài ba chục năm tới. Nó cũng phải gánh chịu những hậu quả môi trường từ trước và hôm nay thế hệ chúng ta để lại. Tất cả mọi người cũng nên cố gắng chung tay để làm một cái gì đó"  - Chị Lê Hoàng Phương.

Hiromi Wada - tác giả cuốn sách “Quản lý tài chính cá nhân theo phong cách của người Nhật” mà chúng tôi nhắc trong phần đầu chương trình đã viết về sổ tiết kiệm trên thiên đường như thế này:

Bạn hãy định giá cho những khoảnh khắc mà bạn cảm thấy hạnh phúc. Những thứ mà bình thường được xem là không có giá trị, cũng cố gắng định giá cho chúng là những việc tốt. Nói lời cảm ơn khi nhận sự giúp đỡ của người khác. Nở một nụ cười với bất kỳ ai bạn gặp. Trong lòng bạn sẽ ngập tràn niềm hạnh phúc”

Vậy cảm giác hạnh phúc ấy đáng giá bao nhiêu tiền? Chúng ta hãy tự đánh giá và nếu làm việc tốt mỗi ngày, chắc chắn chúng ta sẽ là những người thực sự giàu có về tâm hồn!

Giang Lê (Tổng hợp từ VOV2)

Bài liên quan
Giám đốc Sở Y tế thôi làm đại biểu HĐND thành phố Hà Nội
Bà Trần Thị Nhị Hà, Thành uỷ viên, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội mới được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho các công trình trọng điểm
Thủ tướng nhấn mạnh, khối lượng công việc triển khai năm 2024 là rất lớn, đòi hỏi các các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Mới nhất