Thua xa đẳng cấp Việt Nam, tuyển Indonesia chăm chăm 'bỏ bóng, đá người'

Hồng Nam | 08/06/2021, 07:53

Đội tuyển Indonesia thua toàn diện trước tuyển Việt Nam, từ đẳng cấp, thế trận đến tinh thần thượng võ trong thể thao.

Thất bại 0-4 của Indonesia trước tuyển Việt Nam không chỉ là trận thua đơn thuần, mà đây còn là thất bại của bóng đá bạo lực, xấu xí trước lối chơi đẹp mắt, kiên trì và tinh thần thượng võ của các học trò HLV Park Hang Seo.

Theo thống kê của Livescore, Indonesia có tới 16 lần phạm lỗi, gấp rưỡi tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, khác biệt còn nằm ở chỗ: nếu cầu thủ Việt Nam phạm lỗi chiến thuật để ngăn các tình huống triển khai, Indonesia phạm lỗi để triệt hạ, gây tổn thương trực tiếp cho đối thủ.

Video: Cầu thủ Indonesia liên tục vào bóng triệt hạ 

Chỉ trong 20 phút đầu, Indonesia có liên tiếp 4 tình huống "bỏ bóng đá người" thô bạo với cầu thủ. Trong đó, kê chân bằng gầm giầy thẳng vào đầu gối Nguyễn Tuấn Anh của cầu thủ Indonesia xứng đáng với một tấm thẻ đỏ, nhưng trọng tài thậm chí chỉ... nhắc nhở trong tình huống này. Hậu quả là, Tuấn Anh phải rời sân sớm khi hiệp 1 còn chưa khép lại.

Indonesia không từ bỏ lối chơi thô bạo, dù đang hòa 0-0 hay khi đã thua tới 4 bàn không gỡ. Đội bóng xứ vạn đảo phải nhận 6 thẻ vàng ở trận này. Ngoại trừ thẻ vàng cho thủ môn Nadeo Argawinata và HLV Shin Tae Yong là do lỗi phản ứng, 4 thẻ vàng còn lại đều là án phạt cho những tình huống "chém đinh chặt sắt". 

Egy Maulana Vikri, cầu thủ chơi kỹ thuật bậc nhất bên phía Indonesia, cũng không thoát khỏi "vòng xoáy" bạo lực khi vào bóng nguy hiểm với Đoàn Văn Hậu ở tình huống cuối trận. Nhìn chung, Indonesia thực hiện rất nhiều cú xoạc bóng kiểu 50-50 để truy cản, hoặc va chạm mạnh ở những pha bóng không cần thiết. 

Thua xa đẳng cấp Việt Nam, tuyển Indonesia chăm chăm 'bỏ bóng, đá người' - 1

Indonesia (áo trắng) nhiều lần phạm lỗi nguy hiểm. 

Bạo lực là lối đá của kẻ yếu thế. Khi không thể chơi sòng phẳng, các cầu thủ có xu hướng dùng bạo lực để bù đắp và giải tỏa.

Cách chơi "chặt chém" bế tắc của Indonesia cho thấy đội bóng này đã gián tiếp thừa nhận sự yếu thế tuyệt đối trước sức mạnh của tuyển Việt Nam, dù HLV Shin Tae Yong khẳng định không chỉ đạo cầu thủ đá như vậy, mà đây là lựa chọn của từng cầu thủ. 

Dù vậy, bạo lực của Indonesia không thể khỏa lấp được cách biệt đẳng cấp giữa hai đội. Indonesia đã làm tất cả để ngăn cản tuyển Việt Nam, song đội bóng áo đỏ vẫn thắng giòn giã. Điều này càng khiến thành quả của Nguyễn Quang Hải cùng đồng đội thêm ý nghĩa, giá trị hơn. 

Bị gây ức chế, nhưng tuyển Việt Nam không trả đũa hay cuốn vào cuộc chiến tay đôi với đối thủ. Các học trò của HLV Park chỉ tập trung chơi bóng, hạn chế những phản ứng thừa thãi. 

Thua xa đẳng cấp Việt Nam, tuyển Indonesia chăm chăm 'bỏ bóng, đá người' - 2

Tuyển Việt Nam chiến thắng bằng thứ bóng đá lôi cuốn và tận hiến. (Ảnh: Hàn Phong)

"Phán quyết của trọng tài là chuyện thường tình trong bóng đá, nên chúng tôi không than phiền nhiều. Tôi không nên có ý kiến về trọng tài. Lối chơi của Indonesia có thiên hướng bạo lực. Nhưng với cương vị HLV trưởng, tôi không muốn nói nhiều về lối đá của họ và trọng tài", HLV Park Hang Seo chia sẻ. 

Bình tĩnh đáp trả bằng thứ bóng đá đẹp đẽ, cống hiến cho thấy tuyển Việt Nam đã thực sự trưởng thành. Bản lĩnh, kinh nghiệm và sự lạnh lùng của đội bóng áo đỏ đối lập với đoàn quân trẻ tuổi và "máu" ăn thua bên phía Indonesia. Thái độ chơi bóng và tinh thần thể thao đôi khi quan trọng hơn nhiều so với vấn đề thắng thua và trình độ. 

Đó cũng là lý do tuyển Việt Nam đã ở rất gần ngưỡng cửa vượt vòng loại thứ hai, còn Indonesia cam chịu đứng cuối bảng với 1 điểm duy nhất sau 7 trận. Các học trò của Park Hang Seo đã cư xử thượng võ và xứng đáng được ngợi khen. 

Hồng Nam
Bài liên quan
Lịch thi đấu và trực tiếp tứ kết U23 châu Á 2024
Lịch thi đấu và trực tiếp tứ kết U23 châu Á 2024, U23 Việt Nam gặp U23 Iraq, trong khi U23 Hàn Quốc so tài với U23 Indonesia.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng yêu cầu "3 tăng cường, 5 đẩy mạnh" trong chuyển đổi số
Thủ tướng yêu cầu ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3 Chiến lược: phát triển Chính phủ số; phát triển kinh tế số và xã hội số; phát triển dữ liệu số. Trong đó, khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2022-2023.
Mới nhất