Thủy ngân, lưu huỳnh trong bóng đèn vỡ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

VOV2 | 26/04/2022, 09:03

Công an tỉnh Đồng Nai vừa phát hiện 42 tấn chất thải tại xí nghiệp của Công ty bóng đèn Điện Quang (TP Biên Hòa). Trong đó có 27 tấn miếng thủy tinh là vỏ bóng đèn có chứa thủy ngân và lưu huỳnh, nếu không được xử lý đúng quy định sẽ rất độc hại.

Thủy ngân ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường thế nào?

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, chất thuỷ ngân có trong bóng đèn huỳnh quang hay các loại bóng đèn tiết kiệm điện khi bị phát tán ra bên ngoài (bị vỡ, xử lý không đúng cách) có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, động vật cũng như môi trường.

Ngày nay, các loại bóng đèn tungsten truyền thống hay bóng đèn dây tóc không chứa thủy ngân đang dần bị thay thế bằng những loại bóng đèn tiết kiệm điện. Một số loại bóng đèn tiết kiệm điện chứa một lượng nhỏ thủy ngân, được gắn kín bên trong bóng đèn.

Một bóng đèn huỳnh quang tuýp có thể chứa từ 6 mg đến 46 mg thủy ngân, tùy vào kích thước, công nghệ sản xuất, thương hiệu của đèn… Tại một số nước tiên tiến và các nước thuộc Liên minh châu Âu, hàm lượng thủy ngân trong mỗi bóng đèn huỳnh quang tuýp hiện bị giới hạn ở mức phổ biến từ 10 mg đến 15 mg. Còn mỗi bóng đèn compact chứa khoảng 4 mg thủy ngân.

Những bóng đèn compact tiết kiệm điện này khi vẫn còn hoạt động tốt (lượng thuỷ ngân độc hại vẫn còn được chứa trong bóng đèn) thì sẽ không gây nguy hại gì. Tuy nhiên, khi những bóng đèn compact này bị hư hỏng, chúng sẽ trở thành mối hiểm họa thật sự đối với môi trường và sức khỏe con người nếu chúng không được làm sạch và xử lý đúng cách.

Nếu 1 bóng đèn compact bị phá vỡ bởi bất kỳ lý do gì, có nghĩa là 5 mg thuỷ ngân độc hại sẽ được phát tán ra môi trường, và gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của những người tình cờ tiếp xúc với nó.

Theo khuyến cáo của Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA), tiếp xúc với thuỷ ngân ở lượng thấp (dưới 5 mg) có thể gây ra các hiện tượng run, thay đổi tính tình, bị mất ngủ, mệt mỏi cơ bắp, và chứng nhức đầu. Nếu tiếp xúc ở liều lượng cao hoặc tiếp xúc lâu dài có thể dẫn đến chứng đần độn, thay đổi nhân cách, điếc, mất trí nhớ, thậm chí là hủy hoại các tế bào thần kinh, não.

Bên cạnh đó, chất thủy ngân độc hại này còn ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh của bào thai và trẻ em. Tiếp xúc với thủy ngân có liên quan đến khả năng sảy thai, gây dị dạng, cũng như làm hủy hoại các bộ phận trong cơ thể như thận, dạ dày, ruột…

Cũng theo EPA, chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ, hơn một tỷ bóng đèn huỳnh quang tiết kiệm điện được loại bỏ mỗi năm. Tại một số khu vực, một số bóng đèn huỳnh quang tiết kiệm điện bị phá vỡ. Kết quả là một lượng đáng kể các chất thủy ngân từ những bóng đèn bị hỏng này phát tán vào không khí, nước và đất. Thủy ngân có thể rò rỉ vào hệ thống nước hay trôi nổi trong không khí, bám vào bề mặt của các lớp đất.

Động vật được nuôi tại các trang trại và động vật hoang dã cũng bị ảnh hưởng bởi thủy ngân. Thủy ngân phát tán vào nguồn nước và thâm nhập vào cơ thể cá và các loại động vật khác khi chúng uống nguồn nước bị ô nhiễm thủy ngân. Kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học, làm việc tại công ty Lenntec cho thấy, việc tiếp xúc với thủy ngân có liên quan đến khả năng sẩy thai và thay đổi DNA ở động vật, cũng như làm hủy hoại các bộ phận trong cơ thể động vật như: thận, dạ dày và ruột.

Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) khuyến nghị, trong trường hợp không may làm vỡ bóng đèn loại này trước tiên hãy cố gắng nín thở, mở cửa sổ và rời khỏi phòng trong ít nhất 15 phút. Trước khi ra khỏi phòng nên tắt toàn bộ hệ thống điều hòa không khí để tránh hơi thủy ngân bị hút, bám vào đó. Sau khoảng thời gian tối thiểu là 15 phút, quét sạch các chất tràn ra từ bóng đèn, cho vào túi nilon buộc kín lại và đưa ra khu để rác. Chú ý không sử dụng máy hút bụi mà chỉ quét hoặc dùng khăn ẩm lau một cách nhẹ nhàng. Lau xong bỏ luôn khăn đó vào túi cùng mảnh vỡ bóng đèn để vứt đi.

Ngộ độc lưu huỳnh lâu dài có thể gây tổn thương tới hệ thần kinh

Lưu huỳnh công nghiệp là một chất độc hại, không được phép sử dụng trong chế biến và bảo quản thực phẩm.

Chất này khi nhiễm vào nguồn nước có thể gây nguy hiểm cho các sinh vật vi sinh vật (cá, tôm, cua, ngao, sò…) sống dưới nước, khiến chúng có thể bị ngộ độc và chết.

Bên cạnh đó, nếu người dân vô tình ăn phải các loài sinh vật sống dưới nước bị nhiễm lưu huỳnh cũng có nguy cơ bị nhiễm độc.

Ngộ độc lưu huỳnh lâu dài có thể gây tổn thương tới hệ thần kinh, thay đổi hành vi, ảnh hưởng tới hô hấp, chức năng tim mạch, thị lực giảm. Ở tình trạng cấp tính, người bệnh xuất hiện triệu chứng đau đầu, tức ngực, ngạt mũi, chảy nước mắt. 

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên (Hà Nội), lưu huỳnh khá phổ biến, không mùi, không vị, khi ra môi trường ít bị chuyển đổi thành. Trước đây, khi chó, mèo có nhiều ký sinh trùng, con người vẫn sử dụng bột lưu huỳnh để diệt. Nó gây độc chủ yếu đối với các động vật không xương sống. Cho tới nay, y văn chưa ghi nhận trường hợp con người bị tử vong do ăn phải thức ăn có chứ quá nhiều lưu huỳnh.

Tuy nhiên, chất này sẽ gây ra ô nhiễm môi trường, vì vậy tuyệt đối không nên hất xuống sông hay nguồn nước. Người dân lưu ý không nên dùng lưu huỳnh để đốt vì có thể hình thành khí SO2 khi hít phải sẽ gây khó chịu và các bệnh ở đường hô hấp.

Lưu huỳnh là nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn có ký hiệu S và số nguyên tử 16. Nó là một phi kim phổ biến, không mùi, không vị, nhiều hóa trị. Lưu huỳnh, trong dạng gốc của nó là chất rắn kết tinh màu vàng chanh./.

Bài liên quan
Biến đổi khí hậu tác động thế nào đến sức khỏe con người?
Dù nền y học đạt nhiều tiến bộ nhưng biến đổi khí hậu lại đang đặt ra nhiều thách thức mới trong việc bảo vệ sức khoẻ con người.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: Chiến thắng Điện Biên Phủ là "một dấu mốc bằng vàng chói lọi"
Sáng nay (17/4), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/7/2024).
Mới nhất