Thủ tục hành chính về lĩnh vực xây dựng mắc từ luật đến sự công khai, minh bạch

Phương Hoài/VOV.VN | 27/11/2020, 13:00

Hiện nay các vướng mắc của doanh nghiệp khi triển khai dự án liên quan tới thủ tục hành chính là rất lớn, trong đó điển hình là những dự án có công trình xây dựng.

13 thủ tục hành chính được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lựa chọn để thu thập ý kiến đánh giá từ các doanh nghiệp gồm: quyết định chủ trương đầu tư; các thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; thẩm định về phòng cháy chữa cháy; thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; thẩm định thiết kế cơ sở, kết nối cấp điện; cấp thoát nước; thanh tra, kiểm tra về xây dựng; thanh tra kiểm tra về phòng cháy chữa cháy; kiểm tra xác nhận công trình bảo vệ môi trường và đăng ký giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng.

Doanh nghiệp gặp khó nhất là thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng

Khoảng 2.100 doanh nghiệp gồm cả doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI có hoạt động xây dựng mới, cải tạo nhà xưởng trong 2 năm gần nhất đã cung cấp thông tin trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực xây dựng.

Các doanh nghiệp cảm thấy dễ dàng thực hiện các thủ tục hơn khi được trực tiếp làm việc với các “doanh nghiệp” khác. Đó là việc thực hiện các thủ tục cấp thoát nước, cấp điện, làm việc với doanh nghiệp cấp nước và với các công ty điện lực. Tỉ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiến hành 2 thủ tục này lần lượt là 23,6% và 27,9%. Tỉ lệ này thấp hơn so với tỷ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với các thủ tục hành chính còn lại.

Thẩm định phê duyệt về phòng cháy chữa cháy và kiểm tra, thanh tra về phòng cháy chữa cháy là những thủ tục được nhiều doanh nghiệp trả lời khảo sát tuân thủ nhiều nhất trong hai năm qua. Điều đáng chú ý là tỷ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với hai thủ tục này còn khá cao, lần lượt là 38,3% và 34%.

Xếp cao nhất về tỉ lệ doanh nghiệp từng gặp khó khăn là các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lần lượt là 58,4% và 52,2% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện hai nhóm thủ tục này. Kết quả khảo sát cũng cho thấy 38,2% doanh nghiệp chưa hài lòng với hoạt động thanh tra, kiểm tra về xây dựng của các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này có thể do việc thanh tra chồng chéo, trùng lặp về nội dung, đối tượng hoặc cán bộ thanh tra “gây khó dễ” từ góc độ phản ánh của doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, dư địa để tiếp tục cải cách vẫn còn nhiều. Điều tra doanh nghiệp của VCCI cho thấy, cải cách hành chính nếu xét riêng trên từng lĩnh vực cơ bản đã có thay đổi tích cực. Tuy nhiên, những phản ánh của các doanh nghiệp qua các cuộc điều tra, khảo sát và hội nghị do VCCI tiến hành cũng như qua nhiều kênh khác cho thấy, hiện nay các vướng mắc của doanh nghiệp khi triển khai dự án liên quan tới thủ tục hành chính là rất lớn, trong đó điển hình là những dự án có công trình xây dựng.

Vướng mắc từ luật đến tính minh bạch, công khai

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, thủ tục hành chính về lĩnh vực xây dựng là liên ngành và đi qua các sở tại một địa phương. Ở Hà Nội, một dự án trước khi được cấp phép xây dựng phải đi qua các Sở Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch & Đầu tư, Tài nguyên & Môi trường trước khi đến với Sở Xây dựng để xin cấp phép xây dựng. Đường đi của một dự án qua nhiều sở ngành mỗi nơi là hàng loạt các thủ tục.

“Vậy, điểm tắc nghẽn với thủ tục hành chính về lĩnh vực xây dựng ở đâu khiến các dự án khó khăn, chậm triển khai? Không phải ở trên bàn cấp phép xây dựng mà tắc ở đường đi qua các sở ngành. Ví dụ, giai đoạn vừa qua, hàng vạn sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng (condotel, officetel…) được bán ra thị trường nhưng giờ có dự án nào được cấp sổ đỏ không?

Đây đang là vấn đề mà Thủ tướng nhiều lần chỉ đạo các bộ. Hiện Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có văn bản trả lời những vướng mắc trong lĩnh vực của mình nhưng chốt vẫn là đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, những vướng mắc bất động sản nghỉ dưỡng nằm trong Luật Đất đai 2013, chưa sửa luật thì không xử lý được” - ông Đỗ Việt Chiến nói.

Thủ tục hành chính về lĩnh vực xây dựng là liên ngành, không nằm riêng ở một ngành nào và cần tiếp tục được cải cách, sửa đồng bộ hệ thống văn bản pháp quy. Thực hiện công khai quy hoạch được duyệt từ quy hoạch chung, chi tiết, phân khu… theo quy định của pháp luật. Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị được duyệt là cơ sở để cấp phép xây dựng nhưng giờ có bao nhiêu thiết kế đô thị được duyệt công khai, ông Đỗ Việt Chiến đặt câu hỏi.

Người dân xây dựng nhà chắc chắn là phải đến cơ quan quản lý nhà nước tìm hiểu thông tin xem được xây dựng như thế nào. Đây chính là điểm kéo dài thời gian làm thủ tục cấp phép, ông Đỗ Việt Chiến cho biết thêm./.

Bài liên quan
Chi tiết 12 thủ tục hành chính khám chữa bệnh Bộ Y tế vừa bãi bỏ
Thủ tục cấp giấy khám sức khỏe cho người lái xe; Khám sức khỏe định kỳ của người lái ô tô... là những thủ tục trong 12 danh mục thủ tục hành chính bị Bộ Y tế bãi bỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất