Thầy giáo trẻ với "hoài bão" lớn trên đảo Cô Tô

CTV Huyền Chi/VOV-Đông Bắc | 16/11/2022, 14:43

Đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, những giáo viên nơi biên giới hay đảo xa vẫn kiên trì bám trụ, nỗ lực để "ươm mầm xanh" cho đất nước. Thầy Bùi Đức Tiến (sinh năm 1986), giáo viên môn Địa lý tại trường THCS Đồng Tiến, thị trấn Cô Tô, (Cô Tô, Quảng Ninh) là một người như thế.

Sinh ra và lớn lên trên đảo Cô Tô, cậu học sinh trung học Bùi Đức Tiến luôn ấp ủ "hoài bão" sẽ làm gì đó thật cụ thể, thiết thực để bố mẹ, bạn bè và những người xung quanh bớt nghèo, bớt khổ. Năm 2006, Bùi Đức Tiến thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội I.

Khi đó, chặng đường về Hà Nội nhập học của Tiến kéo dài gần hết ngày và tốn kém với đủ loại phương tiện: thuyền đánh cá, xe ôtô khách, xe ôm và cả đi bộ. Ít có thời gian về thăm nhà, Tiến tranh thủ lúc rảnh rỗi đi làm thêm, vừa để trang trải phần nào chi phí vừa rèn luyện tính tự lập. Liên tục có thành tích học tập tốt và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, cậu sinh viên Bùi Đức Tiến vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi đang học năm thứ 4. 

Tốt nghiệp đại học, không như nhiều người lựa chọn ở lại thành phố lập nghiệp, thầy giáo trẻ Bùi Đức Tiến trở về Cô Tô với mong muốn thực hiện "hoài bão" giúp đỡ các em nhỏ trên đảo có điều kiện học tập tốt nhất.

"Ngày xưa được học tôi đã thấy có nhiều thiệt thòi lắm rồi. Đăng ký hồ sơ dự thi cũng là cái duyên, chỉ muốn đi học làm thầy giáo thôi. Đi học chỉ mong được về đảo công tác. Bây giờ tôi có một ước mơ duy nhất là làm sao để cho các em có một cơ hội học tập tốt nhất. Mong muốn các em sau này, một thế hệ tương được học tập tốt để cũng quay trở lại phục vụ cho đảo".     

Hơn 10 năm công tác tại huyện Cô Tô, thầy giáo Bùi Đức Tiến đã nỗ lực không ngừng cho sự nghiệp giáo dục của huyện đảo và từng giành danh hiệu "Giáo viên giỏi cấp tỉnh" năm 2019; Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2019-2020; nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh, huyện Cô Tô và ngành Giáo dục địa phương... Không chỉ làm tốt nhiệm vụ truyền đạt kiến thức về địa lý cho học sinh, thầy giáo Bùi Đức Tiến còn chủ trì nghiên cứu nhiều đề tài khoa học mang tính ứng dụng cao như "Chiết xuất chất Agar từ rong đỏ ở vùng biển Cô Tô tái chế sản phẩm phế thải làm phân bón"; "Phối trộn rong nâu với vỏ tôm làm phân hữu cơ phục vụ bà con nông dân Cô Tô trồng rau an toàn"...

Thầy giáo Trần Văn Bình - Hiệu trưởng trường THCS Đồng Tiến, huyện Cô Tô (Quảng Ninh) cho biết: "Thầy Tiến luôn luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, đặc biệt là trong thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng chí còn là Chủ tịch công đoàn Trường, luôn luôn đi sâu, đi sát, quan tâm đến đời sống của anh chị em cũng như các chế độ chính sách của học sinh, tham gia mọi hoạt động do Trường và Đoàn xã tổ chức". 

Từ năm học 2021 - 2022, ngoài nhiệm vụ đứng lớp tại trường THCS Đồng Tiến, thầy giáo Bùi Đức Tiến được tăng cường cho trường THCS Thanh Lân (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô). Vào mỗi ngày thứ Sáu, thứ Bảy hàng tuần, thầy giáo Tiến sẽ vượt gần chục km đường biển trên con đò gỗ để mang kiến thức đến cho các em nhỏ ở điểm trường trên đảo Thanh Lân.

"Bất tiện nhất là những hôm gió mùa Đông Bắc, nhiều khi sang đó phải ở cả tuần. Thuận tiện thì trưa thứ Bảy về, hôm nào cấm tàu phải đến sáng thứ hai bắt đầu mới về. Nhưng mình thấy điều đó cũng bình thường. Quan trọng học sinh thích học, các con yêu quý thầy là được", thầy Bùi Đức Tiến cho hay.

Sự tận tâm với nghề, nỗ lực truyền thụ tốt nhất kiến thức đến học sinh không chỉ vì trách nhiệm mà còn vì "hoài bão" từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy giáo Bùi Đức Tiến luôn giành được tình yêu thương, quý trọng của học sinh, như chia sẻ của Ngô Nữ Khánh Chi, học sinh lớp 10A1, trường THPT Cô Tô.

"Thầy Tiến là một người rất tâm huyết với nghề. Thầy luôn cố gắng truyền tải những kiến thức của mình đến với học sinh. Ngoài ra, những hoạt động ngoại khóa thầy cũng nhiệt tình giúp đỡ chúng em. Đi thi thầy cũng động viên chúng em rất nhiều. Thầy rất là tuyệt vời", em Chi nói.

Nơi đảo xa, ngày 20/11 cũng đặc biệt hơn khi những người thầy giáo, cô giáo thường nhận được những tấm thiệp xinh xinh tự làm thay vì những lãng hoa đắt tiền; ít tôm cá tươi rói vừa được đánh bắt thay cho những món quà xa xỉ... Dù giá trị vật chất không lớn, đây vẫn là những món quà ý nghĩa nhất, mang theo biết bao tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc của các học trò đối với những người thầy giáo, cô giáo suốt đời tận tụy với sự nghiệp trồng người./.

Bài liên quan
1.000 thầy cô, sinh viên xếp hình trái tim, hoà ca ngày Nhà giáo Việt Nam
Sáng 20/11, trường Đại học Ngoại thương tổ chức kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam với điểm nhấn tiết mục văn nghệ do gần 1.000 sinh viên, giảng viên biểu diễn.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất